20-11-2022 - 07:45

CHẾ ĐỘ GIÁO DỤC, KHOA CỬ NHO HỌC THỜI TIỀN HIỆN ĐẠI VỚI ĐẤT VÀ NGƯỜI HÀ TĨNH 

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 11/2022 trân trọng giới thiệu bài viết của Ts. Biện Minh Điền: "Chế độ giáo dục, khoa cử Nho học thời tiền hiện đại với đất và người Hà Tĩnh"

 

CHẾ ĐỘ GIÁO DỤC, KHOA CỬ NHO HỌC

                           THỜI TIỀN HIỆN ĐẠI VỚI ĐẤT VÀ NGƯỜI HÀ TĨNH                                                                                 

         1. Lịch sử giáo dục và khoa cử Nho học Việt Nam thời tiền hiện đại đã có 845 năm, nếu xem chế độ giáo dục gắn với khoa cử (khoa thi đầu tiên được tổ chức năm 1075, dưới thời Lý Nhân Tông; khoa thi cuối cùng, 1919, dưới triều vua Khải Định). Cũng như bất cứ vùng miền nào trên đất Việt, đất và người Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng sâu sắc chế độ giáo dục và khoa cử Nho học (Hà Tĩnh từ 1831, dưới triều Minh Mệnh, mới được tách ra khỏi Nghệ An để lập thành một tỉnh riêng, nhưng người Hà Tĩnh tham gia khoa cử từ sớm)(1). Có thể nói đất và người xứ Nghệ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, là nơi dễ ươm mầm, bén rễ nhất các học thuyết đạo đức – chính trị (hoặc chính trị - đạo đức) mang rõ tính thực tiễn, tập trung hướng về cõi thực trên mặt đất này, trong đó có học thuyết Nho giáo, và kéo theo là Nho học và chế độ khoa cử.

Đã có nhiều học thuyết/ lý thuyết (chính trị, đạo đức, tôn giáo, văn hoá, triết học,…) du nhập vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau. Sức sống cũng như khả năng tiếp biến và bản địa hoá của từng lý thuyết dĩ nhiên cũng khác nhau. Thực ra, không có lý thuyết nào hoàn hảo cả; và nếu có hoàn hảo cũng sẽ gặp bất cập bởi sự vận động, phát triển của thực tiễn và sự vận dụng nó của chủ thể. Về chính trị và đạo đức, có thể thấy có hai lý thuyết dễ bén rễ và phát triển nhất ở Việt Nam, đặc biệt vùng Nghệ Tĩnh, là Nho giáo (thời tiền hiện đại) và Chủ nghĩa Marx (thời hiện đại). Một trong những lý do cơ bản khiến cho nó dễ bén rễ và phát triển nhất là do tính thực tiễn, hướng về cõi sống trên mặt đất của nó. Người Việt nói chung, nhất là người Nghệ nói riêng chú trọng thực tiễn hơn lý thuyết, tỏ ra ưu trội hơn về việc vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, nhất là những lý thuyết “hướng tới cái thực tế, công lợi” (chữ dùng của Nguyễn Tài Thư)(2). Tiếp cận di sản văn hoá, tinh thần quá khứ dân tộc (trước thế kỷ XX), có thể thấy ông cha ta không quan tâm lắm đến vấn đề lập thuyết mà quan tâm hơn đến vấn đề “bứng trồng”, vận dụng các lý thuyết có sẵn (ngoại nhập) nếu thấy nó phù hợp, trên cơ sở đó có cải biến, cách tân, “tái cấu trúc”, “làm mới” nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đất nước/ dân tộc mình. Nho giáo và gắn với nó là chế độ giáo dục, khoa cử Nho học ở nước ta được tiếp nhận, vận dụng với tinh thần ấy.

Bàn chuyên sâu về Nho giáo và Nho học, nhất là Nho giáo và Nho học gắn với đất Nghệ, người Nghệ, có thể thấy các học giả uy tín - cũng là người Nghệ - tiêu biểu như Phan Bội Châu (1867 – 1940), Trần Trọng Kim (1883 – 1953), Cao Xuân Huy (1900 - 1983), Nguyễn Khắc Viện (1913 – 1997), Trần Đình Hượu (1927 – 1995),… là những người có sự quan sát tinh tường, bao quát xác thực và có những kiến giải sâu sắc. Trong số các ý kiến đó, rất đáng chú ý là ý kiến của Trần Đình Hượu khi ông bàn về Nho giáo và chế độ chuyên chế phương Đông; về cái bất biến, đặc biệt là cái “biến dạng” của Nho giáo trong lịch sử qua sự tiếp thu, cải biến của các chủ thể phong kiến Việt Nam; Nho giáo với cơ chế chính trị - xã hội cụ thể; và mô hình hóa nó = chuyên chế + làng, họ + gia đình. Theo ông, Nho giáo dễ gắn bó với cuộc sống nông thôn, dễ xung khắc với đô thị(3)… Hà Tĩnh chủ yếu là nông thôn, đô thị chậm và kém phát triển. Đây chính là một trong những lý do khiến Nho giáo và Nho học dễ bén rễ trên đất Hà Tĩnh, và bén rễ rồi thì có sức sống bền vững (mặt tích cực), dai dẳng (mặt tiêu cực). Cần nhận rõ cả hai mặt tích cực và tiêu cực của chế độ giáo dục và khoa cử thời tiền hiện đại nhằm hướng đến xây dựng một chế độ giáo dục và “khoa cử” hiện đại tốt đẹp, tiến bộ… Tuy nhiên, ở đây, bài viết này (phần I) chỉ trình bày chủ yếu là mặt tích cực.

2. Hà Tĩnh cùng với Nghệ An trước đây có cùng tên chung là Hoan Châu (thời nhà Đinh – nhà tiền Lê), Nghệ An châu (thời Lý, Trần), xứ Nghệ An (thời nhà Hậu Lê, dưới triều vua Lê Thánh Tông), rồi trấn Nghệ An (Gia Long nguyên niên, 1802). Đến năm 1831, vua Minh Mạng chia trấn Nghệ An thành hai tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh. Hà Tĩnh với Nghệ An tuy cùng thuộc văn hoá xứ Nghệ với biểu tượng là núi Hồng - sông Lam và nhiều điểm chung khác, khó tách bạch. Nhưng nếu quan sát kỹ, vẫn có thể thấy những nét riêng của đất và người Hà Tĩnh, văn hoá Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh là vùng đất chịu nhiều thiên tai: hạn hán, lũ lụt, gió Lào, “Kìa gió Lào thổi cong sông Lam”, “Gió Ngàn Hống thổi vênh trời Hà Tĩnh(4) … nhưng đây thực sự là xứ “địa linh” từng được biết đến ngay từ xa xưa trong huyền sử, truyền thuyết về cố đô của một nhà nước Việt Thường Thị,… Trên thực tế, Hà Tĩnh với biểu tượng Hồng Lĩnh – Lam giang (hay Hồng Sơn/ Ngàn Hống) là một vùng đất thiêng với nhiều danh thắng (từng được Hippolyte Le Breton miêu tả trong An Tĩnh cổ lục/ Le vieux An Tinh)(5), có bề dày văn hóa - lịch sử hàng nghìn năm, là nơi giang sơn tụ khí, con người tụ nghĩa, tạo nên một kho tàng di sản văn hóa thực sự phong phú, đa dạng.

Hà Tĩnh với biểu tượng Hồng Lĩnh – Lam giang từng đi vào sử sách, được cảm nhận, soi chiếu từ nhiều góc nhìn khác nhau bởi nhiều cái tên sáng giá: Trần Thế Pháp, Phạm Sư Mạnh, Kiều Phú, Vũ Quỳnh, Lê Thánh Tông, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Khản, Nguyễn Huy Tự, Bùi Dương Lịch, Nguyễn Du, Nguyễn Hành, Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Chú, Nguyễn Huy Hổ, Thiệu Trị, Đinh Nhật Thận, Đào Tấn, Phan Đình Phùng, v.v... Nguyễn Du là người từng nói nhiều, sinh động và thấm thía nhất về xứ sở Hồng - Lam với nhiều biểu hiện đặc thù, biểu trưng chân thực cho văn hoá một vùng quê sơn thuỷ, “nhà tranh”, “cửa tre”, “áo tơi”, “nón rách”, những tên núi, tên sông giàu chính khí, cùng chung một chính khí. Dấu ấn của lịch sử và văn hoá truyền thống hãy còn trên những thành, làng, đền, đình (như Giang Đình là điểm hội tụ của văn hoá tôn vinh người tài, người đậu đạt khoa bảng)... Văn hoá Hồng Lam với biểu trưng là sơn thuỷ như là biểu trưng cho cái bền vững, có thể làm chỗ tựa, khác văn hoá đô thành - như là biểu trưng, chứng tích cho cái biến đổi, khôn lường… Những đặc điểm nổi bật như trên khiến cho bản sắc văn hóa Hà Tĩnh cơ bản vẫn giữ được, không rơi vào tình trạng lai căng, tha hóa khó gỡ. Ký ức về giá trị truyền thống của văn hóa làng ở Hà Tĩnh, trên những nét lớn, vẫn được lưu giữ.

Đất Hà Tĩnh linh thiêng do “trời phú” thì đã đành, nhưng còn do con người biết gìn giữ, tôn tạo. Văn hóa Hà Tĩnh mang đậm bản sắc văn hóa làng của người Việt (văn hóa làng lại gắn liền với văn hóa dòng họ và dòng họ văn hóa). Cư dân Hà Tĩnh chủ yếu sống bằng nông, lâm, ngư, chính vì thế người dân nơi đây luôn luôn khao khát mãnh liệt một sự thanh bình, ổn định, nền nếp. Không chỉ có tầng lớp “tinh hoa”, ngay tầng lớp “đại chúng” thường dân cũng sớm nhận thấy Nho giáo thông qua Nho học mang đến cho họ niềm tin và sự mong đợi ấy…

Xứ Nghệ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng là vùng đất học, là nơi từng xuất hiện đôi câu đối: “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa/ Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”. Đôi câu đối này không rõ xuất xứ từ Nghệ An hay Hà Tĩnh, nhưng riêng ở Hà Tĩnh, hầu như mọi người dân đều xem như là đúc kết của cha ông mình với hai thông điệp cần chia sẻ và lan truyền: Đất nghèo nhưng hiếu học và giàu truyền thống khoa bảng. Phan Huy Chú cũng từng nhận xét về những nét nổi trội của đất và người Hà Tĩnh: phủ Đức Quang (nay là Đức Thọ) có “Phong tục thuần hòa”; “các huyện Thiên Lộc (nay là Can Lộc), Nghi Xuân, La Sơn, Thạch Hà, Kỳ Hoa (nay là Cẩm Xuyên),… đều “thịnh về đường khoa giáp đỗ đạt”; “những người làm tôi có tiếng tốt, đức hiền”(6);… Trên cơ sở của những thành tố ấy, chế độ giáo dục và khoa cử Nho học càng về sau càng được con người Hà Tĩnh hăm hở đón nhận. Và chính chế độ giáo dục, khoa cử Nho học đã đưa lại cho con người nơi đây không chỉ có tri thức mà còn cả ý thức về đạo làm người, về cách ứng xử văn hoá trong các mối quan hệ gia đình, xã hội, và cả cách giải quyết các bài toán của đời sống.

3. Con người Hà Tĩnh nói chung, có đặc điểm: hiếu học, ham học, trung thực, thật thà, tình nghĩa, sống thiên về tình (có lẽ vì thế mà hạn chế về mặt lý); có ý thức thường trực về “phận sự”, luôn biết lo làm tròn “phận sự” của mình; giỏi chịu khó, chịu khổ, chịu đói, chịu rách, vẫn hằng tâm niệm “đói mà sạch”, “rách mà thơm”; khổ có thể chịu được nhưng nhục thì không thể… Người Hà Tĩnh còn biết trào lộng ngay cả với cái đói, cái rách, lắm khi lấy đó làm động lực sống, vượt qua đói rách... Những đặc điểm nổi bật, phổ biến của con người Hà Tĩnh nói chung ấy càng được thể hiện rõ ở các bậc “nhân kiệt” – những con người từng trải nghiệm sâu sắc chế độ giáo dục và khoa cử Nho học, từng có những đóng góp xuất sắc cho lịch sử và văn hoá quê hương, đất nước.

Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919(7) và thống kê của Hoàng Minh Tường(8), Hà Tĩnh có 142 vị đỗ đại khoa (Triều Trần: 01, Triều Lê sơ: 40, Triều Mạc: 03, Triều Lê Trung hưng: 46, Triều Nguyễn: 52). Thực ra, con số 142 vị người Hà Tĩnh đỗ đạt ấy còn thấp hơn trong thực tế... Tuy nhiên, con số nhiều hay ít, không quan trọng lắm. Điều quan trọng hơn là những trường hợp đậu đạt và trở thành “nhân kiệt” có mang nét điển hình của tâm hồn, trí tuệ, khát vọng của con người Hà Tĩnh, có mang tính quy luật của con đường đến với giáo dục và khoa cử Nho học từ đất Hà Tĩnh hay không? Ở hà Tĩnh không chỉ có các cá nhân mà còn có các dòng họ/ làng khoa bảng, tiêu biểu như dòng họ Nguyễn/ Tiên Điền (Nghi Xuân), dòng họ Nguyễn Huy/ Trường Lưu (Can Lộc), dòng họ Phan Huy/ Thu Hoạch (nay là xã Thạch Châu, Lộc Hà) dòng họ Phan/ Châu Phong (Đức Thọ),…

“Nhân kiệt” trưởng thành từ giáo dục, khoa cử Nho học, ở Hà Tĩnh, ngoài các vị khoa bảng lừng danh vốn xuất thân từ tầng lớp “quý tộc”, tiêu biểu như Hà Công Trình (đỗ Hoàng giáp khoa Bính Tuất, 1466), Nguyễn Nghiễm (đỗ Hoàng giáp khoa Tân Hợi, 1731), Nguyễn Huy Oánh (đỗ Thám hoa khoa Mậu Thìn, 1748), Bùi Dương Lịch (đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Mùi, 1787), v.v…, rất cần nói đến các vị vốn xuất thân từ tầng lớp nông dân lao động nghèo khổ, lại ở vùng đất cằn đá sỏi, xa xôi, hẻo lánh. Tiêu biểu như Dương Chấp Trung (đỗ Hoàng giáp, khoa Mậu Thìn, 1448) từng giữ chức Tham chính thừa tuyên sứ, đại lý tự khanh, từng làm tướng, xông pha trận mạc, dẹp giặc; Biện Hoành (đỗ Hoàng giáp, khoa Giáp Dần, 1554) từng giữ chức Thanh hình Hiến sát sứ, với nhiệm vụ trọng đại “Lĩnh Quãng Nam Đạo, Đốc thị”, cũng từng làm tướng, xông pha trận mạc dẹp giặc, bảo vệ Nhà Lê vừa khôi phục (trung hưng), hy sinh vì nước. Cả hai vị đều sinh ra và lớn lên tại những làng quê heo hút của Kỳ Hoa/ nay là huyện Cẩm Xuyên còn nghèo khó (Dương Chấp Trung quê Sài Xuyên, nay là xã Cẩm Minh, hiện còn đền thờ tại Nam Mỹ xã Cẩm Mỹ; Biện Hoành, quê Hoa Duệ, nay thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) đều là những nhân cách, bản lĩnh lớn, có đóng góp xuất sắc cho nhà nước phong kiến thời đại mình. Riêng Biện Hoành, được vua ban cho 500 mẫu ruộng nhưng ông đã không giữ cho riêng mình mà chia hết cho dân nghèo cày cấy, làm ăn. Ông còn chủ động, tích cực tổ chức và động viên bà con nông dân khai hoang, mở đất, lập nên nhiều làng xóm trù phú, yên bình ở vùng đất Hoa Duệ lúc bấy giờ. Sau khi ông mất (hy sinh ngoài mặt trận), Nhà nước phong kiến thời ông truy phong ông là Thượng đẳng Thần (Vị Thần tối cao). Nhân dân nhiều nơi – mà trung tâm là làng Hoa Duệ, Kỳ Hoa lập miếu thờ Quan Nghè Biện Hoành, coi ông là Thành hoàng của làng. Đôi câu đối khắc trước Đền thờ Biện Hoành từ xa xưa, nay vẫn còn (Đền thờ Biện Hoành đã được công nhận là Di tích Quốc gia, năm 2019), đã nói lên điều này:

Tiên triều minh quan sinh tiền trọng

Tạo miếu lưu dân tử hậu truyền

(Sinh thời làm quan thanh liêm được tiên triều trọng vọng

Khi mất, dân lập miếu thờ đời sau truyền mãi).

Dấu ấn tích cực của giáo dục và khoa cử Nho học từ hai vị khoa bảng xuất thân là nông dân lao động nghèo khổ hãy còn được khắc ghi trên miếu, đền của họ. Điều quan trọng hơn là dấu ấn ấy từng được khắc ghi trong lòng người dân nơi đây qua nhiều đời, hàng trăm năm. Người dân coi họ là những tấm gương, lấy đó làm niềm tự hào và động lực phấn đấu, vươn lên…

Khác với bậc “nhân kiệt” của Hà Tĩnh - các vị khoa bảng xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo khổ và còn ít được biết đến (tiêu biểu như Hoàng giáp Dương Chấp Trung và Hoàng giáp Biện Hoành vừa nêu trên), là bậc “nhân kiệt” - các nhà khoa bảng xuất thân từ tầng lớp “quý tộc” đã được nhiều người biết đến, tiêu biểu như Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), Nguyễn Thiếp (1723 - 1804), Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791), Nguyễn Du (1765 – 1820), Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), Phan Đình Phùng (1847 - 1896), v.v… Đây là những nhân vật từng là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn. Hai kiểu “nhân kiệt” có thành phần xuất thân khác nhau bổ sung cho nhau, tạo nên mẫu hình của kiểu “nhân kiệt” đất Hà Tĩnh trưởng thành từ chế độ giáo dục, khoa cử Nho học với những nét riêng độc đáo.

Kiểu “nhân kiệt” xuất thân từ tầng lớp “quý tộc” lại có thể phân thành hai loại theo sự đỗ đạt của họ. Tiêu biểu cho người đỗ đạt ở bậc cao, có thể kể đến Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), quê làng Trường Lưu, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay là xã Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh). Ông từng đỗ đầu khoa thi Hương lúc mới 20 tuổi, đỗ Đình nguyên Thám hoa lúc 36 tuổi; từng giữ nhiều chức vụ cao trong triều đình (Hữu thị lang bộ Công, Hữu thị lang bộ Lại, Tán lý quân vụ, Tả thị lang bộ Lại, Thượng thư bộ Hộ), từng từ chối chức Tham Tụng/ Tể Tướng, cáo lão về quê mở trường dạy học, soạn sách, lập Thư viện Phúc Giang, từng đào tạo nhiều người đỗ đạt. Ông là người từng “lên giảng đường khơi mở những điều cao sâu nghìn năm của đạo học”, đề cao đạo học, đạo làm người với tư tưởng sống và ứng xử theo yêu cầu, chuẩn mực của “Đạo”; nỗ lực không biết mệt mỏi đưa tư tưởng ấy vào thực tiễn đời sống không chỉ cho một dòng họ có truyền thống khoa bảng hiếm có(9) mà còn cho cả cộng đồng quê hương, xứ sở.

Khác với Nguyễn Huy Oánh đậu đến Thám hoa, các vị: Nguyễn Thiếp, Lê Hữu Trác(10), Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, vì nhiều lý do (chủ yếu là do khách quan), chỉ thi đến tam trường. Đường mây “rộng thênh thênh cử bộ” nhưng chủ yếu vì những trở ngại khách quan (xã hội loạn lạc, thời đại điên đảo, “thương hải tang điền”), phải dừng lại ở “tam trường”/ “tú tài”, nhưng tất cả họ về cơ bản đều chấp nhận chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thời đại mình, đều không có gì nuối tiếc oán thán với con đường cử nghiệp, thậm chí còn nhận thấy “nợ cầm thư”, “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”… Điều quan trọng đáng nói hơn cả là dẫu chỉ thi đến tam trường và đậu tú tài, nhưng họ đều thực sự trở nên là những bậc “nhân kiệt”, những đỉnh cao nổi trội trong lịch sử văn hoá, văn học Việt Nam: La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp - một người thầy mẫu mực, một quân sư lỗi lạc, một nhà thơ lớn; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – bậc đại danh y, nhà văn lớn, nhà văn hoá kiệt xuất; Nguyễn Du – danh nhân, thi hào với một một sự nghiệp văn học có giá trị xuyên thời đại; Nguyễn Công Trứ - một mẫu hình kẻ sĩ - người trí thức tự nhiệm, sáng tạo, dấn thân, cống hiến, Vũ trụ chi gian giai phận sự; Nam nhi đáo thử thị hào hùng

Thực tế cho thấy, bậc nhân kiệt của Hà Tĩnh, dẫu xuất phát từ thành phần nào và đỗ đạt ở cấp nào (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Tiến sĩ, Cử nhân, Tú tài), hầu hết các vị, từng vị đều làm tròn phận sự của mình dù ở tư cách nào (trí thức, quan chức, tướng lĩnh, binh lính)... Và rất thú vị là các vị, từng vị đều thực sự trở nên là trung tâm văn hoá, giáo dục của một vùng, có sức lan toả uy tín và ảnh hưởng tích cực đến nhiều người. Đây là bài học kinh nghiệm quý cho hậu thế và người trí thức hiện đại ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường dùi mài kinh sử với chương trình và các thứ vốn (văn hoá, tri thức, kinh nghiệm, ứng xử,…) được trang bị, rèn luyện.

4. Chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thời tiền hiện đại với đất và người Hà Tĩnh, xét từ mối quan hệ hai chiều, có thể thấy dường như không có những xung khắc dẫn đến những bi – hài lẫn lộn. Về cơ bản, hai bên tác động vào nhau, ảnh hưởng nhau theo hướng tích cực. Con người Hà Tĩnh, nhất là bậc “nhân kiệt”, vốn đã sẵn căn tính của kẻ sĩ, “thầy đồ Nghệ” (cá tính, bản lĩnh, tự nhiệm, tự trọng; tài gắn với tâm; khéo léo trong giải quyết các mâu thuẫn xung đột, nhất là với giới cầm quyền) trên cơ sở lấy lẽ phải và lợi ích của nước - của dân làm trọng, tiếp cận với chế độ giáo dục và khoa cử Nho học, các phẩm giá ấy càng được củng cố vững chắc. Nguyễn Thiếp (trong quan hệ với Quang Trung Nguyễn Huệ), Lê Hữu Trác (trong quan hệ với nhà chúa Trịnh), Nguyễn Du (trong quan hệ với Gia Long), Nguyễn Công Trứ (trong quan hệ với Tự Đức), Phan Đình Phùng (trong quan hệ với vua Hàm Nghi và Chiếu Cần vương),… mỗi người một kiểu ứng xử nhưng kiểu ứng xử nào cũng rất đáng nể trọng, đáng cho hậu thế học tập.

Chế độ giáo dục và khoa cử Nho học có công lớn trong khơi gợi, bổ sung, bồi đắp cho con người Hà Tĩnh tinh thần hiếu học, ý thức về lẽ sống, đạo làm người qua hệ thống khái niệm, phạm trù có giá trị mang tính bền vững của nó, nhất là các khái niệm: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín (ở đây cần nhận rõ biện chứng của các khái niệm giá trị với những bất biến và khả biến của nó).

Cũng từ chế độ giáo dục và khoa cử Nho học, con người Hà Tĩnh càng có ý thức hơn về cái giá của trật tự - nề nếp - tôn ty, và nghiêm túc vận dụng nó vào các mối quan hệ gia đình, dòng họ, cộng đồng và xã hội. Cho đến nay, người dân Hà Tĩnh vẫn hứng thú truyền nhau quan niệm của Nguyễn Công Trứ: “Không quân thần, phụ tử, đếch ra người” (cần hiểu biện chứng của quan niệm này về tính tất yếu, cần thiết của một logic tôn ty - trật tự - nền nếp). Họ không chấp nhận một thực thể “thể chế” (dẫu ở cấp độ nào) mà “trật tự” của nó bị đảo lộn, “cá đối bằng đầu”, “vô chính phủ”. Yêu cầu “vua ra vua”, “tôi ra tôi”, “thầy ra thầy”, “trò ra trò”, “cha ra cha”, “con ra con”, “chồng ra chồng”, “vợ ra vợ”,… vẫn có giá trị bền vững của nó ngay trong thời đại dân chủ, bình đẳng, tự do hiện nay.  

Ý thức về “phận sự” của từng con người, từng cá nhân trong các lĩnh vực hoạt động và đời sống cũng là một đặc điểm nổi bật của con người Hà Tĩnh. Không thể phủ nhận vai trò của giáo dục và khoa cử Nho học trong việc hình thành, di dưỡng đặc điểm này. Con người “phận sự” là con người có ý thức về tư cách, vị thế của mình, chăm lo làm tròn phần việc của mình. Giải nguyên Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) và Đình nguyên Phan Đình Phùng (1847 - 1896) là những người có quan niệm độc đáo, giàu sức hấp dẫn, thuyết phục về phạm trù “phận sự” và “con người phận sự”. Có thể tìm thấy ở đây nhiều điều thú vị và bài học có ý nghĩa…

Chế độ giáo dục và kh Nho học thời tiền hiện đại với đất và người Hà Tĩnh dĩ nhiên cũng có mặt trái và những điểm tiêu cực của nó…

                                                                     Vinh, 23.9.2022

        Biện Minh Điền

__________________

(1). Có thể xem Đào Tiêu (có tài liệu viết là Đào Thúc, Đào Dương Bật; năm sinh, năm mất: chưa rõ), người Yên Hồ, huyện Đức Thọ (vốn quê gốc ở Phủ Lý, Đông Sơn, Thanh Hoá), đậu Trạng nguyên, khoa Ất Hợi/ 1275, là vị khai khoa của Hà Tĩnh.

(2).Nguyễn Tài Thư, “Một số đặc trưng cơ bản của Nho giáo Việt Nam”, Tạp chí Triết học, số 9 (220), tháng 9 – 2009.

(3). Xin xem Biện Minh Điền, “Dấu ấn Trần Đình Hượu trong nghiên cứu Nho giáo và ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn hoá, văn học Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Xã hội & Nhân văn Nghệ An, số 4/ 2015; in lại trong Trần Đình Hượu và nghiên cứu Nho giáo Việt Nam hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020, tr. 106 – 112.

(4). Gió Ngàn Hống, thơ Trần Mạnh Hảo.

(5). Hippolyte Le Breton, An Tĩnh cổ lục (Le vieux An Tinh), Nxb Văn hóa thông tin và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2014.

(6). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Sử học, Hà Nội, 1960, tập 1, tr.55.

(7). Ngô Đức Thọ chủ biên, Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919, Nxb Văn học, 2006.

(8). Hoàng Minh Tường, “Giáo dục và khoa cử Hà Tĩnh dưới thời phong kiến”, http://www.vanhoanghean.com.vn/ dat-va-nguoi-xu-nghe/dat-nuoc-xu-nghe/3009-giao-duc-va-khoa-cu-ha-tinh-duoi-thoi-phong-kien.

(9). Dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu (nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) từ giữa thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX, liên tục 12 đời, có nhiều người học hành đỗ đạt. Dưới hai triều Lê, Nguyễn, có 32 vị đỗ Hương cống (Cử nhân), nhiều người là Sinh đồ, Nho sinh, Hiệu sinh. Đời thứ 10, có hai vị đại khoa (Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh). Đời thứ 11, có Hương cống Nguyễn Huy Tự được đặc ban Tiến triều ứng vụ, liệt ngang Tiến sĩ. Các đời sau cũng có nhiều người học hành, một số người lọt vào Nhị, Tam trường (Các tác giả dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu – Cuộc đời & tác phẩm, Nguyễn Huy Mỹ chủ biên, Nxb Lao động và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2012; tr.5).

(10). Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 – 1791) tuy sinh ra và lớn lên tại quê nội (Hưng Yên) nhưng từ 1746 ông về sống và hoạt động tại quê mẹ (Hương Sơn, Hà Tĩnh); và điều quan trọng hơn là ông gần gũi với đất và người Hà Tĩnh, như là con người của Hà Tĩnh, thực sự mang những đặc điểm của con người Hà Tĩnh

. . . . .
Loading the player...