14-03-2022 - 07:58

Văn chương năm biến động

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Nhâm Dần 2022 trân trọng giới thiệu bài viết “Văn chương năm biến động” của Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng

Nhìn lại, hay “tính sổ” văn chương theo cách nói của kinh tế học, trong khoảng hạn một năm, là chuyện không hề dễ dàng. Trước đây, Phòng Văn học Việt Nam đương đại (thuộc Viện Văn học, Viện HLKHXH Việt Nam) thường tổ chức biên soạn tài liệu “Báo cáo thường niên” đánh giá tổng quan tình hình văn học trong 365 ngày trời. Nay thì không còn vì thiếu nhân lực và cả vật lực. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi cố gắng phác vẽ dung nhan văn chương năm 2021 - 365 ngày đầy biến động trong đại dịch COVID-19. Dù cố gắng, song bài viết của chúng tôi cũng chỉ là một góc nhìn, cũng có thể chưa làm hài lòng quý vị độc giả. Mùa Xuân, lòng người dễ bao dung, khoan hòa. Chúng tôi tin tưởng như thế.

ĐÀ MỚI CHO VĂN CHƯƠNG

Đà mới cho văn chương được thể hiện trong cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Thành công của Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X (Nhiệm kỳ 2020-2025) được đánh giá như một dấu chỉ của Hội (tính từ ngày thành lập, 1957). Dư luận của xã hội và văn giới đặc biệt chú ý đến động hướng “bàn giao thế hệ”- thể hiện sự tiếp nối thuận tự nhiên (hợp tình, hợp lý). BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X gồm 11 thành viên (Tân chủ tịch: Nguyễn Quang Thiều), đã gây niềm hy vọng có căn cứ thực tiễn nghề nghiệp. Nhiều người cho rằng đó là một BCH mạnh, năng động, đổi mới, có thể thực hiện sứ mệnh của một “cuộc bàn giao ngoạn mục”. BCH thường được ví như một đầu tàu, phải mới mẻ, hiện đại, nhiều công năng và có công suất. Điểm nhấn của BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X là có chế độ Cố vấn. Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khóa trước đó, được mời làm Cố vấn của BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.

Đà mới tạo đồng lòng, ở đây là đoàn kết làm việc, chung lưng đấu cật kiến thiết ngôi nhà chung của một hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp có tính đặc thù là quyết tâm chung của BCH mới, nhưng quan trọng hơn là tập thể mạnh này đã cố gắng truyền cảm hứng, quyết tâm đến toàn thể hội viên thuộc nhiều thế hệ. Lực lượng của BCH mới tuy về số lượng nhiều hơn khóa IX (chỉ có 7 thành viên), nhưng đó chưa phải là điều kiện tiên quyết dẫu cho “lượng đổi chất đổi”. Vấn đề then chốt, căn cơ hơn là ở tầm nhìn có tính chiến lược - xây đắp nền văn học dân tộc đủ mạnh để tiến ra thế giới, không thể kéo dài mãi tình trạng “ta là ta mà vẫn cứ mê ta”. Muốn có sự chuyển biến mạnh mẽ, trước hết phải biết đoàn kết lực lượng như một điều kiện tiên quyết, nếu không đội ngũ chúng ta sẽ lỏng lẻo, thiếu hụt sức vóc.

Đà mới và kiện toàn bộ máy để làm việc. Lênin nói: “Cho tôi một tổ chức, tôi sẽ thay đổi thế giới” (tương tự “cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng trái đất lên” - Acsimet). Tổ chức (nhân sự), là bước khởi đầu. Các Hội đồng chuyên môn được kiện toàn. Cũng đó đây ý kiến khác nhau, nhưng tất cả chỉ là tương đối, đừng nên đòi hỏi tuyệt đối. Nếu có va vấp, sai sót thì cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Ai không làm gì thì mới không sai. Ban Thường vụ BCH gồm 5 thành viên (các nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Bích Ngân), đều đáng mặt anh hào trong văn giới. Chốt các vị trí nhà xuất bản, tạp chí, báo của Hội đều được tính toán theo phương châm “chọn mặt gửi vàng”. Nhà văn Khuất Quang Thụy tiếp tục ở vị trí TBT tuần báo Văn nghệ; nhà thơ Trần Đăng Khoa được “luân chuyển” vào vị trí TBT Tạp chí Nhà văn & cuộc sống; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang kiêm nhiệm Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn; nhà văn Bích Ngân - ủy viên Thường vụ BCH, trực chiến ở phía Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Đà mới và tân trang công sở và ấn phẩm của Hội. Ai có dịp đến nhà số 9, phố Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội (Trụ sở chính của Hội Nhà văn Việt Nam) độ này, sẽ thấy một quang cảnh khang trang khác trước rất nhiều. Cổ nhân nói “y phục xứng kỳ đức” quả không sai. Chúng ta không câu nệ hình thức, nhưng suy cho cùng hình thức nào cũng biểu hiện một nội dung nhất định. Đúng là thay da đổi thịt (chúng tôi chú ý đặc biệt đến phòng dành cho ẩm thực ở tầng một, nơi đó sạch sẽ, an toàn, tiện lợi với nhân viên văn phòng Hội, hoặc giả khách đường xa đến muốn góp gạo thổi cơm chung). Nhà số 9 bây giờ hội tụ nhiều bộ phận quan trọng của Hội Nhà văn Việt Nam, ai đến đó cùng lúc có thể giải quyết nhiều việc, hoặc giả có cơ hội gặp gỡ đồng nghiệp văn chương.

Nhưng nói “tân trang” thì phải nói đến hai ấn phẩm gợi nghĩ đến “mặt tiền” của Hội Nhà văn Việt Nam: tuần báo Văn nghệ và tạp chí Nhà văn & cuộc sống trong hình hài, dung nhan mới của nó. Có người nói quá đi, đây là cuộc cách mạng báo chí trong nội bộ Hội Nhà văn Việt Nam. Chúng tôi không nghĩ đến cuộc “cách mạng” nào cả. Nhưng nói công bằng thì, có những cải tiến đáng kể cả về hình thức, cả về nội dung của hai ấn phẩm đặc biệt này. Có điều chắc chắn là, thời vang bóng của tuần báo Văn nghệ nói riêng, cũng như của văn chương chung nói chung vào thời kỳ đầu Đổi mới, nay khó phục dựng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.

Đà mới tạo đồng hành cùng nhân dân như là mệnh lệnh đến từ trái tim người nghệ sỹ ngôn từ. Kinh nghiệm nghệ thuật của thế giới và dân tộc cho thấy, khi nghệ sỹ đứng về phía nhân dân, về phía con người, về “phe nước mắt” thì tự khắc tác phẩm của họ trở thành người bạn đồng hành, có thể tri âm tri kỷ với công chúng nghệ thuật. Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu viết: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu đấu gian lao” (Những đêm hành quân). Trong biến động của thiên tai và đại dịch COVID vừa qua, không phải nghệ sỹ nào cũng ý thức được trách nhiệm của mình trước cộng đồng (đồng bào). Có nhà văn cho rằng sự kiện lớn chỉ dành cho báo chí, văn chương không cần, và tỏ ra dị ứng trước cái gọi là “hội chứng tác phẩm lớn” (Nguyễn Ngọc Tư trả lời bạn đọc, Tuoitre. Online, 28-9-2021). Người nghệ sỹ chân chính bao giờ cũng có ý thức dự phần vào đời sống kịp thời, không giam mình trong tháp ngà nghệ thuật để “ngắm rớt” “nhắm rớt” (từ dùng của nhà văn Hoài Thanh trong sách Nói chuyện thơ kháng chiến, 1951). Mỗi vần thơ vút lên ngay bây giờ không ngại ngần là thơ thời vụ. Đại thi hào Đức W. Goete (Gớt) đã minh định: “Thơ nào cũng là thơ thời sự”. Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công cuộc thi thơ với chủ đề  “Nhân nghĩa đất phương Nam”. Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm về phẩm hạnh của người viết, đã khẳng định: “Tuy nhiên, những khó khăn, đau thương cùng cực, lại là... cơ hội thuận lợi cho chữ nghĩa. Bởi né tránh nỗi đau, né tránh trái tim, người cầm bút sẽ tự tước mất chính mình, tước mất cơ hội được dự phần cùng nỗi đau đồng loại và chia sẻ yêu thương với người, với đời” (Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh, 17-10-2021).

 Đà mới tạo gặt hái dẫu không có vụ bội thu mùa màng văn chương như những năm trước, song nếu biết chắt chiu thì cũng có lưng vốn của nả, theo tinh thần của cổ nhân “có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ”.

Mặt tiền của văn chương vẫn là văn xuôi. Nếu không tính đến tiểu thuyết Thị Lộ chính danh của Võ Khắc Nghiêm (Giải B, Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5, 2016-2019, của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, 2020), trong năm có một số tiểu thuyết đáng chú ý như:  Suối Cọp của Hữu Ước, Đông trùng hạ thảo của Mai Tiến Nghị, Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương, Kim Kổ Kỳ Quặc Ký (in lần thứ ba) của Trần Nhương, Gã điên và ngõ Thiên Đường của Phạm Thanh Khương, Người yêu ơi của Đỗ Bích Thúy, Nguyên khí ngàn đời của Lục Hường, Cuộc đời xa khuất của Lê Hoài Nam, Kẻ nằm người ngồi của Nguyễn Thế Hùng, Trăng lên của Thế Đức, Những ngày cách ly của Đào Quang Thắng,... Truyện ngắn và ký vẫn “cập thời vũ” với công chúng trong thời đại văn học cạnh tranh với văn hóa nghe nhìn. Một số tập truyện ngắn/ ký đáng đọc như Triều dâng trong heo mayTruyện ngắn Lê Hà Ngân của cùng một tác giả; Trời là ta ở tột cùng nhân bản của Kiều Bích Hậu, Trăng vỡ của Đinh Sỹ Minh; Màu áo lính của Mai Tiến Nghị, Nhà Thánh của Vũ Thanh Lịch, Những trích đoạn của các anh của Phan Thúy Hà; Gió đồng (Tuyển tập 28 truyện ngắn đoạt giải và xuất sắc cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập”, 2019-2021, do Báo Nông thôn Ngày nay và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức), là một ấn phẩm văn học bề thế, tươi sắc màu đời sống; Khói bếp không tan (tạp văn) của nữ sỹ Lê Giang (91 tuổi). Đặc biệt tập hồi ức văn chương Tiếng người trong văn của Nguyễn Xuân Khánh có nhiều ấn tượng trong độc giả, ngay sau khi ra mắt (9-2021). Một số tập ký ấm nóng thời sự, thời cuộc như Khi đại dịch đi qua của Sương Nguyệt Minh; Nhật ký mùa dịch, Gió tình yêu vẫn thổi, Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái của nhiều tác giả. Đặc biệt những cuốn sách được viết bởi những “bác sỹ quốc dân” như Ngô Đức Hùng, Nguyễn Lân Hiếu, Trần Quốc Khánh đã thu hút lượng lớn người đọc vì mỗi trang mỗi chữ đều “ròng ròng sự sống”, có thể vì họ là người trong cuộc thẩm thấu hết nỗi gian nan, cơ hàn của đời sống thời dịch dã (tương tự phim tài liệu Ranh giới đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả). Phải nói thẳng thắn rằng, trong khi giới điện ảnh hứng thú làm phim “phiên bản”, “Việt hóa” như một trend, thì các nhà văn ta cố gắng “bấu chặt” lấy đời sống của đồng bào để viết, còn thành công đến mức nào lại là chuyện khác.

Hy vọng thơ ca không trở nên một thứ xa xỉ chỉ để thù tạc trong các “xa - lông văn chương”, thuộc giới “tinh hoa” như một số ít người vỗ ngực tự xưng. Khi Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh phát động cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”, không ít người trong văn giới xì xèo về cái gọi là “thơ phát động” rồi cả “nhạc phát động”, “hội họa phát động”,... “ rồi nghệ thuật sẽ đi về đâu” (?!). Nghe thế, tôi lại nhớ tới ý kiến của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu, khi ông viết về căn bệnh gọi là “máu cá” của không ít người và văn sỹ trong xã hội thời hiện đại mắc cố tật quay lưng với đời sống, con người, chỉ chăm chắm chui sâu vào “tự kỷ trung tâm”. Trong cuộc thi này, ngôi “thủ khoa” thuộc về bác sỹ - nhà thơ Tự Hàn. Tác giả chia sẻ: “Mỗi thầy thuốc là một chuyên gia điều trị nỗi đau thể xác và cả nỗi đau tinh thần. (...). Thơ là nơi tôi gửi gắm niềm riêng”. Rõ ràng, làm thơ là từ mệnh lệnh của trái tim không chỉ thuộc về thi sỹ mà thuộc về nhân dân, đất nước.

Thơ hay 2021 có thể thấy ánh chiếu lên từ Không giới hạn của Hà Minh Đức, Thương lắm Sài Gòn ơi của Đỗ Quảng, Làng mình của Nguyễn Hiếu, Hóa vàng đi của Phạm Nguyên Tường, Những con sóng của Nguyễn Thị Hồng Ngát, Sự sống và lòng biết ơn (Trường ca) của Phạm Thị Phương Thảo, Gửi (Trường ca) của Thy Nguyên, Con đường anh hái của Nam Thanh, Mây buông giải yếm và Ngược gió của Trần Thị Thu Hà, Nguyễn Quang Hưng 68 (một tập thơ lục bát độc đáo),... Cổ nhân nói, thơ hay như người con gái đẹp. Nhưng đẹp thì hiếm hoi. Hiếm hoi nên quý.

Đà mới và sự bền bỉ âm thầm là giới làm công việc nghiên cứu - lý luận - phê bình văn học, xưa nay hay hàm oan thường là do định kiến của xã hội và văn giới. Ít người có cái tình cảm gần gũi và thông thoáng đôi khi keo sơn giữa sáng tác và lý luận - phê bình như nhà văn Uông Triều: “Nếu không có các nhà nghiên cứu phê bình, tôi nói thật, có lẽ phần lớn các cuốn sách của nhà văn sẽ bị phủ một lớp bụi thời gian  ở đâu đó và chỉ cần riêng bảng danh mục về tiểu thuyết giai đoạn 1900-1930 trong cuốn sách này đã đủ thấy yêu quý và trân trọng những nhà nghiên cứu phê bình rồi “ (Phụ lục trong sách Lê Tú Anh: Văn xuôi Việt Nam hiện đại - Khảo cứu và suy ngẫm, tiểu luận - phê bình). Giới nghiên cứu - lý luận - phê bình trong năm đầy biến động vẫn góp mặt vào văn đàn một số không ít tác phẩm bổ ích: Nguyễn Duy, Nhà thơ hiện đại Việt Nam - Thực hành phân tích diễn ngôn văn học (chuyên khảo) của Lã Nguyên; Văn học Nam Bộ 1945-1954 (chuyên khảo) của tập thể tác giả Võ Văn Nhơn và cộng sự (Nguyễn Thị Thanh Xuân - Lê Thụy Tường Vi - Phan Mạnh Hùng - Nguyễn Thị Phương Thúy); Dám ngoái đầu nhìn lại (nghiên cứu) của Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nguyễn Xuân Khánh - Một nụ cười mỉm một nghiệp văn xuôi (phê bình - tiểu luận) của nhiều tác giả (Đoàn Ánh Dương biên soạn); Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhận diện & tương tác (chuyên khảo) của Nguyễn Thị Năm Hoàng; Cảm nhận 69 (thơ chọn và bình) của Nguyễn Thanh Kim; Từ trang sách đến gương mặt văn chương (phê bình văn học) của Nguyễn Hoài Nam; Lảo đảo giữa nhân gian (mê luận) của Đỗ Anh Vũ. Sách gây chú ý độc giả là Đa mang một cõi lòng (phê bình - tiểu luận) của nhà văn Chu Văn Sơn (1962-2019).

LÝ DO ĐỂ HY VỌNG...

Xã hội và văn giới có đầy đủ lý do để hy vọng về tương lai của văn học nước nhà. Trong nhiệm kỳ X, BCH Hội Nhà văn Việt Nam ra nghị quyết không tổ chức cuộc thi tiểu thuyết như trước đây (đã có 5 cuộc thi trong vòng 20 năm, từ 1998 đến 2019). Toàn bộ nhân lực và vật lực dồn cho giải thưởng văn học trẻ, văn học thiếu nhi. Kế hoạch tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc dự định diễn ra vào hạ tuần tháng 12-2021, tại Thành phố Đà Nẵng với khẩu hiệu “Vì sao chúng ta viết?”. Đề án văn trẻ tiếp tục triển khai ráo riết. Tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là người khích lệ nồng nhiệt văn trẻ (ngày trước ông đã cùng đồng nghiệp xắn tay làm báo Văn nghệ Trẻ khá thành công).

Đã thấp thoáng đó đây sự hiện diện của chính sách văn hóa mới, có khả năng kích hoạt văn chương phát triển. Năm 2017, Bộ VH,TT&DL đã thông qua Đề án Đào tạo tài năng sáng tác văn học. Đề án này đã tìm đúng địa chỉ - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (cụ thể là Khoa Viết văn – Báo chí), được triển khai thực tiễn từ năm học 2019-2020.

Văn chương đang có cơ hội tồn tại và phát triển trong một “thổ nhưỡng văn hóa” mới, khi văn hóa được coi là một trong bốn động lực, trụ cột căn cơ của đất nước (chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa). Nếu coi “Văn học là nhân học” thì nó gặp vận hội lớn khi chúng ta nhận thức được sâu sắc và đầy đủ “tột cùng văn hóa là con người”. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đang mở ra những chân trời mới cho văn hóa, văn chương nước nhà trong tương lai./.

 Hà Nội, đầu tháng 12-2021

                 B.V.T

. . . . .
Loading the player...