01-02-2024 - 02:11

Bút ký THƯƠNG NHỚ TẾT QUÊ của Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Giáp Thìn (209+210) năm 2024 trân trọng giới thiệu Bút ký THƯƠNG NHỚ TẾT QUÊ của Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc

          nguyễn minh ngọc

thương nhớ Tết quê

                                                                                          Bút ký

Quê nội của tôi ở làng Quang Dụ, xã Đức Quang, vùng đất lụt, xửa xưa thuộc huyện La Sơn. Cái mảnh làng lở bồi trồi sụt đính bên bờ sông Lam phía hữu ngạn. Khi nói điều này, lắm người tỏ ý ngạc nhiên hỏi, sông La chứ sao lại sông Lam? Dạ không nhầm đâu ạ. Bởi tôi được mẹ sinh ra ở đó và có cả một tuổi thơ tơi bời trong bom rơi đạn vãi của không quân Mỹ, thời chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Nhiều người nhầm cũng phải, bởi các xã thuộc huyện Đức Thọ ở ven sông đều nằm dọc triền đê La Giang, qua bến Tam Soa, ngược lên Ngàn Sâu. Làng tôi neo ngay dưới ngã ba Phủ, là nơi dòng La và dòng Lam hợp lưu trước khi xuôi về Hội Thống. Bên tả ngạn, lừng lững Rú Thành soi bóng nước. Trên đỉnh núi vẫn còn đó dấu tích thành Trương Phụ, viên bại tướng giặc Minh, thế kỷ XV.

Ngày trước, chưa có giếng khơi, dân làng vẫn quẩy thùng gánh nước sông Lam về ăn, uống. Tắm rửa, giặt giũ, thảy đều ra bến sông. Một người trong tộc họ nhà tôi, đó là Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Đô Lương được nhắc đến trong bài “Gửi sông La” của nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh. Bài thơ đã hay lại được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc, chắp cánh bay xa, càng thêm nổi tiếng. Thế nên, sự nhầm lẫn không có gì lạ.

Xã Đức Quang vốn trước có ba làng, nhưng chỉ độc làng tôi với xã Đức Vịnh (quê hương nhà lý luận phê bình Hà Xuân Trường) là nằm trọn bên bờ sông Lam. Vùng ngoài đê, mỗi năm phải hứng chịu nhiều trận lụt. Những khi ấy, con sông trở nên hung hãn đến khiếp, nước bạc băng hà băng hải, tưởng đâu cả làng sẽ bị cuốn phăng ra biển. Bình thường thì mặt sông phẳng lặng, chấp chới những cánh buồm nâu lướt giữa dòng xanh biếc tựa màu da trời. Sông tải phù sa, tạo nên cánh bãi ngờm ngợp tốt tươi. Làng tuy không có ruộng liền thổ, nhưng đất đai thì quả như miếng tóp mỡ, mùa nào thức ấy. Nào chanh, cam, bưởi, quýt, nhãn, hồng… Đáng kể nhất là giống chanh hoàng niên, quả to, vỏ mỏng, nước mọng, chao ôi thơm. Khắp làng, ê hề ngô khoai, đậu lạc. Xanh ngát những bờ tre, bãi mía. Lạc cúc và lạc sen, cứ mượt mà, bời bời như hoa.

Cữ heo may giáp Tết, cả làng chộn rộn vào mùa kéo mật. Các làng ven sông đều trồng mía, cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy đường Sông Lam ở ngay dưới chân Rú Thành. Từ khi nhà máy trở thành mục tiêu hủy diệt của tàu bay Mỹ, sản xuất tê liệt thì nơi nào trồng mía đều phải tìm cách tự giải quyết. May thay, làng tôi vẫn còn nhiều nhà giữ được bộ che gỗ trường, rồi thùng lóng, và chảo năm, chảo bảy bằng gang tốt nguyên, cất kỹ, giờ được khui ra xem chừng đắc dụng. Hối hả làm lán, dựng che, chặt mía khuân về, cho trâu thay nhau kéo liên u liên minh. Ban đêm chỉ cần không để lộ ánh lửa ra ngoài là được. Đường làng, ngõ xóm ngập trắng bã mía, từng bầy ong và đàn nhặng xanh bay lắc lư, không gian như được ướp bằng mùi mật nưng nức, cảm giác trên tóc và áo quần lúc nào cũng dấp dính. Tiếng mõ che ngân dài lên bổng xuống trầm, du dương khi đêm về giá lạnh. Hễ người cầm che xướng lên “Nàng rằng: Phận gái chữ tòng. Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”. Lập tức người hốt bã mía phía sau che, thường là phụ nữ, hiểu ngay, sắp kiệt cùng một lượt mía rồi. Liền đặt lạt cột bã thành bó để lôi ra ngoài lán. Lạ một điều, xưa nhiều người làng không biết mặt chữ, nhưng lại gần như thuộc nằm lòng hơn ba ngàn câu Kiều. Cứ người trước biết rồi truyền khẩu cho người sau ngâm ngợi mà thành. Chỉ những dịp cuối năm ngồi kéo mật, thì dân làng mới hứng thả Kiều và khơi dậy nỗi niềm của nàng chinh phụ, tùy theo tâm trạng của mỗi người. “Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy. Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu. Ngàn dâu xanh ngắt một màu. Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”.

Nhưng không phải ai cũng có thể ngồi cầm che và biết cách nấu mật. Chỉ những người giỏi cầm cày, cả đàn ông lẫn đàn bà, thì mới thạo và đủ can đảm ngồi cầm che đút mía, xoắn bã. Bởi nếu lóng ngóng sau khi lắp mõ, sẽ không biết cách chắp nối đống bã vụn sao cho đều. Nặng quá, che nghẹn ằng ặc, khiến trâu kéo bễ vai, nhẹ hều thì không kiệt hết nước. Đã có người bị nát tay do vụng về khi cầm che rồi. Làm ra được giọt mật như ý quả lắm công phu. Mẹ tôi bảo, trồng mía là nghề xát xương, con ạ. Cực, nhưng dẫu sao còn có đồng ra đồng vào. Ba ngày Tết, ngoài các thức ra, có thêm bánh bột nếp ngào mật, màu sậm, dai giòn. Rồi kẹo lạc, chè kê, chè đậu… tất cả lấy mật mía làm dậy.

Tới khi nghề trồng mía, nấu mật lụi tàn thì càng về cuối năm, người lớn thường lo đến bạc mặt. Dần dà tôi mới thấm câu nói: “Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo”.  Không hiểu sao cái ngày ấy mùa đông chừng như dài hơn thì phải? Thời tiết trở nên hanh hao, cóng rét, thất thường. Mưa rắc rây, lây nhây, đường sá trơn như xối mỡ. Vòm trời u ám, xám ủng. Cây cối thi nhau trút lá, hàng thầu đâu chỉ còn trơ lại những cành khẳng khiu, gầy guộc, khẩn cầu. Cứ sau mỗi trận lụt, thì su hào, bắp cải, rau diếp, cải thìa, cải củ, hành ngò… mướt mát xanh, bất chấp giá lạnh. Rồi gió mùa đông bắc tràn về, lạnh tái tê, rét từ trong ruột cuộn ra. Có manh áo tấm quần cũ vá chằng, vá đụp người ta cũng mặc, bởi vải càng dày thì càng ấm. Ngắm chiếc áo bông chần ô quả trám, cũ sờn, bợt bạt của người già, mới thấy thương, thấy tội. Vậy nhưng đâu phải dễ ai cũng có. Hễ ra đường là gặp tùm hum áo tơi dày cộm để khỏi bị gió xô ngã. Những cặp chân trần mốc thếch như da rắn, tóp teo lồ lộ trong làng, ngoài ruộng. Có lẽ đó là những nét không thể giấu vào đâu của một thời khốn khó, đói ăn, thiếu ấm. Đúng là bụng đói thì cật rét. Khi ông “anh ruột” lép kẹp, thì chừng như giá lạnh càng được thể hoành hành ác liệt, ngồi đâu cũng thấy co ro!

Quanh năm, thức ăn chủ lực là “dưa, cà, nhút”; còn mặc thì phong phanh, nên lũ trẻ quê tôi thời ấy chỉ ngóng mỗi dịp nhà có giỗ chạp hay Tết đến. Vì những lúc ấy nếu không được chén “thả ga”, thì chí ít cũng có chút chất tươi, thêm miếng thịt, cá, ấm chân răng. Và cảm thấy đời sướng đến vậy. Ấy là cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thì nghĩ thế, có biết đâu để có được một cái tết đúng nghĩa thì mẹ tôi đã phải lo đến thắt cả ruột gan. Thành thử năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu tháng Chạp, mặc dù đương bận rộn cắm mặt ngoài đồng xa, lo cấy đuổi cho xong vụ đông xuân, rét cóng tay chân, bầm tái, nhưng về đến nhà, thấy mẹ ngồi thừ ra trên bậu cửa, mắt nhìn xa xăm, đăm chiêu nghĩ ngợi.

Để có được một cái Tết tươm tất thì mọi thứ phải được chuẩn bị từ sớm theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”. Ăn nhau ở vai trò bà nội tướng - nhạc trưởng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Thế nên, từ độ giêng hai, lắm gia đình đã tính chuyện nuôi lợn, gây đàn gà, vịt, vừa để có thực phẩm tươi sống cân nộp “nghĩa vụ” trong năm và lấy công điểm, đến mùa vụ thì nhận vài chục cân thóc. Thể nào người ta cũng phải chọn một chú ỉn dành để vỗ béo, sau ngày tiễn Táo quân chầu giời trở đi, thì hàng xóm mấy nhà bàn nhau đụng lợn, ngả thịt để gói bánh, nấu đông, lấy chân giò ninh măng miến… làm cỗ Tết. Nhưng sướng nhất trần đời là được thưởng thức món tiết canh cắm tăm không đổ, lòng dồi, món luộc nóng sốt, làm cút rượu nếp nút lá chuối, đưa cay, khép lại một năm tất bật lo toan.

Lắm hộ nuôi gà còn phải cắc củm mang bán kiếm chút tiền còm, sắm sanh các thứ khác chứ. Ai giỏi, khéo vỗ được cặp gà trống thiến béo mầm, thì có thể yên chí lớn. Vừa có gà cúng tất niên, vừa có món thịt nấu đông chén không ngán. Ngoài ra, ai siêng thì nhủi thêm mớ tôm, tép, mớ cá vụn ngoài đồng; xách nơm kiếm mớ cá rô, cá trắm, hay vài con diếc, con tràu, hoặc thả ống trúm kiếm ít lươn nữa, ba ngày tết coi như khá tươm tất rồi.

Quanh năm sống dưới tầm bom rơi đạn vãi, thú thật chả mấy ai dám nghĩ sẽ đón năm mới thế nào. Bởi sinh mạng của con người mong manh lắm, chỉ cần nghe tiếng gầm rú của máy bay phản lực Mỹ thôi, ngồi dưới hầm kèo chữ A hay đường hào giao thông, lắm người hồn vía treo ngược cành cây. Ai cũng chỉ cầu mong được bình an là đủ. Nên chi cái việc tết nhất bị hạ xuống hàng thứ yếu. Nhưng nói gì thì nói, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì dân làng tôi khi đó cũng không ai viện cớ dám phó mặc rồi bỏ bê chuyện hệ trọng. Bởi Tết Nguyên Đán là dịp khép lại năm cũ, mở đầu cho một năm mới. Nên bao giờ nó cũng hết sức thiêng liêng và in đậm trong tâm thức mỗi người, cho dẫu họ có ở tận chân trời góc biển nào đi chăng nữa! 

Có điều, nỗi lo cơm áo luôn đè nặng lên đôi vai của phụ nữ, các bà nội trợ toan tính. Này nhé, ngoài phần “cứng” là khoản cây con “nhà trồng được” thì mỗi lần đi chợ phiên, mẹ tôi thường khởi động việc tích cóp hàng tết dần từ độ tháng Mười âm lịch, chứ không đợi vô một chạp mới mua. Người cứ lẳng lặng sắm dần. Có khi gồng một gánh rau, củ, quả trĩu trịt ra chợ, chỉ thu được một nắm tiền lẻ nhàu nát, chả dám mua đồng quà tấm bánh cho con, nhưng bao giờ cũng nhớ liễn trầu xanh với mấy quả cau và khúc rễ chay về cho mẹ chồng. Mua sớm, dễ lựa chọn mà giá cả lại mềm hơn chút đỉnh. Từ ít măng khô lưỡi lợn, đến bó miến dong, rồi nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu… Kiến tha lâu cũng đầy tổ. Đến giữa tháng Chạp, khi mọi thứ đã hòm hòm đâu vào đấy, mẹ tôi vẫn còn lẩm nhẩm kiểm đếm xem còn thiếu thức gì để bổ sung trong phiên chợ cuối năm. Chỉ lựa mua vài bó lá dong với ống giang chẻ lạt gói bánh, gói giò, thêm ít hương trầm nữa là đủ.

Kiểu gì, thì ba ngày Tết cũng phải có nồi măng hầm chân giò, đây là món chủ lực. Sau khi mổ lợn, có thịt làm nhân, ướp gia vị xong, mẹ tôi hông đậu xanh lòng rồi lấy ra vo từng nắm tròn nhỏ, còn cha tôi trải nong ra giữa nhà gói bánh chưng. Chẳng cần khuôn, ông cứ gói bộ, vậy mà mười chiếc như một chục, thảy đều vuông thành sắc cạnh và chắc khừ. Xếp từng chồng nom đến là thích mắt. Bao giờ, ông cũng gói thêm một vài cái bé tẹo, gọi là bánh “đầu đày” dành cho lũ trẻ chầu rìa được nếm ngay khi nồi bánh chín. Chập tối hăm chín thì kiếm ba hòn đá to, quây chắn gió rồi chất củi gộc, nhóm bếp, bắc nồi bánh chưng, luộc giò. Lửa hực suốt đêm, cánh đàn ông thay nhau canh nồi bánh sôi ùng ục, vừa để châm nước thêm, vừa gạt than bắc ké nồi măng ra bên cạnh. Có khi giải chiếu tụm nhau uống chè và chơi tú-lơ-khơ để giết thời gian. Đun tới canh ba thì rút bớt củi, chừng hơn một tiếng sau mới được vớt bánh. Đem nhúng nhanh vào chậu nước sạch, lấy ra xếp lên bàn, kiếm miếng ván đậy lại, rồi đem chất cối đá hay vật nặng bên trên để ép cho bánh cho róc nước, có vậy thì bánh chưng mới rền. Chiều 30 đã có bánh sắp lên bàn thờ gia tiên, cúng tất niên. Cái nếp ấy, thời yên hàn hay cả lúc giặc giã chiến tranh vẫn vậy.

Gói bánh chưng đi liền với giã giò để kịp bắc nồi luộc. Món này chỉ đàn ông lực lưỡng, khỏe tay mới làm nổi. Thịt nạc sau khi lọc hết mỡ, thái quân cờ cho vào cối đá, rắc tiêu, rồi quết. Hai tay, hai chày gỗ, cứ thi nhau giã phùm phụp liên hồi kỳ trận, tới lúc thịt nhuyễn sánh, dẻo mệt thì dừng. Véo một chút đưa lên mũi, ngửi mùi thơm là được. Làng tôi, khi giã giò, nhiều nhà vẫn thường gia thêm chút bột nếp hoặc bột gạo trộn đều, để khi quết thịt tăng thêm độ dẻo, độ dính. Có một dạo, tôi cứ thắc mắc, nghĩ hay tại quê mình nghèo nên độn thêm bột vào giò cho nhiều chăng? Tôi lấy làm lạ, hỏi thì cha tôi lắc đầu bảo không phải như con nghĩ đâu. Đói no chi cũng ba bữa Tết, chẳng lẽ ngả cả con lợn vài chục cân, lại thiếu thịt hay sao? Và kỳ lạ, khi cầm miếng giò mịn màng đưa lên miệng nhấm nháp, đọng lại nơi cần cổ, có đủ dư vị thơm, bùi, béo ngậy... và dai. Thời ấy đã làm gì có tủ lạnh, tủ đông, một cây giò nếu biết cách bảo quản vẫn có thể ăn được cả tuần mà không hề giảm hương vị. Hóa ra mỗi nơi người Việt bất kể giàu nghèo đều có một bí kíp riêng trong nghệ thuật ẩm thực.

Nhiều nơi có tục chặt tre dựng cây nêu. Làng tôi cũng không ngoài thông lệ ấy. Ba ngày Tết, nam thanh nữ tú chơi đu quay, ném vòng cổ vịt, hát hò đối đáp… Lũ nhóc, con trai mê đánh đáo, túi rủng rỉnh những đồng xu. Đám con gái xúng xính quần áo mới, rủ nhau xem hát, xem hội. Ngày nay, kinh tế khấm khá, đời sống gấp bội lần xưa, tiếc là nhiều trò chơi dân gian cứ dần mai một. Quê hương không còn đóng khung trong quan niệm cũ là nơi chôn rau cắt rốn nữa, mà ở đâu “đất lành chim đậu” thì ở đấy chính là quê mới.

Huyện Đức Thọ trước có 40 đơn vị hành chính, nay người xiêu tán khắp nơi, cư dân mỏng, địa bàn rộng, nên trên chủ trương nhập 2 - 3 xã thành một, để giảm bớt đầu mối. Hai xã Đức Quang và Đức Vịnh sáp nhập thành xã mới Quang Vĩnh rồi. Và nỗi niềm đau đáu trong tâm tưởng các bậc lão niên, mỗi khi Tết đến xuân về, là mong mỏi con cháu đi ra bằng anh bằng em, song le không được quên nguồn cội, không quay lưng với nếp của ông cha…

                                                                                            N.M.N

. . . . .
Loading the player...