23-11-2022 - 07:32

Bài trao đổi CẢO THƠM LẦN GIỞ của tác giả NGUYỄN TRUNG TUYẾN

Tạp chí Hồng Lĩnh số 195 tháng 11-2022 xin trân trọng giới thiệu bài trao đổi CẢO THƠM LẦN GIỞ của tác giả NGUYỄN TRUNG TUYẾN

 

CẢO THƠM LẦN GIỞ

 

 

 

                                                                         NGUYỄn TRUNG TUYẾN

 

Những khi nhàn rỗi hay âu lo tôi thường có cái hứng lần giở Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du ra đọc. Càng đọc, càng suy ngẫm thì càng thấm thía câu nói của cụ Phạm Quỳnh - Chủ bút báo Nam Phong: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn - tiếng ta còn, nước ta còn”; “Truyện Kiều vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc”. Nhưng trong niềm say mê tâm đắc với chữ tài, chữ tâm, chữ mệnh, chữ tình… trong những câu thơ đứt ruột của Nguyễn Du đôi khi trong tôi cũng gợn lên chút băn khoăn về một số hiện tượng có vẻ như có sự “cong vênh” (chữ của Xuân Diệu - “Một chữ cong vênh làm tê giá cả bài thơ”) trong một số văn bản Truyện Kiều hiện hành. Là giáo viên dạy văn nên tâm tư lại càng băn khoăn day dứt, cái niềm day dứt của người thầy ở chỗ không nên vì bất kỳ vì lý do nào mà buộc thầy nói sai buộc học trò phải nghiễm nhiên tiếp nhận.

Xoay quanh vấn đề chữ nghĩa Truyện Kiều còn nhiều tranh cãi không thôi. Ở đây tôi chỉ xin trao đổi về “một chữ cong vênh” trong đoạn trích “Chí khí anh hùng" - SGK Ngữ văn lớp 10, tập 2- Nxb Giáo dục, 2006. Xin dẫn lại đoạn trích:   

                              CHÍ KHÍ ANH HÙNG

                        "Nửa năm hương lửa đương nồng

                    Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

                         Trông vời trời bể mênh mang

                    Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong

                          Nàng rằng: "Phận gái chữ tòng

                     Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi".

                         Từ rằng: "Tâm phúc tương tri

                     Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình

                          Bao giờ mười vạn tinh binh

                     Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường

                          Làm cho bõ mặt phi thường

                      Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia

                          Bằng nay bốn biển không nhà

                      Theo đà không tiện biết là về đâu

                          Đành lòng chờ đó ít lâu

                      Chầy chăng là một năm sau vội gì"

                           Quyết lời dứt áo ra đi

                       Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi"

Đại thi hào dựng lại phút chia tay sau “nửa năm hương lửa đang nồng”  của Từ Hải và Thúy Kiều. Biết Từ Hải quyết chí ra đi Thúy Kiều một lòng xin theo nhưng Từ Hải an ủi khuyên nàng ở lại chờ đợi ngày chàng trở về. Giã từ hạnh phúc ấm êm, Từ Hải lao vào bão táp mịt mù chốn bể khơi nhằm thực hiện hoài bão lớn của người anh hùng. Đoạn trích “Chí khí anh hùng" khắc họa được vẻ đẹp toàn mỹ và xúc động - vẻ đẹp của cuộc chia ly giữa trai anh hùng với gái thuyền quyên - và chỉ có ngọn bút thiên tài mới khắc họa được như vậy. Chọn đoạn trích đưa vào dạy học là hợp lý.

Thế nhưng, điều băn khoăn là có sự “cong vênh” ở câu thơ cuối của đoạn trích: “Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi”. Nếu cả đoạn trích trước đó là những câu thơ đẹp toàn bích, “Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu”, thì câu thơ này lại là một câu thơ “khó hiểu”, một câu thơ đáng phải “nghi ngờ”.

Phải hiểu câu thơ này thế nào đây? Chưa cần bàn sâu vào chữ nghĩa, chỉ bằng trực cảm đơn giản nhất là xét ý nghĩa nội hàm của câu thơ theo các cách ngắt nhịp thơ lục bát truyền thống cũng đã nhận ra cái không ổn trong ngữ nghĩa câu thơ rồi. Nếu là nhịp 2/2/2/2, đọc là "Gió mây/ bằng đã/ đến kỳ/ dặm khơi" thì phát hiện ra ngay đây là câu thơ vô nghĩa. Thử đọc theo nhịp thơ 3/3/2, câu thơ được ngắt nhịp là "Gió mây bằng/ đã đến kỳ/ dặm khơi", nhịp điệu này càng thấy câu thơ gượng gạo. Đọc theo nhịp 4/4- “Gió mây bằng đã/ đến kỳ dặm khơi” cũng nhận ra một câu thơ rời rạc, tối nghĩa. Với câu thơ như thế thì đến cả người lớn cũng không hiểu được nói gì đến các em học sinh lớp 10 trung học đang ở độ tuổi 15, 16? Đây là điều bao năm nay tôi trăn trở. Hình như Cụ Nguyễn Du không viết thế, nhưng tôi không có căn cứ để mạnh dạn lên tiếng cải chính. Cuốn Kiều gốc chữ Nôm mà ông nội tôi truyền lại cho cha tôi thì đã mất trong thời chiến tranh. Với cuốn Kiều ấy, đêm đêm cha tôi nằm trên võng lác đọc cho mẹ tôi nghe, cha tôi thức cùng mẹ - anh tri nho giúp vợ làm hàng bún xáo kịp sáng ra có hàng đi chợ Giang Đình sớm. Nhưng cha tôi đã mất rồi. Bằng một trí nhớ kỳ lạ, mẹ tôi đã  nhớ thuộc lòng không thiếu một chữ, kể cả điển tích điển cố trong Truyện Kiều Nôm mà mỗi đêm cha vừa đọc vừa giảng giải cho mẹ nghe. Thế nhưng mẹ tôi cũng đã mất rồi. Thế đấy! Nhưng vì day dứt nên tôi mạnh dạn lấy câu Kiều trong ký ức mẹ đọc cho tôi nghe ngày ấy đưa ra hầu mong giải bày thắc mắc. Câu thơ cuối của đoạn trích phải là:

                           "Gió mây bằng tiễn đã lìa dặm khơi". 

Thử đối chiếu câu thơ:

                          "Gió mây bằng tiễn đã lìa dặm khơi"

với câu thơ:

“Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi”

  sẽ thấy ngay một sự khác biệt. Câu thơ “Gió mây bằng tiễn đã lìa dặm khơi" sáng hẳn lên từ chữ nghĩa đến thần thái. Với bút pháp cường điệu hóa, Đại thi hào đã dùng những hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng thường dùng trong nghệ thuật thơ cổ điển nối tiếp nhau dồn dập: “gió”, “mây”, “ bằng” (con chim bằng dũng mãnh), “tiễn” (mũi tên) cùng tập trung sức mạnh nội năng lại nhằm lý tưởng hóa vẻ đẹp phi thường, kỳ vĩ của chàng Từ Hải. Bốn chữ: “Gió mây bằng tiễn” khác rất xa so với “Gió mây bằng đã”. Từ Hải vừa “quyết lời” với Thúy Kiều thì chàng đã là gió, là mây, là cánh chim bằng, là mũi tên xé gió lao vào nơi gian nan thử thách để thực hiện hoài bảo lớn lao của trang nam nhi với sức mạnh vũ dũng không gì ngăn cản. Ngay lập tức, Từ Hải đã là gió, là mây, là cánh chim bằng, là mũi tên rời dây cung xé gió "đã lìa dặm khơi" chứ đâu cần đợi “đã đến kỳ dặm khơi” nữa? Mạnh mẽ dứt khoát, táo bạo “đã lìa dặm khơi” không một mảy may chần chừ do dự mới thật đúng là chân dung tinh thần của người anh hùng Từ Hải. Cái hay cái đẹp của câu thơ còn thể hiện ở chỗ Đại thi hào đã sắp xếp bốn hình tượng mạnh mẽ ấy một cách tự nhiên theo cấp độ tăng tiến mạnh dần lên rồi tan biến vào Vũ trụ. Câu thơ mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất sử thi anh hùng ca.

Đáng chú ý ở câu này còn là ở chữ “lìa” (câu thơ trong đoạn trích ở SGK không có chữ “lìa” mà là chữ “kỳ” tối nghĩa). Chữ "lìa" là con chữ hay nhất, có giá trị là “nhãn tự” của câu thơ. Chữ “lìa” không chỉ diễn tả hành động dứt khoát của Từ Hải mà còn mang dự cảm chia lìa. Nguyễn Du dùng chữ “lìa” ở đây như thầm xót thương cho cuộc chia tay một đi không hẹn ngày trở lại.

"Dứt áo" rồi "lìa" mang theo dự cảm xót thương, cuộc chia tay của trai anh hùng với gái thuyền quyên có cả nỗi buồn đơn độc thấm thía. Dẫu Từ Hải “Năm năm hùng cứ một phương hải Tần”, xem ra rất hùng khí nhưng Nguyễn Du cũng đã thấu được ước vọng thật giản dị giấu trong thẳm sâu của chàng - quăng thân vào gió bụi nhằm tìm đến mục đích rất đỗi đời thường để mong có ngày “Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”. Nguyễn Du là người  “đồng bệnh" nên thấu hiểu tâm trạng của Từ Hải mà gieo chữ "lìa" buồn đứt ruột đến như vậy.

Với thiên kiệt tác bất hủ Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, từ trước đến nay có vô vàn cách cảm nhận và vẫn còn rất nhiều những băn khoăn về chữ nghĩa giữa bản gốc và những văn bản hiện có. Vẫn biết đây là thách thức lớn, vì đụng chạm đến văn sách của người xưa là phải có căn cứ, hơn nữa đã có biết bao nhiêu nghiên cứu của biết bao nhà khoa học có tri thức uyên thâm từ cổ chí kim tìm hiểu về Truyện Kiều, nhưng tôi vẫn mạo muội giải bày để mong được sáng tỏ. 

                                                                    Tiên Điền - Nghi Xuân, 2022

                                                                      N.T.T

 

. . . . .
Loading the player...