24-08-2022 - 07:55

Bút ký NGÀY MỚI TRÊN CAO NGUYÊN của MAI NAM THẮNG

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5-9-1962 / 5-9-2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18-7-1977 / 18-7-2022). Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 8.2022 xin giới thiệu Bút ký Ngày mới trên cao nguyên của Nhà báo, Nhà thơ quân đội Mai Nam Thắng. Bút ký ghi lại chuyến hành hương của đoàn Cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng những năm 1969-1971, trở về thăm chiến trường xưa.

MAI NAM THẮNG

NGÀY MỚI TRÊN CAO NGUYÊN

                                                                                                   Bút ký

Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng là cao nguyên trung tâm của Thượng Lào, có đường số 7 nối với tỉnh Nghệ An của nước ta. Do vị trí chiến lược quan trọng, nên trước đây thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ đều tìm cách làm chủ địa bàn này để khống chế cách mạng Lào và chiến trường Đông Dương. Nhưng mọi âm mưu của địch đều bị quân và dân Lào phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam đánh bại.

Dẫu có lãng mạn và giàu trí tưởng tượng đến mấy, tôi cũng không thể hình dung có một ngày mình được ngược đường số 7 lên Xiêng Khoảng cùng những người lính đã tham gia chiến dịch giải phóng và bảo vệ Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng ngót nửa thế kỷ trước; trong đó có cả một số tác giả của những trang văn, bài thơ tôi đã say mê từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường. Ấy là tôi đang nói về chuyến hành hương của đoàn Cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng những năm 1969-1971, trở về thăm chiến trường xưa. Cuộc “hành hương” lần này do Đại tá Nguyễn Phú Nho, Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Hầu cần, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 13 làm trưởng đoàn; cùng nhiều “nhân chứng lịch sử” như: Đại tá Hoàng Anh Phúc, nguyên tiểu đoàn trưởng cao xạ bảo vệ đường số 7. Đại úy Nghiêm Xuân Thép, cựu chiến sĩ lái xe đại đội vận tải 53 của Binh trạm 13. Đại úy Ngô Quốc Lập, cựu cán bộ Tuyên huấn Binh trạm 13... Ngoài ra còn có một số nhà văn, nhà thơ, nhà báo… đã từng gắn bó với Mặt trận Đường số 7 trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, như: Châu La Việt, Vương Trọng, Thái Kế Toại, Phạm Ngọc Tiến, Trần Nhương, Kim Quốc Hoa v.v…

Sau hơn một giờ làm thủ tục ở cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, đoàn chúng tôi tiếp tục nhằm hướng Tây tiến sâu vào nước bạn Lào. Đường số 7 phẳng lỳ uốn lượn qua đồi núi điệp trùng, thay thế con đường nham nhở trồi sụt thời kháng chiến còn in đậm trong hồi ức những Cựu chiến binh là “Lính đường 7” đang sôi nổi hào hứng trên chuyến xe trở về chiến trường xưa. Từ đây trở đi, bao nhiêu ký ức ùa về, mọi người thi nhau kể. Sôi nổi nhất là về cuộc chiến đấu đập tan cuộc hành quân Cù Kiệt của địch năm 1970. Đận ấy, các tiểu đoàn pháo cao xạ vừa lập trận địa chốt ở các trọng điểm, vừa cơ động đánh địch trên toàn tuyến. Tiểu đoàn 11 pháo cao xạ bắn rơi tại chỗ 3 máy bay địch ở Đinh Đam. Tiểu đoàn 18 bắn rơi 4 máy bay địch ở Đèo Đất. Trong toàn bộ chiến dịch, các đơn vị phòng không đã bắn rơi 40 máy bay địch... Đại tá Hoàng Anh Phúc, nguyên Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11, thuộc E226 pháo cao xạ, đang ngồi cạnh tôi đây. Ông Phúc hào hứng kể một chi tiết vui: Ngày ấy lãnh đạo huyện Noọng Hẹt (tỉnh Xiêng Khoảng) có qui định: Đơn vị nào bắn rơi một máy bay địch thì được huyện tặng Giấy khen và một con bò để liên hoan mừng chiến thắng. Hôm đơn vị bắn rơi 3 máy bay địch, anh em nửa đùa nửa thật, bảo không khéo chuyện này sẽ được thưởng 3 con bò. Nào ngờ chẳng được con nào, giấy khen cũng không, vì huyện lý giải: Bắn rơi máy bay nhưng không bắt sống được phi công, để nó được giải cứu, rồi lại tiếp tục lái chiếc máy bay khác đến trả thù. Lý sự như thế thì đành chịu!

Đại tá Nguyễn Phú Nho sinh năm 1937 tại Hậu Lộc-Thanh Hóa, nhập ngũ đầu năm 1954. Khi chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum-Xiêng khoảng bước vào hồi quyết liệt, đang là Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 11 ở Mường Xén (Nghệ An), ông được điều sang làm Chủ nhiệm chính trị Binh trạm 13 vừa thành lập ở Noọng-hẹt. Ông Nho nhớ rất rành rọt: Mùa Thu năm 1969, trong lúc quân và dân ta đang trong những ngày đau thương để tang Bác Hồ thì đế quốc Mỹ tranh thủ mở cuộc hành quân Cù Kiệt, hòng tái chiếm Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng. Để hỗ trợ cho cuộc hành quân này, địch huy động không quân đánh phá đường số 7 suốt ngày đêm. Nhiều mục tiêu trên tuyến đường này trở thành những trọng điểm hết sức ác liệt, như: Đinh Đam, Cây số 249, Bãi Bằng, Đèo Đất v.v… Địch còn nống ra chiếm nhiều vị trí yết hầu, như: Noọng Pẹt, Phunukốc, Điểm cao 1050, Ba Khe… chia cắt đường số 7 thành nhiều khúc. Đến cuối tháng 4-1970, chiến dịch giải phóng cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng thắng lợi. Việc bảo vệ thành quả chiến đấu càng khó khăn hơn. Cục vận tải quyết định thành lập thêm Binh trạm 13 nằm sâu trong đất Lào. Binh Trạm bộ 13 đặt tại Phunukốc thuộc huyện Mường Khăm, tỉnh Xiêng Khoảng. Binh trạm 11 phụ trách chuyển hàng từ tuyến sau lên Binh trạm 13. Phó Chủ nhiệm chính trị Binh trạm 11 Nguyễn Phú Nho được điều lên làm chủ nhiệm chính trị Binh trạm 13. Bấy giờ đường số 7 bị tàn phá băm nát. Binh trạm 11 và 13 phải khẩn trương tổ chức tuyến vận tải bộ ngay giữa mùa mưa để bảo đảm “chân hàng” theo kế hoạch…

Vinamilk  mời một số đại biểu Cựu chiến binh đã tham gia chiến dịch này về thăm lại chiến trường xưa (ảnh do tác giả cung cấp) 

Một trong số những “người hùng đường 7” ngày ấy cùng có mặt trong cuộc hành hương lần này. Anh là Nghiêm Xuân Thép, sinh năm 1949, quê ở xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, nay thuộc tỉnh Bắc Giang. Hai nhà thơ, cựu phóng viên chiến trường Trần Nhương và Kim Quốc Hoa đã từng gặp gỡ và viết bài về “kiện tướng lái xe” Nghiêm Xuân Thép ngày ấy, cũng có mặt trong chuyến đi này. Có lẽ vì vậy mà khi tôi lân la tìm hiểu về những lần dũng cảm vượt trọng điểm đưa hàng đến đích, những lần quên mình cứu hàng, cứu xe… thì Nghiêm Xuân Thép đều khéo léo nói rằng những chuyện đó chắc anh Nhương, anh Hoa ghi nhớ chính xác hơn. Nhưng khi tôi hỏi về những lần bị máy bay AC130 “bám đít” thì Nghiêm Xuân Thép sôi nổi hẳn. AC130 là loại máy bay cường kích hạng nặng vô cùng lợi hại của đế quốc Mỹ. Chúng được thiết kế cho nhiệm vụ chi viện hỏa lực, ngăn chặn trên không, hỗ trợ cho các hoạt động tác chiến của đồng bọn trên mặt đất. Điều đáng sợ nhất là chúng có thể bay vòng tròn xung quanh mục tiêu dưới mặt đất để nã pháo 40 ly và các loại đại liên 12,7 ly, 14,5 ly… Đặc biệt, loại máy bay “thần sầu” này được trang bị hệ thống cảm biến mạnh, có thể tấn công 2 mục tiêu cùng lúc. Thời kỳ đầu, lính vận tải của ta bị bọn này chặn đầu, bám đít, rọi đèn pha bắn thẳng, gây rất nhiều thương vong… Về sau, ta phát hiện ra bọn này thiết kế hỏa lực chỉ một bên hông trái, nên ta chỉ việc tránh sang bên hông phải của chúng là thoát. Vấn đề là phải khôn khéo lái xe “né” được sang bên hông phải của chúng…

Nhà văn “náo hoạt viên” Châu La Việt chuyển đề tài sang hai cuốn tiểu thuyết “Xiêng Khoảng mù sương” và “Đường về Cánh Đồng Chum” của nhà văn Bùi Bình Thi. Đây là hai cuốn tiểu thuyết tâm huyết của một nhà văn cựu Quân tình nguyện Việt Nam. Trong đó, tiểu thuyết “Xiêng Khoảng mù sương” đã được Giải thưởng VHNT 5 năm (2004 - 2009) của Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Văn học Mê Kông lần thứ  nhất, Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2008 - 2010... Giá mà ông còn sống đến hôm nay để cùng các đồng đội và đồng nghiệp thực hiện một chuyến hành hương “dối già”, để qua mỗi địa danh, gặp mỗi di tích, lại bồi hồi kể về một kỷ niệm. Kia là cánh rừng ngày xưa giấu được cả một tiểu đoàn ô tô mà lũ máy bay trinh sát có mắt như mù. Trong cánh rừng ấy Nguyễn Minh Châu đã sống cùng bộ đội và dân công hàng tháng để viết “Mảnh trăng cuối rừng”. Đó cũng là nơi nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã viết bài thơ “Ngủ theo đội hình đánh giặc” và nhà thơ Vương Trọng viết bài thơ “Đi dọc mùa khô rừng Lào”. Dưới chân dãy núi kia có cái hang tên là Noọng Pẹt, là nơi ra đời bài thơ “Tiếng cười trong hang đá” của Phạm Tiến Duật và bài thơ “Ngọn đèn trong hang đá” của Trần Nhương. Hồi đó, Trần Nhương là phóng viên mặt trận của báo Chiến sĩ Hậu cần, thường xuyên có mặt trên đường số 7, nhất là những thời kỳ địch đánh phá ác liệt. Ông đã nhiều lần ngủ trong hang Noọng Pẹt cùng anh em công binh và coi kho. Hang này rất tối, ban ngày anh em cũng phải thắp đèn. Đèn làm bằng ống bơ, đổ dầu mazut vào. Loại đèn này cháy đượm nhưng khói đen cuồn cuộn. Lính ta trong hang anh nào mặt mũi cũng lem luốc nom rất buồn cười: "Ở trong hang đèn thắp cả ngày.../ Chiến sỹ công binh chờ trời tối/ Đánh thức rừng khuya bằng tiếng cuốc mở đường"; "Ít ngày sau tiếng súng tấn công/ Phía mặt trận đồn thù bốc cháy/ Chiến sỹ công binh cầm tay nhau nhảy…". Bài thơ này ông viết vào đầu năm 1970, khi cuộc hành quân Cù Kiệt của địch bị bộ đội ta đánh cho liểng xiểng…

Nhà văn Châu La Việt là tác giả chỉ chuyên tâm đề tài chiến tranh và người lính. Gần đây, liên tục trong 2 năm 2015 và 2015, anh xuất bản 2 tập tiểu thuyết là Binh Trạm phía Tây Tiếng chim hót lảnh lót cánh rừng. Trong đó, tiểu thuyết Tiếng chim hót lảnh lót cánh rừng đã được Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng 5 năm 2009 - 2014. Lần này trở lại chiến trường xưa, Châu La Việt mang theo bản thảo cuốn tiểu thuyết Lửa sáng phía chân trời, viết riêng về Binh trạm 13 của các anh. Tác phẩm đã được Bộ Quốc phòng đầu tư sáng tác và được ấn hành đầu năm 2020. Anh mang theo bản thảo đầu tiên còn chi chít những gạch xóa, thêm bớt của anh, vì đây là những dòng tinh khôi gan ruột nhất, anh muốn được gửi tặng cho gió, cho rừng, cho suối sâu, đèo cao… và cho những đồng đội cùng chiến đấu năm xưa trên mảnh đất này. Và hôm ấy, trên đỉnh đèo Phunukốc, trước sự chứng kiến của các đồng đội và đồng nghiệp, Châu La Việt đã tung từng nắm bản thảo lên trời. Gió vặn rừng nghiêng ngả. Từng tờ bản thảo chấp chới chao liệng rồi mất hút dưới vực sâu. Nhà văn Binh trạm thẫn thờ nhìn theo, đôi mắt đỏ hoe…

Châu La Việt là người đã đề xuất, kết nối, tổ chức, lo toan chu đáo cho chuyến đi này. Cơ duyên bắt nguồn từ mối quan hệ đồng hương, đồng tuế, đồng môn của anh với các thành viên trong HĐQT Công ty Vinamilk từ nửa thế kỷ trước. Đầu năm nay, khi được biết Vinamilk sẽ khai trương Dự án Tổ hợp “Resort” bò sữa Organic Lao-Jagro trên cao nguyên Xiêng Khoảng, Châu La Việt đề nghị: Dịp ấy tròn 50 năm chiến thắng Cù Kiệt, giải phóng Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, Vinamilk nên mời một số đại biểu Cựu chiến binh đã tham gia chiến dịch này về thăm lại chiến trường xưa! Và Ban lãnh đạo Công ty đã đồng ý ngay!

Đêm trước của Lễ khai trương dự án, tại khách sạn Xiêng Khoảng ở thị xã Phon Xa Vẳn, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, đã có buổi gặp gỡ trò chuyện với đoàn đại biểu Cựu chiến binh chúng tôi. Bà cho biết, Dự án “Resort bò sữa Organic Lao-Jagro” là một hạng mục trong chiến lược về đẩy mạnh đầu tư, hợp tác nước ngoài của Vinamilk. Lần đầu tiên đặt chân đến đây, các chuyên gia của Vinamilk và đối tác Nhật Bản đã đánh giá cao tiềm năng chăn nuôi bò sữa của vùng đất Xiêng Khoảng. Vinamilk kỳ vọng dự án sẽ trở thành một điểm sáng trên cao nguyên Thượng Lào, hướng tới mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành thủ phủ bò sữa của Lào và lớn hơn nữa là ở tầm khu vực…

Có thể nói, sau chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng nửa thế kỷ trước, cuộc “đổ bộ” lần này của Vinamilk và đối tác Nhật Bản lên cao nguyên cũng là một “trận đánh lớn” trên một địa bàn chiến lược của nước Lào. Và Lễ khai trương Dự án Tổ hợp “Resort” bò sữa Organic Lao-Jagro là phát súng lệnh của chiến dịch. Thật bất ngờ, khi Đại tá Nguyễn Phú Nho thay mặt đoàn cựu chiến binh Việt Nam lên phát biểu thì vị Trưởng Ban tổ chức vẫy tay mời tất cả các thành viên trong đoàn đang ngồi phía dưới cùng lên xếp hàng ngang trên sân khấu. Tất cả đều quân phục chỉnh tề. Tất cả đồng loạt thực hiện động tác chào Điều lệnh khi vị trưởng đoàn cất tiếng dõng dạc: Tôi, Đại tá Nguyễn Phú Nho, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 13 của QĐND Việt Nam trên đất Lào. Cách đây 50 năm, những cán bộ chiến sĩ chúng tôi đã kề vai sát cánh cùng Bộ đội và Nhân dân nước Bạn Lào, tham gia giải phóng Cánh Đồng Chum–Xiêng Khoảng... Hôm nay chúng tôi được thay mặt những người chiến sĩ năm xưa trở lại chiến trường cũ để dự Lễ khai trương Trang trại bò sữa có tầm cỡ quốc tế… Qua đây cho phép chúng tôi được vinh dự trao lại sứ mệnh lịch sử đầy tự hào cho hai Công ty Vinamilk và Lao- Jagro... Mong các bạn nhận hãy tiếp nối truyền thống và tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào trong lĩnh vực phát triển kinh tế trên đất nước Lào thân yêu của chúng ta…

Tác giả bên Cánh đồng Chum

Những bàn tay vẫn đưa lên trang nghiêm trên những gương mặt rắn rỏi dạn dày trận mạc, cùng những ánh nhìn trìu mến và xúc động hướng ra cao nguyên mênh mông tít tắp. Đất trời Xiêng Khoảng hôm đó lồng lộng, rực rỡ, ngập tràn nắng gió cao nguyên…

                                                                                                          M.N.T

. . . . .
Loading the player...