06-09-2022 - 09:29

Truyện ngắn NGÀY NẮNG LÊN của Tống Phú Sa

TỐNG PHÚ SA

 

NGÀY NẮNG LÊN                        

                              Truyện ngắn

 

 

Người phụ nữ có những lọn tóc xoăn lòa xòa trước trán, nước da xanh tái và đôi mắt một mí u buồn đứng chân trong chân ngoài nơi chái bếp. Trên tay cô, đứa trẻ chừng hai tuổi chuồi hẳn đầu, dáng điệu như muốn lật chúi về phía trước. Trong bếp, người mẹ già của Vỹ vừa há miệng cho hơi nóng trên bếp than cời đỏ thốc vào, vừa cất tiếng rên hừ hừ trong cổ họng. Đứa cháu gọi Vỹ bằng cậu đảo liên tục mẻ lạc đang rang. Tiếng nổ lép bép của củi chưa khô hẳn, tiếng ngô dậy mình trong chiếc nồi đất làm cho góc bếp ẩm thấp và tối tăm có thêm chút sinh khí mới.

Ngoài sân, tiếng cười nói rôm rả. Chị gái Vỹ liền tay rót nước, mời trầu, xoa xoa nắm lạc rang chín, vàng đều đưa tận tay cho các bà, các mẹ. Người nhà quê ăn thúng uống thùng nơi góc bếp, nhưng ở giữa làng, có đói nhểu nước, họ cũng luôn giữ thể diện.

- Anh Vỹ dạo này trông gầy đi nhiều rồi nhá! Mà cô ấy đâu, kêu ra cho mấy già xem mặt để con đi ăn lễ chứ ?

Vỹ buông thõng hai tay. Anh khựng lại. Góc bếp ấy bất chợt hiện ra đôi mắt lá răm, đôi mắt có hai viền mi đen thẫm. Nụ cười với lúm đồng tiền sâu hút một bên má phải, nụ cười nở bừng trên gương mặt xinh đẹp của Hạnh hiện hữu một cách mồn một trong chái bếp tăm tối và ẩm thấp.

Nụ cười ấy đã lấy đi của Vỹ cả quãng đời thanh xuân tươi đẹp. Nụ cười ấy là vết cắt chưa bao giờ lành trong trái tim rỉ máu của anh.

*

Hai mươi năm về trước, anh đưa Hạnh về ra mắt vào một ngày mưa phùn nặng hạt. Bầu trời như một tấm màn đen khổng lồ, ngấn nước vắt qua dãy Trường Sơn như sắp đổ sụp xuống. Gió hun hút thổi từ vực Nầm quất vào những dáng người nhỏ bé đang cố gồng mình trên chiếc xe hai bánh. Cái lạnh thấu xương len vào những ống tay gầy gò, vuốt ve nơi gò má, nơi vành tai của những kẻ lỡ chuyến đang ngồi vầy và bên những quán cóc lụp xụp ven đường. Hạnh nép tấm thân mảnh như sợi chỉ vào hai cánh tay săn chăc, vững chãi của anh. Cô tái xanh cả mặt khi từ bờ bên kia, một chiếc xe tải chở hàng lù lù đi sang. Chiếc cầu cũ kĩ được ghép bằng những thanh gỗ dài, có những chỗ hở toang hoác, nhìn rõ dòng sông xanh thẫm đang ì ạch trôi về xuôi. Mỗi lần chiếc xe tải xì khói, cây cầu lại run lên bần bật. Anh ôm lấy bờ vai gầy của Hạnh, kéo nép sát vào người anh để xua đi cái lạnh buốt xương. Phía bên kia, chiếc xe tải lắc lư, chậm chạp bò qua. Hai bên thành cầu, người đi đường đều dừng lại, nép hẳn vào thành chờ cho xe đi qua. Anh thì thầm bên tai Hạnh :

- Em có nhìn thấy ngọn đồi tít xa kia không? Đúng rồi, màu xanh ngắt ấy là những đồi thông bọn anh đã trồng. Dưới ngọn đồi ấy có một bãi đất rộng, tháng hai lần đội chiếu bóng lưu động từ thành phố đem theo phim nhựa về để phục vụ bà con. Bọn anh, lũ trẻ tầm mười ba mười bốn tuổi cuốc bộ hơn mười cây số, bò rạp người trên cây cầu này để được xem phim. Có những bộ phim chiếu đi chiếu lại cả chục lần, nhưng, với lũ trẻ, niềm háo hức gần như nguyên vẹn. Kinh khủng nhất là khi buổi chiếu bóng tàn, lũ trẻ quần áo mỏng tang dắt díu nhau dạt vào một chiếc quán cóc bên đường. Đứa lớn tuổi nhất lầm bầm tính xem có thất lạc đứa nào không, rồi dỏng tai nghe tiếng rít của những cơn gió từ vực Nầm quất về. Có những đêm mặt đường đẫm nước, gió thổi xiêu cả người nhưng bọn anh cũng phải bám những thanh gỗ bắc qua vực Nầm để sang bờ bên kia. Những ánh đèn leo lét của những người qua đường, của những chiếc xe ô tô tải chở hàng giúp bọn anh định vị được phương hướng để vượt qua cầu.

Con đường về nhà Vỹ như ngắn hơn bởi những dòng hồi ức về năm tháng tuổi thơ cơ cực nhưng đầy ắp kỉ niệm. Bao năm trôi qua rồi nhưng làng quê anh hầu như không thay đổi. Mưa phùn dầm dề cả thảng, rỉ rách xến quyện màu đất đỏ thành bùn quánh đặc Hạnh là dân thành phố, quen ăn trắng mặc trơn, người Hạnh mảnh mai, hai bàn tay trơn nuột mỏng tang như hai tờ giấy. Nhìn đôi chân Hạnh ngập trong đám bùn đất nhão đỏ quạch, Vỹ nghe lòng mình thắt lại. Và trong tận cùng sâu thẳm, hạnh phúc ngọt ngào dâng ngập lòng Vỹ. Anh lăng xăng chạy trước, lấy chân gạt sang hai bên những vũng đất đỏ lấy lội, mắt nhìn vào những lọn tóc lòa xòa hai bên má Hạnh, khe khẽ hát những câu không đầu không cuối “Vẫn nhớ một cánh đồng và mơ một dòng sông…”.

Ngôi nhà lá ba gian thấp đùn đũn nằm sát bờ bàu. Bao  năm qua nó vẫn thế. Khi mái lá lợp bằng cọ và những thanh mèn, cầu phong bằng tre bị mối mục, cha anh lại cất công đẵn tre dọc bờ bàu, đánh tranh bằng cọ và nhờ người lợp lại mái. Nhà lợp bằng cọ mùa hè mát rượi, nhưng mùa mưa nghe buồn thấu xương. Những giọt nước tý tách nghe rưng rức trên mái lá, nghe buồn da diết như điệu bolero trong phòng trà. Ngày anh dẫn Hạnh về, bờ bàu lá mục đổ ngập chân. Con đường trước ngõ bé tý như sợi chỉ, nước lấp xấp đến tận mép đường. Người làng thường tụ tập hai bên bờ vào mùa nắng để tránh nóng. Mùa mưa, muỗi vằn nhiều không tả nổi. Chỉ có nhà nào thiếu rau xanh cho lợn mới phải liều mình quấn nilon để vớt bèo. Ngôi nhà không có cửa, được chống lên và hạ xuống bằng một khung làm bằng tre nứa và lợp lên với những tấm tranh được đánh bằng lá cọ đêm ấy chật ních người. Cả làng đổ về nhà bà Tám để xem mắt cô dâu từ thành phố về. Bởi, với người dân làng Bình Hòa, Vỹ là mẫu người xưa nay hiếm. Anh không những đẹp trai, thông minh, học giỏi, mà còn là đứa con có hiếu nức làng. Ngày Vỹ tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu của trường Học viện Hậu cần, anh được về nhà hai tuần để nhận công tác. Suốt những ngày ấy, người ta nhìn thấy Vỹ lưng trần, cột lại từng sợi lạt trên mái. Ấy thế nên, người được Vỹ chọn phải là một người rất đặc biệt.

Đêm ấy, dưới nếp nhà tranh đơn sơ, Hạnh được cưng chiều như đứa con xa nhà lâu ngày. Góc bếp tối tăm và ẩm thấp của gia đình Vỹ bừng lên bởi nụ cười ngọt ngào của Hạnh. Đôi mắt với hàng mi cong rợp đen thẫm, lọn tóc mai rũ lòa xòa trước trán như lấy đi hết hồn phách trong Vỹ. Đám thanh niên mới lớn vây quanh, một chị Hạnh, hai chị Hạnh. Nhiều đứa mạnh bạo chen vào kế bên, mân mê đôi bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại với những móng tay sáng láng cắt gọn ghẽ, không tô màu của Hạnh. Hạnh của anh xinh đẹp và giản dị. Cô hiền lành, ít nói, đôi mắt luôn mở to ngơ ngác. Đôi mắt lá răm, đôi mắt có hai viền mi đen thẫm luôn ngước nhìn anh trìu mến và rất đỗi dịu dàng. Anh đã tan chảy trước cái nhìn đó ngay lần đầu tiên gặp Hạnh trước cổng nhà máy dệt.

*

Cưới nhau được hai năm, Hạnh sinh cho anh một bé trai kháu khỉnh. Ngôi nhà của vợ chồng Vỹ không quá to nhưng cũng bề thế giữa một vùng đô thị nhộn nhịp. Hạnh đi làm ca, công việc không mưa nắng nên lấy chồng rồi, cô vẫn giữ được nét đẹp thời con gái. Vỹ được thăng chức, con đường quan lộ rộng thênh thang. Thỉnh thoảng, anh lái chiếc xe u oát của đơn vị chở mẹ con Hạnh về thăm ông bà nội. Xe anh phải dừng từ đầu làng, vì đường vào nhà anh quá nhỏ. Đám trẻ mỗi lần nghe tiếng xe chú Vỹ về là nhao ra đường để được tận tay sờ mó chiếc gương xe, cái bánh xe…Thằng bé con trai Vỹ nhập hội với lũ trẻ, nhảy lò cò quanh chiếc xe bốn bánh. Bên góc bếp ủ trấu thơm nức, Vỹ vẫn say đắm nhìn lọn tóc rũ, đôi mắt có hai viền mi đen thẫm và cong rợp của Hạnh như ngày đầu anh đưa cô về ra mắt. Hạnh phúc ngọt ngào như tia nắng ban mai, như bình rượu dâu lên màu tím sẫm. Hạnh phúc vẽ lên nền trời những sắc màu tươi mới, hạnh phúc khiến con đường nhỏ như sợi chỉ, xâm xấp nước dọc bờ bàu trở nên nồng nàn ấm áp như trong câu chuyện cổ tích.

Con trai Vỹ lên năm rồi lên bảy. Thằng bé được chăm chút, ăn uống đủ đầy nên phổng phao như một chú gà đã mọc cánh. Hạnh mỡ màu và nhuận sắc hơn xưa. Vợ chồng Vỹ không còn ở trong căn nhà cũ mà dọn về ngôi biệt thự có vườn rộng và bể bơi. Vỹ đón bố mẹ ra ở cùng mình, ngôi nhà cũ dọc bờ bàu năm một lần anh cho tu sửa để giữ làm kỉ niệm. Với Vỹ, đôi mắt với hai viền mi đen thẫm rợp cong trong góc bếp ẩm thấp và tối tăm của gia đình anh là bức ảnh quý giá và đẹp nhất. Ngôi nhà ấy, đôi mắt ấy, khoảng trời ấy là thanh xuân tươi đẹp, là trang sách mà anh đã mở ra và không muốn gấp lại.

Nhưng, cuộc đời có những từ Nhưng định mệnh.Trong cuộc chạy đua nghiệt ngã của số phận, Vỹ cay đắng nhận ra mình là kẻ thua cuộc. Anh buộc phải thôi việc vì đã gián tiếp để thất thoát một số tiền rất lớn. Ngôi biệt thự giao lại cho người chủ mới, vợ chồng anh dọn đến vùng ngoại ô cách xa thành phố hai mươi km, trong một ngôi nhà cấp bốn hai phòng ngủ, một phòng khách và một chái nhỏ kê làm bếp… Sự thất thế của một người có chức, có quyền, có tiền giống như một dòng chảy lớn, làm lộ thiên những vỉa tầng mà ở đó, người đàn ông biết yêu, chung tình và mơ mộng là Vỹ bị đem ra lột trần.

Vỹ đứng chôn chân trong bóng đêm dẻo quánh. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Tiếng tý tách trên tán cọ, trên mái nhà như những thanh cật nứa, len vào tận cùng sâu thẳm. Căn nhà như run lên bởi tiếng rên hư hử của người mẹ già tội nghiệp, tiếng trở mình nát nhàu chiếc chiếu cói của Huyên, người phụ nữ đã chung sống cùng anh gần hai năm nay.

Vỹ rít một hơi thật sâu điếu thuốc đã cháy gần chạm ngón trỏ. Những móng tay khê vàng của Vỹ là bằng chứng của hàng ngàn đêm thức trắng, hàng ngàn đêm để cho nỗi đau như những con giòi lúc nhúc len lỏi vào từng đường gân thớ thịt. Vì sao lại thế Hạnh ơi? Đôi mắt ấy, hàng mi với viền mi đen thẫm ấy! Những lọn tóc buông lơi trên gương mặt dịu dàng ấy! Lẽ nào tất cả đều là gian dối, đều bạc bẽo đến mức phũ phàng .

Vỹ nấc lên đau đớn. Trước mắt anh là ngôi nhà hai vợ chồng dọn về sau ngày anh bị kỉ luật. Vào một ngày nắng như quăng lửa, mặt đường khô khốc bốc mùi khẹt lẹt, Hạnh chất quần áo của hai mẹ con và nói với anh cô đi xa một chuyến. Giọng nói và gương mặt của Hạnh vẫn như mọi ngày, dịu dàng và bình thản. Mỗi ngày cô đều gọi điện cho anh, căn dặn những điều cần thiết. Hơn nửa tháng sau Hạnh về, cũng với thái độ dịu dàng và bình thản, chìa cho anh tờ giấy li hôn đã ký sẵn. Trước mắt anh, mọi thứ như sụp đổ. Hạnh nói, Minh là con của người đàn ông khác. Chuyện đó xảy ra sau ngày chúng ta cưới nhau được hai năm! Vỹ giơ hai bàn tay lên trời, hai con ngươi như sắp bật tung ra.

Ngôi nhà ba gian hai phòng ngủ một phòng khách được thưng làm đôi. Anh nhường cho Hạnh và con trai chái bếp để nấu nướng. Nhà chung nay thành riêng với cái vách ngăn chắn lối. Hàng ngàn đêm sau đó, Vỹ đã thức trắng cùng với những điếu thuốc chưa bao giờ tắt trên tay. Đứa bé từng là máu thịt, từng được anh ấp iu chiều chuộng; đứa bé mà người cha già tội nghiệp của anh đã nhặt từng hòn đá nhỏ li ti suốt dọc đường làng để cháu nội ở thành phố về không bị đau chân, giờ ngập ngừng bên kia bức vách. Anh nuốt khan hơi thở sánh đặc nỗi buồn đau. Anh để mặc cho dòng hồi ức thanh xuân đưa trở về với buổi chiều mùa đông dầm dề mưa lạnh, Hạnh của anh mỏng tang như sợi chỉ, run rẩy nép vào người anh để tìm sự chở che.

Rồi một ngày Hạnh bỏ đi. Vỹ đau đớn tột cùng khi chiếc xe chở Hạnh và thằng con trai mười bốn tuổi đi khuất. Cuộc đời tàn độc và trớ trêu đã nhấn chìm anh đến tận cùng của nỗi khổ. Anh đã nguyện cầu cho Hạnh đừng xa anh, hãy để Hạnh ở lại nửa bên kia của căn phòng, để ngày ngày anh được nghe tiếng guốc khua, nghe tiếng thở dài nín nhịn của người đàn bà mà anh đã yêu tha thiết.

Sau ngày Hạnh đi, anh vẫn để nguyên vách ngăn mà không tháo dỡ. Mỗi lần uống say, anh lại thò đầu sang vách bên kia mà gọi. Hạnh à, Hạnh ơi!

Rồi anh đăng biển cho thuê nhà. Huyên đã dọn về sau những thương lượng chóng vánh. Đêm đêm, Huyên lại sụt sùi khóc, thương cho người đàn ông bên kia vách, người đàn ông đã bắt chị nghe đi nghe lại câu chuyện về Hạnh, người vợ đã đi rất xa của anh. Câu chuyện đẫm tình yêu thương, đầy nuối tiếc và tự oán trách cho một tình yêu nhiều vỉa tầng cảm xúc nhưng vẫn chưa đủ lớn để neo giữ người mà anh yêu.

Một trận ốm thập tử nhất sinh đã quật ngã Vỹ. Huyên tình nguyện làm người hộ lý chăm sóc cho anh. Bức tường ngăn được tháo dỡ, Vỹ đi về đỡ thất thường và sắc thái tươi tắn dần lên. Duy chỉ có thói quen chìm đắm trong đêm cùng điếu thuốc rít lòe cả ngón là Vỹ không bỏ được. Bởi, trong sâu thẳm lòng anh, vết cắt ấy chưa bao giờ lành miệng.

Vỹ và Huyên về lại thành phố trên chuyến xe khách hai mươi chín chỗ. Vỹ tỳ tay vào thành cửa, thò hẳn cả gương mặt phong trần theo năm tháng ra ngoài cửa sổ. Gió từ vực Nầm quất vào mặt anh mặn chát. Trong màn mưa đục mờ của một ngày cuối năm mưa phùn heo hãi, anh nhìn thấy những giọt ước mắt lăn trên hai gò má đầy vết tàn nhang, những giọt nước mắt đầy cảm thông và chia sẽ của người đàn bà nghĩa tình. Anh kéo Huyên nép vào ngực mình như muốn che đi cơn gió lạnh buốt.

Phía chân trời tít xa, hừng đông hửng sáng, đem theo hơi ấm của một ngày nắng lên!

                                 30/7/2022 

                                     T.P.S          

 


. . . . .
Loading the player...