28-02-2021 - 08:19

VĂN HÓA ĐỌC KHỞI NGUỒN TỪ NGƯỜI VIẾT

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Tân Sửu trân trọng giới thiệu bài viết "Văn hóa đọc khởi nguồn từ người viết" của tác giả Võ Minh Châu. Bài viết thể hiện góc nhìn khá sắc sảo về vấn đề đọc và viết hiện nay.

 

văn hóa đọc khởi nguồn

từ người viết

 

Người xưa có câu: “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”. Mọi việc làm đều bình thường, chỉ có việc đọc sách là cao quý. Ngoài xã hội là thế. Còn trong gia đình: “Khuyên chàng đọc sách làm thơ/ Dầu hao thiếp chịu, đèn mờ thiếp khêu”. Trong xã hội cũ, người phụ nữ khi lấy chồng đã chọn: “Thứ nhất lấy kẻ sĩ nho/ Thứ nhì lấy kẻ làm to mà nhờ…”. Tâm lý của người Á Đông là vậy. Người Phương Tây có thể chọn Các-Mác là người tiêu biểu. Một lần Mác nói với con gái: “Việc mà ba thích nhất là lục tìm trong sách báo…”. Lê Nin, vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân Nga đã từng đúc kết: “Những gì tôi có được trên đời này đều đội ơn sách báo…”. Trong Thời thơ ấu của Măc-xim Gorki, hình ảnh cậu bé Aliusa leo trên nóc lò sưởi, giơ trang sách lên dưới ánh nắng mặt trời soi, cố tìm cho ra có cái gì trong những trang sách mà làm hấp dẫn lòng mình đến vậy… Dẫn ra những điều này chúng tôi muốn nói lên cái chân lý: Muốn có tri thức và những hiểu biết khác trong xã hội thì phải tìm đến với sách báo. Câu châm ngôn của người xưa: “Thư trung hữu kim”. Sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Muốn có “Vàng” phải tìm trong sách. Còn rất nhiều thí dụ khác không thể dẫn ra đây.

Lẽ đời Đông, Tây, kim, cổ là như vậy. Nhưng gần đây qua khảo sát, chúng tôi thấy tình trạng văn hóa đọc đã xuống cấp một cách nghiêm trọng. Có một sự thật hiện nay tìm thông tin chủ yếu là những tin nóng, tin giật gân qua mạng xã hội mà người ta ít đọc sách báo xuất bản theo con đường chính thống. Trong bài viết này tôi muốn bàn tình trạng đọc sách văn chương. Trước hết nói về tờ Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Thông tin tháng 12/2020 toàn Hà Tĩnh chỉ có 20 số báo Văn nghệ, trong đó: Thành phố Hà Tĩnh cả tập thể cá nhân và Thư viện tỉnh đã chiếm 15/20. Còn lại 5 số. Huyện Nghi Xuân dẫn đầu với 2 số, 3 số còn lại chia đều cho 3 huyện: Đức Thọ 1, Thạch Hà 1, Cẩm Xuyên 1. 9 huyện còn lại là 9 con số 0 về tờ báo của Hội nhà văn Việt Nam. Con số Văn Nghệ tháng 1/2021 cả tỉnh chỉ còn 15 số của Thành phố. Trong khi ấy 12 huyện thị còn lại ít nhất mỗi huyện đều có 1 chuyên viên văn của Phòng giáo dục đào tạo cấp huyện, mỗi huyện ít nhất có 2 đến 3 trường Trung học phổ thông có 3 tổ trưởng văn và hàng trăm giáo viên dạy văn bậc Phổ thông trung học. Mỗi huyện có ít nhất hàng chục Trường Trung học cơ sở với hàng chục tổ trưởng Văn và hàng trăm giáo viên đứng lớp dạy môn Ngữ Văn đều không biết đến tờ báo Văn. Nói lên điều này để chứng tỏ một sự thật: Người dạy văn, hành nghề bằng nghiệp văn mà không hề đọc đến tờ báo Văn của Hội Nhà văn Việt Nam… có nỗi buồn nào hơn cho văn chương thế sự của vùng đất nổi tiếng là đất của truyền thống văn hóa khoa cử.

Cách đây khoảng 15 năm, hồi ấy tôi đi khảo sát sách báo của một số trường Trung học phổ thông, đến các trường hỏi tờ Văn Nghệ đều không có. Khi hỏi tổ trưởng môn văn: Ai là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam? Thầy giáo ấy không cần suy nghĩ mà khẳng định dứt khoát: “Nhà thơ Nguyễn Đình Thi”. Tôi cười đưa thông tin với thầy giáo ấy: Nguyễn Đình Thi đã mất khá lâu rồi anh bạn ơi!. Nhân chuyện này, tôi về đặt vấn đề với giám đốc Sở giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh. Với sự chỉ đạo của ông Giám đốc thời ấy, tất cả các tổ văn từ Trung học cơ sở đến Trung học phổ thông đều được đặt tờ Văn Nghệ nâng số lượng báo Văn Nghệ trên địa bàn Hà Tĩnh có hơn 300 trăm tờ. Sự thật kinh phí cho việc đặt 1 tờ Báo Văn Nghệ trên nguồn thu và nguồn tiền trên cấp về cho một trường học không đáng là bao.

Chuyện về tờ báo Văn của nước nhà với những giáo viên dạy văn của vùng đất học Hà Tĩnh là như thế. Xin nói thêm về những ấn phẩn văn chương trên đất Hà Tĩnh được tặng thưởng giải thưởng Nhà nước, việc đến tay các thầy cô giáo dạy văn ở các trường THPT cũng chung số phận như tờ báo văn chương. Cách đây chưa lâu, tôi đến khá nhiều trường học của nhiều huyện thị đưa tên một số đầu sách được giải thưởng Nhà nước ra hỏi một hội giáo viên văn kể cả những người làm tổ trưởng thì đa số họ có biết tên của các nhà văn ấy nhưng tên tác phẩm được giải họ chưa bao giờ nghe, chưa bao thấy tác phẩm ấy xuất hiện ở đâu. Trong thư viện nhà trường cũng không có thì lấy gì để cho các thầy cô giáo và các em học sinh đọc?

  Thời kỳ đầu những năm 1980, hàng hóa đang khan hiếm, mỗi cán bộ công chức được phát một cái bìa mua hàng. Chế độ thì có nhưng hàng hóa mấy khi có để mua. Vậy nên trong dân gian truyền miệng nhau câu đối:“Cửa hàng bách hóa người mua không bán. Người bán mua”. Tạm diễn giải vế đối này như sau: Cửa hàng bách hóa, nhân dân có bao giờ mua được hàng đâu mà chỉ có nhân viên mậu dịch đưa ra bán cho chính họ để rồi họ tuồn ra cửa sau bán để kiếm lời. Ứng với cái vế ấy còn có câu: “Hiệu sách nhân dân người đọc không đọc. Người viết đọc”. Ý câu này dễ hiểu hơn. Thời ấy sách báo xuất bản được đưa vào Hiệu sách Nhân dân để bán. Đáng ra bạn đọc đến mua sách để đọc nhưng “Người đọc không mua nên không đọc”, chỉ có “Người viết đọc của nhau”. Thời ấy còn có điều đáng mừng vì những người viết còn đọc của nhau, nhưng đến bây giờ hầu như những người viết cũng ít đọc của nhau luôn. Văn hóa đọc vốn vô cùng quan trọng và cao quý giờ thành ra là vậy đấy.

Câu hỏi đặt ra: Như vậy lỗi tại người đọc hay tại người viết? Hay tại cả đôi? Hiện nay phổ biến tình trạng trong nhà cán bộ công chức sang trọng chỉ thấy trưng bày tủ rượu ngoại rất sang chứ ít thấy tủ sách. Những nhà có tủ sách thì tình trạng trên giá sách thường được trưng bày sách biếu nhiều hơn là sách mua để đọc. Có lần tôi mua được hàng chục cuốn sách biếu mới tinh được bán cho những người buôn giấy loại. Được biết gần đây việc phát hành sách ở phía Nam chiều hướng mạnh hơn phía Bắc. Trên một số tờ báo phát hành ở phương Nam đăng tin nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư ở Cà Mau, tác giả của Cánh đồng bất tận nổi tiếng trước đây vừa viết xong cuốn Biên sử nước độ dày dưới 150 trang. Tác phẩm ấy có thông tin được Nhà xuất bản Trẻ sẽ ấn hành. Sách chưa in mà đã có hơn 3.000 đơn đặt hàng mua. Và như vậy thì mua được sách để đọc như vậy cũng không phải là “quá dễ”. Vậy từ hai sự việc mà tôi nói tới, khả dĩ cũng có thể tìm được câu trả lời…

Nhân việc luận bàn về thực trạng của văn hóa đọc, quay về vấn đề văn học tỉnh nhà, chúng tôi thử đặt lại vấn đề: Phải chăng các tác giả văn xuôi và thơ ở Hà Tĩnh chưa tìm được đề tài hay và cách thể hiện tốt để khơi gợi niềm đam mê cho tác giả để họ viết nên những tác phẩm “để đời” mà người đọc đang mong chờ. Có thể khi sách chưa ra đời nhiều người đã háo hức chờ, đón đọc. Phải chăng nên trở lại học lời dạy của Bác Hồ đối với văn nghệ sĩ: “Viết cho ai? Viết cái gì? Viết thế nào?”. Nếu giải quyết được ba câu hỏi ấy chắc hẳn chúng ta sẽ có được những tác phẩm hay và người đọc cũng sẽ tìm đến như Biên sử nước của Nguyễn Thị Ngọc Tư.

Để kết thúc bài viết này; xin mượn lời của nhà thơ Sóng Hồng: “Tôi vẫn nhớ Bác Hồ ta luôn nhắc:/ Câu thơ hay là câu thơ thiết thực/ Phải là câu thơ có ích với nhân dân”. Nhiều tác phẩm của văn nghệ sĩ chúng ta hiện nay đang viết về những chuyện ở đâu đâu chứ ít xuất hiện hình bóng cuộc đời này với những tâm tư, nguyện vọng và khao khát của nhân dân. Văn hóa đọc phải được khơi nguồn từ người viết.

    Tháng 1/2001

     Võ Minh Châu

. . . . .
Loading the player...