24-03-2020 - 06:42

Tuổi xanh trong quân hàm xanh

Kỉ niệm 55 chiến thắng trận đầu núi Nài (26/3/1965 - 26/3/2020) và ngày truyền thống bộ đội biên phòng (3/3/1959 - 03/3/2020), Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu ghi chép “Tuối xanh trong quân hàm xanh” của tác giả Phan Trọng Bằng, được rút ra từ tập “Trận đầu thắng lớn” do Ty văn hóa Hà Tĩnh xuất bản vào tháng 3 năm 1965

Khi tiếng súng nổ ran, những chùm đạn vút lên từ chiến hào bao vây bầy quạ Mỹ. Khi trên đường phố những bóng người vai vác hòm đạn lướt nhanh qua những bức tường và từ trong bờ tre, mái nhà khi tiếng khóc thét lên của em bé được những bàn tay nhẹ nhàng bồng bế nâng niu. Tôi không thể không nghĩ đến những chiến sĩ công an vũ trang – những anh bộ đội còn rất trẻ mang quân hàm xanh – đã chung sức chung lòng cùng với quân dân Hà Tĩnh đánh tơi bời bọn kẻ cướp Mỹ lập nên chiến công anh hùng trên quê hương Xô Viết.

Chiều nay trên lưng chừng đỉnh núi Trường Sơn một tổ tuần tra sẽ ghim cương ngựa và ngoài bờ biển trên chòi gác “vọng tiêu” chắc chắn các chiến sĩ công an vũ trang biên phòng sẽ ngửng cao đầu cố nhìn về trung tâm Thị xã lắng nghe tiếng hát chiến thắng của quê hương, rạo rực vui mừng gửi lời chào của sông, của núi về cho những người thân, về cho những người bạn đồng đội của mình.

Tôi đã đứng bên chiến hào nóng bỏng khi cặp mắt các chiến sĩ còn dán chặt vào thước ngắm cự ly. Nhìn những khuôn mặt bầu bầu rám nắng, đố ai biết được tuổi đời của họ chênh lệch bao nhiêu? Cái giống nhau ở đây tôi nhận ra không những chỉ về lứa tuổi mà cả về nếp sống, suy nghĩ và lòng quyết tâm tiêu diệt địch.

Từ lâu, các chiến sĩ vẫn chiến đấu một cách thầm lặng. Đối với địch không có chiến tuyến rõ ràng, Tổ quốc giao cho cả quê hương rộng lớn: sông, nước, trời, mây. Trời là nhà, biển là bạn. Niềm vui độc đáo nhất của tuổi trẻ là tình đồng chí, tình quân dân. Đối với các chiến sĩ công an vũ trang cuộc sống năm, tháng gắn bó với núi rừng hoặc thức trắng những đêm dài tuần tiểu bên bờ biển đó là cơ hội để cho cuộc đời thêm từng trải và tô luyện cho bản thân có một nghị lực kiên cường, vững chải  hơn. Những con người đã từng cơm lam, nước ống mưu trí nhẹ nhàng xuyên qua những cánh rừng Hương Sơn, Hương Khê, Cẩm Hưng, Tuyên Hóa... vây chặt bọn gián điệp biệt kích sao hôm nay trên chiến hào phòng không lại tỏ ra thông thuộc tầm bay, hướng ngắm cả cách bắt mục tiêu với dũng khí hiên ngang đến thế!

Đế quốc Mỹ muốn dựng lên cảnh tang tóc khắp cả đất nước. Đốt cháy trường làng, bệnh viện bằng bom đạn, thì ở đây chúng ta có những người bạn trẻ nửa đêm thức dậy đỏ lửa viết đơn tình nguyện ở lại chiến đấu đến cùng. Tôi đã gặp binh nhất Nguyễn Thanh Tâm. Tâm kể với tôi: anh có người vợ trẻ mới cưới, ngày Tâm lên đường nhập ngũ, cô gái duyên dáng và cần cù của đất Sông La ấy đã nằng nặc dặn dò: “Hết ba năm anh nhớ về đấy nhá”. Thế mà chẳng biết sao gần ba năm rồi khi Tâm sắp hết hạn ngũ thì cô lại viết thư gửi đến cho Ban chỉ huy: “Em xin anh Tâm được ở lại chiến đấu cho đến khi nào hết giặc Mỹ. Em lấy làm vinh dự và sẵn sàng đồng ý sự hy sinh của chồng để cho Tổ Quốc sống. Mong Ban chỉ huy chấp nhận đề nghị của em”. Khi chính trị viên Liên Sơn đứng trên chiến hào công bố lá thư ấy cho toàn đơn vị. Tâm mới vỡ lẽ ra là thư của vợ mình. Tối ấy về, Tâm không ngủ được, anh càng thêm thương yêu và quý mến vợ đã biết nghĩ hơn trước nhiều. Khi lá đơn tình nguyện ở lại chiến đấu của Tâm và các chiến sĩ khác viết chưa ráo mực, thì bầy quạ Mỹ đã điên cuồng lao đến bắn phá. Anh đã cùng đồng đội hướng thẳng súng lên trời, nhằm đúng mục tiêu viết một bản quyết tâm thư bằng hành động quyết liệt của mình. Tôi được biết thêm về câu chuyện ba chiến sĩ họ Trần, Đó là Tình, Thịnh, Tần. Trong công tác,  học tập cả ba đều cố gắng lập thành tích khá nên đã được Ban chỉ huy đơn vị thưởng phép. Tần tâm sự với tôi: đêm nằm ngủ cứ mơ đến chuyện về nhà. Tuổi trẻ có nhiều hồi hộp nhưng theo anh phút chờ đợi lấy chiếc vé xe về thăm nhà có lẽ là lúc hồi hộp nhất. Nhưng trước tình hình mới, đươc học tập gương Lôi Phong, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân...  bản thân anh và cả Tình, Thịnh đã tìm gặp thủ trưởng để nghị hoãn phép cho mình và chuyển phút hồi hộp đó sang thời gian đứng bên chiến hào đợi máy bay Mỹ.

Chiến đấu là như thế. Không phải chỉ tiêng Tâm, Tần, Tình, Thịnh.... mà cả tập thể tuổi trẻ đã nói lên quyết tâm của mình cao hơn, đầy đủ hơn ở hàng trăm thước hào, những ụ súng kiên cố, ở tư thế luôn luôn sẵn sàng lao vút đi bất cứ nơi nào mà Tổ quốc gọi đến.

Trận địa pháo phòng không bảo vệ núi Nài - Ảnh: Tư liệu

Trời đẹp, mây trong. Nhưng bọn cướp đã đến kia rồi! Trong chiến hào binh nhất Trương Ngọc Thanh, Nguyễn Thành Bút - những người con của quê hương Bình Định kết nghĩa - đã giương to cặp mắt chọc thủng tầng mây bám riết kẻ thù. Thành nghiến răng lại nhớ tới người mẹ đã bị giặc Mỹ và tay sai miền Nam cầm tù, đánh đập. Bút mang mối thù giặc đã cướp mất của cha anh một phần sinh lực trong cuộc kháng chiến thần thánh trước kia. Giữa cơn bão lửa, trong cái âm thầm gầm gừ cuồng loạn của những tốp phản lực bổ nhào, tiếng súng của khẩu đội Trương Ngọc Thanh, Nguyễn Thành Bút vẫn nổ rộn rã, tới tấp hòa vang trong tiếng súng của các tổ Đoàn Ngọc Nhạ, Tôn Đức Hòa, Lê Văn Luận, Hà Hán Thanh cùng hỏa lực quân dân Thị xã đã làm cho những con cú Mỹ bốc lửa, mãi mãi bỏ xác không về. Tôi càng hiểu sâu sắc câu nói: “Trút căm thù lên đầu mũi súng” tuy đơn sơ nhưng giá trị biết bao.

Chúng vẫn gầm rít. Từng chùm đạn rốc-két cày tung những vạt lúa trổ đồng. Tại một vị trí trung tâm, binh nhất Nguyễn Ngọc Tôn không hề nao núng, cắm chặt lưỡi lê vào đầu mũi súng đứng vững vàng trên vị trí của mình để bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo của Đảng. Ở đây, lúc này lòng trung thành vô hạn rất cần thiết.

- Báo cáo! Địch đang oanh tạc ở phía đông nam Thị xã.

- Báo cáo! Hai chiếc phản lực lao về phía tôi!

Tôn báo cáo rành rọt và xin chỉ thị của Đảng

- Đồng chí bắn!

Chấp hành mệnh lệnh, Tôn dương súng nhắm vào chiếc đi đầu nhả đạn. Tiếng súng của Tôn hòa hợp cùng một lúc với tiếng súng của tiểu đội mình và tự vệ cơ quan. Chiếc phản lực F.101 tóe lửa ở bụng, bóc cháy, trùng triềng lao ra biển, để lại một vệt khói đen xẫm giữa bầu trời.

- Đồng chí bắn giỏi lắm!

Các đồng chí lãnh đạo vỗ vai khen Tôn. Nhưng niềm vui sướng nhất thấm sâu trong lòng là Tôn đã hoàn thành được chức trách bảo vệ các cán bộ lãnh đạo của mình trong chiến đấu. Ở đâu cũng có các chiến sĩ mang quân hàm xanh dũng cảm bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân.

Lửa khói của địch đang muốn vùi dập cái tươi xanh của những ruộng lúa, nương khoai. Một con trâu đứt mũi chạy ra cánh đồng ngơ ngác. Trâu đang ăn lúa của dân. Một chùm đạn của địch có thể nổ bất ngờ. Trâu sẽ chết. Nguyễn Văn Thao đã nghĩ những gì khi để cho tổ trưởng Nguyễn Tiến Phúc ở lại bắn chặn địch, còn mình vượt ra cánh đồng trống trải dắt trâu về buộc chỗ an toàn. Vẫn còn trong cơn bão lửa, đằng kia một em bé đang ngon giấc ngủ trong chiếc nôi đưa, bố đi dân công, mẹ em chưa về kịp. Mầm non chỉ biết đi lên có bao giờ nghĩ đến điều bất hạnh. Kẻ cướp Mỹ đã từng lu loa, giơ cao lá bùa “nhân đạo” nhưng chính nó đã dập tắt biết bao nhiêu nụ cười ngây thơ, trong trắng như lứa tuổi của em. Hướng theo bàn tay chỉ của bà con, binh nhất Nguyễn Tiến Phúc băng vườn xộc vào nhà ôm em bé trên tay lao nhanh ra hầm trú ẩn. Máy bay địch lại sà tới. Phúc đặt em bé xuống hầm, giương súng lên kịp thời đón bắn. Tiếng súng của Phúc đã thức tỉnh tuổi thơ và mang đến cho mọi người một niềm tin: Ngửng cao đầu sẽ thắng! Bà con Bắc – Phủ không thể quên anh. Chị Hồng –mẹ em bé – nhớ mãi về anh. Tôi đã mân mê chiếc huy hiệu đoàn viên sáng chói trên ngực áo của Phúc. Phúc nói với tôi:

- Đây là chiếc huy hiệu của cô Thành – Người O ruột của em bé – cài lên cho tôi sau trận chiến đấu.

Cái cảm động đột ngột đẻ ra một việc làm bất ngờ nhưng ý nghĩa cao quý biết bao nhiêu! Trên chiếc huy hiệu lấp lánh, mang niềm tự hào của người đoàn viên từ nay Phúc còn có thêm nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ của đời mình.

Máy bay địch điên cuồng dội lửa xuống một xóm ven đường, binh nhất Đỗ Xuân Chư gặp cụ già đang luống cuống chưa biết chạy đi đâu. Chư chạy tới:

- Mẹ đừng sợ! Có chúng con!

Mặc cho rốc – két nổ bên cạnh, Chư cúi mình bế xốc bà cụ đưa nhanh xuống một hầm trú ẩn ven đường. Bà cụ cảm ơn. Chư nói: - Đó là nhiệm vụ của chúng con.

Rồi anh lại cùng Sơn, Hoà tiếp tục xông vào đám cháy cùng dân quân, công an dập tắt ngọn lửa. Bà mẹ Diệu xóm 4 xã Thạch Hoà có nghĩ gì về thời đại chúng ta không? Thời đại đã sản sinh ra những người con trong chiến đấu không luyến tiếc, ngần ngại hy sinh tính mạng, tôn trọng, yêu thương nhân dân, ai cũng là cha, là mẹ, là anh em ruột thịt của mình.

12 máy bay Mỹ tan xác, rơi lả tả những mảnh đuôi, chiếc đèn pha, tấm mê ca chắn gió xuống làng mạc Hà Tĩnh đã làm cho những tên phi công còn lại ngày đêm hoảng hốt, lo âu đến số phận của mình. Chúng khiếp sợ cái khí phách anh hùng không những chỉ súng quân, dân ta bắn giỏi, bắn trúng mà còn ở một điều chỉ chúng ta có – đó là sức hiệp đồng chiến đấu, chặt chẽ vững như một khối thép. Trên trận địa X… bên cạnh các pháo thủ mang quân hàm đỏ, có bàn tay thoăn thoắt lắp đạn của các chiến sĩ mang đôi phù hiệu màu xanh xen trong bóng dáng cô nữ dân quân tải đạn thấp thoáng dưới chiến hào. Yêu mến bao nhiêu. Sắt thép nào bằng. Ninh nhất Hoàng Tào và Phạm Văn Ban sau khi dập tắt đám cháy đã nhanh chóng vận động đến trận địa một đơn vị bạn:

- Báo cáo thủ trưởng. Chúng tôi được đơn vị phân công đi cứu dân, đã hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi đến đây xin được phối hợp chiến đấu.

Chống Mỹ đâu cũng là trận tuyến. Hoàng Tào nhanh chóng bước vào vị trí pháo thủ số 6 của khẩu đội bạn theo mệnh lệnh đồng chí chỉ huy. Đạn nổ ròn rã. Mũi súng luôn luôn tỉnh táo di động bắt đúng mục tiêu. Máy bay địch lại cháy thêm một chiếc nữa… Giữa cảnh khói lửa mịt mù Phạm Văn Ban vừa kịp nhìn thấy một cán bộ bị mảnh đạn văng mạnh vào chân. Máu tuôn ra. Tổ cứu thương xô tới. Nhưng đồng chí từ chối. Hai tay vịn vào thành hào, đồng chí cố bước đến bên những khẩu đội để động viên chiến sĩ. Không suy nghĩ gì nữa, tình đồng chí, tình đồng đội đã thúc giục Ban chạy tới cầm tay người cán bộ đặt lên vai mình:

- Đồng chí níu vào vai tôi!.

Ban đã cõng người cán bộ đơn vị bạn đến tận rừng khẩu đội để tiếp tục chỉ huy chiến dấu. Không phải ngẫu nhiên mà người chiến sĩ trẻ đã làm như vậy. Có một cái gì đây? Điều chắc chắn là anh muốn máy bay Mỹ sẽ rơi nhiều hơn nữa. Quê hương ta giản dị từ ruộng lúa, bờ tre và cả những niềm suy nghĩ.

Dòng máu Trần Phú, Lý Tử Trọng đang thấm dần vào từng thớ thịt. Bài ca trầm hùng chiến thắng đang len vào mỗi vách hào. Sông La, Núi Hồng và nhân dân Hà Tĩnh đang ánh lên một niềm tự hào đã có được những người con như thế.

Chiến sĩ trẻ tuổi chúng ta đang sống trong lòng nhân dân. Không phải chỉ những bát nước chè xanh mà các chị đã đem ra chiến hào cho chiến sĩ uống đã đầy đủ chứng cớ để tôi được phép gọi đó là lòng thương yêu của nhân dân. Chai rượu ô mai của cu Tình. Chiếc màn xanh mới nhuộm của mẹ Chắt quàng lên vai chiến sĩ, từng bó lá ngụy trang chặt vội trước bữa cơm chiều và hàng trăm lá thư từ trụ sở hợp tác, từ những cuộc mít-tinh mang theo hương sắc của rừng xanh, biển cả đã đọng lại trong từng trái tim chiến sĩ một nguồn xúc cảm mạnh lớn vô cùng.

Đêm nay, tôi bước đi giữa những dãy chiến hào còn tươi mùi đất mới. Bên ánh đèn măng – sông các chiến sĩ công an vũ trang đang cấu trúc thêm công sự của mình. Tiếng cuốc xẻng xen lẫn trong tiếng cười khúc khích trong trẻo của các cô thôn nữ cùng về đây mở chiến dịch làm hầm. Rộn ràng quá. Tươi trẻ làm sao. Tôi gặp lại Huy Thập, Nhạ, Bút, Tào, Chư, Phúc… những người bạn luôn luôn mang trên nét mặt niềm lạc quan chan chứa. Tất cả sẽ thức suốt đêm nay. Trận địa mở thêm càng nhiều, thắng lợi càng lớn. Không chỉ riêng đây mà cả Thị xã đang bao trùm một không khí hoạt động náo nức. Xe ô tô lăn bánh chắc nịch. Những bàn chân bước vội. Mỗi gò đất, mỗi bức tường, mỗi gốc cây như đang rắn chắc thêm để ngày mai trở thành bệ súng vững vàng chiến đấu với giặc.

Lúc này chắc các đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh nhà đang họp. Một nghị quyết mới đầy sức mạnh chiến thắng sắp được phổ biến. Chiến sĩ Nguyễn Ngọc Tôn có lẽ đang trong phiên gác của mình. Anh cũng sẽ cầm súng thức suốt đêm nay bên phòng họp. Niềm tin yêu đối với Đảng đã trở thành sự sống của anh.

Một ngày sắp qua. Tôi nghĩ đến bà cụ Diệu chắc lúc này chưa ngủ, còn bồi hồi nhớ lại câu chuyện chiều nay. Chị Hồng đang ẵm đứa con thơ nghe trái tim bé nhỏ âm ấm phập phồng trong tay mình, có lẽ chị thấy cả cuộc đời chưa lúc nào có được những phút êm ái mơn man đến thế. Bà mẹ hãy yên lòng và em bé cứ ngủ ngon đi. Chiến hào đã dài gấp năm, gấp bảy chiều nay rồi đó. Đêm nay, các chiến sĩ mang quân hàm xanh, đem sức sống, tuổi xanh của mình sẽ cùng các lực lượng mở thêm nhiều trận địa mới để ngày mai quật cho bọn kẻ cướp Mỹ những đòn sấm sét hơn nữa, góp phần gìn giữ cuộc sống tươi đẹp của quê hương.

Trại trận địa 26-3-1965

P.T.B

. . . . .
Loading the player...