28-02-2020 - 16:17

XÃ CỔ HOA PHẨM - NGHI XUÂN

Xã cổ Hoa Phẩm còn có những tên: Quả Phẩm, Tam Chế, Tam Đăng, Tam Xuân, nay là một phần của xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Hoa Phẩm là nơi dừng chân trên đường thiên lý Bắc - Nam, nơi phồn hoa lại có lắm cảnh đẹp: Sông ùn thuyền, đường ùn xe Phồn hoa nổi tiếng nhất nhì Châu Hoan.

 

                                                                            

     Xã cổ Hoa Phẩm còn có những tên: Quả Phẩm, Tam Chế, Tam Đăng, Tam Xuân, nay là một phần của xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

     Hoa Phẩm là xã cực nam theo trục giao thông bắc - nam của huyện Nghi Xuân. Đông giáp nhóm núi Thiên Tượng, tây giáp sông Lam, nam giáp huyện Đức Thọ, bắc giáp xã Tam Xuân Thượng.

     Xã nằm dưới chân các mỏm núi Hải Linh, núi Na, Ngọc Lầu, Mỏ Buồm của giải Hồng Lĩnh; với các khe Chén, khe Muối, khe Sen, Khe Vực, Khe Sú, Suối Tiên chảy ra sông Lam (thuở ấy sông Lam có một nhánh nhỏ chảy sát dưới chân các núi này). Ở đây còn có hang Ông Voi, trước hang là Trảng Kén (nghe nói đây là nơi dấu voi, còn trảng là nơi chọn voi của vua Quang Trung).

     Hoa Phẩm là nơi dừng chân trên đường thiên lý Bắc - Nam, nơi phồn hoa lại có lắm cảnh đẹp:

                                  Sông ùn thuyền, đường ùn xe

                              Phồn hoa nổi tiếng nhất nhì Châu Hoan.

     Hoa Phâm lại có chợ nổi tiếng về đẹp và sầm uất, chợ nằm ở sườn núi Na, chợ là 1 trong 8 cảnh đẹp Nghi Xuân (Hoa phẩm thắng triền), nên nổi tiếng khắp vùng, Văn Thuân ngợi ca:

                      Chợ Chế theo người cưới tới đây

                      Chống sào nhìn ngược ngỡ trên mây

                      Chênh vênh quán lá chen hoa tím

                      Vắt vẻo đường quan hương thóang bay.

     Năm Bính Ngọ (1306) vua Trần Anh Tông gả em gái là công chúa Huyền Trân (con vua cha Trần Nhân Tông) cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Vì đây là nơi đô hội, trên bến dưới thuyền, nên tổ chức trao công chúa tại đây, để đổi lấy hai châu: châu Ô và châu Lý của Chiêm Thành, hai châu nằm sát cửa ngõ phía nam của nước Đại Việt.Từ dấu ấn lịch sử ấy, đất Hoa Phẩm gọi là đất Chế, xã Tam Chế. Nhà quản kinh lý gọi là Trạm Chế, chợ Hoa Phẩm gọi là Chợ Chế, với những câu ca: Nhất kinh kỳ, nhì chợ Chế, rồi: Chợ Chế một tháng sáu phiên/ Một quan mà bán tám tiền cũng đi (đồng tiền thời xưa, 1 quan = 10 tiền). Năm Canh Dần (1470) vua Lê Thánh Tông qua đây có làm bài thơ:

                       Bóng ác non đoài ban xế xế

                       Bỗng đâu đã đến miền Tam Chế

                       Mênh mang khóm nước nhuộm màu lam

                       Chất ngất đỉnh non lồng bóng quế

                       Chợ họp bên sông gẫm có chiều

                       Thuyền bày trên đất xem nhiều thế

                       Cảnh vật bằng đây họa có hai

                       Vì dân khoan dãn bên tô thuế.

     Khi dưới chân ngọn núi Hải Lĩnh đặt hỏa hiệu (cùng với núi Lách và núi Tháp), thì Tam Chế gọi là Tam Đăng (Nguyễn Du ra mắt vua Gia   Long để giãi bày nỗi uẩn khúc cũng tại đây), đến đời vua Minh Mạng đổi thành Tam Xuân.                         

     Bà Lý Nguyên Phi vợ vua Lê Thánh Tông cùng vào dẹp loạn Chiêm Thành, khi về đến cửa Đan Nhai bị ngã xuông sông, thi thể trôi dạt lên đây và được táng ở cồn “Nguyên Phi”.

     Bà Phạm Ngọc Trần vợ Lê Lợi, khi dựng cờ khởi nghĩa đánh nhà Minh xâm lược bà đi theo chồng. Một đêm ngủ trong thuyền trên sông Lam, Lê Lợi  mơ thấy một thủy thần xin ông một người thiếp và sẽ giúp ông trong sự nghiệp. Sáng dậy ông kể cho mọi người nghe, Ngọc Trần sẵn sàng làm việc đó. Khi công thành, nhà vua vào đem thi hài bà về kinh thì mối đùn thành mộ và ông cho lập đền thờ trên mộ bà tại núi Na này.

     Ông thủy tổ Thái Danh Trực ở Hoa Phẩm làm quan đến chức “Trung thư hoàng môn thị lang”, năm Giáp Dần (1434) đi sứ nhà Minh.

     Hoa Phẩm có ông Thái Danh Nho sinh năm Giáp Thân (1644), năm Canh Thân (1680) thi hội đậu thứ 16, thi đình đậu thứ 11 (Tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân), làm quan và để lại tấm bia đá phả hệ, nên đền thờ ông có đôi câu đối:

                              Tam giáp khoa danh Hồng Lĩnh tú

                              Tứ thời hương hỏa thạch bi tồn.

     Hoa Phẩm là vùng đất thiêng nên có nhiều nơi thờ cúng như chùa Kim Liên, chùa Am Dong, chùa Bạch Đế, đền Lý Nguyên Phi (vợ vua Lý Thánh Tông), đền Hiến Nhân (vợ vua Lê Lợi), gần đó là miếu thờ thầy địa lý (họ Trịnh), đền Cồn Độc (thờ thầy đồ Trần Công), , đền Nhà Ông Nhà Bà, đền Am Dong, đền Vực (thờ thầy thuốc), đền Cơn Lim, đền Cửa Giếng, đền Khe Sú, Đền Khe Mạn, đền Chính (thờ thánh hoàng làng Chế), hai đền Thánh (thờ Khổng Tử), đền thờ tiến sỹ (Thái Danh Nho), nghè làng Đinh, nghè làng Biên.

     Mùa xuân ở đây có những lễ cộng đồng: Từ mồng 1 đến mồng 5 tết lễ tế sống cha mẹ, mồng 6 lễ mừng thọ những người lên tuổi 60, tháng Giêng lễ Xuân tế và lễ Thần nông, Tháng Hai lễ Kỳ Phúc. Tháng Ba lễ Điền tế, ... . Xã có đội sắc bùa góp vui trong những ngày lễ, đội thường có 5 người, mặc áo dài đen, quần trắng, thắt lưng giải màu lục, đầu chít khăn đỏ. Nhạc cụ thường là tầm vinh (giống trống cơm), sinh tiền, nhị, mõ, chiêng cầm tay. Đội vào từng nhà, họ vừa múa vừa hát lời  hợp với hoàn cảnh từng nhà.

     Hoa Phẩm đúng là mảnh đất văn hiến.

 

                                                                                           Võ Giáp

. . . . .
Loading the player...