09-01-2023 - 07:38

Bút ký BÃI NGANG QUÊ TÔI VÀO XUÂN của Tác giả NGUYỄN XUÂN DIỆU

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) phát hành tháng 1/2023 trân trọng giới thiệu Bút ký BÃI NGANG QUÊ TÔI VÀO XUÂN của Tác giả NGUYỄN XUÂN DIỆU

NGUYỄN XUÂN DIỆU

BÃI NGANG QUÊ TÔI VÀO XUÂN

                                                                                                       Bút ký

Đã nhiều thế kỷ đi qua, không biết tự bao giờ người dân quê tôi ví quê hương mình - vùng đất bãi ngang huyện Nghi Xuân gồm các xã Xuân Phổ, Đan Trường, Xuân Hội - giống như một mũi thuyền lao thẳng ra biển. Có lẽ là bởi vùng đất này từ ngàn xưa, khi các dòng họ đầu tiên từ các miền quê phía bắc theo biển đi tìm đất hứa, đã đến và dừng lại chọn nơi đây làm quê hương, họ là những ngư phủ đã dạn dày sương nắng, bão tố, phong ba. Hay bởi chính sông sâu, biển rộng đã hun đúc cho người dân mũi thuyền - bãi ngang quê tôi - bản lĩnh kiên gan, cần cù, một tâm hồn phóng khoáng. Thế nên cái mũi thuyền từ ngàn đời nay lúc lở, lúc bồi vẫn hiên ngang hứng gió, đè sóng mưu sinh tạo nên huyền thoại của một vùng đất!

Ngược dòng chảy thời gian, vùng bãi ngang được mang tên “mũi thuyền” này, biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu đã hòa vào sông, vào biển, để cho con nước thêm đỏ nặng phù sa, để cho con sóng mặn mòi thêm nhiều tôm cá. Vùng đất “mũi thuyền” bất thành văn đâu chỉ là cách gọi ví von. Bởi nó nằm kẹp giữa ba bề sóng nước. Phía Tây sông Lam xiết chảy, phía Đông biển lớn tuôn trào, phía Bắc trước mũi thuyền là cửa Lạch Hội, ầm ào sóng gió, ẩn mình biết bao phong ba bão tố…!

Từ đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, một nhà trí thức xã Đan Tràng (nay là xã Đan Trường) - cụ Nguyễn Lý Thái - xót xa khi thấy hễ mùa mưa lũ, nước trên ngàn đổ về là làng quê nước ngập trắng bờ, trắng bãi. Nước tràn cả vào nhà, ngồi trên giường mà như ngồi trên sạp thuyền. Cụ cùng người dân cần mẫn xắn từng hòn đất ròng rã 3-4 năm trời đắp nên con đê Đan Tràng (nay gọi là đê Hội Thống), cản dòng nước xiết sông Lam, mở mang đất đai trồng trọt. Những năm sau đó, cụ lại chi tiền, cử người theo thuyền buôn than ra tận Thủy Nguyên (Hải Phòng) mua giống cây bần về. Rồi cụ cùng cư dân bản địa dầm chân xuống bùn, dãi mình trên cát trồng nên cả cánh rừng bần ngập mặn phòng hộ đê sông, trồng nên cả cánh rừng phi lao phòng hộ phía biển. Màu xanh bình yên đã lấn át màu nước bạc mỗi khi mùa lũ về mênh mông trắng ruộng, trắng làng…

Đế quốc Mỹ mang bom đạn đến đất này. Rừng bần, rừng phi lao ở độ tuổi 30 cường tráng, niềm tin của sự “an cư, lạc nghiệp”, bị bom, đạn, thủy lôi tàn phá tan tành. Hết nạn giặc giã, đến nạn giặc nước, giặc bão. Cuối những năm 80, 90 thế kỷ trước, 4-5 cơn bão nối nhau tràn vào vùng bãi ngang này. Rừng bần, rừng phi lao chắn sóng chưa kịp hồi sức sau vết thương chiến tranh tiếp tục bị bão, sóng đánh bồi càng tan hoang. Đất đai ven biển, ven sông trống trơn như sa mạc. Rừng bần, rừng phi lao chắn sóng, che gió không còn. Đất không phên dậu che chở, sông Lam đưa nước lũ về xé toang đê sông mạn Xuân Phổ, đập vỡ đê sông mạn Xuân Trường (cũ). Biển hợp sức cùng sóng chặt đứt con đê biển ở xóm Hùng Cường, xã Xuân Hội thành mấy khúc, xói làng mạc thành sông, thành hói. Ở các xóm Đan Kiều (Xuân Đan cũ) Hội Thái, Hội Tiến, Hùng Cường (Xuân Hội), Trường Thủy, Trường Vĩnh (Xuân Trường cũ)… hàng năm sóng biển dâng trào nuốt chửng từng cánh rừng phi lao rộng, dài hàng cây số. Ngày đó mỗi xã chỉ có hơn 3.000 dân mà đã có gần 1/3 số đó đành gạt nước mắt rời bỏ quê hương, bản quán ly tán tứ phương lập nghiệp, manh nha tạo dựng cuộc sống mới cho những năm còn lại của đời mình, của con cháu mình…

Ông Nguyễn Tiến Thành, một ngư phủ sinh ra trên sóng, lớn lên cùng biển. Bao đời nay ông cùng bạn chài cơm vắt, nón nan gắn bó với biển, với đất, chẳng phải vô cớ mà mà đành gạt nước mắt bỏ làng, bỏ biển lặn lội vào tận miền đất đỏ Đắc Lắc. Bàn tay quen cầm mái chèo nay lóng ngóng cầm cây cuốc, chín nắng mười sương nơi rừng xanh, núi đỏ vỡ đất khai hoang. Đã nhiều lần về thăm quê, nhưng tự dưng áp Tết Quý Mão này, nhớ biển, nhớ quê chẳng cầm lòng được, ông lại khăn gói tìm về. Gặp tôi cùng ông Phan Thanh Là - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nghi Xuân  - đang đứng trên con đê biển mới xây dựng mươi năm nay vào thời quê hương tưng bừng “nông thôn mới”, khuôn mặt ông trông thật khó tả. Hình như trên gương mặt người con tha hương ấy thoáng chút vui, lại thoáng chút buồn; thoáng chút hoài niệm, đan xen nỗi nuối tiếc. Gặp lại người quen cũ, được dịp dãi bày nỗi lòng, ông bộc lộ tâm tình:

- Thiệt tình đi làm ăn xa, nhưng nhớ quê quá, cứ vài ba năm tui lại về một lần, thấy quê mình đổi thay nhiều quá, mừng lắm hai chú ơi! Nhớ cái đận bầy tui phải rời quê ra đi, khiếp lắm! Sau cơn bão số 7, mà ai cũng gọi là cơn bão thế kỷ năm 1982, cây cối bị quật đổ trống trơn. Phía tây sông xói, phía bắc bão dồn, phía đông sóng đánh. Quê nhà như con thuyền chòng chành, chao đảo giữa ba bề sóng nước. Tui một đời ăn ở với sóng, với biển, dạn dày rồi, nhưng ngày đó hễ nghe đài báo bão là người run lên. Mình đã đành một nhẽ, nhưng còn mẹ già, con dại, mà biển thì đã đưa sóng đến thềm nhà rồi. Đến mồ mả cha ông cũng bị sóng cuốn trôi mất, thì đành dắt díu cha mẹ, vợ con ra đi. Bão tố, lũ lụt dữ dằn rứa, sống mần răng được hở các chú!

- Ngày ấy còn bé, nhưng tôi cũng thấy cạnh nhà có nhiều người dắt díu nhau rời quê “đi kinh tế mới”. .- Ông Phan Thanh Là nói như an ủi – Đã sống cùng họ, nên tôi hiểu nỗi lòng những người đành dứt áo ra đi, ông ạ. Nhưng mà…có bao người dân quê mình vẫn trụ lại để có hôm nay đấy thôi. Nhiều người ra đi tìm đất mới, họ có cái lý của họ. Tất nhiên, người ở lại không thể khoanh tay ngồi nhìn biển, nhìn sông lấn đất đai, cướp đi miếng cơm, manh áo. Họ đã bao phen gồng mình lên tìm cách bảo vệ lấy mình để sống. Không thể phủ nhận sông Lam đã cho ta phù sa cùng bao nhiêu tôm cá; biển cả cho ta cuộc sống đời người. Nhưng khi dở chứng, sông và biển lại tiềm ẩn biết bao nhiêu hiểm họa. Chúng ta phải biết chế ngự nó chứ! Ngày đó, vừa lúc Đảng ta phát động công cuộc đổi mới. Cũng phải mất bao đêm trăn trở, suy tính, Đảng bộ, chính quyền vùng bãi ngang này mới ra được chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân tự trồng, tự quản. Và bây giờ thì ông biết đấy, quê mình xóm trên, làng dưới, nhà nhà, người người đang tưng bừng “xây dựng nông thông mới” kiểu mẫu. Tất cả bãi biển dài hơn 10 cây số, ngày ấy trống trải lạnh người đã được phủ kín bằng hàng chục vạn, nếu không nói là hàng triệu cây phi lao, bạch đàn. Tất cả đường ngang, ngõ dọc ngày xưa lầm bụi cát, nay đã được bê tông và nhựa hóa. Điện lưới quốc gia đã phủ kín làng quê mấy chục năm nay. Phía sông Lam con đê cụ Nguyễn Lý Thái cùng người dân lập nên “ngày xưa” nay đã bê tông hóa, mặt đê rộng rãi chạy được hai làn xe. Bãi sông hàng chục năm vắng bóng cây bần, trở thành hoang mạc, người dân quê mình đã đổ biết bao mồ hôi, và có cả nước mắt xuống cho rừng bần hồi sinh, phủ kín cái hoang mạc ấy, dư sức ngăn dòng nước xiết. Có cây, có rừng rồi, thì đất đai bình yên trở lại, con người càng chí thú làm ăn. Tính gộp cả phía sông, phía biển, đã có hàng chục trang trại Vườn - Ao - Chuồng, gần trăm cái đồng nuôi tôm, cua trên các đồng lúa, trên cát ven biển… Những trang trại VAC, những cánh đồng tôm, cua ấy đang góp phần làm giàu cho vùng đất. Tính bình quân mỗi năm, chúng cho người dân bãi ngang - “mũi thuyền” này thu nhập hàng tỉ đồng…!

Ông Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin chỉ tay về phía những con sóng đang bất lực, uể oải vỗ vào chân đê vạm vỡ như một tường thành, giọng sâu lắng:

- Nói gì thì nói, biển có thế của biển, sông có thế của sông. Nhưng người cũng có cái thế của người chứ! Đừng bao giờ lùi bước trước gian nan, thử thách để tìm ra cách đi cho mình, thì đạo tặc gì, dù cường bạo đến đâu cũng phải chịu thua! Vùng đất bãi ngang này cha ông ngàn đời đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt; đã đổ cả máu xương gây dựng lên cho có ngày hôm nay, chúng mình phải giữ lấy, phải xây đắp cho giàu có lên chứ. Bát cơm có thấm đẫm mồ hôi, thấm đẫm nước mắt mới ngọt, mới bùi, mới thơm, mới dẻo. Mà suy cho cùng, Đảng ta xây dựng nông thôn mới là để cho dân giàu có lên; cho dân đầy đủ, ấm no, hạnh phúc hơn, đúng không nào?!

Tạm biệt ông Thành và ông Là, tôi thong thả đi dọc con đê. Sóng biển ào ạt kết muôn vành hoa trắng miên man trên bãi cát. Gió biển phóng khoáng mang theo cái nắng đầu xuân óng ả, nồng nàn hương muối mặn. Nghe cả tiếng chim gọi bầy đâu đó trong ngàn xanh tán lá phi lao như vẫy gọi, chào mời. Tôi đã gặp, đã nghe nhiều người con quê hương đi xa làm ăn thành đạt đang dự định trở về xây dựng những khu du lịch sinh thái, những khu đồng nuôi tôm cua xuất khẩu hiện đại trên bờ biển bãi ngang quê nhà. Và tôi nhận ra người quê tôi đã đúng khi họ ví quê hương bãi ngang của mình như một mũi thuyền. Mũi thuyền “nông thôn mới” đang hùng dũng xé gió, đè sóng, lướt đi trong màu xanh mùa xuân sinh nở, từ sức đẩy của ý Đảng - lòng Dân; từ ý chí của vùng đất ngàn đời…!

Nghi Xuân chớm Xuân 2023

                          N.X.D

Mùa xuân Núi Hồng, Sông Lam  (ảnh: Đậu Hà)

. . . . .
Loading the player...