25-12-2020 - 08:09

Truyện ngắn NƯỚC MẮT CỦA RỪNG của Trần Hậu Thịnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 172 trân trọng giới thiệu truyện ngắn "Nước mắt của rừng" của tác giả Trần Hậu Thịnh

TRẦN HẬU THỊNH

NƯỚC MẮT CỦA RỪNG

                                                                                          Truyện ngắn

Tôi và Khang, hai đứa cùng tuổi, cùng sinh ra trong một dãy nhà cấp bốn ở vùng ngoại ô thành phố. Hai gia đình chung nhau bằng một bức tường mười nham nhở. Khu chung cư gồm năm căn hộ, mỗi căn hộ một gian nhà có nóc, bề rộng năm, bề dài sáu, vẻn vẹn ba nươi mét vuông không hơn không kém. Ngày tháng bình lặng êm trôi, những đứa trẻ trong khu ổ chuột lại nối nhau lúc nhúc ra đời làm cho cuộc sống khu quần cư càng ồn ả và chật chội. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, mỗi gia đình tự cơi nới thêm những mái choái cổ nghé lợp bằng tôn lượn sóng hoặc ngói broximăng lòi tòi lụp xụp nối dài ra phía sau. Nơi đây trở thành chỗ tập kết cơ man mọi của nả kiếm chác được do những ông bố, bà mẹ thu vén đưa về. Rồi từ lúc nào cái kho tạp phí lù đã trở thành hậu cứ của đám thằn lằn, dế trũi, chuột cống hoặc là nơi lánh nạn của lũ gián cánh khi trời động mưa. Phía trước mà mọi người quen gọi “mặt tiền” là cái sân rộng thênh thang toàn đất cát bạc, luốc đuốc có vài bụi cỏ gấu xác xơ gãy gụp bởi những bàn chân vô tội dẫm lên. Theo tập quán, khi trời nhập nhoạng bóng hoàng hôn, gã Cẩn, nhà riêng gần đấy dắt chó sang đây đái. Sân chung không ai phản đối, dần dần trở thành địa chỉ quen thuộc của con chó. Mỗi khi được chủ dắt đến đây, nó kiễng cái chân sau lên tướt xoè xoè rồi ngửng mặt nhìn chủ như muốn thay lời cảm ơn “ôi! sướng quá”. Nơi đây cũng là sân chơi dành cho lũ trẻ với đủ trò nghịch ngợm. Lũ con gái thì chơi trò đi ô, đánh thẻ. Đám con trai tụi tôi, mình trần trùng trục chơi gù, đá bóng hoặc đánh khăng. Tôi và thằng Khang là hai thủ lĩnh đàn anh lớn tuổi nhất trong hội nên mỗi lúc giao tranh hai đứa phải về hai phe để đầu quân. Tính thằng Khang lỗ láo nên mỗi khi chia phe thì lớp đàn em bao giờ cũng muốn đứng về bên Khang để tránh được những miếng đòn do ẩu đả. Rồi cuộc chơi nào cũng có sự kết thúc bằng thắng bại hoặc những cuộc cãi vả om sòm. Trời nhá nhem là cả đoàn quần áo vò quả bưởi chạy tới chỗ giếng khơi, múc nước dội ào ào. Sống vậy mà chẳng có đứa nào ốm đau gì cả. Còn phía trên bực thềm lở lói thường đặt sẵn cái khay tráng men, ấm trà, kèm mấy cái ly thuỷ tinh lem lúa sắp lớp đủ loại vân tay, nhưng hình như chẳng mấy khi có nước ngon, rót ra là bạc phếch như nước mắt thầy bói. Cạnh ấm trà bao giờ cũng kèm gói thuốc lào Vĩnh Bảo cùng mấy cây đóm mỏng tanh, lúc được bố tôi, lúc được ông Khánh bố Khang xước ra từ ống nứa già ngâm dưới ao bèo đưa lên. Cái bàn này luôn tuỳ nghi di tản. Có nghĩa là lúc đặt ở bậc thềm nhà này, lúc lại chuyển đến trước cửa nhà khác. Vì là điếu đóm tập thể nên khách lạ ngang qua về trái đều có thể dừng chân hạ đít, réo vài hơi thả khói phì phèo cho thơm đời. Rồi một chiều chủ nhật, bàn trà lại rôm rả như bao chiều vốn dĩ. Cẩn lủi thủi dắt con Béc đi đến nơi góc sân, vô tình thấy bàn trà rôm rả liền dắt “anh bạn vàng” tới chầu bên cạnh. Nói về hành vi bất hảo của Cẩn thì gã có thâm niên tám năm khai thác gỗ lậu, triệt hạ gần bảy chục ha rừng già ở xứ Kim Sơn. Xét tội trạng toà tuyên án gã phải vào tù chín năm. Nhưng nhờ gã có thành tích năng nổ và tháo vát - Mỗi năm cung cấp hàng trăm phản gọ, bàn lim, cầu thang, lộc bình lát hoa cho các sếp lớn nhỏ. Có lẽ nhờ có thành tích biết quan tâm đến cuộc đời vất vả của quý sếp nên chỉ sáu tháng tù là Cẩn được trả về nhà trở thành công dân bình thường. Sau khi ra tù gả tiếp tục về chỉ đạo lớp thảo khấu rừng xanh hành nghề trang trí nội thất, cung cấp hàng mĩ nghệ đồ gỗ cho các đại gia dưới phố.

Thấy gã Cẩn đĩnh đạc đi tới, bố tôi xách thêm một ghế nhựa, rồi chồng ốp thêm một cái nữa như sợ chiếc ghế sẽ không đỡ nỗi cái thân hình cùng hai cái mông của gã. Khép người vào sát vách tường, bố tôi rót nước rồi tò mò: Không biết chú mày ở đâu về đây, làm gì mà nom béo tốt thế. Mông ra mông, ngực ra ngực, chẳng bớt cho tụi tui.

Cẩn đặt mông xuống ghế. Con chó cũng ngồi chầu hâu nhìn mọi người đang tán dóc. Thằng Khang đi ngang qua thấy con Béc vẻ xấc xược nó liền ra chiêu đùa cợt: Chỗ này là sân chơi của tụi tao. Từ nay hễ ra đó tè, tao cho mày đi theo củ riềng nghe chưa.

Thấy bị uy hiếp, nhanh như cắt, con Béc chồm lên táp gọn một miếng vào mặt hắn. Thằng Khang không kịp ứng xử. Mọi người hốt hoảng, đứng phắt dậy. Cái bàn trà đổ tung nhoe nhoét. Nhìn đối thủ với hai hàm răng sắc bóng nhọn hoắt và cặp mắt vẫn loong lên sòng sọc, Khang sợ xanh mang ôm mặt nằm sấp xuống bậc thềm. Cẩn hậm hực đưa Béc về bỏ cũi khóa, rồi tất bật chạy sang và kéo Khang vào trong nhà, chốt của để tránh vạ vương thông qua tai mắt mồm mép của thiên hạ. Miệng gã lẩm bẩm nhưng tôi vẫn đủ nghe qua ánh cửa để hờ “nó (nói con chó) chuyên ở rừng thay tôi cảnh giới kẻ ăn cắp gỗ nên dữ vậy đấy”.

Tối hôm đó chờ mọi người nghỉ ngơi yên tĩnh, gã Cẩn đánh xe con tới dừng trước của nhà ông Khánh rồi lặng lẽ dìu Khang lên bệnh viện kiểm tra vết thương. Hôm sau và mấy hôm liền sau đó không thấy mặt mũi thằng Khang đâu. Sự việc thằng Khang bị chó cắn không ảnh hưởng sứt gì đến tụi trẻ bọn tôi. Chiều hôm ấy cái sân lại tiếp tục ồn ào với những trò chơi, chỉ có điều là không thấy gã Cẩn dắt chó đi đái như mọi chầu.

Rồi một hôm mọi người chưng hửng khi nhận được thông báo: “Tất cả những gia đình ở khu tập thể phải di dời để nhường đất xây dựng một khu nghỉ dưỡng, ai đi trước thực hiện nghiêm túc chỉ thị của uỷ ban thành phố được hỗ trợ và đền bù thoả đáng. Ai cố tình chống đối sẽ bị cưỡng chế”. Thông báo chẳng có gì giật gân bởi tin này đã phong phanh từ lâu nên chẳng ai bị đứng tim. Nhưng từ hôm nay mỗi một ông bố, bà mẹ đều hình thành tư tưởng ra đi tìm nơi lập nghiệp. Cuộc sống trở nên tạm bợ, mọi sinh hoạt vốn nhếch nhác càng nhếch nhác hơn. Sau khi nhận được khoản tiền đền bù rẻ mạt, ba hộ cuối dãy lần lượt chia tay cuộc sống nơi đây. Còn hai hộ, nhà tôi và nhà bác Khánh còn phải bám trụ bởi vì không thể tìm nổi số tiền “đền bù”.

Kể từ khi ba hộ di dời đến nay đã gần một năm mà mặt bằng nơi đây vẫn không thấy động tĩnh gì. Trước mắt hai gia đình có đất trồng rau, thả bầu. Vì chất mùn chưa bị khai thác nên rau thả xuống vài tuần là tốt xanh mươn mướt. Lại nói về mẹ tôi một thủa bà là một kỹ sư ở nhà máy hóa chất, sau khi bị nhiễm độc rụng hết tóc bà về chế độ 176. Từ đó bà tự ti với cái đầu trọc nên không ra khỏi nhà. Nay có đất trồng rau sau hồi bà mừng lắm. Bà góp nhặt niềm vui nơi màu xanh của những luống rau trên những ô đất vừa khai phá. Rau ăn không hết mẹ tôi nhổ về, bó sẵn đặt ở bậc thềm, không cần rao vặt mà khách đến mua nườm nượp bởi họ biết đây là hàng sạch, đắt tý chẳng sao.

Một hôm tôi đang hì hục đào đất trồng rau thì nghe ông Khánh gọi vào “cậu về, Khang đang cần gặp”. Tôi vất cuốc chạy vào nhà. Thằng Khang hớn hở “ở siêu thị Vincom đang cần tuyển người làm bảo vệ, ta lên dò hỏi thế nào”.

Đi thì đi! Tôi dứt lời, hai đứa vào nhà thay quần áo rồi vung vinh lên đường. Tuy mức lương bảo vệ yết giá ba triệu một tháng nhưng khi chúng tôi có mặt thì đã thấy đám bầy đứa trai tráng mãi tận đẩu đâu tới chen cánh, xếp hàng chật ních trước cổng. Hai đứa chờ tới ba giờ chiều thì đến lượt sát hạch. Ông trưởng phòng nhân sự nhìn tôi nói “Tướng chú em dài lưng tốn vải. Mà đã vào đây là phải chấp nhận những tình huống rủi ro bất thường mà ứng biến. Chứ thằng kẻ cướp không bao giờ chờ nghe lời thuyết trình và lý giải”. Rồi ông nhìn sang thằng Khang “Nhìn chung chú đạt tiêu chuẩn, thân hình cân đối, vai vóc to khoẻ. Nhưng kể ra chú mày không có vết sẹo này thì đạt tiêu chuẩn. Vết sẹo không phải bẩm sinh đúng không. Nhưng ở đây khi đối tác đặt chân đến, gặp khuôn mặt có sẹo như chú, họ cũng ngại”. Ông tiếp tục lắc đầu và thở dài.

Về tới nhà thằng Khang xồng xộc vào soi gương, thấy vết sẹo bầm thâm ở mặt hắn tháo bỏ quần áo trên người rồi tức tốc xách cái xà beng nhổ đinh chạy sang nhà gã Cẩn với ý định trả thù con chó nhưng cửa đóng im ỉm. Toà nhà lạnh ngắt như vắng hình thân chủ. Nó hậm hực quay lại, miệng mấp máy câu gì không rõ.

Chiều tối Cẩn đánh xe về, thấy tôi vác cuốc đi mổ đất gã dừng xe mở cửa và nhẹ nhàng: Chú mày có thấy thằng con lão Khánh nó ở đâu không?

Tôi thả cuốc xuống: Nó đang trong nhà.

- Gọi dùm nó ra đây anh gặp.

 Nghe tiếng Cẩn, chẳng cần tôi gọi, thằng Khang mặc quần đùi hậm hực chạy ra. Nó giật nhanh cái cuốc trên tay tôi và vênh cằm: Ông cần gì? Tôi đang muốn gặp ông đây.

Cẩn chậm rãi: Chú đừng nóng. Dứt lời Cẩn tháo vắt cái áo lót lên vai để lộ những đường chạm trỗ vằn vện trên bộ ngực đầy lông lá. Và bước lại gần thằng Khang “Anh tuy là dân mới, nhưng xin chú em đừng hoạnh”.

Thằng Khang vẫn giữ nét bình tĩnh: Tôi không hoạnh ông. Nhưng tôi muốn thịt con chó - Vừa nói Khang vừa đưa tay xoa đi vuốt lại vết sẹo cạnh bờ môi như nhắc với Cẩn món nợ cũ hồi nào.

Gã Cẩn nhẹ nhàng: Thôi! Ở đây to tiếng với nhau không tiện, ta là những thằng đàn ông. Mời hai chú em sang nhà anh nào! Dứt lời Cẩn đánh xe đi chầm chậm. Tôi và Khang lẽo đẽo theo sau.

Hai đứa bước chân vào toà nhà ngập mứa tiện nghi. Vừa ngồi xuống ghế Cẩn hỏi: Hai chú dùng gì. Ở đây gì gì cũng có.

Dứt lời gã rót ra hai cốc nước bầm tím và mớm lời: Hai chú mày trượt đại học rồi hả. Tuổi này còn ôm vú mẹ đến bao giờ. Ngày mai vào rừng với anh.  Thanh niên trai tráng mà cứ du dú ở trong nhà ăn bám thì tồi lắm.

Thấy bọn tôi còn chần chừ gã nắn vai từng đứa: Hãy tranh thủ khi đời còn sức vóc. Ở tuổi các chú mà không làm ra tiền thì chờ đến lúc nào.

Trước lời chiêu dụ của Cẩn chúng tôi hớn hở nhận lời. Sáng hôm sau

hai đứa lên xe bán tải hành trình về hướng Tây. Chiếc xe như con thú hoang dại gầm gừ tha hai đứa vượt qua đoạn đường rừng ngoằn nghèo có hàng trăm cây số. Tôi bắt đầu hoài nghi lo lắng nói thầm với Khang: Kiểu này mà nó đưa đi bán nội tạng cho người Tàu thì nguy.

Khang gắt gỏng: Bộ hài cốt mày được bao nhiêu mà tính toán cho gầy người. Vượt qua bao rừng sâu suối thẳm, xe dừng ngay ở một bãi đất trống, có cái chòi tranh nơi đỉnh dốc. Dần về hoàng hôn trời càng ảm đạm và gai lạnh sương la đà bấn bít dưới gót chân. Xa xa có tiếng róc rách, yếu ớt của một khe cạn đã vơi mòn con nước đang vào cuối mùa khô. Bất giác tôi thấy rùng rợn, kiểu này không đưa nội tạng cho Tàu thì cũng đưa thân cho cọp.

Mấy người vừa chui vào chòi, tự dưng con Béc từ đâu chạy bổ tới. Nhìn chúng tôi nó ngút ngoắt cái đuôi vẻ thân ái như người nhà “ha ha chúng ta là cư dân thành phố, lên đây vài ngày xem cảnh rừng vàng suối bạc ra sao, mai ta lại về gặp nhau nơi phố phường hai anh ha”.

Tôi chưa biết chuyện gì xẩy ra thì Cẩn trao tận tay một tập phong bì dán sẵn keo và dặn dò thận trọng: Tối nay chú và con chó ở lại đây, nhớ thường xuyên bắt máy khi tớ gọi. Tập phong bì này sẽ lần lượt ra đi theo sự chỉ đạo của anh. Còn anh và Khang đi sâu vào trong này để chỉ đạo cái đám quân hồi vô lệnh.

Vỗ vai tôi, gã và Khang  tiếp tục lên xe biến mất vào trong đêm đen lạnh lẽo của núi rừng. Đêm. Núi rừng như co rúm lại bởi một màu xám xịt tôi lưu rưu nhắm mắt trong giấc ngủ mơ màng sau một ngày đường trường nhừ tử. Về khuya tiếng cưa xăng rít lên, tiếng cây đổ sầm sầm, tiếng con chim lạ hoảng hốt cất lên sau một ngày kiếm ăn trở về không còn tổ. Qua một đêm nằm gai nếm mật, khi tỉnh dậy tôi bàng hoàng trước cảnh đại ngàn đang thổn thức dưới ánh bình minh hé rạng. Vừa súc miệng xong bằng một ngụm nước suối thì nghe điện thoại của Cẩn. Tôi biết chức trách nhiệm vụ của mình - đó là vai trò một thủ quỹ nhưng chi tiền không có bảng lương, ký duyệt: Lúc thì một cán bộ hải quan đeo ve đậm, lúc thì người xách cặp, lúc thì xe biển xanh, lúc xe biển trắng… tới gặp. Lúc đầu tôi ngạc nhiên “Tại sao họ biết mình ở đây”. Sau đó tôi hiểu khi kết nối điện thoại với Cẩn. Theo chỉ đạo từ xa tôi đưa đúng từng phong bì đã ghi sẵn mệnh giá ở ngoài cho từng đối tượng để họ quay đầu về xuôi. Có kẻ cầm tiền là lặng lẽ rút lui. Nhưng cũng có kẻ nhận xong quà, trước lúc chia tay còn hóm hỉnh giọng xách mé “tranh thủ đi chú. Nói mà nghe chứ bọn mày không chặt thì thằng khác nó chặt. Giữ thế đ… nào được”.

Kể ra công việc khá nhẹ nhàng, lại có Béc bên cạnh tôi có ý định ở lại qua tết Nguyên Đán để kiếm ít tiền về giúp gia đình, nếu xuôi chèo mát mái thì hầu cận gã suốt đời. Nhưng đời trắc ngéo, tương lai vừa lóe lên thì sang tuần thứ năm tự nhiên rét run cầm cập có lẽ do cơ thể không thích ứng với cảnh rừng thiêng nước độc. Nhận được hung tin Cẩn từ sâu rúc ra và lạnh lùng nhìn tôi: Sống ở rừng vậy là thường. Đồ công tử bột.

Tảng sáng hôm sau lão trả tôi về cho gia đình, trước lúc dìu lên xe lão sai thằng đệ tử xách thêm một cái chiếu xù rải cho tôi nằm và kèm theo một phong thư bỏ tiền, bảo về chích thuốc.

Sau một tháng đi xa, tôi lại trở về bên gian nhà cấp bốn, nơi cất giữ bao kỉ niệm ngọt ngào của tuổi thơ. Thấy tôi xanh xao, mẹ tôi thảm thương nức lên như lúa nghẹn đòng rồi ôm chặt lấy cái cơ thể gầy gò của thằng con trai buổi đầu đi làm ăn ở xa về. Chích thuốc và an dưỡng được một tuần thì cơ thể khỏe lại bình thường, đang loay hoay đặt bẩy chuột thì tôi nhận được điện thoại của Khang sứt: Mày ở nhà đập luôn hai bức tường ngăn bên kia để tạm thời làm kho chứa gỗ. Ông Cẩn sẽ trả lương mày đàng hoàng. Ai hỏi gì cứ bảo đây là gỗ của thằng Khang sứt và Cẩn hói. Còn có việc gì nghiêm trọng thì ông già nhà tao sẽ làm luật với quý sếp thông qua điều khiển của đại ca.

Thừa lệnh thằng Khang, bố con tôi vác búa tạ và xà beng quất toang hai bức tường ngăn. Mới khai thông hôm trước thì ngày sau, cứ chập choạng chiều, mọi người lại ngạc nhiên thấy vài chiếc ô tô phủ kín bạt chở gỗ về tập kết vào khu nhà hoang. Cái sân bóng ngày nào nhi nhít tàn thuốc, que xoi điếu và dấu chân con trẻ, nay bị lốp xe cày xới nhoe nhoét tạo nên những cái khe đọng nước lai láng váng dầu và xác những con giun thối rửa.

Dạo này, ông Khánh cũng tỏ vẻ ra mặt, khệnh khạng hơn vì có con làm quản đốc nơi công trường xứ núi. Chiều chiều ông lại cầm sổ đi sang khu nhà hoang kiểm tra số lượng gỗ, rồi đo ngang đo dọc, sau đó phủi tay bèn bẹt đi về nhà xách chai rượu ngâm hoa anh túc dốc uống một mình, tất nhiên nhỡ gặp bố tôi ông cũng miễn cưởng mời nhưng dè sẻn, chứ không phiêu diêu bát ngát, không lên bờ xuống ruộng như mọi chầu.

Điều làm tôi đáng để ý hơn cả, là mỗi khi có xe gỗ đút đít vào hiên là thấy vài người lạ lịch lãm tới gõ cửa nhà ông Khánh, lúc thì họ tự xưng công an phường kèm theo vài đệ tử. Khi thì một anh xưng tên nhà báo tới bấm máy lia lịa, lúc thì một cán bộ sở ngành gì gì đó tới thăm dom, mở sổ sách ghi ghi chép chép. Cũng giống như tôi hồi ở Cửa rừng cùng con Béc, Ông Khánh lại cầm tập phong bì ghi sẵn mệnh giá để phát cho từng đối tượng theo sự chỉ đạo của Cẩn.

Hôm nay giữa tiết trời Thu ảm đạm. Tôi đang nhấp nhổm chuẩn bị khăn gói lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của núi rừng thì bỗng dưng mây đen nhung nhúc dồn đống kéo về. Chẳng mấy chốc cả bầu trời xám xịt một màu tro rồi điên cuồng trút nước. Trắng dạ nước. Bao la nước. Thành phố như một con tàu nhếch nhác thả neo giữa đại dương mênh mông. Nơm vó tung tăng ngoài đường, thuyền máy rẽ sóng băng băng. Gặp nước mới rắn tít hả hê mở hội chèo bơi. Cá lớn cá bé sung sướng vờn nhau trên ngọn sóng. Thảm họa lớn nhất đang treo sau ót là họ hàng nhà Dế, một thủa bình yên nằm kéo nhỉ trong hang, hát đồng ca tài tử nay gặp cảnh cơ hàn màn trời chiếu nước, liệu có thoát khỏi nanh vuốt lũ cá Chuối hung hăng đói khát mới sổng hồ hay không. Tôi hình dung như có cả nước lạ, cá lạ và các sinh vật lạ đang từ dưới lòng đất ngoi lên. Nhổm đít quay vào nhà thì thấy nước đã lắp xắp láng nền. Con nhện mạ nân nẫn hình chum lúc đầu định làm lì cố thủ trên gác bếp cùng ổ trứng và đàn con dại, nay vội vàng ôm con bò ngược theo bờ tường. Chị Thạch sùng dương mắt nhìn mẹ con nhà Nhện. Như mọi chầu thì một “Boắp” là có bữa ăn xẻm lẻm, nhưng giờ đây nó chỉ nhìn với cặp mắt thương hại. Nằm cạnh bờ tường lem luốc là cái tủ đứng giả gỗ màu nâu sẫm bằng ván ép kiểu Hàn Quốc đã bong ra từng mảng, tạo thành những cái khe toang hoác. Lũ gián cánh và chuột nhắt biết trời sắp sụp nháo nhác dắt nhau vào trú ẩn tìm cơ hội thoát thân. Lúc bình thường chúng rệt đuổi và cắn xé nhau đến chí mạng. Nhưng giờ đây trước cảnh “chìm xuồng” hai họ ôm nhau nằm thin thít. Ấn tượng của kẻ thoắt lìa đời bao giờ cũng thể hiện sự bao dung trong hoảng loạn.

Bố tôi đang lịch kịch dưới bếp, hình như ông đang bê mấy vật dụng hậu cần lên đầu giường. Dừng tay nhìn trời một lúc, ông nói: Thời trước cũng mưa to thế này nhưng chẳng bao giờ thấy ngập vì lúc ấy mặt đất còn là mặt đất nên nước thấm nhanh kiểu như chúng ta đi tắm biển rồi xả ngoài bãi cát ấy. Bây giờ chỗ nào cũng láng hết xi măng thì nước nó chui vào đâu. Bịt chỗ này xì chỗ khác nên không ngập mới là lạ.

Mẹ tôi xưa nay sống trong im lặng nhưng nghe bố nói vậy bà tất tưởi chạy ra. Giật cái khăn quàng đầu vất xuống giường bà tiến sát bên bố: Ông xem đây. Ngày mới yêu đương, ông dắt tôi về giới thiệu họ hàng, cả làng ai cũng khen tôi có mái tóc dày, ướt át, thấm thượt như chùm rong biển. Cưới xong mấy năm đầu ông thường dội nước bồ kết cho tôi gội. Hai gáo nhưng chảy xuống chậu lúc đầu chỉ khoảng nửa gáo, sau đó chảy từ từ, lít rít, còn  nay ông không phải dội nước cho tôi gội nữa. Nhưng có dội thì gáo nào gáo ấy cứ trôi tuồn tuột xuống chậu thau. Chớ còn sợi tóc nào nữa đâu mà giữ được nước. Dứt lời mẹ tôi đưa tay chỉ sang ba gian nhà hoang nay đã biến thành kho tập kết gỗ. Bà nói tiếp, nhìn là biết.  Năm sau lũ thế nào cũng lớn hơn thế này. Anh em chúng mày lại nhai bỏng ngô lốp lưỡi không chừng.

Giữa trời đất bao la, khối kẻ đang vùng vẫy và toan tính thì vợ chồng ông Khánh ở nhà đứng ngồi không yên. Đang lo lắng dõi mắt về phương Tây mịt mùng trong mưa bão thì ngạc nhiên thấy thằng Khang hớt hải vuốt mặt chạy về nhà. Tưởng hắn là thằng bỏ của chạy người, nhưng không với vẻ mặt vui mừng hắn nói: Ông! Ông Cẩn bị nước cuốn trôi mất tiêu rồi. Con thấy xe của gã mắc kẹt bên khe suối.

Buổi tối hôm đó trời tạnh dần, bố con ông Khánh bàn bạc thế nào rồi sướt mướt chạy sang nhà tôi. Ông nói “nhờ hai bố con anh và mấy đứa cửu vạn dùm bốc số gỗ này tấu tán đi nơi khác”. Hì hục suốt đêm, mồ hôi đổ lộn nước mưa thì số gỗ được bốc và chở hết hẳn, để lại cái nền nhà lổm nhổm gạch đá và cái nhìn ngơ ngác của lũ gián cánh, cùng lũ chuột nhắt bị sặc nước nằm phơi bụng trắng lốp trước cửa hang.

Bố con ông Khánh hí hửng vì tự dưng trong tay có gần ba trăm triệu, khoản tiền ấy mơ cả đời cũng không thấy. Đang vui mừng thì Cẩn và con Béc như hai bóng ma đột ngột xuất hiện. Bị bất ngờ bố con nhà ông Khánh hốt hoảng như thấy trăn quấn cột nhà. Còn Cẩn vì chưa biết cái kho chứa gỗ nay đã trống rỗng nên vẫn thờ ơ như không có việc gì xẩy ra.

Đánh hơi biết Cẩn và Béc còn sống, thằng Khang biến mất mặt, bỏ lại ông Khánh ngồi ở nhà tiếp Cẩn. Biết thằng Khang cũng dạng đầu cua tai ếch, trong khi mình còn thân cô thế cô. Nhỡ ra thằng này đưa vết sẹo ở môi ra, lợi dụng ưu thế bầy đàn của đám lâu la thất nghiệp dưới phố giở trò Chí Phèo ăn vạ Bá Kiến cũng phiền hà và rắc rối. Còn sinh sự kiện tụng kéo nhau ra tòa ư? Với tiềm lực trong tay, mình có thể đánh thông mọi cánh cửa để giành phần thắng, đẩy thằng Khang vào tù cho hết thói hung hăng khôn lõi. Nhưng làm như vậy khác chi mình đi cướp của thằng hèn đưa về đút vào ngăn kéo của kẻ có thế. Mình cạn tàu ráo máng, về sau mang hận, mà nó đâu còn đường lùi. Ta thắng được đứa nhãi nhép mới ra ràng tháo cựa ấy để làm gì? thế là đại hiệp chăng? Hỡi! biết đâu số gỗ bao ngày hò hê khênh vác, lại lọt vào tay những kẻ cầm cân nẩy mực, vậy có đau đớn không. Dù sao hắn cũng đã cùng ta vật lộn mấy tháng trời trong rừng sâu suối lạnh, cùng chung mối hận thù với núi rừng và đám mọi rợ dân đen. Cùng bán đổi những giọt máu tanh tao cho lũ sên vắt. Cùng tráo trở trong bể dâu nhân thế và cùng chén tạc chén thù, tuế tóa phong lưu dưới tầng lá mục khi gỗ trót lọt về xuôi. Và điều quan trọng là nó đã kịp thời bổ sung nguồn năng lực cho ta khi dạo này độ hăng hái trong người đã tụt dốc. Nghĩ vậy Cẩn nén giận chỉ vào mặt Ông Khánh: Ông hãy dắt con ông về học cái lý thuyết làm người, sau đó hãy đi làm việc. Tôi thử độ trung thành của bố con ông thôi. Chứ đời thằng như tôi mà bị lũ cuốn thì thiên hạ này sót ai. Thực ra bố con ông chỉ là những đứa ăn cháo đái bát. Riêng thằng con ông không bao giờ bằng một con chó. Sau đó mọi người mãi không bao giờ thấy Cẩn xuất hiện ở xứ này. Còn cơ ngơi khu biệt thự của Cẩn thấy một người đàn bà lạ hoắc về cai quản. Gã mất tích hay về đâu không ai biết.

Cuộc đời cứ trôi dần theo năm tháng rồi ai ai cũng phải diệu kế mưu sinh. Bố con thằng Khang nhờ hốt được số tiền đã nhanh chóng lùa sự đói nghèo cùng cực ra khỏi phận đời, mua nếp nhà sàn trên mạn ngược về dựng bên bờ sông theo lối bán thủy tạ. Vợ chồng nó mở hàng thịt chó, rượu cần, lại còn thuê các cô gái người dân tộ về nhảy múa chuốc rượu, gọi là “sản phẩm dung dịch sinh thái” chủ yếu đón khách từ khu đô thị mới dựng nên sầm uất trên mấy héc ta đất quốc danh cũ - nơi có ngôi nhà tập thể của chúng tôi. Theo đo đạc của địa chính, thì nhà tôi không phải di dời. Gia đình tôi vẫn ở nguyên dằm cũ nhưng xa rồi âm điệu giòn tan của những tràng cười trộn trong tiếng điếu cày reo réo, sòng sọc phả ra nơi những cái miệng hôi hốc của hai hàm răng đen nhúa. Thay vào đó là một khu khách sạn mười lăm tầng nguy nga mọc lên. Ngôi nhà nhỏ của gia đình tôi một thời dắm dói để tránh mưa tránh nắng nay đã bề thế hơn nhiều nhờ bán hàng vặt cho “khách chờ” vãng lai tìm đến “bãi đáp” trong nhà nghỉ.

Đời đang lên hương và cứ đinh ninh rằng sẽ lên hương mãi. Nhưng….

Lại một cơn đại hồng thủy, còn lớn và dữ hơn cơn đại hồng thủy năm xưa, khiến bố con Khang bị nuốt trôi hai gian nhà gỗ quý năm xưa. Ngôi nhà của tôi nước ngập ngang tường, có gác lửng nhưng bố con tôi sợ nước ngập lên nữa thì chết đuối trên đó, vợ chồng bố con chạy sang nhà của vợ bé lão Cẩn trú nhờ. Vợ Cẩn đi vắng, chỉ có đứa con riêng đang lui cui học bài.

Mẹ tôi hỏi:

Mẹ cháu đi đâu khi trời đang mưa gió sấm sét thế này?

- Mẹ cháu đi đám ma, dượng cháu chết rồi.

- Dượng Cẩn chết rồi hả? Sao mà chết, đang mạnh khỏe vậy mà?

- Con Béc tự nhiên bỏ nhà đi cả tháng, khi về nó đã hóa điên. Chú Cẩn dậm dọa nó nhảy vào quắp chặt, cắn rách cuống họng, máu chảy nhiều quá.

- Sao không mang đi cấp cứu?

- Giời mưa đường ngập hết cả, gọi xe cấp cứu không xe nào đến nổi.

Đang bàng hoàng thì vợ chồng ông cháu thằng Khang lôi nhau đến cửa, váy con vợ bị nước cuốn phăng đâu mất, chỉ còn độc cái slip mà không ai nỡ cười. Tôi hỏi Khang:

- Tưởng nhà sàn cao ráo mà cũng bị ngập à?

- Ngập cho còn tốt. Nước nó đẩy đi mất tiêu ra biển. May được cái ca nô chở mì tôm cứu trợ, mới còn sống mà đi ăn mày bây chừ…

*

Tuy không phải máu mủ ruột rà nhưng Cẩn đã cho tôi một chuyến phiêu du để biết đường trường của rừng rú, để còn đoái hồi lại câu chuyện cổ tích thời trẻ con với câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” của thời hiện đại. Dù sao Cẩn vẫn là người thầy cho tôi bài học đầu tiên khi bước chân vào cuộc sống tự lập. Nghĩ vậy tôi gọi thằng Khang mua lễ vật, chờ nước rút đi lên nhà thắp hương cho ông ấy.

Nhưng chúng tôi không đi mà ông đã đến, lừ đừ đến trong cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm. Mưa to quá, người ta chỉ lấp đất sơ sài, bàn bạc với nhau chờ để hôm cúng ba ngày xong mới ra đắp cẩn thận thành nấm mồ. Gỗ tốt không ngấm nước, nhúm đất bùn bị cuốn trôi nó từ từ nổi lên rồi theo dòng nước trôi xuôi. Tôi chỉ kịp nhận ra, hiểu ra mọi sự thì cổ quan tài đã trôi mất hút, dù trong lòng rất muốn lấy nó, cột nó lại dùm, nghĩa tử là nghĩa tận.

                    Tháng 12/2018

                                                                               T.H.T

. . . . .
Loading the player...