11-02-2024 - 01:54

Chùm thơ Tết Giáp Thìn 2024 (P1)

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Giáp Thìn 2024 trân trọng giới thiệu chùm thơ (P1) của các tác giả Trần Hành Sơn, Trần Vũ Thìn, Nguyễn Trung Tuyến, Nguyễn Xuân Long, Phan Trọng Tảo, Võ Thúy Vân, Đoàn Mạnh Phương, Nguyễn Thị Hạnh Loan, Trương Ngọc Ánh, Đỗ Thành Đồng, Phạm Quỳnh Loan, Trang Thanh, Trần Đăng Đàn

TRẦN HÀNH SƠN

 

Ngày xuân trẩy hội qua cầu

 

       Ngày xuân trẩy hội qua cầu

Mang mang cánh én, phau phau cánh cò

       Khói sương vương sóng đôi bờ

Thuyền ai thả một câu hò mênh mang…

       Ta về lễ hội làng Sen

Ta sang đón hội Tiên Điền cầu khoa.

       Trên cầu nhộn nhịp lại qua

Bên ni bên nớ cờ hoa rộn ràng

       Có còn câu ví sang ngang

Bắc cầu “hồng tuyết” Lam Giang dập dìu ?

       Ngày xuân lẩy một câu Kiều

Rằng: Trăm năm lại thêm yêu quê mình…                                              

 

TRẦN VŨ THÌN

 

Bâng khuâng chiều 30 Tết

Tưởng nhớ hương hồn những đồng đội đã hy sinh

 

Chiều 30 thắp một nén trầm hương

Tưởng nhớ bạn bè, anh em đồng đội

Những người lính ra đi, không trở lại

Để có ngày hạnh phúc hôm nay

 

Giọt lệ trào trên khóe mắt cay cay

Gợi nhớ về những tháng ngày gian khổ

Trận đánh cuối cùng, bạn tôi đã ngã

Trước cửa ngõ Sài Gòn 1975

 

Giữa rừng sâu, nơi ấy bạn tôi nằm

Không qua được cơn sốt rừng quái ác

Những mộ gió vật vờ trên sóng bạc

Gạc Ma, Sinh Tồn, Tiên Nữ, An Bang*

 

Tổ Quốc lâm nguy, giặc Bắc, giặc Nam

Máu đồng đội lại thắm rừng biên giới

Những mộ chí, không tên không tuổi

Nhức nhói lòng, bao thế hệ khôn nguôi

 

Chiều 30, trong gió thoảng, hương bay

Những người lính lại nhớ về đời lính

Thầm lặng hy sinh, không hề toan tính

Như nắng trong rừng, như gió trên cây…

 

NGUYỄN TRUNG TUYẾN

 

Tết Trùng Thập

 

Tết xưa hãy còn thơm mùi cốm mới

Thơm gạo lốc, cá rô, thơm rơm rạ tháng mười.

Thả cuốc cày nơi đồng khô ruộng hạn

Về cấy cày trên giáo án, trang thơ

 

Ta bỗng gặp cả hai mùa gió lạnh

Mẹ cóng tay cấy ruộng Bầu Lầu

Ta cấy chữ bao năm đằng đẵng

Trùng thập năm nay sực nhớ lại năm nào.

 

Mười cái trứng...

            những mong đời hoàn hảo

Sấp ngả cuộc đời chạy với thời gian

Mẹ cấy vào đời tin yêu và hy vọng

Ta bấm đốt ngón tay chờ mặc định mùa xuân.

Có khi quên cả tháng ngày ta đang sống

Để ngày tàn lòng lại xót xa

Muốn nhặt chút vãi rơi mùa quá vãng

Tháng mười xưa...

                      không trở lại bao giờ!            

 

NGUYỄN XUÂN LONG

 

Chợ hoa

 

Chợ hoa ngày Tết đông người

Mua hoa mua cả đầy vơi bốn mùa

Thương hoa biết mấy cho vừa

Đã mang lấy nghiệp nắng mưa cũng chiều

Chợ hoa trao gửi lời yêu

Suy trong cốt cách thấy điều thanh cao

Anh khen môi thắm cành đào

Chị ưng mai nở nụ chào làm duyên

Chợ hoa đến hẹn lại lên

Ngày vui hội ngộ lạ quen chào mời

Chơi hoa lời lãi nụ cười

Gói làm gối đệm kê đời thêm xuân

 

PHAN TRỌNG TẢO

 

Dịu ngọt tháng Giêng

 

Tờ lịch mỏng như tiếng chim hót vội

Ngày ngắn hơn một tiếng cười giòn

Thời gian như mũi tên rời khỏi cánh cung

 

Đất trời hợp hôn

Rừng già nụ lá tơ non

Bay về đâu cả một trời chim én

Đồng bãi cỏ cây mùa màng ướt rịn

Tiếng còi xé toang sự trầm lặng thay ca

 

Những con tàu mập mạp vượt đại dương đi xa

Nhịp sóng nối dài nhịp sóng

Thế giới phẳng

Cuộc chơi cũng phẳng

Ta với ta cũng phẳng với nhau

 

Nắng thủy tinh lạnh toát vút qua đầu

Tự dưng không muốn nghe bản tình ca đã cũ

Chẳng ưng xem chiếc lá khô rụng giữa phim trường

 

Cỏ cây phồn thực đòng đòng

Phơi phới hồn hoa ngọt lành gieo hy vọng

Không gian tinh khôi

Cồn cào lay động

Xuân mở lòng dịu ngọt tháng Giêng.

Mùa xuân về - Ảnh: Đậu Bình

 

VÕ THỊ THÚY VÂN

 

Sông quê

 

Gặp lại dòng Lam

trong những câu thơ mình viết

Lãng đãng chiều hè xanh đám mây trôi

Con đò ngang đã bao lần đứng đợi

Mắt trong xanh đôi mi ướt hai bờ.

 

Chiếc võng dài chao ví giặm đò đưa

Mùa nước lũ nước nguồn về chảy xiết

Mang nặng tình người quê tôi thân thiết

Dồi dào trong phù sa...

 

Đã bao năm sông trẻ mãi không già

Bên lở bên bồi hàng tre nghiêng vẫy gió

Nghe ngọt lịm tiếng gọi đò ai đó

Gánh dâu về ươm kén óng vàng tơ...

 

Hôm nay...

ngồi đọc lại mấy câu thơ

Dòng sông ấy chở bóng hình sóng sánh

Có giọng hò đêm trăng lấp lánh

Có tiếng trẻ vui đùa trái chín vườn trưa.

 

Có những con người đi nắng về mưa

Sống chung thuỷ với tình làng nghĩa nước

Bám trụ quê hương như rễ tràm, rễ đước

Với Sông Lam muôn thuở chẳng thay lòng.

 

ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG

 

Nhịp mùa

 

Cất những dấu chân của mùa đông vào lửa.

Xuân rụt rè mua lá để yêu cây

Mùa xuân chẳng cho không gì cả

Lại héo đi từng sợi tóc của ngày

 

Xuân hóa phép em thành thiếu nữ

Buộc vào anh bằng một sợi tơ hồng

Làm mới lại cả tháng ngày cũ kỹ

đặt lên thềm cuống quýt những hồi chuông

Ban mai trút dần dần áo mỏng

đứng trên nhịp mùa chênh vênh

Xuân ti hí,

          mắt nhìn qua lá biếc

Ném vào tim những cái giật mình!

 

NGUYỄN THỊ HẠNH LOAN

 

Trả anh về phía bình minh

 

Ta không còn đợi xuân về

Nỗi buồn rơi vào vực thẳm

Mùa đông đưa anh đi rồi

Từ đây cuộc tình mồ côi

 

Thế thôi đành thế mà thôi

Lời nào bằng lời im lặng

Bao hoàng hôn đợi mặt trời

Mà giờ niềm vui tắt nắng

 

Bao nhiêu môi hôn ngọt lắng

Giờ đành như giấc chiêm bao

Xót xa vừa chạm vào nhau

Đã thành người trong cõi nhớ

 

Trả lại lời yêu cho gió

Trả anh về phía bình minh

Đừng trách mùa đông nghiệt ngã

Câu thơ tiên tri cuộc tình

 

Mai sau còn chút ân tình

Gửi vào biển xanh giữ hộ

Ta vẫn còn bao bình minh

Nếu xa ngàn trùng vẫn nhớ...

 

TRƯƠNG NGỌC ÁNH

 

Nắng xuân trên đảo

 

Người lính bấm chân trên đầu ngọn sóng

Đảo tiền tiêu chớp mắt với bình minh

Những tia nắng quệt ngang họng súng

Lắng trùng dương sóng vỗ giữa tim mình

 

Bóng người lính in trên thềm lục địa

Phía sau lưng là non nước quê nhà

Mùa xuân chín trong thanh bình đất mẹ

Lạnh đường lê cắt sóng khơi xa

 

Tổ quốc linh thiêng chân trời góc bể

Mùa xuân đi trên khói sóng ầm vang

Nước non đập trong tim người lính đảo

Mắt căng như viên đạn đã lên nòng

 

Cánh hải âu theo gió về đất mẹ

Xin gửi quê hương thương nhớ với ngàn trùng

Xuân lính đảo canh trời giữ biển

Cho quê nhà cứ mãi mùa xuân.

 

ĐỖ THÀNH ĐỒNG

 

Gọi mưa

 

Đêm ngồi vuốt ngược tiếng mưa

Tự nhiên thương khóe mắt chưa kịp già

Yêu mưa từ thuở lên ba

Cớ sao nay thấy mưa mà run run

Đêm ru giấc giữa lưng chừng

Nhịp mùa đang giấu cơn rung lỡ thì

Lỡ thì mưa cứ mưa đi

Đất nghèo rồi chẳng còn gì mà lo

 

Mẹ giờ biết có dứt ho

Em giờ đã trở ráo cho con nằm

Quê giờ bạc cả miếng ăn

Và ai giông bão vẫn quằn quại tim

 

Câu thơ ta cứ đi tìm

Tiếng chuông trên núi tiếng chim ngoài đồng

Đời thì sấp ngửa mênh mông

Có nghe được mất tiếng lòng mưa ơi

 

Gọi xuân rách cả chân trời

Có nghe kẽ lá mưa rơi trắng mầm.

 

PHẠM QUỲNH LOAN

 

Lãng đãng xuân

 

Em tôi…

ừ mới hôm qua

Non mơn mởn

mướt cỏ hoa…

lối này...

Thế rồi

ngơ ngẩn sáng nay

Sân rêu

lá rụng

lên đầy ngõ quen

 

Mây lưng lửng

nắng ngủ quên

gió lay phay gió

trơ thềm

xuân rơi

Một tôi

bạn với chính tôi

Một ly

chạm với

một vời vợi thương

 

Ngoài kia

gạo thắp đỏ đường

Lạc tôi

giữa chốn

vô thường vắng em

 

TRANG THANH

 

Cầu mưa

 

Em có theo mưa về cùng ta

tưới ruộng vườn cho mẹ

mùa này khế trổ mắt thu

na bắt heo may

lá rụng đầy ngõ nẻ

 

em có cầu mưa về theo ta

cho dong mật trổ mầm

bụi chuối đơm bông

kịp cái Tết mẹ bày ngũ quả

tay mẹ mềm thơm nấm hương

ấm mùi già thảo quả

 

cuối đông vườn gầy hờn trăng

góc giậu bâng quơ bụi gừng chớm lụi

mẹ hiền buồn một mình

con quốc quốc lẻ đôi

 

còn cái tổ ong bầu lơ lửng mái rui

con ong biết mẹ nghèo

nó hiền khô làm mật

mẹ chăm vườn dâng hoa cho ong bay

 

sớm sớm mây gầy

chiều chiều mây bủng

ráng bão xa xôi mắt trời lừng lựng

âu lo bể tận sương phơi…

Sông La - Ảnh: PV

 

TRẦN ĐĂNG ĐÀN

 

Bên lở

 

Từ dạo ấy rời làng lên phố ở

Có lúc nào em nhớ bến quê không

Thì vẫn vậy bên mình sông vẫn lở

Vẫn bìm bịp kêu con nước lên ròng

 

Sông mải miết đưa nguồn về với bể

Cũng vơi đầy cũng biết nhận và cho

Giữa trong đục mất còn vay trả

Chỉ lòng sông không phản bội bao giờ

 

Nếu không có  bờ sông bên lở

Phía bên bồi sao lắng đọng phù sa .

Phải đi qua dữ dằn của thác ghềnh sông trẻ

Mới lắng dịu êm ở những khúc sông già.

. . . . .
Loading the player...