15-06-2019 - 08:09

Văn hóa dân gian của cư dân ven biển ở Hà Tĩnh - Tạp chí Hồng Lĩnh số 154

Tạp chí Hồng Lĩnh số 154 giới thiệu bài viết "Văn hóa dân gian của cư dân ven biển ở Hà Tĩnh" của Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Phan Thư Hiền.

 

         Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km (trong tổng số 3.260km của bờ biển Việt Nam). Trong môi trường biển, với ý thức của chủ sở hữu, cộng đồng cư dân ven biển đã sáng tạo ra một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, độc đáo, riêng có. Cư dân ven biển Hà Tĩnh luôn gắn bó, tôn kính và hướng lòng mình về biển bao la, hùng vĩ và quyền uy mong được che chở. Với sự đa nguồn gốc của thành phần cư dân ven biển đã hình thành nên một bức tranh tín ngưỡng đa màu sắc với sự giao thoa giữa các khu vực, song cũng có những nét riêng, nét đặc trưng mang tính vùng miền. 

         Tín ngưỡng dân gian của cư dân ven biển Hà Tĩnh được tập trung vào mấy nhóm tập tục. Tục thờ Cá Ông (Cá Voi) và lễ hội cầu ngư: đây là một sinh hoạt mang tính chất tâm linh không thể thiếu vắng của cộng đồng cư dân ven biển từ Bắc Bộ, Trung Bộ đến Nam Bộ. Xuất phát từ niềm tin và ước vọng luôn được cá Ông bảo hộ cho ngư dân làm nghề đánh bắt cá và chỉ dẫn cho họ đi lại trên biển được an toàn, bình yên, may mắn. Tục thờ Đông Hải Đại vương: Ngài là vị thần được thờ suốt dọc bờ biển nước ta, vị thần này cũng ứng với thần cá Voi gắn với tục thờ cá, bảo trợ cho cư dân đi biển, làm nghề đánh cá và buôn bán trên biển. Vị thần này còn có các danh xưng như Nam Hải Long vương, Bát Hải Đại vương (liên quan đến việc trông coi tám cửa biển của nước ta). Tục thờ Tứ vị Thánh mẫu: đây là 4 vị thần nguồn gốc Trung Quốc nhưng đã được bản địa hóa, thiêng hóa để trở thành Nữ thần biển mang may mắn đến cho cư dân vùng biển, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh trong việc chinh phục biển để phục vụ đời sống, mang ý nghĩa cầu an, cầu mùa màng bội thu và sự thuận lợi mỗi khi ra vào cửa biển, cửa lạch. Tục thờ Tiên hiền: những người đặt chân đầu tiên lên vùng đất mới, định cư và mở mang nghề biển hoặc là người có công khai phá, lập nghiệp ở vùng đất mới này được suy tôn là những bậc Tiền hiền. Tục thờ danh nhân, anh hùng: tín ngưỡng này không chỉ thể hiện lòng tri ân của thế hệ sau đối với sự hi sinh của thế hệ trước, mà còn cổ vũ, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn; đạo lí “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” lâu đời của người Việt nói chung, ngư dân Hà Tĩnh nói riêng. Lễ hội dân gian của cư dân ven biển nhằm vào việc tưởng nhớ công đức của người xưa, vừa thể hiện lòng mong ước, sự cầu chúc cho một năm làm ăn phát đạt. Trong các dịp lễ hội, tín ngưỡng dân gian và sinh hoạt văn hóa - văn nghệ dân gian được hòa quyện chặt chẽ với nhau, tạo cho đời sống văn hóa - tinh thần của ngư dân vùng biển Hà Tĩnh mang đậm bản sắc địa phương. Một số lễ hội dân gian tiêu biểu ở vùng biển Hà Tĩnh gồm: Sỹ - nông - công - thương (Nghi Xuân); Đền Chiêu Trưng đại vương Lê Khôi (Thạch Hà – Lộc Hà); Cầu ngưHò chèo cạn (Cẩm Xuyên); Đền bà Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Anh). Hầu hết lễ hội có 4 phần chính: nghi thức, tế lễ, lễ rước trên biển và lễ tế tại miếu thờ. Ở phần hội, nét hấp dẫn nhất là diễn xướng dân gian và trò chơi dân gian.

Lễ rước hội đền Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi năm 2019 - Ảnh: Văn Bảy

         Hòa vào biển để sinh tồn, trong quá trình ứng xử với biển, với ngư dân, với xã hội, người dân đã thấm sâu vào tâm thức kiểu nói năng của dân vạn chài qua nhiều thế hệ, hình thành nên một bộ phận phương ngữ về biển, mang sắc thái văn hóa biển như: vát (chèo ngược gió), ăn to nói lớn, ăn sóng nói gió, bạn lái, bạn chèo (những người làm thuê trên tàu đánh cá), đi bạn (đi biển nhưng không phải là chủ ghe), xôi hỏng bỏng không, sụp sạp (làm ăn thua thiệt), nới lèo (nới dây lái), tí tèo teo (rất ít); khi chưa đánh cá thì không bao giờ nói đánh được nhiều cá, vì thế đừng nên nói trước bước không qua… Biển khơi dưới cái nhìn của dân vạn làng chài là vô cùng bí ẩn, luôn có nhiều hiểm nguy rình rập, cho nên việc kiêng kị trở thành thói quen hằng ngày và đã ăn sâu vào tiềm thức của họ từ đời này qua đời khác. Ví như, khi khiêng lưới xuống tàu, kiêng gặp người có thai; những người có tang, không được xuống tàu; người đi dự đám tang xong, phải tắm gội sạch sẽ mới được bước xuống tàu; nếu có ai hỏi phía sau, thì chỉ trả lời mà không được ngoáy đầu lại; khi xuống tàu, nếu đội nón hay cầm nón trên tay mà gió thổi lật nón là điềm xấu; khi tàu chuẩn bị nhổ neo, mọi vật dụng trên tàu đều phải đặt ngửa; khi tàu ra khơi không nói tục, không mắng nhiếc người khác; ngồi trên tàu không để sập chân xuống sạp; khi đang thả neo không ai được tiểu đại tiện và muốn tiểu đại tiện không được đi bên lái (trái); người ngồi ở mũi tàu phải hướng về phía trước, không quay mặt về phía sau; không được để vật gì rơi xuống biển (nhất là con dao); khi đang đánh bắt hoặc khi trên đường ra khơi, gặp phải cá voi, trưởng tàu nắm chiếc đũa chỉ về hướng khác, nếu cá voi theo đó di chuyển khỏi mũi tàu, tiếp tục cuộc ra khơi, bằng không được hiểu là trời đuổi, tức khắc phải quay vào bờ; lúc người chồng đi biển, ở nhà vợ phải giữ thủy chung trong sạch; không được hỏi nhau nhiều lời; làm cá không chặt đuôi; không được thả đầu cá, vảy, vi hay ruột cá xuống biển; ăn cá không lật sấp khi ăn xong một mặt; kỵ đàn bà, con gái chạm vào lưới hoặc sờ vào mũi tàu…

       Tri Gắn bó với biển lâu đời, cư dân ven biển cũng đã tích lũy được nguồn tri thức dân gian vô cùng phong phúTri thức dân gian chính là kết tinh của quá trình thích ứng chung sống với môi trường biển của các bao đời cư dân địa phương trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

         Tri thức dân gian về thời tiết, khí hậu liên quan đến biển là kho kinh nghiệm dựa vào các hiện tượng tự nhiên, mây gió, sóng nước, cây cỏ, chim thú để dự đoán thời tiết, thời vụ; đoán định các mối nguy hiểm để ứng phó, phòng tránh hoặc nắm bắt được các điều kiện, nhân tố thuận lợi để tranh thủ, lợi dụng tổ chức các hoạt động hàng ngày trên biển từ khai thác, đánh bắt đến dịch vụ, buôn bán trên biển. Kho tri thức này có thể tập hợp thành các nhóm sau: Dựa vào các hiện tượng tự nhiên như mây, sấm, cầu vồng, chuyển động của nước biển, thay đổi của cát biển để dự đoán thời tiết (giao thừa nhìn mây, chớp phía chân trời để đoán xem năm ấy có mấy cơn bão, trận lụt; chớp nhiều ở dưới nước phía hòn Nghê thì trời sắp động; mây phía hang Tò Vò ửng đỏ thì sẽ có bão, cát biển bước xuống bị lún thì trời sắp động…); Dựa vào tinh tượng để dự đoán thời tiết, xác định phương hướng: Những tài công, hoa tiêu, những người đi biển lão luyện của địa phương cũng là những người có kinh nghiệm nhìn trăng sao, bầu trời để xác định phương hướng, xác định vị trí cũng như dự đoán sự thay đổi của thời tiết: Mụt măng mọc vào chính giữa bụi tre thì năm ấy có bão; mọc ra bên ngoài thì không có bão hoặc bão nhỏ. Lau sậy trổ bông thì hết lụt; hoa ngô đồng bay lá trắng thì trời mưa…; Dựa vào chim cá, muông thú để dự đoán thời tiết, dự báo nguy hiểm: Ong vò vẽ làm tổ trên cao thì ít bão, làm tổ dưới thấp thì có bão lớn. Trời đang động mà chuồn chuồn bay ra nhiều thì trời chuyển lặng; hoàng hôn mà nghe chim lạc kêu vang thì ngày mai sẽ có gió bấc…

         Cư dân tìm thấy ở biển nhiều loại nguyên liệu, sản vật có tác dụng chữa bệnh và những cách thức phòng trị bệnh dân gian rất có ích. Đó là tác dụng của nước biển, cát biển đối với một số bệnh ngoài da, phong thấp, suy nhược, bệnh đường hô hấp, viêm xoang, gai cột sống… Hay nước mắm nguyên chất chôn xuống đất sâu, để càng lâu là một vị thuốc chữa bệnh suy nhược do thương hàn, tiêu hóa,…; dược tính của rong tảo, nang mực, vỏ bào ngư, máu đồi mồi, ba ba biển; xương cá voi, đầu cá lược, bào ngư, hải sản, cá ngựa, vi cước cá, tổ chim yến, có tác dụng chữa một số bệnh thời khí, cảm hàn, nhuận trường, tiêu thực, bồi bổ sức khỏe…

         Biển Hà Tĩnh có rất nhiều loài thủy hải sản phong phú, đa dạng. Chính vì vậy, người dân nơi đây từ xa xưa đã biết dùng sản vật đánh bắt được để chế biến những ẩm thực độc đáo. Trong đó có những món ăn dân dã nhưng đã đi vào ca dao như:“Cá lẹp mà kẹp lá mưng/ Chồng ăn một miếng, vợ trừng mắt lên”; các món bún chả cá, gỏi cá đục, mít non trộn sứa, bánh tráng trộn nham… cùng với mực nhảy Vũng Áng; dưa gang, dưa hấu Thịnh Lộc; ruốc bể, ruốc chua Thạch Kim; nước mắm nhỉ Cẩm Nhượng; rong biển Kỳ Ninh…là những đặc sản không đắt đỏ nhưng ngon và lạ mồm. Nhờ vậy, các loại tôm, cá, cua, mực, tảo, rong biển đã được khai thác và chế biến trở thành các mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Cách thức chế biến các món ăn từ hải sản cũng ngày càng có sự phát triển và thực đơn các món ăn từ biển cũng ngày càng phong phú với sự góp mặt của các loại gỏi hải sản, các món trộn, nướng, lẩu, chiên, hấp, cháo, chè…lấy nguyên liệu từ biển. Mỗi loại món ăn có cách chế biến, kỹ thuật nấu nướng với bí quyết riêng nhằm tạo nên sự hấp dẫn, ngon miệng.

         Cư dân biển được “độc quyền” những tri thức dân gian về ngành nghề gắn liền với biển như nghề chế biến nước mắm, may vá lưới và nghề đánh bắt. Muốn có nước mắm ngon đòi hỏi phải làm rất công phu. Người ta chọn muối ướp cá là thứ muối trắng tinh, hạt to, được đổ trên nền xi măng từ 5 - 10 ngày cho muối rỉ ra hết vị đắng. Sau đó, cho muối bỏ vào chum cất giữ khoảng 2- 3 năm mới đem ra muối cá, sẽ tạo ra loại nước mắm không đắng chát. Cá làm mắm ngon là loại cá cơm được đánh bắt vào tháng ba âm lịch; chọn cá còn tươi, không to không nhỏ; không rửa cá bằng nước ngọt để lâu sẽ bị thối; muối cá trong vại sành hoặc thùng gỗ không muối bằng vại xi măng sẽ không giữ được độ đạm; muối ngay khi còn tươi, trộn cá đều và không bị nát, ủ 12 tháng, rồi chắt lấy nước trong, để tiếp một tháng mới đem ra sử dụng. Sau những chuyến đi biển, những người dân làng chài thường may vá lại lưới của gia đình mình bị rách hoặc may vá thuê cho những gia đình khác;: gồm các nghề: lưới kéo, lưới rê, lưới chuồn, đánh đèn, câu mực, vó trục, đóng đăng, đắp đập…

         Cũng như cư dân ven biển nói chung, cư dân ven biển Hà Tĩnh sở hữu một kho tàng văn học dân gian vô cùng phong phú, đa dạng.Về truyện kể, một type truyện khá phổ biến về các vị thần phù hộ cho người đi biển đó là: một hoặc một nhóm người bị chết đuối, dạt vào bờ biển, hiển linh và truyện kể về các nhân vật lịch sử và nhân vật vô danh chết thiêng, hiển thần được thờ cúng (gồm các nhân vật có liên quan đến lịch sử và giả sử như: Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, Thượng tướng quân Thập nhị hải môn Nguyễn Sư Hồi, Chiêu Trưng Đại vương; Tứ vị Thánh Nương, bà Nguyễn Thị Bích Châu, Phạm Thị Ngọc Trần, bà Càn… và các vị tướng thời Trần được thờ). Ca dao, dân ca hò, vè vô cùng đặc sắc, được phản ánh theo diện mạo đời sống văn hóa tinh thần, gắn với tâm thức người dân: Ngó lên trời, trời cao lồng lộng/ Ngó xuống biển, biển rộng thênh thang/ Ai về Tam Hải, Tam Quang/ Nhớ đem bao tải mà mang cá về; Cá chuồn nhiều nhất Thanh Khê / Tân Lưu quê bạn cũng nghề biển Đông; Anh đi ba bữa chưa về / Biển xa sóng dữ chớ hề ở lâu, Thương em vì cá trích ve/ Vì rau muống luộc vì mè trộn măng… Nghề đi biển là nghề vô cùng gian nan vất vả, thậm chí phải hy sinh mạng sống của mình những khi trời giông bão nên những người hành nghề đánh bắt cá thường cầu mong: Ra khơi bữa có bữa không/ Lạy trời đừng để tố giông cho mình… Những người làng chài ven biển, lớn lên đều sống bằng nghề này, do vậy, họ khuyên con cái của mình dù có khổ cực bao nhiêu đi chăng nữa nhưng hãy giữ lấy nghề: Con ơi, giữ lấy nghề chài/ Dù sao cam khổ, ngọt bùi đã quen/ Đêm ra ngoài biển đốt đèn/ Nhìn lên sao sáng phận hèn cũng vui; Cha chài, mẹ lưới, con câu/ Ăn nhờ bọt nước lây đâu mà giàu…Khi ra biển, họ dựa vào cây cỏ, sự vật để dự đoán thời tiết: Đi ra trông sao, đi vào trông rú; Mau sao thì nắng vắng sao thì mưa; Cò bay xuôi, nước lui ra biển/ Cò bay ngược nước vượt lên bờ; Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông… Những người đàn ông đi ra biển, luôn để lại nỗi nhớ nhung, lo sợ cho người phụ nữ ở nhà: Trông ra ngoài biển mù mù/ Biết anh câu đục, câu đù mà thương/ Năm canh chẳng biết canh nào/ Nằm nghe sóng biển lao xao trong lòng/ Kể từ ngày thiếp Bắc chàng Đông/Thuyền kia chẳng lại hết mong lại chờ;  Con thương cha tay lái tay chèo/ Lượn quăng sóng ném cheo leo giữa vời/ Mẹ thương cha vào lộng ra khơi/ Đương cơn sóng gió túi trời khổ thân. Và, cũng có lúc họ lại mượn những câu ca dao để than trách cuộc đời: …Rủ nhau xuống biển bắt cua/ Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi/ Bạn chê ở biển ăn còng/ Bạn lên trên phố ăn ròng mắm nêm/ Cá không cắn câu, nói rằng cá dại/ Vác cần câu về, nghỉ lại cá khôn/ Dã tràng xe cát biển đông/ Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì… Đặc biệt, bài Vè các lái (Vè Hải trình, Vè Nhật trình, Vè Thủy trình) được các lái coi như “cẩm nang” đi biển của mình: Ai về nhủ các anh đà/ Phòng khi ăn tải, xuống ca chơi bời/ Trước là xem gió xem trời/ Sau thì cho biết những nơi hiểm nghèo. Bài vè là những kinh nghiệm xương máu được đúc kết của những người đi trước “thành thạo” một cung đường, truyền cho đời sau, để họ biết rõ đường đi, tránh những nguy nan, bất trắc, tạo nhiều thuận lợi cho cuộc hành trình.  

         Một số vấn đề về văn hóa dân gian của cư dân ven biển Hà Tĩnh trên đây do giới hạn bài viết, nên chưa đầy đủ, nhưng cũng cho ta thấy sự đa dạng và phong phú của các loại hình văn hoá dân gian nơi đây. Hà Tĩnh là vùng đất giàu tiềm năng di sản văn hoá biển và hiện tại đang đứng trước những cơ hội để hội nhập và phát triển. Để thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới vùng biển, tiếp tục vươn ra khơi xa, vững bền trước phong ba bão táp, đánh bắt nhiều hải sản, đồng thời tham gia vào giữ gìn cương vực của Tổ quốc, đòi hỏi tỉnh cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính, đầu tư trong lĩnh vực hoạt động văn hoá để làm thế nào vừa khai thác các tiềm năng của di sản văn hoá, phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch, vừa bảo tồn được các giá trị văn hoá truyền thống và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, tạo môi trường văn hoá lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng biển Hà Tĩnh, góp phần hiểu về lịch sử truyền thống biển đảo của dân tộc, bảo tồn di sản văn hóa về biển đảo cha ông để lại.

                                                                                               P.T.H

. . . . .
Loading the player...