24-03-2021 - 08:47

Võ Hồng Huy với non nước Hồng Lam

Tưởng niệm 5 năm ngày mất của nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy (25/3/2016 - 25/3/2021), Tạp chí Hồng Lĩnh, Website Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài Ký chân dung "Võ Hồng Huy với non nước Hồng Lam" của Nhà văn Đức Ban

       LTS: "Trong bảy mươi năm làm việc thì bốn mươi năm anh (Võ Hồng Huy-T.S) là cán bộ chính trị. Theo tôi cứ lấy tiêu chí của người xưa thì anh là một ông quan có đủ bốn đức Thanh, Cần, Thận, Trực. Ba mươi năm làm thêm lúc nghỉ hưu, anh lại có một thành quả xuất sắc, để lại mấy ngàn trang viết có giá trị. Trong số bạn bè cùng lứa tác của tôi có người hay nói đến “cống hiến suốt đời”, “làm việc đến hơi thở cuối cùng”, nhưng chỉ có anh thực hiện được như vậy mặc dù anh không hề nói câu ấy” (Thái Kim Đỉnh - Võ Hồng Huy và hành trình thầm lặng)

       Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy rời cõi trần để lại cho đời 20 đầu sách đã xuất bản và hàng trăm trang bản thảo Khảo cứu văn hóa, Địa chí lịch sử, Tác phẩm Hán Nôm; Thơ, câu đối, trướng mừng… đã hoàn thành nhưng chưa xuất bản hoặc còn dang dở.

       Tưởng niệm 5 năm ngày mất của ông (25/3/2016 - 25/3/2021), Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài Ký chân dung “Võ Hồng Huy với non nước Hồng Lam” của Nhà văn Đức Ban, như một nén tâm nhang tưởng nhớ

 

VÕ HỒNG HUY VỚI NON NƯỚC HỒNG LAM

 

       Đã nhiều lần tôi ngồi chuyện trò với ông Võ Hồng Huy trong một căn phòng ấm áp và yên tĩnh ngập tràn sách: sách chữ ta, sách chữ Pháp, sách chữ Nôm, sách chữ Hán. Ồn ào phố xá, ngổn ngang nhân thế ở đâu còn nơi đây tâm hồn con người bỗng trở nên bình lặng. Tôi nghĩ thế và nói thành lời ý nghĩ ấy. Võ Hồng Huy cười hồn hậu. Và im lặng. Tôi rất ít nghe ông bàn luận về văn hóa, văn chương. Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh, người bạn thân thiết của ông, nói với tôi rằng, ký ức về cuộc đời hoạt động chính trị của Võ Hồng Huy phong phú lắm, sâu sắc lắm, nhưng là những gợn sóng trên mặt nước nhiều màu. Dưới những lớp sóng gợn kia, đằng sau thứ màu sắc kia là những hiểu biết thâm hậu về các giá trị văn hóa truyền thống, hiện đại của quê hương - dòng chảy làm nên Võ Hồng Huy. Dòng chảy mà Thái Kim Đỉnh văn hoa lên ấy, khởi nguồn từ làng Yên Điềm ven biển, dưới chân Ngàn Hống từ thời Võ Hồng Huy mới lên mười tuổi, thời ông rũ tóc ngồi bên ngọn đèn dầu lạc gom nhặt tri thức của người cha, của bác ruột, chú ruột uyên thâm Nho học và Tây học.

Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Võ Hồng Huy

       Lớn lên trong cao trào kháng Nhật cứu nước, sự ra đời của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh,Võ Hồng Huy vừa dạy học kiếm sống vừa tham gia Việt Minh bí mật ở xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Tổng khởi nghĩa năm 1945, hai mươi tuổi, Võ Hồng Huy làm Bí thư Thanh niên cứu quốc, Bí thư Chi bộ xã Tiên Bằng. Từ ấy, ông bước vào con đường hoạt động cách mạng đầy vẻ vang nhưng cũng không ít đận gian nan. Ông làm Thư ký UBKC huyện Can Lộc, cán bộ Khu ủy Khu Bốn, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Đảng ủy viên Đảng ủy Cơ quan Dân Chính Đảng. Tiếp đó là hai chục năm, làm Phó Trưởng ban, rồi Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh. Công việc chuyên môn của một cán bộ chủ chốt của Đảng chiếm hết thời gian vật chất của ông. Sau này đọc những tác phẩm nghiên cứu văn hóa của ông, tôi cứ nghĩ chắc những năm tháng ông ở cơ quan Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh làm cái công việc không, hoặc ít dính dáng gì đến văn chương, nghệ thuật, đến di sản văn hóa, ông đã phải khát khao, phải nồng nàn yêu quý non nước quê hương, phải tha thiết với cuộc sống lắm mới giữ cho dòng chảy chìm sâu như Thái Kim Đỉnh nói ấy không một lúc ngưng nghỉ. Mà sự thực nó không ngưng nghỉ. Năm 1984 ông nghỉ hưu thì năm 1995, cuốn khảo cứu: “Non nước Hồng Lam” (Tập 1) của ông ra đời. Một cuốn khảo cứu văn hóa ông cầm bút trong mười năm trời; và viết bằng 60 năm gắn bó mật thiết với quê hương, xứ sở. Non nước Hồng Lam (Tập 1) lập tức nhận giải A của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Tôi nghĩ mình có lý khi nói rằng, sau L.Breton với An Tĩnh cổ lục, Nguyễn Đổng Chi với Địa chí Dân gian Nghệ Tĩnh, Thái Kim Đỉnh với Đất văn vật Hồng- Lam,  núi sông Hà Tĩnh từ thuở khai thiên tịch trải bao thăng trầm dâu bể, với sống, chết, với ảo, thực, tụ về và lên tiếng trong Non nước Hồng Lam của Võ Hồng Huy. Rồi tập 2 Non nước Hồng Lam ra đời. Bấy giờ là năm 2010, năm Võ Hồng Huy vào tuổi 85. Bấy giờ người ta mới nhìn thấy ông ở phía nghệ thuật ngôn từ. Dẫu viết về cái gì, thể loại, loại hình nào, dẫu tác phẩm dịch từ tiếng Pháp hay tiếng Hán, ông đều kỹ lưỡng từng câu, từng chữ. Ngôn từ giản dị, trong sáng tạo nên một văn phong khoa học mà thấm đẫm chất trữ tình của ông đã xác lập tiểu sử, hình dạng, màu sắc, hồn vía của mỗi ngọn núi, con sông, của đền, chùa, miếu mạo, lăng tẩm, của danh nhân, chí sỹ… trên đất Hà Tĩnh... Ông viết về Núi Hồng- Hoan Châu đệ nhất danh sơn: “Cái tên Núi Hồng làm cầu nối giữa một bên Ngàn Hống - tên Nôm và một bên, Hồng Lĩnh, tên Hán - Việt. Cụm tên ấy vừa nôm na vừa chữ nghĩa, vừa gọn nhẹ trong phát âm, nó đã và đang trở thành một tên gọi thông dụng”. Ông viết về Sông La: “Có một dòng sông không nguồn cũng không cửa, từ xưa, vẫn được sử sách ghi nhận là con sông lớn, nổi tiếng một châu...La đồng nghĩa với là - dải lụa, dải là -  hình ảnh mềm mại mượt mà của dòng sông ấy. Từ tên Nôm được chuyển dịch thành La Giang. Vì có vị thế tiêu biểu cho vùng đất trù phú, đặc sắc, tên sông được tuyển chọn làm địa danh huyện sở tại: huyện La Giang thời Lê - Trịnh, vì kiêng húy đổi thành La Sơn (tên cũ huyện Đức Thọ ngày nay.”...Ông khắc họa chân dung danh nhân Bùi Cầm Hổ: “Hồng Lam chung tú/ Bùi tướng công thiên cổ vĩ nhân (*) Sở dĩ trở thành một nhân vật nghìn đời sống mãi, bởi từ tài năng, đức độ và phong tiết của ông. Đối với chính sự ông là bậc sỹ phu tận tâm, quyết đoán, công minh, cương trực, không hề tránh né, xu phụ một ai...”. Viết đến đây tôi chợt nhớ đôi câu đối của vị Bác sỹ từng chữa bệnh cho ông viết tặng ông: 

       “Bút hạc Núi Hồng mở trang dư địa chí

       Nghiên loan Sông Phượng khơi dòng sử dân gian”

       ...Không chỉ tôi mà nhiều người khác năng lui tới nhà ông, “quấy rầy” ông. “Quấy rầy” và quây quần và đầm ấm. Người nhờ ông dịch sắc phong, kẻ nhờ ông dịch bản gia phả của tổ tiên để lại, lại có người chở ông trên xe máy đi phục hồi những con chữ Hán bị mờ nhòe, mất nét ở đền chùa, lũy thành, lăng tẩm… Tôi thấy ông chẳng từ chối, giấu diếm điều gì với các thế hệ sau ông. Ông  chối từ những chuyện phù phiếm, háo danh cần mẫn đi cùng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của quê hương, đất nước. Ông đã yêu những gì tạo hóa sinh thành, cha ông sáng tạo, xây đắp nên bằng một thứ tình yêu nồng nàn: Từ người anh em quanh ông, cỏ cây quanh ông, sông, núi quanh ông, lễ hội quanh ông, đền chùa, miếu mạo quanh ông…Tôi thầm nghĩ, những người như ông sinh ra trên gian này để thế gian này đẹp hơn, có ý nghĩa hơn, để con người sống nhân hậu hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn. 

      Tháng chạp năm Ất Mùi 2015, tôi đến thăm ông. Chiều ấy mưa lay phay và gió se lạnh. Thấy loáng thoáng hoa đào trong những khu vườn sâm sẫm bên đường và thoảng mùi hương trầm nôn nao. Chợt nhớ bữa nào đó, Thái Kim Đỉnh cười buồn, rồi nói rằng, “Tết này mình và ông Huy ra ngoài cửu thập; mình chín mốt, ông Huy chín hai”. Hai cây cổ thụ trong làng văn hóa đã bắt rễ vào đất quê hương, tỏa bóng xuống đất quê hương, sống tươi tốt, mập mạp sắp trọn một thế kỷ rồi, trời ạ. Hôm ấy, theo thói quen tôi đi thẳng lên cầu thang bước vào phòng làm việc của ông. Ngọn đèn bàn đang tỏa một vùng ánh sáng tròn trên những trang giấy trắng. Trước mặt ông lúc ấy là những trang giấy trắng. Suốt cuộc đời bao nhiêu lần ông đối diện với trang giấy trắng? Những trang giấy trắng với ông là cô đơn, là dằn vặt, là khát vọng, là sức mạnh, là niềm vui thanh khiết nhất. Trước trang giấy trắng ông hoàn toàn đủ quyền năng thức dậy những gì ông thấy cần phải thức dậy. Ông ngồi bên bàn, tấm lưng gầy khom xuống, những đường răn trên gương mặt phúc hậu, dưới ánh sáng nom rõ hơn, và có chút gì đó bí ẩn tôi không đủ sức đọc ra…Ông lại viết. Viết với tất cả sự đam mê, tất cả tình yêu và tất cả trách nhiệm với con người, với cuộc đời, với thời đại mình đang sống. 

       Bốn tháng sau bữa mưa lạnh ấy, ngày 25 tháng 3 năm 2016, ông đột ngột về cõi vĩnh hằng, để lại cho quê hương một tài sản văn hóa quý báu vô cùng: Hàng ngàn trang sách khảo cứu, giới thiệu về núi sông, danh thắng, phong thổ, lễ hội, làng xã, dòng họ, danh nhân, sự kiện tiêu biểu của xứ Nghệ; hàng ngàn trang địa chí, lịch sử các địa phương với nhiều tác phẩm Hán – Nôm, thơ, câu đối, trướng mừng...để lại thế gian một khoảng trống vắng  không biết đến bao giờ mới bù đắp nổi, một nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng mọi người không biết bao giờ thì nguôi ngoai được.../.

Đ.B

                                                                                                   

. . . . .
Loading the player...