10-03-2021 - 09:30

Về bài thơ “Miền ký ức” của Nguyễn Viết Dưỡng

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ "Miền ký ức" của tác giả Nguyễn Viết Dưỡng qua lời bình của Trần Quốc Chỉnh

Miền ký ức

 

       “Mẹ tôi tất bật một đời

Xác ve áo đụp váy sồi nhuộm đen

       Hao gầy giữa chốn đua chen

Gạn trong nước đục đánh phèn càng trong

       Trẻ nuôi con, già chăm chồng

Ổ rơm ngày rét nắng nồng áo tơi

       Cháo rau qua bữa cầm hơi

Sáng bươn chợ Trẽn chiều vời đồng Chai

       Một đời đòn gánh oằn vai

Một thân che chắn trong ngoài bình yên

       Một thời nghiêng nón làm duyên

Che đôi má lúm đồng tiền với ai

       Nhớ chồng đổ lúa ra xay

Thương con tay nắm lấy tay dặn mình

       Thảo thơm trọn hiếu vẹn tình

Mẹ là cô Tấm hiện sinh trong nhà

       Một ngày mẹ đã đi xa

Một cơn ác mộng vỡ òa trong tôi

       Lần tìm chiếc chiếu tao nôi

Từ manh áo cũ, từ nơi mẹ nằm

       Mẹ đi sương gió dãi dầm

Gia tài để lại chữ “tâm” cho đời

       Có đi cuối đất cùng trời

Con xin một kiếp làm người có nhân

       Vì người là cũng vì thân

Nén hương lạy mẹ vạn lần mẹ ơi!”

                                     Nguyễn Viết Dưỡng

 

Lời bình:

 

Cầm trong tay “Miền ký ức” – tập thơ của Nguyễn Viết Dưỡng, thực sự, tôi không định hình được mình sẽ viết gì về hơn 70 bài thơ xinh xắn này. Giới thiệu về tập thơ chăng? Mình không được “tín nhiệm”, vả lại bài thơ đã được Hội nhà văn xuất bản.

“Cảo thơm lần giở trước đèn”, tôi làm động tác “bói Kiều” giở được trang 25 có bài “Miền ký ức”. Tôi chợt nghĩ: “Trời đã định, trời bảo viết về bài này, những bài khác quá hay anh đâu đủ sức”. Và tôi viết.

“Miền ký ức” là một bài thơ mà tác giả viết về người mẹ kính yêu của mình (chứ không phải một người mẹ chung chung mà ta thường bắt gặp trong thơ ca).

Thơ viết về mẹ, cổ kim, Đông tây hằng hà sa số. Phàm là nhà thơ đều rất nhạy cảm, nhất là với những gì gắn bó với số phận, cuộc đời, sự trưởng thành của cá nhân. Vì thế, hình ảnh mẹ đã trở nên âm thầm, khắc khoải trong tâm hồn thi sĩ. Trong trí nhớ của chúng ta, những câu ca dao xưa viết về người mẹ tần tảo sớm khuya, nhẫn nại nuôi con, chịu thương chịu khó… vẫn luôn hiện hữu. Những người đã bước qua cổng trường phổ thông, hẳn không mấy ai không thuộc những câu thơ viết về mẹ đầy cảm động của Nguyễn Khoa Điềm hay của Hoàng Cầm:

“Bên kia sông Đuống

Mẹ già ta còn cõi gánh hàng rong

Bước cao thấp bên bờ tre hun hút

Có con cò trắng bay vùn vụt

Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu…”

Bài thơ “Miền ký ức” của Nguyễn Viết Dưỡng không nằm ngoài thông lệ đó. Có điều, trong cảm nhận của tôi, “Miền ký ức” là một chỉnh thể nghệ thuật, một bài thơ khắc họa hoàn chỉnh về hình ảnh người mẹ, hỗn mang nhiều sắc thái cảm xúc của tác giả: Có kính yêu, cảm phục, có sững sờ, tiếc nuối và ước vọng đáp đền. Cảm hứng đó đã làm nên vẻ đẹp toàn bích của bài thơ.

Với một cảm xúc vừa mãnh liệt vừa sâu lắng, Nguyễn Viết Dưỡng đã tổ chức bài thơ thành ba đoạn thống nhất: Bảy cặp lục bát đầu (14 câu) là những ký ức rõ nét của đứa con về người mẹ kính yêu. Bốn cặp lục bát tiếp theo (8 câu) là suy ngẫm, là “cơn ác mộng” của tác giả khi mẹ đi “sương gió dãi dầu”. Kết thúc bài thơ là khát vọng đáp đền, là “nén hương lạy mẹ” của đứa con chí hiếu.

Bài thơ được mở đầu bằng những lời thuật kể bình đạm, tự nhiên như lời nói thường về “mẹ tôi”:

“Mẹ tôi tất bật một đời

Xác ve áo đụp váy sồi nhuộm đen

Nhớ chồng đổ lúa ra xay

Thương con tay nắm lấy tay dặn mình”

Ở đây, chất tự sự (kể) dường như đã lấn át trữ tình. Chất tự sự được xây dựng dựa trên nguyên tắc kể về sự việc mẹ tôi “như thế nào”, “ở đâu”, từ sinh hoạt, công việc cho đến phẩm chất… qua những hình ảnh giản dị mà xúc động như mẹ tôi “tất bật”, “xác ve”, “hao gầy”, “nuôi con”, “chăm chồng”, “rau cháo”, “ổ rơm”, “sáng bươn chợ Trẽn, chiều vời đồng Chai”… Lời kể của tác giả về mẹ tưởng như bình thường mà sao cứ chạm khắc vào miền thẳm sâu của trái tim người đọc? Phải chăng yếu tố kể của tác giả đã thấm đẫm sắc thái cảm xúc? Quả vậy, những từ ngữ về mẹ tôi như “xác ve”, “váy đụp”… đã kể trên ẩn chứa trong đó sức sống của ký ức, hằn in trong “miền ký ức” của đứa con, khiến cho những chuyện xưa của “mẹ tôi” lại vừa như đang hiện hữu đâu đây.

Mặt khác, những chi tiết về một đời mẹ tôi tần tảo “một thân che chắn” hay “thương con tay nắm lấy tay dặn mình” – chẳng những đã khắc họa sâu sắc phẩm chất đạo đức đẹp đẽ của mẹ - mà hơn thế nữa, nó đã vượt khỏi tính chất kể, không còn đơn thuần là ngôn ngữ kể, khắc họa chân dung mà thực sự hàm chứa cảm xúc. Nói cách khác, chất tự sự và trữ tình trong đoạn thơ đã hòa quyền, khiến cho đoạn thơ có sức lay động mãnh liệt tâm hồn người đọc, khắc họa trọn vẹn vẻ đẹp của chân dung “mẹ tôi”. Chỗ mạnh của Nguyễn Viết Dưỡng, của bài thơ chính là lời thơ biểu đạt đầy biểu tượng này – một phẩm chất của ngôn ngữ thi ca – khiến cho cả đoạn thơ không chỉ là những ký ức sâu thẳm của đứa con về mẹ mà những chi tiết ấy còn có khả năng đánh thức những bí mật còn cất giấu trong tâm hồn mỗi con người (nhất là ở người phụ nữ).

Ở đoạn hai vẫn là lời kể về mẹ, là hình ảnh mẹ nhưng là mẹ trong nỗi thảng thốt, đứt đoạn, trong cơn ác mộng của tác giả:

“Thảo thơm trọn hiếu vẹn tình

Mẹ là cô Tấm hiện sinh trong nhà

Một ngày mẹ đã đi xa

Một cơn ác mộng vỡ òa trong tôi

Lần tìm chiếc chiếu tao nôi

Từ manh áo cũ, từ nơi mẹ nằm”

Từ những ký ức rõ nét về mẹ (đoạn một), đến đây, chân dung mẹ, bóng dáng mẹ lại hiện lên trong sự kiếm tìm thảng thốt của đứa con. Sức ám ảnh của bài thơ có lẽ ở cấu tứ tưởng như đơn giản nhưng thực ra khá độc đáo này. “Một cơn ác mộng” hãi hùng đã đưa mẹ đi xa, để bây giờ, đứa con thương nhớ, kính yêu mẹ, chỉ có thể tìm thấy mẹ qua “chiếc chiếu tao nôi” từ “manh áo cũ”, từ “nơi mẹ nằm”… Không gì cô đơn hơn khi không còn mẹ. Không gì buồn hơn khi không còn mẹ! Cách cấu tứ như một vòng xếp đồng tâm, chồng xếp lên nhau khiến cho chân dung mẹ, nỗi nhớ thương mẹ càng day dứt hơn, đậm nét hơn trong miền ký ức của đứa con.

Theo mẹ - Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Bài thơ khép lại bằng lời khẩn cầu, lời xin và “nén hương lạy mẹ vạn lần” thật xúc động. Nhưng có lẽ, sâu đậm, thiêng liêng hơn bởi đoạn thơ, lời thơ thiên về suy ngẫm của một đứa con dường như đã đủ chín chắn để thấu hiểu và thương nhớ mẹ:

“Có đi cuối đất cùng trời

Con xin một kiếp làm người có nhân

Vì người là cũng vì thân

Nén hương lạy mẹ vạn lần mẹ ơi!”

Bài thơ đúng như tiêu đề “Miền ký ức”. Thông thường kiểu thơ hồi ức này, thi sĩ hay sử dụng từ cảm thán “ôi”, “ơi”… nhằm tăng hiệu quả cảm xúc. Nhưng Nguyễn Viết Dưỡng chọn một cách xử lý khác. Cả bài thơ chỉ có duy nhất một chữ “ơi” cuối bài. Tác giả kính yêu mẹ, nhớ mẹ, cảm phục, ghi ơn mẹ… nhưng đã nén cảm xúc đó, không ồn ào kể lể mà chọn những hình ảnh ấn tượng nhất, những chi tiết ấn tượng nhất và cả những tương phản gay gắt nhất để chúng tự nói lên cảm xúc sâu thẳm của mình.

Cách viết, cách kể giản dị, mộc mạc mà thẳm sâu như chính tình thương nỗi nhớ mà tác giả dành cho mẹ, không khách sáo, không cường điều, khiến cho bài thơ đầy xúc động.

 

Hà Tĩnh, ngày 20 tháng 2 năm 2020

Trần Quốc Chỉnh

. . . . .
Loading the player...