07-07-2019 - 08:33

VÙNG ĐẤT CẨM NHƯỢNG QUA MỘT BÀI THƠ CŨ ( kỳ 2)

Trong bài thơ Đường luật chỉ với 8 câu trên, nền văn hóa của vùng đất Cẩm Nhượng đã đươc tái hiện cụ thể hơn bao giờ hết. Kì 1, chúng tôi đã giới thiệu về về cửa biển Kỳ La, nay xin giới thiệu tiếp bài viết của tác giả Nguyễn Trọng Thanh về hai nhân vật, một địa danh được nhắc đến trong bài thơ của vua Lê Thánh Tông.

 

….Vua Lê Thánh Tông từng có nhiều bài thơ được ra đời trong hành trình “Nam chinh Chiêm phạt”, khi dừng lại nhiều địa danh dọc con đường biển. Một lần, đến với cửa biển Kỳ La (cửa Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ngày nay), ông đã viết:

Phá hiểu thừa phong đáo hải môn

Hàm triều hùng dũng nộ đào bôn

Viên hoàn thuỷ thị ngư hà tứ

Tường nghĩ giang hồ cộ vãng thôn

Phúc địa linh chiêu Tham Dự phối

Không sơn mộng đoạn Quý Ly hồn

Bất thăng cảm khoái trung lưu niệm

Kích tiếp trùng thân Sĩ Trĩ ngôn

Dịch nghĩa:

Trời sáng bạch, cưỡi gió lướt tới của bể

Ngọn triều mặn giận giữ trong sóng xô cuồn cuộn

Chợ vùng biển họp trên bãi đầy hàng tôm cá;

Nơi sông hồ thuyền bè san sát thành một xóm chài

Đất phúc linh ứng thờ phối hưởng cả ngài Tham Dự

Núi quang chợt tỉnh giấc mộng Quý Ly

Giữa dòng suy ngâm xiết bao cảm khoái

Bèn gõ mái chèo thề lại lời Sĩ Trĩ xưa

                            (Kỳ La hải khẩu môn lữ thứ) [1]

Trong bài thơ Đường luật chỉ với 8 câu trên, nền văn hóa của vùng đất Cẩm Nhượng đã đươc tái hiện cụ thể hơn bao giờ hết. Kì 1, chúng tôi đã giới thiệu về về cửa biển Kỳ La, nay xin giới thiệu tiếp bài viết của tác giả Nguyễn Trọng Thanh về hai nhân vật, một địa danh được nhắc đến trong bài thơ của vua Lê Thánh Tông.

Non nước Thiên Cầm. Ảnh: Internet

Về ngài Tham Dự [2]

Lê Khôi là người giữ chức Tư mã tham dự triều chính thời Lê Thái Tổ. Lê Khôi thụy là Võ Mục, con ông Lê Trừ, anh thứ hai của Lê Lợi. Cha mất sớm nên Lê Khôi ở với chú Lê Lợi và tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ ngày đầu. Lê Khôi có tên trong hội thề Lũng Nhai đến khi giải phóng đất nước khỏi quân Minh xâm lược. Ông tham gia nhiều trận đánh và lập được nhiều chiến công to lớn, từng bắt sống tướng giặc Minh là Thôi Tụ ở trận Xương Giang năm 1427, diệt thổ tù châu Thạch Lâm là Bế Khắc Thiệu tạo phản năm 1430 và bắt sống vua Chiêm Thành là Bi Cai năm 1444. Trải qua ba đời vua thời Hậu Lê, Lê Khôi được tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trấn giữ những miền biên ải của đất nước, phong chức Khâm sai Tiết chế thủy lục như dinh, Hộ vệ Thượng tướng quân.

Năm 1443, được triều đình phái vào làm Tổng trấn Châu Hoan, thời gian này ông rất chú trọng phát triển nông nghiệp, đào kênh đắp đập, khai hoang lập làng. Năm Đại Hòa thứ 4 (1466), phụng mệnh vua Lê Nhân Tông, ông cùng các tướng Nguyễn Chích, Nguyễn Xí đi đánh Chiêm Thành ở châu Thuận Hóa. Trên đường về bị bệnh nặng, đoàn chiến thuyền đến cửa Sót, chân núi Nam Giới (cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh ngày nay) thì ông mất. Triều đình làm quốc tang, thi hài Lê Khôi được an táng tại núi Long Ngâm và được lập đền thờ, truy phong “Nhập nội kiểm hiệu tư không”. Năm Hồng Đức thứ 18 (1487), ông được phong Chiêu Trưng Đại vương.

Tưởng nhớ công lao to lớn của Lê Khôi, sau khi ông mất, người dân Nhượng Bạn đã dựng nên đền Cả thờ chung với cung phi  của vua Trần Duệ Tông là Nguyễn Thị Bích Châu[3].

Đền Cả được xây dựng vào thời Lê sơ là ngôi đền to đẹp nhất nằm ở vị trí trung tâm làng và rất linh thiêng. Lưng đền là dãy tường thành kiên cố vững chãi, trước mặt đền có bến nước là phần ăn sâu của sông Lạc Giang, khi thủy triều lên phong cảnh rất hữu tình. Tương truyền, thuyền bè của cư dân thủa xưa trước khi đi làm ăn đều neo đậu trước bến nước rồi vào đền tế lễ cầu may.

Thật đáng tiếc, trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cùng với sai lầm của một thời, ngôi đền mang nhiều dấu ấn văn hóa và lịch sử của làng xã đã bị tàn phá hoàn toàn. Đến năm 2008, người dân Cẩm Nhượng đã phục dựng lại đền Cả trên chính nền đất cũ làm nơi thờ hợp tự thờ phụng ông Lê Khôi, bà Nguyễn Thị Bích Châu và các vị thành hoàng, danh thần khác trước đây được thờ tại các đình, đền, miếu trong làng[4].

Cũng liên quan đến Lê Khôi với đất Kỳ La. Có nhiều cách giải thích về nguồn gốc tên gọi núi Thiên Cầm thuộc thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên ngày nay, nhưng quan điểm khá phổ biến được cho là gần gũi và sát thực về tên gọi của ngọn núi này như sau: Trong một lần lên dạo chơi ở núi Cùm (dân địa phương gọi là rú Cùm hoặc rú Gùm) nơi Hồ Quý Ly bị giặc Minh bắt, nghe trên núi có tiếng thông reo rì rào tựa như tiếng đàn trời, Quan tư mã Lê Khôi đặt tên núi là Thiên Cầm[5].

Bản sắc phong cổ nhất hiện còn lưu giữ tại đền Cả xã Cẩm Nhượng do vua Lê Thần Tông ban tặng cho Lê Khôi (ngày 19 tháng 2 năm Khánh Đức thứ 4 - 1652) ghi như sau: “Sắc phong là Tả nội mật nhập nội, Tham dự triều chính, Bình chương quốc quân (Tri) bình dân trọng sự, Tư không Vũ mục”. Ngoài ra, các đời vua Lê trung hưng và nhà Nguyễn cũng ban tặng nhiều sắc phong cho vị danh thần Lê Khôi.

Đền Cả xã Cẩm Nhượng. Ảnh: Nguyễn Trọng Thanh

Về nhân vật Sĩ Trĩ [6]

Sĩ Trĩ tức Tổ Địch thời Tấn. Bấy giờ Trung Quốc từ sông Trường Giang trở lên bị giặc Hung Nô chiếm. Căm thù giặc, ông xin vua cho cầm quân đi đánh. Khi đến giữa dòng sông, ông gõ mái chèo mà thề rằng: “Chuyến đi này nếu không diệt được giặc thì không về dòng sông này nữa”.

Vua Lê Thánh Tông nhắc lại việc làm này của Tổ Địch là để khẳng định ý chí giết giặc của mình. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Vua Lê Thánh Tông thân chinh dẫn đại quân đi đánh Chiêm Thành “Dọc đường, hễ qua đền thờ thần nào đều sai quan tới dâng lễ tế, để cầu cho quân đi thắng trận”[7]. Chưa thể xác định được trong thời gian neo đậu tàu thuyền nghỉ lại cửa biển Kỳ La, vua Lê Thánh Tông có ghé thăm đất liền (là vùng đất Nhượng Bạn) hay không nhưng chắc chắn rằng một số vị quan trong đoàn quân Nam tiến của Lê Thánh Tông đã vào đất Nhượng Bạn tế lễ vị danh thần Lê Khôi được thờ tại đền Cả.

            Lê Thánh Tông (1442-1497) là một trong những vị vua có thời gian ở ngôi lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với gần 38 năm trị vì đất nước dưới hai niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497), đã mở ra một thời kỳ võ công - văn trị rực rỡ. Xét những tư tưởng, đường lối trị nước của ông, có nhà nghiên cứu nhận định triều Lê Thánh Tông để lại dấu ấn của một cá tính mạnh. Ông đóng vai trò quan trọng đưa đất nước đi vào ổn định, kỷ cương bằng việc kết hợp hài hoà lễ trị và pháp trị; đồng thời đưa khoa cử thành nền nếp, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Trong đường lối đối ngoại, ông tỏ ra là người có tầm nhìn chiến lược khi một mặt giữ vững cương thổ phía Bắc, mặt khác mở mang lãnh thổ xuống phía Nam, nâng cao vị thế Đại Việt. Ngoài ra, ông còn là một nhà văn - nhà thơ giàu cảm xúc, sáng tác nhiều bằng cả chữ Nôm lẫn chữ Hán, lập ra Hội Tao đàn, đích thân làm chủ soái mà “Kỳ La hải khẩu môn lữ thứ” [8] là một trong số đó.

Núii Thiên Cầm. Ảnh: Nguyễn Trọng Thanh

Về danh thắng chùa và núi Thiên Cầm

Quần thể di tích danh thắng chùa và núi Thiên Cầm nằm về phía bắc địa phận thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên cách thành phố Hà Tĩnh 27km về phía Đông nam.

Thiên Cầm thuộc đất Kỳ La xưa, nhiều thư tịch cổ từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX đã viết về ngọn núi này. Núi Thiên Cầm cao 108m, có hình dáng như một cây đàn tỳ bà, chân núi lấn ra sát biển, phần còn lại nằm trên đất liền chia ngọn núi  làm hai phần, dân gian quen gọi là Cùm Nậy, Cùm Con. Hòn Cùm là ngọn núi đẹp, nhìn ra biển, nước tiếp liền trời, triều lên, sóng lượn như đàn rồng xanh đùa giỡn. Nắng sớm chiếu xuống, sườn núi ánh lên rực rỡ muôn màu. Đá hiện ra những hình dáng kỳ lạ được dân gian đặt cho những tên gọi là "Đá nóc nhà" "Đá lò rượu" "Đá lợn mạ, lợn con", "Đá tiên đánh cờ", "Đá trống" "Đá chiêng"... lại có hang động ăn sâu vào lòng núi, gió thổi vào thành tiếng nhạc du dương... Truyền thuyết kể rằng, Vua Hùng thứ XIII một lần đi tuần du phương Nam, lên chơi núi thấy phong cảnh tuyệt đẹp, lại có nhiều dấu chân to lớn in trên đá phiến và nghe tiếng đàn thánh thót trên không. Vua lấy làm lạ, cho vời người trong vùng đến hỏi chuyện. Các phụ lão thưa rằng : "Dấu chân ấy là Tiên trên trời xuống chơi núi để lại, còn tiếng đàn kia là tiên gảy trên trời. Nhà vua liền gọi tên núi là "Thiên Cầm" - "Đàn trời".

Bên cạnh đó, núi Thiên Cầm cũng gắn với một giai đoạn lịch sử đen tối trong lịch sử dân tộc và kết cục bi thương của vương triều nhà Hồ (1400-1407). Tại ngọn núi này, sau khi nhà Hồ thất bại trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, cha con Hồ Quý Ly chạy vào vùng đất Kỳ La và bị bắt ở gềnh Chẩy Chẩy [9] thuộc vùng núi Thiên Cầm, cửa biển Kỳ La. Vì thế, người ta giải thích chữ Thiên Cầm - Đàn Trời, thành Thiên Cầm - Trời bắt. Ngày nay, ở vùng này còn có "Giếng Tàu" tương truyền do quân Minh đào và con "Đường bắt" nơi quân Minh bắt Hồ Quý Ly cùng các vương, tướng văn tướng võ, các đại thần, đóng cũi đưa ra bến thuyền chở về Kim Lăng.

 Trên núi Thiên Cầm trước đây có ngôi miếu thờ sơn thần ở về phía tây, miếu Thánh Mẫu thường gọi đền Nhà Bà ở về phía nam, phía đông có chùa Cầm Sơn. Sách Cẩm Xuyên phong thổ ký của Lê Huy Tiềm soạn năm 1930 chép: "trên núi có chùa cổ". Nhưng chép sớm nhất về chùa này vẫn là vua Lê Thánh Tông. Trong bài thơ "Kỳ La hải môn lữ thứ" nhà vua viết: "Bên trái cửa bể Kỳ La có ngọn núi sừng sững kỳ tú. Trên núi có ngôi chùa". Như vậy, chùa Cầm Sơn chậm nhất cũng đã có từ thế kỷ XV. Chùa được trùng tu lần thứ ba vào năm Ất Hợi, đời vua Tự Đức (1875). Sau cách mạng (1945), tượng Phật đưa về hợp tự tại chùa Yên Lạc và chùa Gon, xã Cẩm Phúc, còn chuông lớn "Cầm Sơn tự chung" thì bị giặc Tàu ô cướp đưa đi.

Núi Thiên Cầm xưa nay vẫn là thắng cảnh sơn thủy hữu tình, đứng trên núi phóng tầm mắt có thể thấy được toàn cảnh khu du lịch và các đảo gần bờ như hòn Én, hòn Bơớc án ngữ xa xa. Dưới chân núi Thiên Cầm là bãi biển Thiên Cầm cát trắng phẳng lỳ, nước biển trong xanh. Từ ngàn xưa, tiếng sóng biển, tiếng gió dội vào vách núi, hòa quyện vào nhau để tạo bản nhạc kỳ vỹ của thiên nhiên. Núi non, biển cả và những sự tích kỳ bí đã tạo cho Thiên Cầm sự bí ẩn đầy mê hoặc, hấp dẫn quyến luyến du khách gần xa.

N.T.T

Biển Thiên Cầm. Ảnh: Internet


[1] Viện nghiên cứu Hán Nôm Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông tổng tập, Nxb Văn học, năm  2003, trang 240.

[2] Nguyên chú bài thơ ghi: Tham Dự tức là Lê Khôi Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông tổng tập, Sđd, trang 241.

 

[3] Đền thờ chính bà Nguyễn Thị Bích Châu ở xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (còn gọi là đền Hải khẩu, đền Bà Hải).

[4] Phạm Lê – Nguyễn Trọng Thanh Đền Cả làng Nhượng Bạn, Nxb Thời đại, 2009

[5] Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục – chính biên, Quốc Sử quán triều Nguyễn, tập 1, trang 711, Nxb Giáo dục, 2007 (Viện Sử học – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm về nội dung). Ở phần chú thích có ghi về núi Thiên Cầm như sau: Tham khảo sách Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ, tác giả (có thuyết nói là Ngô Thì Sĩ) chua: Lúc hai họ Hồ bị bắt, núi này chưa có tên là “Thiên Cầm”. Đến triều nhà Lê, viên tư mã Lê Khôi lên chơi núi này, nghe thấy trên không có tiếng như tiếng đàn, cho đặt tên là núi “Thiên Cầm”.

[6] Nguyên chú Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông tổng tập, Sđd, tr241.

[7] Đại Việt sử ký toàn thư,  Nxb Thời đại, trang 658, Sđd.

[8] Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy đề xuất ý tưởng rất đáng hoan nghênh và cần quan tâm thực hiện là dựng bia khắc bài thơ này của Lê Thánh Tông (xem trong Võ Hồng Huy tác phẩm, tập 1 - Non nước Hồng Lam (Nxb Văn học, 2018, trang 142, sđd). Có thể dựng bia đá ngay tại quảng trường của khu du lịch Thiên Cầm sẽ tạo nên điểm nhấn về lịch sử, văn hóa của địa danh này hoặc dựng bia ngay trong đền Cả xã Cẩm Nhượng).

 

[9] Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi là ghềnh chẩy chẩy còn truyền ngôn của địa phương cho rằng Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt ở hang đá dưới chân núi (gọi là hang Hồ Quý Ly). Tuy nhiên đến nay chưa thể xác định cụ thể ghềnh chẩy chẩy (bãi chỉ chỉ) hoặc hang Hồ Quý Ly ở vị trí nào. Cũng liên quan đến nội dung này, nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy đã đề cập khá kỹ trong Võ Hồng Huy tác phẩm, tập 1 - Non nước Hồng Lam (Nxb Văn học, 2018, trang 137,138).

 

. . . . .
Loading the player...