31-05-2021 - 07:39

Về một bản di chúc

Chuyên mục "Tư liệu" - Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 5/2021 trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Đức Ban về một bản di chúc đầy tính nhân văn của Hà Tông Mục, một sỹ phu xứ Nghệ, dưới triều nhà Lê

về một bản di chúc

                                                                                        

       Hà Tĩnh là đất “Giang sơn tụ khí” không chỉ theo nghĩa địa lý phong thủy mà xét về trầm tích văn hóa của giống nòi qua các thời đại ở từng vùng và cả nước. Tính riêng một vùng Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, đã sản sinh ra nhiều công thần, danh tướng có đóng góp to lớn cho đất nước: Hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung, Thượng thư Nguyễn Văn Giai, Thượng thư Phan Đình Tá, Học sĩ Trần Đức Mậu, Đô đốc tướng quân Hồ Thế Bài… Và dòng tộc Hà Tông được lịch sử ghi nhận là một dòng tộc “văn hiến”, các đời đều có người trụ cột của đất nước, thời hiện đại là Hà Huy Tập (1906 - 1941), Tổng Bí thư Đảng cộng sản Đông Dương. 

       Trong họ Hà có Hà Tông Mục. Ông sinh năm 1653 ở làng. Sau khi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ năm 1688, Hà Tông Mục được triều đình nhà Lê (Lê Hy tông) bổ nhiệm làm Đốc đồng hai xứ Tuyên-Hưng (Tuyên Quang và Hưng Hóa). Năm Chính Hòa thứ 14 (1693), Hà Tông Mục đỗ khoa Đông các, khoa thi cũng do vua làm chủ khảo dành cho các Tiến sĩ đang làm quan. Sau đó ông làm Nội tán thủy sư (coi việc thủy quân) kiêm Biên tu Quốc sử quán. Năm Đinh sửu (1697), ông được bổ nhiệm làm Phủ doãn phủ Phụng Thiên (đứng đầu kinh kỳ Thăng Long). Sau đó, Hà Tông Mục được phong Tả thị lang bộ Hình, tước Hoan Lĩnh nam. Ba năm sau, năm Bính Tuất (1706), Hà Tông Mục lại được phong chức Tham chính xứ Sơn Nam (Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định ngày nay) Thời Lê - Nguyễn đã ban đến 8 đạo sắc phong cho Hà Tông Mục. Sắc phong năm Chính Hòa 14 (1693) viết: “Hà Tông Mục người có tâm thuật, giỏi gánh vác việc công, am tường từ chương. Chuẩn y tặng: Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Công bộ Thượng thư, Hoan Lĩnh tử, đặt thụy là Mẫn Đạt”. Trải qua 32 năm (1675-1707), Hà Tông Mục đã dốc hết tâm, sức cho non sông đất nước. Ông là một tướng lĩnh tài ba, một nhà ngoại giao xuất sắc, một người viết sử chỉn chu, trung thực. Ông là một tác giả cuốn Đại Việt sử ký tục biên, bộ sử lớn của nhà nước phong kiến thời Lê được lưu truyền đến ngày nay.

       Ở đây xin nói về bản di chúc thấm đẫm tính nhân văn của Hà Tông Mục. Bản Di chúc viết trước khi ông mất 30 ngày, ngày 7 tháng 2 năm Đinh Hợi (1707) gồm 1.600 từ. Ông dặn lại con cháu những việc cần làm giản dị mộc mạc như lời ăn, tiếng nói hàng ngày. Trước tiên là Nhà thờ: “Nhà thờ vốn là ba gian hai chái nhà ở, sau làm thêm các gian phía trước và hai bên đều lưu làm hương hỏa”. Sau việc nhà thờ, di chúc nói nhiều về ruộng đất và tiền bạc. Nguồn gốc xuất xứ của ruộng và tiền bạc. Phân chia rõ ràng, minh bạch, chu đáo, thấm đẫm đạo lý truyền thống với một thái độ dứt khoát. Về ruộng: Ruộng hương hỏa, ruộng tế Thánh, tế Thần, tế Phật, ruộng dưỡng lão. Mỗi loại diện tích rõ ràng, thêm lời dặn. Số ruộng ở xứ Nhà hương 20 mẫu giao cho xã là ruộng tế… Hoặc: Số ruộng dưỡng lão của hai Thận nhân, Phu nhân lấy số ruộng hương hỏa của tổ nghiệp và số ruộng ở các huyện xã cộng là 40 mẫu, sau khi trăm tuổi sẽ giao lại cho con trai trưởng lưu giữ để thờ cúng, trăm đời không được thay đổi. Sau đến phân chia ruộng cho các thứ bậc trong gia tộc. Trước hết là ruộng hương hỏa cho con trai trưởng. Rồi đến ruộng cho thêm. Cho thêm con gái trưởng, cho thêm con gái thứ. Rồi ruộng thưởng con gái thứ. 85 Tiếp đến là ruộng cho 4 con trai, con gái bằng nhau. Ruộng cho hai người cháu mức độ khác nhau. Ruộng cho ba người con nuôi cũng mức độ khác nhau. Ruộng cho cháu chắt nội ngoại đều nhau mỗi người 2 sào và có lời dặn thật thân tình, ấm áp từ cách xưng hô: thằng Sùng, con Gái, thằng Giản…  Cho thêm Hà Thị Thụy 1 mẫu báo hỷ và 1 mẫu tiểu tật. Cho thêm Hà Thị Chuyên, người con gái tằn tiện, có cả chút khắc kỷ 5 sào và phụ thêm 1 mẫu để mua sắm quần áo còn thì không nói rõ lý do cho thêm và lý do thưởng, nhưng ta nhận ra, nghe ra, ngẫm ra cái sự tỏ tường hoàn cảnh, tính nết từng người con, người cháu và thái độ, tình cảm, trách nhiệm của ông đối với họ. Hà Tông Mục công khai, minh bạch nguồn gốc và số lượng bạc vốn có với người trong dòng họ, trong gia đình: Số bạc thực ở Kinh là 53 nén và ở Hà Thị Lượng giữ 10 nén cộng là 63 nén. Số tiền còn lại trong nhà 3270 quan và 62 quan trưởng nữ giữ, cộng là 3341 quan. Rồi ông kính biếu bạc cho Thận nhân, cho các con trai, con gái, cho hai người vợ lưu giữ làm hậu sự và dành một số để thưởng cho những người họ hàng thân thích. Di chúc viết rất ít về nhà đất chắc là đất và tài sản trên đất của Hà Tông Mục không có bao nhiêu. Số vườn ở Trảo Nha chia làm hai phần. Phần phía đông cho con gái trường Hà Thị Lượng. Phần ở phía Tây lại chia làm hai phần (…) một phần cho Hà Thị Chuyên, một phần giao cho hai bà mẹ, tùy xử lý sau này con cháu nuôi dưỡng ai có lòng hiếu thảo thì trao lại. Phần đất mới xây dựng, ông dành cho Hà Thị Thụy và cho Hà Tuân làm hương hỏa và làm từ đường phụng sự muôn đời. Di chúc dành một đoạn nói về ba người con con nhỏ Hà Tuân, Hà Thị Thụy, Hà Thị Chuyên, thật xúc động: “ba người này còn nhỏ, lòng ta chưa được yên”. Và vì chưa yên lòng, ông “dám phiền hai Thận nhân và ông chú giúp đỡ cho đều được yên bề gia thất, cho đến trưởng thành, đấy là điều ta mong muốn.”. Phần cuối của bản di chúc Hà Tông Mục dành nói về hai người vợ, ân tình, ơn nghĩa: “Hai người vợ của ta; một người là con gái trưởng dòng họ Vũ thôn Thuần Chân, xã nội Thiên Lộc là Vũ Thị Lâm, hiệu Từ Tĩnh, từ nhỏ đã kết tóc xe duyên cùng ta, theo chồng làm lụng, chăm nom cửa nhà; một người là con gái trưởng của quan huyện thừa Thanh Hà (Hải Dương), họ Vũ quê ở xã Ngọc Trì, huyện Lang Tài, thuộc Kinh Bắc…Xưa kia phụ thân ta giỏi về phương pháp chữa bệnh, nhân khi chữa khỏi bệnh cho họ, họ muốn gả con gái cho ta, khi ta xa cách gia đình, muốn gả con gái cho người khác, nhưng vợ ta giữ nghĩa nhất định không chịu…Bà nhạc mẫu họ Đỗ của ta, khi ta du học ở kinh đã chăm lo cho ta mọi việc học hành sách vở, quần áo cho đến dụng cụ học tập nhất nhất đều lo liệu chu đáo. Đợi đến 10 năm khi con gái lớn lên mới gả cho ta. Công lao đầy tình nghĩa ấy không bao giờ ta quên được”. Và đây là tấm lòng của ông đối với hai người mẹ:“ Danh vọng và sự nghiệp của ta là nhờ ở hai người mẹ. Một bà sinh ra ta và một bà họ Đỗ (mẹ vợ) cần được ghi nhận và tế tự 86 cùng tổ tiên muôn đời. Làm trái điều đó là phạm vào tội bất hiếu. Dù ta có linh thiêng ở chín suối cũng không được yên lòng. Các con cháu hãy ghi nhớ lấy.

       Di chúc của Hà Tông Mục không hàm chứa những điều to tát về thời cuộc, về triều đại, về công nghiệp chấn hưng đất nước…Nó chỉ chứa đựng những lời dặn dò trong gia đình, họ tộc: về ruộng, về nhà cửa, về tiền bạc. Nhưng đầu tiên và cuối cùng, bao trùm và xuyên suốt là một Hà Tông Mục với thái độ minh bạch, công bằng, một Hà Tông Mục yêu thương sâu sắc, tình nghĩa thủy chung. Một Hà Tông Mục, vị Công bộ Thượng thư quyền cao, chức trọng luôn lấy bản chất đạo lý truyền thống người Việt làm cốt lõi cho văn hóa đối nhân, xử thế. Bản Di chúc của Hà Tông Mục làm rạng ngời thêm đạo làm người, đạo làm quan, sự nghiệp toàn vẹn riêng chung của những sĩ phu xứ Nghệ trong chế độ phong kiến tập quyền quân chủ chuyên chế Việt Nam cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. /.

Đức Ban

 

. . . . .
Loading the player...