22-07-2020 - 16:51

Truyện ngắn ĐỒNG BỆNH của Nguyễn Trung Tuyến

NGUYỄN TRUNG TUYẾN

 ĐỒNG BỆNH

Truyện ngắn

Đã sang đêm thứ hai, anh em đợi mãi đến canh tư mới buồn bã ra về. Riêng Tư Hoài thì nấn ná mãi đến khi hừng đông đã hắt ánh sáng ngoài mặt sông loang loáng. Anh chờ, hy vọng biết đâu sau bức mành mành kia, Chiêu Bảy sẽ bước ra và sẽ hỏi: “Tư Hoài! Trời sắp sáng rồi!”. Chỉ cần nghe Chiêu Bảy nói một câu thế thôi rồi Tư Hoài về cũng đành. Nhưng đã hai đêm nay rồi! Chiêu Bảy giờ đang ở đâu? Tư Hoài nhớ Chiêu Bảy, nhớ da diết đến cả giọng nói của chiêu Bảy. Đúng hơn là Tư Hoài nhớ Chiêu Bảy ngay cả khi bên Chiêu Bảy.

 Không riêng Tư Hoài mà anh em thợ mạc đều gọi Nguyễn Du là Chiêu Bảy- tên gọi vừa kính trọng lại vừa thân thương mộc mạc, gần gũi như suốt mấy năm nay, Chiêu Bảy chung lưng đấu cật vật lộn cùng anh em tái dựng lại từ đường gia tộc.

*

Tháng mười năm Tân hợi (1791), Nguyễn Quýnh chống lại Tây Sơn, tướng Lê Văn Dụ cùng lính tráng Tây Sơn bắt và giết chết. Quân Tây Sơn đốt phá luôn cả dinh cơ họ Nguyễn, làm cỏ luôn cả dân làng Tiên Điền. Từ đó dinh cơ họ Nguyễn tan hoang, điêu tàn, tịnh không một bóng người lai vãng.

Vậy nên, khi lính Tây Sơn rút đi thì làng Tiên Điền chỉ còn nghe cú kêu quạ rúc. Mấy năm sau tai họa thảm khốc đó, những người dân vô tội sống sót trốn nơi ngách hang, bụi rậm… mới dắt díu nhau tìm về làng.

 Năm Giáp dần (1794), Chiêu Bảy cùng em trai là Nguyễn Úc về quê cha. Hai anh em về quê lần này do tâm nguyện của anh trai Nguyễn Đề. Bấy giờ Nguyễn Đề (người anh cùng mẹ với Nguyễn Du)đã được phong tả phụng nghi bộ binhđang giữ chức Hiệp tán nhung vụ ở Quy Nhơn. Do bận việc quan không thể trực tiếp trông coi nên giao phó cho hai em về quê cha đất tổ xây dựng lại từ đường, khôi phục lại làng Tiên Điền bởi nạn can qua xảy ra ba năm trước.

 Từ thành Quy Nhơn, hai anh em cùng đoàn tùy tùng độ hơn mươi người suốt mấy chục ngày ròng rã  băng rừng lội suối, thế rồi cũng về đến đất nhà.

 Chiêu Bảy trỏ tay về dãy núi xanh thẫm, điệp trùng phía trước, mừng rỡ kêu lên như đứa trẻ xa mẹ lâu ngày gặp lại :

- Nghi Xuân kia rồi !

 Đoàn người ngựa mệt mỏi lần theo con đường độc đạo hiểm trở, lẫn vào điệp trùng dãy núi Hồng Lĩnh khi hoàng hôn đang dần buông. Họ dừng chân bên một khe nước trong xanh như mắt mèo, thăm thẳm, buốt lạnh.

 Chiêu Bảy nói với mọi người :

 - Đêm nay nghỉ lại ở đây. Canh hai, ta về trước, canh năm anh em hãy lên đường. Ta về trước xem tình hình Tiên Điền bây giờ động tĩnh thế nào rồi sẽ quay lại đón.

 Mọi người lặng lẽ vâng lệnh rồi người nào việc ấy cắm cúi nhóm lửa làm cơm tối.

 Cơm đang chín tới thì Chiêu Bảy bỗng đâu vác về một con hoẵng lớn với mũi dáo xuyên qua hông chưa kịp rút ra.

 Bữa ăn đầu tiên khi vừa đặt chân lên đất quê nhờ thế mà trở nên rôm rả.

Trăng lên. Rượu ngà say. Chiêu Bảy đưa tay chỉ cho đoàn người biết phong thủy nơi họ dừng chân :

- Chúng ta đang dừng nghỉ bên khe Nhà Lương. Nơi vách đá dựng đứng kia là vực sâu. Sâu đến nỗi ném xuống một hòn đá, đá không sủi tăm lên được nữa, khi trướcđám phường săn đều cho rằng chỗ ấy là vực sâu không đáy. Quanh vực có nhiều loài thủy tộc kỳ lạ, như là con trạnh- một loài ba ba khổng lồ lật úp cả thuyền  hắt người xuống để ăn thịt. Hay những con trăn to lớn, mốc meo nằm bất động cả năm trong đám rong rêu, chúng kiên nhẫn mai phục và nuốt được cả những con lợn rừng hung hãn nhất.

 Dưới trăng khuya, khí núi bốc lên lạnh thấu xương, nghe Chiêu Bảy kể, không gian càng thêm rùng rợn.

Đã lâu không về, nay dừng lại trong đêm giữa lòng Hồng Lĩnh, Chiêu Bảy bồn chồn nhớ phường săn năm nào. Chiêu Bảy muốn phóng bút làm thơ nhưng rồi lại thôi, cứ để những tứ thơ không thể viết lên thành lời dồn dập dâng lên chất chứa tâm tư như núi cao, như vực sâu cuồn cuộn trong tâm hồn Chiêu Bảy.

  Gà rừng le te gáy canh hai nhưng ai cũng bồn chồn không chợp mắt. Chiêu Bảy nóivới mọi người mà như  nói với riêng mình :

- Khe Nhà Lương, khe Mái Nhà cùng trăm ngàn con khe Ngàn Hống đổ ra rào Mỹ Dương. Rào Mỹ Dương, nhánh này đổ ra lạch Đồng Kèn rồi ra biển,  nhánh kiachảyqua trước ngõ nhà ta rồi đổ ra Lam Giang…Những dòng đục dòng trong như vòng tay ôm lấy đất Nghi Xuân. Và đây, bên tả là rú Lân, rú Thông, thế núi này vượt qua Lam Giang rồi nổi lên  bên kia sông là rú Dũng Quyết. Bên hữu, kia là rú Mồng Gà, rú Cơm,… chín chín ngọn Hồng Sơn liệt chướng tạo nên lũy thành sừng sững che chở cho đất đai, tông miếu cha ông … Thế mà giặc Tây Sơn đã đạp lêngiang sơn gấm vóc này gây nên Nghi Xuân một phen đại loạn. Đêm nay, giữa núi non thiêng liêngtrăng ngân bát ngát này, cúi xin anh linh giang sơn cho ta trở về gột hết tanh tao, xây dựng lại từ đường, rước linh khí tiên tổ về đoàn tụ.

  Nói đoạn,Chiêu Bảy chụm tay vốc lên bụm nước khe Nhà Lương mát lạnh, cúi đầu uống từng mảnh trăng tan lấp lánh trong tay rồi nhảy lên ngựa, rẽ cỏ hoa đẫm sương đêm lóng lánh ánh trăng như ngọc. Ngựa tiền trạm phóng như bay, tóc Chiêu Bảy rối tung trong gió hoang ràn rạt thổi.

                                                  *

Chưa bốn mươi tuổi mà tóc Chiêu Bảy đã bạc mấy phần. Chiêu Bảy vừa là nạn nhân của cơn lũ kinh hoàng của một phen thay đổi sơn hà thời Lê, Trịnh, Nguyễn và anh cũng là kẻ đau đớn chứng kiến biết bao cảnh đau thương của thời đại người ăn thịt người ấy. Nhưng không nỗi đau nào đau hơn khi lần này anh về quê chứng kiến cảnh trời đất Nghi Xuân bị tàn phá, hương hỏa từ đường bị thiêu đốt, mồ mả cha ông bị quật đào.

 Tấn thảm kịch xảy ra từ hai năm trước vẫn còn vẹn nguyên dấu tích tang thương. Đâu rồi lầu son gác tía, tòa ngang dãy dọc?. Đâu rồi cổ thụ sen hồ? Đâu rồi từ đường, mồ mả cha ông? Đâu rồi dưới cầu nước chảy trong veo?.  Đâu rồi tơ liễu?. Đâu rồi những đào nương tươi đẹp như tiên cùng những đêm sáng rực hoa đăngdặt dìu tiếng đàn ca như suối chảy?. Đâu rồi những người anh em công tử phong tư tài mạo, đâu những công nương kim chi ngọc diệp?. Đâu những bạn đồng thân phong nhã hào hoa?.Đâu rồi?-Đâu bóng tiên liệt linh thiêng cùng miếu mạo  tôn nghiêm trầm mặc khói hương trầm! Tất cả đâu rồi?!!!...   

Trước mắt Chiêu Bảy nay chỉ còn là đống hoang tàn đổ nát-đen cháy, rũ vàng.

 Sóng ngoài dòng Lam vọng vào nức nở như khóc như than. Dặm dài những cồn cát quạnh hiu bất chợt gió hù hù thổi cuộn lên vô số đám bụi mịt mù như những hồn oan bị gió cuốn đi. Sau những thửa kê bên triền sông cát trắngđã qua mùa hái bông, dưới trời nắng cháy chỉ còn trơ lại vô số thân kê chết đứng vàng khô, gió thổi sâu vào lá cháy, khe khẽ vang lên âm điệu điêu tàn là thấp thoáng những người dân Tiên Điền sau loạn lạc đang dắt díu nhau tìm về. Bà con hay tin cháu con họ Nguyễn về quê nên tìm đến để cùng sẻ chia tang tóc. Gặp nhau, người ta ôm nhau khóc như ri. Nhìn những khuôn mặt thân thương đói khát hốc hác, những thân hình tiều tụy rách rưới, những em nhỏ gầy meo quắt queo héo khô không đoán ra bao tuổi…

  Nhìn thảm cảnh, ruột gan Chiêu Bảy nhàu nát,đau như dao cắt.

                                                     *

 Trong kíp thợ mộc, Tư Hoài là người thiết kế, là đốc công. Tư Hoài cầm mực thước, anhcũng là nghệ nhân tài hoa chạm trổ câu đối, hoành phi, long, ly, quy, phượng tô điểm cho từ đường. Trong mắt Chiêu Bảy, mỗi nét chạm khắc để tạo  nên nét phượng múa rồng bay của Tư Hoài đều đáng giá ngàn vàng.

Chiêu Bảy gắn bó suốt ngày cùng đám thợ thế mà đêm đêm ngọn nến trong thư phòng cùng anh vẫn thao thức suốt năm canh. Càng ngày trông anh càng xanh gầy hơn, riêng đôi mắt thì vẫn thế- vẫn sáng tinh anh và xám màu suy tư . Không ai có thể cáng đáng thay được cho Chiêu Bảy nên ai cũng ôm nỗi lo sợ - cứ thế này thì Chiêu Bảy ốm mất.

 Anh em lo thì cứ lo nhưng hễ thiếu vắng Chiêu Bảy thì ai nấy đều ngơ ngẩn buồn.

Giữa những âm thanh cưa, bào, đục, đẽo,…, giọng đọc thơ của Chiêu Bảy vẫn vang lên không tạp âm nào át được. Tiếng thơ “Đoạn trường tân thanh” có sức truyền cảm đến kỳ lạ. Khi cao vút, khi thẳm sâu, khi nỉ non sầu bi, khi thét gào cuồn cuộn… cứ thế mà đắm thắm quấn quyện với mồ hôi, nước mắt của anh em thợ mạc. Ngày nối ngày, Chiêu Bảy không thể làm thay công việc của tất cả mọi người. Thay cho công việc nặng nhọc, anh đọc thơ cho mọi người nghe. Cuộc đời long đong chìm nổi của Chiêu Bảy, cuộc đời trầm luân của Thúy Kiều, tiếng kêu thương đứt ruột trước kiếp người đọa đày thống khổ trong thơ Chiêu Bảy rung vang trong hồn cốt của những người thợ. Những người thợ vừa qua tang thương đã thành những kẻ đồng bệnh với Chiêu Bảy. Khi thì anh đọc cho mọi người nghe, khi thì anh đọc như cho chính anh, nước mắt Chiêu Bảy cũng đầm đìa cõi lòng người thợ. Người ta làm, người ta bật khóc, người ta phẫn nộ, người ta cuốn theo từng câu thơ, uống từng giọt đau nhân tình trong“Đoạn trường tân thanh”  mà quêncả vất vả, đói khát.

  Vậy nên, như nhờ có phép tiên mà tiến độ công việc xây dựng từ đường trôi chảy, thành quả nhanh đến không ngờ.  Họ làm việc không ngơi tay chỉ vì họ tôn thờ cái tài và cái đẹp đến đam mê. Không thể sánh được với cơ ngơi cũ, giữa trăm ngàn thiếu thốn thế mà mười phần cũng đã được vài ba bốn phần kể cũng là kỳ công lắm rồi.

 Tư Hoài không chỉ chạm khắcbằng tài hoa, tâm huyết của người thợ vào từng thớ gỗ mà còn bằng cả tình yêu thương của anh với Chiêu Bảy. Tư Hoài là con chim đầu đàn vỗ cánh cho những người thợ tung cánh bay theo. Tiếng gọi đàn bắt đầu cất lên từ tiếng kêu đứt ruột vọng ra từ lời thơ Chiêu Bảy. Thế rồi, cũng là lẽ tự nhiên, những người thợ thấm thơ Chiêu Bảy họ trở thành nghệ sĩ. Góp dần từng câu, thấm thía nỗi đau đời, “Đoạn trường tân thanh”  thấm vào máu thịt họ, họ thuộc cả chuyện thơ, họ đố nhau từng câu, từng chữ, từng tích xưa, từng điển cố… Rồi họ tập Kiều, lẩy Kiều, họ lấy tích Kiều để diễn tuồng, trò bội, hát ví, hát đối… cho nhau nghe. Phút giải lao- bãi cỏ với đất trời là sân khấu, những người thợ đói rách quần xơ áo túm aimuốn là Kim Trọng ? - Ừ, thì là Kim Trọng, ai muốn  là Vương Quan ?- Ừ, thì là Vương Quan,  ai muốn là Từ Hải ? - Ừ, thì là Từ Hải… 

                                               *

   Chợ quê nghèo bên sông với mớ rau mớ cá,hàng nhiều nhất có lẽ là từng đống hến dắt, hến rồng lùm lùm như những ngôi mộ đãi lên từ sông, nước hãy còn nhểu ròng ướt át. Thế mà dạo này trở nên nhộn nhịp, tấp nập bóng những nho sinh ô đen, quần thâm, guốc gỗ. Họ tìm đến Chợ Đình bằng  đôi mắt kiếm tìm, mơ ước.

- Dạo này giấy moi đắt như tôm tươi. Buôn về được ghánh nào người ta dành trên tay lấy hết ngay ghánh đó - các chị hàng xén Chợ Đình bảo nhau như thế.

 - Họ mua giấy moi mần chi lắm he ? - Chị bán rau khoai lang người Kẻ Dăng vu vơ hỏi.

 Chị hàng xén nhanh nhảu trả lời:

 - Các thầy mua giấy về chép “ Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du đấy!

          “ Trăm năm trong cõi người ta

       Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…”- Chị không biết à?

  Chị bán rau khoai lang chợt ngớ người:

  - “ Đoạn trường tân thanh” thì tui cũng biết nhưng không biết giấy moi thì  để làm chi ?

 Chị hàng xén bực mình giải thích:

  - Trời Phật! Cái nhà chị này! Giấy là để viết chữ lên đó. Các thầy mua giấy chép lại “ Đoạn trường tân thanh” thànhsách lưu lại cho đời sau con cháu đọc đấy!

Chị bán rau khoai lang chợt hiểu. Cúi đầu, thẹn đỏ mặt.

                                                          *

Thì ra Chiêu Bảy rời Tiên Điền ra đi đã hai ngày nay rồi.

 Khi hay tin, anh em đám thợ bàn tán:

- Sao Chiêu bảy lặng lẽ ra đi mà không nói với anh em một lời?

  - Công việc còn dở dang, mấy cái tích xưa trong “Đoạn trường tân thanh”  Chiêu Bảy cũng chưa kịp giảng giải cho thật rõ ngọn ngành. Tiếc quá!

 - Không biết khi mô Chiêu Bảy mới về! Một đời phong trần, phiêu bạt mãi thôi!

  Tư Hoài lắng nghe, rồi an ủi mọi người:

 - Chiêu Bảy còn ngổn ngang tâm sự lắm. Không dễ gìcon người hiếu đễ như thế mà chưa kịp khánh thànhtừ đường đã vội rủ áo ra đi như thế đâu! Chắc còn việc khác hệ trọng hơn. Ta không níu giữ được cánh chim bằng. Thôi thì anh em ta tiếp tục cứ thế mà làm. Vắng Chiêu Bảy đã có “Đoạn trường tân thanh”. Chúng ta vừa làm vừa đọc cho nhau nghe, coi như Chiêu Bảy vẫn đang bên chúng ta. Cái tình của Chiêu Bảy với quê cha đất tổ, với hương hỏa từ đường, với chúng ta hãy còn lớn lắm.

  Mùa đông năm Bính Thìn (1796), Nguyễn Du trốn vào Gia Định theo Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn. Tư Hoài cùng anh em biết được tin này thì vó ngựa cùng Chiêu Bảy đã vượt dặm dài ai biết được Chiêu Bảy giờ đang chân trời góc biển nào. Nghe lời Tư Hoài, anh em thợ mạc tiếp tục công việc với đinh ninh rồi một ngày kia, Chiêu Bảy sẽ về.

Tháng tư- 2020

   N.T.T

 

Minh họa Nguyễn Hà

. . . . .
Loading the player...