07-05-2023 - 18:31

Chiều Giang Đình

Tạp chí Hồng Lĩnh số 200 tháng 4/2023 trân trọng giới thiệu bài viết “Chiều Giang Đình” của tác giả Đặng Viết Tường

Giang Đình ở bên bờ hữu ngạn hạ du sông Lam, (còn gọi là sông Cả, rào Rum), con sông lớn nhất xứ Nghệ. Dòng sông hiền hòa chảy về cửa Hội Thống, biển Quế Hải, tức biển Đông thuộc huyện Nghi Xuân, miền đất có bề dày hàng ngàn năm văn hiến.  Khi “trời yên biển lặng”, nước sông Lam xanh biêng biếc, trong vắt nhìn thấu tận đáy. Những ngày nam nắng, gió phơn tây nam thổi mạnh, sông đục ngầu màu đỏ vì chở nặng phù sa về bồi đắp đôi bờ, tạo ra những đồng bằng hẹp, vựa lúa ven sông.       

Từ Giang Đình được hiểu với nhiều ngữ cảnh khác nhau. Địa danh Giang Đình là khu dân cư, nơi sinh sống của dân khắp xứ về chợ Văn (tên cũ của chợ Giang Đình) buôn bán rồi ở lại lập nghiệp. Tầng lớp thợ thủ công làm nghề kim hoàn, rèn đúc, chủ thuyền buôn, chủ phường thực phẩm, hộ buôn bán nhỏ, làm bún bánh, hàng cơm cháo… sống xung quanh chợ. Có câu cửa miệng: “Giang Đình là dân tứ chiếng” là ý nói nguồn gốc người dân Giang Đình từ mọi nơi về đây lập nghiệp. Khu vực dân cư Giang Đình trước năm 1945 được phân bố chủ yếu ở xung quanh chợ Giang Đình vị trí cũ, thuộc làng Tăng Phúc, xã Uy Viễn cũ.

Sau cách mạng tháng 8/1945, địa danh hành chính có diễn biến phức tạp do tách, nhập làng xã. Khoảng thời gian từ cuối năm 1945 đến năm 1954, khu dân cư Giang Đình đổi là thôn Xuân Đình, xã Tiên Uy, sau Tiên Uy đổi tên xã Xuân Tiên. Thôn Xuân Đình có 4 xóm: Lam Giang, Lam Thủy, Lam Hồng và Lam Sơn. Từ năm 1954 đến năm 1989, khu dân cư Giang Đình được chia về xã Xuân Giang. Một bộ phận làm nông nghiệp, tham gia xây dựng hợp tác xã từ những năm 1959. Bộ phận thợ thủ công, buôn bán nhỏ thành lập HTX Sao Mai, sản xuất vôi và HTX Thanh Bình sản xuất chiếu cói. Địa bàn cư trú của bộ phận này chủ yếu ở xóm Lam Giang và Lam Thủy. Người nơi đây thường gọi họ là dân Giang Thủy, để phân biệt với dân Hồng Sơn, hoặc Hồng Tiến. Ngày nay người dân Giang Đình chủ yếu sống ở tổ dân phố 1, 2. Năm 2022, đổi thành tổ dân phố Giang Thủy, thị trấn Tiên Điền. Còn một bộ phận dân Giang Đình đi sơ tán trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ hiện cư trú ở thôn Lam Thủy, xã Xuân Giang.

Bến Giang Đình - Ảnh: Trần Chung

Giang Đình còn có hàm ý chỉ định bến đò Giang Đình và chợ Giang Đình. Bến đò Giang Đình là bến chung của 2 làng Uy Viễn và Tả Ao. Gồm cả đò ngang sang bên làng Yên Lưu, Hưng Hòa, thành phố Vinh, Nghệ An. Đò dọc xuất phát từ bến đi ngược sông lên miền ngược Tam Soa, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố hoặc theo sông Đào, kênh nhà Lê ra miền Bắc hay xuôi dòng xuống Hội Thống ra biển. Bến Giang Đình xưa giống như một thương cảng, có chiều dài khoảng hơn 1 cây số, từ rừng bần đến miệu trên đất xã Tả Ao. Thơ của nhà giáo Nguyễn Tất Minh có câu: “Bến Giang Đình đò khách lại qua”. Chữ “khách” trong thơ vừa có nghĩa “khách” đi đò ngang, đò dọc. Người dân Giang Đình cũng dùng chữ “khách” để chỉ thương nhân người Trung Quốc, Nhật Bản, Ân Độ…đến Giang Đình lập cửa hiệu phố xá, phường Phổ Quán buôn bán. Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, vùng này có một hiệu ảnh, biển hiệu Việt Hoa. Người ta thường gọi là hiệu ảnh ông bà Khách. Bên sông Giang Đình có bến Miệu, bến ông Nhung Bốn, bến Cột Đèn (hải đăng) bến bà Thừa, bến Lò Vôi, bến Cháu Ngung, bến Chợ Đình. Chợ Giang Đình, là một chợ cổ, có từ thời Hậu Lê, do ông Hiến phó họ Đặng lập. Lúc mới lập đặt tên là chợ Văn. Có người giải thích Văn là tên của ông Đặng Hiến phó. Đến đời vua Lê Hiển tông, Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, thân sinh đại thi hào Nguyễn Du đổi tên, gọi là chợ Giang Đình. Chợ ở vị trí thuận tiện, trên bộ dưới sông xe ngựa, thuyền bè tấp nập. Xưa nay, tại đây từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử: Dân 8 tổng tổ chức múa hát, đón rước Tể tướng Xuân quận công Nguyễn Nghiễm về quê trí sĩ. Chợ và bến Giang Đình là nơi đại thi hào Nguyễn Du sáng tác bài thơ “Giang Đình hữu cảm” khi thi sĩ về quê hương Tiên Điền. Sự kiện thực dân Pháp và tay sai hành quyết chí sĩ yêu nướcTrịnh Khắc Lập và bêu đầu trên cây đa trước cổng chợ Giang Đình cũ. Hàng năm vào lễ Vu Lan, chợ là nơi phường hàng thịt và người dân lập đàn chẩn tế cô hồn vào rằm tháng 7 âm lịch. Chợ Giang Đình là nơi tổ chức sự kiện quyên góp “tuần lễ vàng”, “hũ gạo nuôi quân” trong kháng chiến chống Pháp, nơi chiếu phim tuyên truyền quảng bá đời sống văn hoá chế độ mới. Tất cả các sự kiện kể trên đều diễn ra ở khu vực chợ Giang Đình cũ. Đất đai chợ Giang Đình xưa, nay đã thành khu dân cư xóm 10 sinh sống (nay thuộc tổ dân phố Giang Thủy, thị trấn Tiên Điền), khoảng tháng 7 năm 1965, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, chợ Giang Đình phải sơ tán nhiều nơi. Sau năm 1975, theo huyện chủ trương nhập chợ Giang Đình với chợ Xuân Tiên nên chuyển đến xóm làng Nghè, thôn Văn Liêu phía đông bắc vị trí chợ hiện nay.

Bên bờ nam sông Lam, đoạn sông chảy qua đất Giang Đình, nhiều lần sông lở. Đất lở, sạt xuống dòng chảy để lộ nhiều trầm tích văn hóa cổ. Bờ sông lộ ra những chiếc rìu đá mài một mặt, mảnh tước, bàn mài cùng cơ man đá cuội được dùng chế tác công cụ, bình chõ đồ gốm Đông Sơn. Ở đây, các nhà khảo cổ học   phát hiện nhiều mảnh gốm, bình gốm Đông Sơn, gốm sứ, hủ sành Hán - Đường, Lý - Trần và Lê - Nguyễn. Phát lộ một bãi gạch ngói chìm trong đất, độ dày từ 1m – 2m. Chiều dài của bãi gạch ngói ước tính có diện tích khoảng 2 km2. Đất Giang Đình có một bề dày lịch sử lâu đời. Có lẽ vào thời hoàng kim, đã phát triển rực rỡ. Các nhà khảo cổ học dựa vào những hiện vật văn hóa tìm thấy bên bờ sông, khẳng định vùng Giang Đình được hình thành từ lâu lắm rồi, phải có lịch sử hàng ngàn năm nay. Xưa nay mảnh đất này đã từng chứng kiến biết bao nhiêu cuộc dâu bể đổi thay của lịch sử. Từ thời xưa đất Giang Đình có tên chữ: Uy Viễn. Không rõ làng Uy Viễn đất Giang Đình đã từng là hành cung mỗi khi vua chúa về kinh lý xứ Nghệ. Uy Viễn có xóm tên gọi Cửa Triều. Người ta giải thích Cửa Triều có ý nghĩa là cửa thuộc về triều đình. Cư dân nơi đây cho rằng dân xóm Cửa Triều ngày xưa nghèo khó, nhà nào nhà nấy rủ nhau vào núi Hồng Lĩnh cắt tranh săng, lấy củi, gánh về chợ Giang Đình bán làm kế sinh nhai. Cứ “triều triều” (chiều chiều) vợ, con ra đứng ngoài cửa ngóng trông cha, chồng đi tranh về. Vì thế gọi là xóm Cửa Triều, với ý nghĩa ra cửa vào buổi chiều trông đợi cha chồng trở về. Chữ “chiều” người Giang Đình nói chệch thành “triều”. Chiều hôm thì nói là triều hôm. 

Thời xa xưa, không rõ đời vua nào làng xã Uy Viễn với xã Tiên Điền là một đơn vị hành chính cấp cơ sở. Sau đó cũng không rõ năm nào lại tách ra thành lập xã mới, gọi là xã Uy Viễn. Xã Uy Viễn có 3 làng, 4 xóm. Ba làng là Văn Liêu,   Võ Trạch, Tăng Phúc gọi tắt  là làng Văn, làng Võ và làng Tăng. Bốn xóm là xóm Nghè, chợ Đình, Cửa Triều, Chợ Hôm. Sau Cách mạng Tháng 8, xã Uy Viễn hết vai trò đơn vị hành chính. Tên xã Uy Viễn chỉ tồn tại trong não của những bô lão có chữ nghĩa. Các làng Văn Liêu, Võ Trạch và Tăng Phúc cũng  như thế. Làng Tăng Phúc nhập với làng Võ Trạch, lấy tên thôn Xuân Đình. Theo tìm hiểu thôn Xuân Đình có 4 xóm gồm: Lam Hồng, Lam Sơn, Lam Thủy và Lam Giang. Giai đoạn này dân 2 xóm Lam Thủy và Lam Giang, thành lập HTX Sao Mai làm vôi và HTX Thanh Bình dệt chiếu, xã viên sinh hoạt chung, gán ghép, gọi là dân Giang Thủy. Cái tên Giang Thủy truyền miệng trong dân gian thôi.

Làng Tăng Phúc có bến đò Giang Đình, có chợ Văn sau đổi là chợ Giang Đình, có giếng Kẻ cổ, có đền Làng Tăng. Đền thờ vị thần Thành hoàng, hiệu Tăng quận công, Hiệu Hổ oai Đại tướng quân... có công với dân làng. Đó là những dấu tích, di sản cổ vô cùng quý giá. Chứng tích lịch sử cái còn, cái mất nhưng những người yêu quê rất đỗi tự hào. Thật may, nơi đây còn đó cây đa chợ Giang Đình xưa, giếng Kẻ do thầy địa lý Tả Ao lấy mạch và những câu chuyện liêu trai thú vị xung quanh giếng. Xưa dân Tăng Phúc từ nhiều nơi đến lập nghiệp. Theo điều tra điền dã, sớm hơn là các dòng họ Đặng, Trần, Phan, Đinh, Cao, Nguyễn, Võ... Họ Đặng nguyên là hậu thế của cụ Đặng Thế Vinh, Đặng Thế Tài, Đặng Thế Khoa, Đặng Văn, tự Thế Khanh, tước Thiếu bảo Khâm quận công sống đầu thế kỷ 17, lập nghiệp ở các làng Tiên Điền, Văn Liêu, Võ Trạch và Tăng Phúc. Họ Trần là hậu duệ Trần Đoan quận công ở Tiên Điền lập nghiệp. Họ Phan có 2 nguồn. Nguồn thứ nhất từ làng nghề thợ kim hoàn ở huyện Thạch Hà di cư đến làng Tiên Bào, sau đó lên chợ Giang Đình làm ăn. Nguồn thứ 2 từ miền tây Nghệ An theo thuyền buôn về chợ Giang Đình buôn bán rồi ở lại. Họ Cao từ chợ Gôi huyện Hương Sơn về. Họ Nguyễn, họ Võ ở Thạch Hà, Đức Thọ về. Họ Đinh, họ Đoàn chưa rõ từ đâu đến. Những hộ dân ở quanh xóm chợ Đình về sau các họ Đặng, Trần và Phan. Ở quanh chợ Giang Đình là các dòng họ Đặng, Trần, Phan, Đinh, Phạm, Hồ, Nguyễn, Cao, Võ... hành nghề buôn bán. 

Một số hộ dân Tăng Phúc lập đội thuyền lớn, đò dọc, thuê trai tráng làm phu thuyền đi khắp mọi miền đất nước, ngược miền Hương Sơn, miền tây tỉnh Nghệ An. Theo cụ Đặng Ngọc Lương, ở khối Phong Giang, người từng làm phu thuyền đò dọc làm việc cho cố Bá Tuấn kế lại. Ngày xưa bến Giang Đình thuyền, mành tấp nập dưới sông. Thuyền mành từ miền ngược chở lâm thổ sản nâu, mây, giang, chè thang, mộc nhĩ, nấm hương, măng rừng, mảnh. Người dân Tăng Phúc đi thuyền ra Bắc vào Nam theo những con đường giao thương kênh nhà Lê đến tận Kinh Kỳ, Phố Hiến. Những sản phẩm sành sứ từ miền Bát Tràng, Thổ Hà sớm bày bán ở chợ Giang Đình. Người Khách, người Ấn cũng đến giao thương với thương nhân Tăng Phúc. Trên bộ ngựa xe đi lại tấp nập như mắc cửi. Vào thời cuối Lê đầu Nguyễn làng Tăng Phúc nổi tiếng giàu có. Bấy giờ chợ Giang Đình có hiệu vàng bạc của nhà Phan Câu kê, thân sinh bà Phan Thị Minh, mẹ của Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm. Bến Giang Đình được tiến sĩ Bùi Dương Lịch bình chọn một cảnh đẹp trong 8 cảnh đẹp ở huyện Nghi Xuân. Ngày xưa, bến Giang Đình ở làng Tăng Phúc giáp với thôn Xuân Thủy thuộc làng Tả Ao. Bấy giờ làng Tăng Phúc rất trù phú. Điển hình cho sự giàu có của dân Tăng Phúc, dân gian vùng này có câu: " Cụ Cai ba tòa nhà ngói giàu nhất làng" phô trương sự phồn thịch của dân Tăng Phúc.

Các làng Văn Liêu, Văn Tràng, Võ Trạch ngoài việc học, đi thi để làm quan, thi không đậu về làm thuốc dạy học, còn có nghề làm hàng xáo, làm vàng vụn, buôn bán đồng, nghề đúc lưỡi cày, đúc đồng sau này chuyển sang nghề đúc nhôm và đi rú cắt tranh săng, buôn bè khai thác lâm sản ở miền ngược. Hoạt động giao thương ở làng Uy Viễn, Tiên Điền có từ lâu đời cùng với những tên đất, tên làng là di sản vô giá không nên xóa bỏ mà cần bảo tồn.

Tên làng, tên xóm đều được người xưa đặt tên rất có ý nghĩa, chứa đựng biết bao tâm tư, tình cảm của con người đối với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Hễ nhắc đến tên làng, cây đa, giếng Kẻ người xa quê cồn cào nỗi nhớ làng xưa. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, chế độ thực dân Pháp, quân chủ nhà Nguyễn cai trị sup đổ. Làng Uy Viễn lại nhập với làng Tiên Điền. Hoàn thành cải cách ruộng đất, một bộ phận dân cư  Giang Đình tách khỏi Tiên Điền, nhập với làng Tả Ao, Tiên Cầu, lập xã Xuân Giang. Rồi bộ phận dân cư này tách khỏi xã Xuân Giang, nhập với bộ phận ở xã Tiên Điền, thành lập thị trấn Nghi Xuân. Cuối năm 2019 thị trấn nhập với Tiên Điền, đặt tên thị trấn Tiên Điền. Năm 2022, căn cứ vào tên đường phô, tên chợ Giang Đình mới thuộc đất xóm làng Nghè, thôn Văn Liêu, xã Uy Viễn cũ được đặt tên tổ dân phố Giang Đình. Đất Giang Đình nơi có bến Giang Đình, chợ Giang Đình từ thời Lê đến thời hợp tác hóa nông nghiệp thì đổi tên khối Giang Thủy. Sự việc đặt tên có phần tắc trách này đã vô tình xóa sổ địa danh vùng văn hóa có bề dày lịch sử hàng ngàn năm trên quê hương văn hóa.

Đ.V.T

. . . . .
Loading the player...