28-09-2022 - 10:43

Tùy bút CAO VỌNG TRƯỚC BÌNH MINH của Nguyễn Thạch Đồng

Tạp chí Hồng Lĩnh số 193 tháng 9.2022 giới thiệu Tùy bút CAO VỌNG TRƯỚC BÌNH MINH của Tác giả Nguyễn Thạch Đồng

NGUYỄN THẠCH ĐỒNG

 

cAO VỌNG TRƯỚC BÌNH MINH

                       

                                                                                                Tùy bút

Một sớm chớm hè, tôi được anh bạn là chủ rừng, một triệu phú trẻ xứ Quy Hòa tháp tùng ngoạn cảnh Cao Vọng Sơn.

Đứng trên đỉnh Cao Vọng mà cứ ngỡ trong mơ. Một bức tranh phong cảnh hữu tình tươi rói hiện ra giữa bốn bề đất trời bát ngát. Trước mặt là biển cả như cánh đồng không bờ tít tắp mênh mông nở đầy hoa sóng. Sau lưng là làng mạc trù phú, phố phường tấp nập đông vui kéo dài đến tận chân dãy Hoành Sơn. Phía bắc, cửa biển Hải Khẩu lấp lánh triều lên. Phía nam, cảng biển nước sâu Vũng Áng, Sơn Dương nhộn nhịp tàu thuyền. Gió Lào thổi sớm, sượt qua Hoành Sơn mang theo những chùm mây trắng muốt như bông bay về phía biển đón ánh mặt trời, làm nên những vầng ngũ sắc lung linh.

Không gian khoáng đạt đến mê hồn. Trông lên mạn bắc, ba dải lụa mềm sông Quyền, sông Trí, sông Vịnh hợp dòng trước khi ra biển tạo nên cửa Hải Khẩu phẳng lặng như tấm gương xanh màu ngọc bích. Cửa sông lúc này như rộng thêm bởi những tàu thuyền từ các làng chài hối hả ra khơi. Lại có rất nhiều những con tàu đánh cá xa bờ, là những “cột mốc chủ quyền trên biển”, phấp phới cờ đỏ sao vàng, sau những ngày bám biển, làm chủ biển khơi, mang đầy tôm cá trở về, hân hoan cập bến. Phía tây, sát chân núi Cao Vọng, giáo xứ Hòa Lộc, Quy Hòa cửa nhà san sát, mái ngói hồng tươi hòa cùng màu xanh của ruộng vườn cây trái. Những cánh đồng muối trắng như tuyết ngời lên trong nắng sớm. Cánh đồng lúa sắp vào mùa gặt vàng ươm như thảm lụa vàng. Đồng nuôi trồng thủy hải sản, chủ lực là tôm, cua như những ô bàn cờ bằng bạc, lấp lóa chùm chùm hoa nước tung bay bởi những chiếc guồng quay tạo sóng lên mặt hồ.

Nhìn về phương nam, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng vươn cao tỏa khói. Cảng Vũng Áng, Cảng Sơn Dương vang vọng tiếng còi tàu. Mặt trời lên cao, biển khơi đầy nắng, đầy gió lại càng mênh mông. Bức họa của thiên nhiên được bàn tay con người tô vẽ thêm lúc này trở nên toàn bích và sống động. Đây chính là sự đổi thay kì diệu của quê tôi. Một miền quê ẩn chứa nhiều trầm tích lịch sử của dân tộc đang đổi mới từng ngày từ bàn tay khối óc con người trong thời đại mới…

Ngược dòng thời gian, tìm về cội nguồn kiến tạo của đất trời, để thấy bên cạnh những yếu tố khắc nghiệt của thời tiết tưởng chừng cỏ cây không sống nổi thì con người và thiên nhiên nơi đây đã làm nên những vẻ đẹp diệu kì cho xứ sở. Cùng với các ngọn Bàn Độ, Càn Hương, Tượng Lĩnh, Kỳ Đầu, núi Cao Vọng là một trong những điểm nhấn của bức tranh sơn thủy hữu tình. Là nốt nhạc ngẫu hứng đầy thi vị trong quá trình kiến tạo nên dãy Hoành Sơn trữ tình, để rồi làm nên nước biếc non xanh trên quê hương Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Núi Cao Vọng ngày trước thuộc xã Vĩnh Áng, tổng Hoàng Lễ, nay là xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh. Trong dân gian còn gọi là Rú Voong. Núi nhô ra trước biển như bức  bình phong. Phía đông là biển cả mênh mông, có cảng nước sâu Vũng Áng tấp nập tàu bè vào ra xuôi ngược. Mạn nam giáp núi Ô Tôn, là núi Dòn ngày nay có nhà máy nhiệt điện Vũng Áng ngày đêm miệt mài nạp thêm nguồn điện tiềm tàng cho lưới điện quốc gia.

Mạn bắc giáp cửa biển Hải Khẩu, Kỳ Ninh, một thương cảng và là thương đồn quan trọng đã có từ thời xưa. Nơi biển giáp cửa sông có Đền thờ Chế Thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu linh thiêng tọa lạc, bà là Quý phi của vua Trần Duệ Tông, người đã dâng Kê Minh Thập Sách giúp vua trị vì đất nước. Tang hải thương điền, sử sách ghi lại nơi đây, núi Cao Vọng, Hồ Hán Thương cùng Thái tử Nhuế bị bắt. Hang Hồ Hán Thương trên núi vẫn còn.

Kỳ La Hải Khẩu ngâm hồ đoạn

Cao Vọng sơn đầu tứ khách sầu

                                         (Bùi Huy Bích). 

Sự suy vi của nhà Hồ cũng tính từ đây. 

Trải bao thăng trầm lịch sử, Cao Vọng trầm mặc thấm đẫm nỗi đau mất nước của muôn dân. Cao Vọng uy linh vững chí, ngẩng cao đầu nâng niu Kê Minh Thập Sách của Nàng Bích Châu thông tuệ, mãi mãi lưu truyền hậu thế.

Từ thuở khai thiên lập địa đến nay, Cao Vọng thâm nghiêm giữa đất trời, là chứng tích bao sự thăng trầm lịch sử đất nước nơi miền đất phên dậu đầy biến cố xa xưa. Những trang sử bi thương và cũng đầy bi tráng của đất nước Đại Việt thời phong kiến nay còn in dấu. 

Cao Vọng mang khí phách hiên ngang của một chiến binh quả cảm, bình tâm vững chí trước cửa biển Kỳ La đón nắng gió biển khơi, đón ánh bình minh thời đại như con người trên đất quê hương thân yêu đón nắng gió cuộc đời. 

Trên đường thiên lý Bắc - Nam, vượt qua dòng sông Trí lặng lẽ hiền hòa, nhìn về phương mặt trời mọc, ta thấy hòn Cao Vọng, hòn Dòn lung linh trong nắng sớm bình minh với các đỉnh nhọn như mũi tên hướng thẳng lên bầu trời cao rộng. Nhìn từ xa, Cao Vọng hiền lành và đẹp như mái nhà lợp tranh của mẹ, đẹp đến nên thơ diệu vợi, chẳng hề kém thua những đỉnh mỹ sơn trên trái đất này.

Dọc theo quốc lộ 1A, hướng về nam, Đền thờ hai Quan trạng là Tiến sỹ Lê Quảng Chí, Lê Quảng Ý lặng lẽ khiêm nhường dưới mái Hoành Sơn. Đền thờ hai người anh em trong một nhà dưới mái tranh nghèo, nơi đất nghèo nuôi chữ, với ngọn đèn đom đóm đã nuôi chí học hành hiển đạt giúp đời cứu nước, góp phần làm rạng rỡ quê hương, được sử vàng bia đá lưu danh:

Chữ rằng nhân kiệt địa linh.

Có Hoành Sơn, Bàn Độ mới dĩnh sinh anh tài 

Câu ca xưa của quê hương truyền lại qua bao thế hệ đã trải cùng năm tháng.

Từ Cao Vọng nhìn về phương nam, Đèo Ngang - Hoành sơn quan sừng sững uy nghi, được chạm khắc trên cửu đỉnh đặt trước sân Thái miếu, triều Nguyễn, là cẩm tú giang san đất nước. Đèo Ngang, con đèo gắn liền với lịch sử của ông cha dựng và giữ nước, một thời là trấn ải kiên trung miền biên viễn của quốc gia dân tộc Đại Việt, nơi hồn thơ Bà Huyện Thanh Quan đang quyện mây ngàn, sóng biển, vỗ nhịp cùng quê hương đổi mới từng ngày. Cao Vọng rất đỗi hiền lành như chiếc nón lá quê hương, che mưa đội nắng, chắn giữ gió bão phong ba cho một miền quê yêu dấu thanh bình. Sau lưng Cao Vọng, những cánh đồng diêm nghiệp mặn mòi muối trắng, những đồng lúa trĩu vàng kéo dài đến tận xứ Dụ Lộc, Hưng Nhân...Con sông Quyền uốn quanh chân núi như dải lụa xanh, dòng đầy tôm cá. Cua Hòa Lộc uống nước sông Quyền thịt chắc thơm ngon, gạch vàng như son ngọt bùi nức tiếng gần xa. Sông xuôi về biển hợp lưu cùng sông Vịnh, sông Trí làm nên một cửa biển Hải Khẩu thơ mộng, trữ tình…

Tựa lưng vào Cao Vọng và Ô Tôn vững chãi là các làng quê tươi đẹp, các giáo xứ yên bình vang vọng tiếng chuông ngân của dân quê chân chất bao đời kính chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo. Có dịp mời bạn dừng chân ghé về thăm các làng chài truyền thống Hà Hải, Bắc Hà thuộc giáo xứ Qúy Hòa. Làng hướng mặt ra cửa biển Hải Khẩu mênh mang với gần toàn bộ cư dân, phần đông là bà con giáo dân sinh sống bằng nghề đi biển. Ngày trước dân làng từ thuyền thúng, thuyền nan lên chiếc thuyền gỗ nhỏ bé chông chênh. Cuộc sống bấp bênh, gian khó triền miên.

Hôm nay, làng đã lên nông thôn mới, nhà cửa khang trang, mái ngói tường xây, đường sá mở rộng, xe ô tô chạy vào tận ngõ. Điều khó tưởng tượng là nơi các làng biển nhỏ bé này hiện có gần năm trăm chiếc tàu thuyền lớn nhỏ của bà con ngư dân thường xuyên đánh bắt hải sản xa bờ. Có hộ gia đình đã sắm được đội tàu cá có công suất lớn, trang bị ngư cụ, thiết bị hiện đại, đủ khả năng đi biển dài ngày, đến những ngư trường khơi xa, làm chủ ngư trường từ vịnh Bắc bộ, ra đến Hoàng Sa, Trường Sa, vào tận vùng biển Tây Nam của Tổ Quốc. Đây không chỉ là thế mạnh về làm ăn kinh tế, làm giàu cho gia đình, làm đẹp cho quê hương mà còn là lực lượng hùng hậu góp phần không nhỏ vào thế mạnh Quốc phòng toàn dân. Ra khơi bám biển ngày đêm, “Tàu là nhà, biển cả là quê hương”, những con tàu đánh cá của ngư dân luôn phấp phới lá cờ Tổ Quốc. Họ là những cột mốc sống, cột mốc chủ quyền nơi đầu sóng ngọn gió, góp phần gìn giữ từng tấc biển tấc trời của Tổ quốc Việt Nam thân yêu…

Ngày trước, nơi đây đồng chua nước mặn, chiêm khê mùa thối, đường sá đi lại khó khăn trăm bề. Hôm nay, từ cảng Vũng Áng đường lớn tỏa đi trăm ngả. Có cả đường sang nước bạn Lào, nối liền con đường xuyên Á, hội nhập quốc tế. Con đường mới Kinh tế quốc phòng ven biển rộng mở thênh thang nối Vũng Áng - Thiên Cầm - Cửa Sót - cửa Hội đẹp đẽ nên thơ. Đường mới đã mở đem lại nhiều lợi thế để khai thác tiềm năng trên quê hương Hà Tĩnh. Những thành quả đổi mới trên quê hương Kỳ Anh nói chung đang hiện hữu.Tổ hợp khu kinh tế Vũng Áng, cảng Sơn Dương tương lai hướng tới một Logistic đầy tiềm năng triển vọng của khu vực miền trung và cả nước. 

Cùng với Mũi Độc Đèo Ngang, Cao Vọng là con mắt thần canh biển giữ trời, thao thức trước biển, dõi trông cuộc sống sôi động ngày đêm trên quê hương.

Vũng Áng về đêm lung linh trong gióng giả tiếng còi tàu. Ánh điện từ Vũng Áng, Sơn Dương, từ các khu kinh tế, nhà máy, công trình xây dựng cùng lung linh tỏa sáng. Ngoài khơi biển cả quê hương, ánh điện từ tàu thuyền đánh bắt hải sản cũng rực sáng đêm đêm, hòa cùng ánh sáng rực rỡ trên đất liền yêu dấu. Diện mạo quê hương đổi mới là đây. Mơ ước bao đời của ông cha, của bao lớp người thuở trước về một quê hương giàu đẹp thanh bình đã và đang trở thành hiện thực.

                                                                                   Kỳ Anh, 01.5.2022

                                                                                             N.T.Đ

Dãy Cao Vọng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh ( ảnh: Huy Tùng)

. . . . .
Loading the player...