05-11-2020 - 10:07

Truyện ngắn ĐÀN CHIM BAY NGANG CHIỀU của Trần Hải Vân - Giải A Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII (2015-2020)

                                   ĐÀN CHIM BAY NGANG CHIỀU

                                                                                  Truyện ngắn

Trời đổ chiều xuống núi. Những đám mây phảng phất màu mỡ gà rồi chuyển dần sang rám hồng buông những dải mờ lơ lửng cuối chân trời. Cái nắng vàng xuộm của những ngày cuối hạ cũng bắt đầu nhạt dần rồi tắt hẳn. Ông ngả người lên liếp cỏ bâng khuâng nhìn lên vòm trời đang chầm chậm về chiều. Có đàn chim sẻ ri ở đâu đó lích rích bay dạt vào một lùm cây nhãn rồi thoắt cái lại ào ào trốn vào một bụi cây khác, ồn ĩ như một lũ trẻ hiếu động. Ngày hôm nay ông đã cuốc vỡ đất một khoảng vườn rộng. Nhìn những thớ đất nâu xốp được lật lên đều đặn ông thấy lòng dâng lên một thứ cảm xúc khó tả. Ông nhắm mắt lại hình dung trong đầu chỉ ít hôm nữa thôi không lâu lắm nữa trên những thớ đất nâu của đồng quê này, ông sẽ trồng lên đó những thứ cây mà ông thích. Ông sẽ trồng ở đây những cây quả đã thân thuộc với ông từ thời còn thơ bé, những cam, quýt, bưởi… và xen lẫn vào đấy sẽ là những khóm hoa. Ông chợt mơ màng. Những khóm cúc, hồng và thược dược, bên kia ông sẽ đào một cái ao nhỏ thả hoa súng và kia nữa, bên góc vườn kia sẽ là một cây tường vi. Tường vi. Ông bâng khuâng mơ về những chùm hoa phớt hồng bồng bềnh như mây xốp.

Ông về hưu. Chẳng ai nghĩ là ông lại về hưu ở cái tuổi này. Nhưng với ông điều đó đến thật đơn giản, nhẹ nhàng, không lưu luyến, không hối tiếc, cảm giác an nhiên kỳ lạ. Thực ra đã từ lâu ông vẫn luôn ấp ủ cái ý định chừng nào về hưu, chừng nào từ giã phố xá ồn ã này ông sẽ về quê, sẽ về quê để làm một nông dân thật sự. Chẳng qua là bây giờ điều đó đến sớm hơn mà thôi. Cơ quan bất ngờ trước quyết định về hưu của ông. Ông không còn trẻ nhưng cũng chưa phải là đã già, cái sức làm việc của ông nhiều người trẻ còn theo chẳng kịp. Đã vậy, ông xin nghỉ hưu sớm mà không đòi hỏi một thứ chế độ nào. Xung quanh ông người xì xầm bàn tán, người im lặng thở dài nhưng phải nói người bất ngờ nhất là cô Lài. Cô khóc tức tưởi như trẻ con bị bắt nạt khi nhìn thấy lá đơn xin nghỉ hưu của ông đặt trên bàn thủ trưởng. Cô vùng vằng chạy đến gặp ông, níu lấy áo ông vừa khóc lóc, vừa hờn giận oán trách. Ông chỉ lẳng lặng gỡ tay cô Lài ra, bảo cô về phòng làm việc đi, ông đã quyết vậy rồi.

Cánh chim chiều ( ảnh Lê Thắng) 

Đúng là ông cũng không còn gì tiếc nuối khi từ bỏ nơi này. Đã từ lâu, ông luôn mang trong lòng cảm giác buồn bã, lạc lõng khi ở đây. Chiến tranh kết thúc, ông là người lính trở về từ chiến trường. Niềm hân hoan khôn tả của một con người thoát bom đạn và cái chết được tận hưởng hòa bình rồi cũng qua đi. Hết chiến tranh cuộc sống lại trở về với guồng quay cố hữu của nó với tất cả những lo âu bộn bề mà những ai vừa bước ra từ cuộc chiến ấy với nhiều ảo mộng đều không thể hình dung hết được. Ông xuất ngũ xin làm việc trong một cơ quan nhà nước. Những năm tháng học hành dang dở vì chiến tranh, tuổi trẻ bỏ lại nơi chiến trường, ông chật vật bắt đầu lại tất cả từ con số không. Ông ít nói, chăm chỉ, cần mẫn với công việc. Không ai biết ông nghĩ gì trong đôi mắt u uẩn, trong dáng vẻ lặng lẽ khiêm nhường ngày hai buổi chẳng bao giờ vắng mặt ấy.

Trong cơ quan ông là người có tuổi. Sự trưởng thành dày dạn của một con người từng trải qua trận mạc khiến nhiều người nể ông. Gương mặt ông cương nghị, cái nhìn thẳng thắn dưới hàng lông mày cương quyết. Thế nên cô Lài mới phải lòng ông. Cô Lài không còn trẻ, mọi người chẳng ai dám nói cô quá lứa lỡ thì vì tính cô kiêu kỳ, coi khinh mọi hạng đàn ông tầm thường và cũng bởi trong mắt cô chẳng có ai xứng đáng để lấy làm chồng. Cô là kế toán, ở cơ quan cô to quyền lắm, chỉ sau có mỗi thủ trưởng thôi. Khi mà cuộc sống còn chật vật, ai ai cũng thắc thỏm ngóng chờ đồng lương công chức ít ỏi mỗi tháng, thì cô như người ban phát đặc ân cho người ta vậy. Không ai dám bảo cô xấu khi cô luôn nghĩ rằng mình xinh đẹp. Chỉ có cái nốt ruồi trên cánh mũi của cô là phủ nhận điều đó. Cái nốt ruồi ngạo nghễ đậu trên mũi cô, nó thách thức và khiêu chiến với bất cứ gã đàn ông nào mới nhìn thấy cô Lài lần đầu tiên và khiến cho họ phải chùn lại dè chừng. Thế nên ngoài ba mươi tuổi cô còn xuân nhưng vẫn chưa có một bến đỗ nào yên ổn. Cho đến khi cô gặp ông ở cơ quan. Gương mặt đàn ông sạm nắng gió chiến trường nhưng cương nghị và phảng phất chút buồn buồn, lặng lặng ấy khiến cô bâng khuâng ngơ ngẩn. Không khó để nhận ra tình ý của cô Lài dành cho ông. Thì ông còn độc thân mà cô Lài cũng chưa có chồng, mọi thứ có vẻ như đã rất hợp lý cho một mối duyên lành. Cơ quan thì thào bàn ra tán vào và ai cũng có ý tác hợp cho hai người khi cô Lài tình trong như đã. Chỉ có ông là vẫn thờ ơ. Ông chuyên tâm với công việc và dường như không để ý đến ai cả. Khi có ai đấy cố ý nhắc đến cô Lài và bóng gió về chuyện gây dựng gia đình, ông chỉ lẳng lặng cười trừ. Chuyện đó cô Lài cũng biết, cô buồn và giận dỗi ông ra mặt.

Nhưng biết làm sao được khi tình duyên là thứ không ai có thể ép buộc được ai. Thấy ông luôn kín tiếng và cẩn trọng trong chuyện tình cảm, không ai còn muốn đùa cợt nữa. Nhưng ông nghe chiều khó mà né tránh được tình yêu đơn phương rất đỗi mãnh liệt của cô Lài. Trông cô tương tư võ vàng trông thấy. Một hôm cô đầu bù tóc rối, úp mặt vào người mấy chị em trong cơ quan mà khóc tức tưởi. Cô vừa khóc vừa rấm rứt kể tội cái gã nào đó đã phụ bạc cô, bỏ rơi cô cùng với giọt máu trong bụng. Mọi người nhìn nhau sửng sốt không biết gã đàn ông nào mà tệ bạc đến vậy, gã nào mà làm cô Lài đau khổ tuyệt tình vậy không đáng làm người nữa. Họ an ủi cô, vỗ về cô, vào hùa với cô mà oán hận, trách móc gã đàn ông đó nhưng cũng lén nhìn nhau tò mò không biết hắn là ai. Hắn là ai mà làm cô nên nông nỗi này.

Nghe có chuyện ồn ào ông cũng ghé vào hỏi han. Vừa thấy ông đến, cô Lài đã đột ngột đứng dậy ném về ông cái nhìn căm hờn uất ức, rồi cô càng khóc to hơn, tức tưởi hơn nữa. Mọi con mắt đều đổ dồn về phía ông. Thế là người ta đã hiểu ai là tác giả của giọt máu trong bụng cô Lài, ai đã phụ bạc cô và làm cho cô phải đau khổ đến nhường ấy. Chuyện đến nông nỗi này thì còn biết nói gì nữa. Thế mà lâu nay mọi người vẫn tin tưởng ông, vẫn nghĩ ông nghiêm túc đàng hoàng, kín kẽ cơ đấy. Nào ngờ đấy chỉ là cái vỏ bọc khéo léo bên ngoài che dấu những thứ hủ bại bên trong. Họ xầm xì ông thẩm thẩm mà đấm chết voi. Ông cứ ra vẻ không tơ màng đến đàn bà con gái nhưng mà đang lợi dụng tình cảm của cô Lài đấy thôi. Giờ gây ra hậu quả thế này rồi còn biết giấu mặt vào đâu nữa. Thật tội nghiệp cho cô Lài quá.

Và vì cái thai trong bụng cô Lài đang ngày một lớn dần lên, người ta quy kết đạo đức và trách nhiệm cho ông. Ông chỉ im lặng buồn bã lắc đầu, nhưng chính cô Lài đã kể tội rồi đấy, còn ai tin ông nữa. Cơ quan họp lên họp xuống hết phê bình rồi kiểm điểm nhưng trước sau gì thì ông cũng không thừa nhận cái tội hủ hóa tày đình ấy. Ông chỉ nói duy nhất một câu rằng ông đâu có liên quan gì đến chuyện cô Lài mang bầu, cô Lài càng khóc dữ hơn. Thôi thì đến nước này rồi, vì tương lai của đứa trẻ chưa ra đời mọi người đành tính đến cái cách hợp tình hợp lẽ nhất là để ông phải chịu trách nhiệm bằng việc kết hôn với cô Lài. Người ta lại xúm vào an ủi vỗ về cô Lài, bảo cô giữ gìn sức khỏe để còn lo đám cưới. Lúc này cô mới thôi ấm ức, giấu nụ cười ngượng nghịu sau hàng nước mắt hờn dỗi.

Giữa cuộc họp ông buồn bã bỏ về. Sáng hôm sau lá đơn xin nghỉ việc của ông đã được đặt trên bàn thủ trưởng. Mọi người lại được dịp bàn tán ồn ĩ. Những người lên án ông kịch liệt nhất giờ im lặng không nói gì. Mặc cho cô Lài khóc lóc, mặc cho cái bụng của cô đang lớn dần lên lùm lùm sau lớp áo mỏng, sự dứt khoát ra đi của ông khiến cho người ta phải nghĩ lại.

Ngót nghét ông về quê cũng đã hơn tháng rồi. Những ồn ào phố xá thị phi và những con người ở đấy ông chưa quên nhưng cũng đành bỏ lại phía sau. Ông thấy nhẹ lòng khi về với vườn tược cây cỏ. Chỉ mình ông thôi với ngôi nhà cũ kỹ và khu vườn mọc đầy cỏ dại mà ông vẫn thấy thanh thản lạ lùng. Có đàn chim vẫn hay bay về bầu bạn với ông mỗi chiều. Chúng líu ríu bay ngang khu vườn của ông, nhặt thóc rơi vãi trên sân rồi lại rủ nhau bay ào vào những khóm cây ông mới trồng. Đêm qua ông nằm mơ thấy cây tường vi ngày bé. Cây tường vi trước ngõ không biết đã bao nhiêu năm tuổi mà gốc rễ xù xì, tán xòe rộng và bồng bềnh những chùm hoa như mây xốp hồng, như chiếc kẹo bông ngọt lịm của lũ trẻ con đầu xóm. Màu hồng dịu dàng của những bông tường vi ấy đã theo ông suốt cả những tháng năm tuổi trẻ mơ mộng. Cho đến cái ngày bom đạn chiến tranh ầm ào dội xuống quê hương ông. Bom napan của giặc Mỹ đã biến một vùng cây cối xanh tươi trù phú thành một bãi đất hoang tàn trơ trụi, đến ngọn cỏ cũng cháy khét không ngoi lên được. Cây tường vi đầu ngõ cũng không còn, nơi đó giờ chỉ là cái hố bom sâu hoắm ngập nước những mùa mưa và dần dần mọc đầy những sen, súng, lục bình.

Đêm qua ông cũng mơ thấy người con gái ấy. Em là Tường Vi, tên em là Tường Vi. Cô ấy chỉ kịp nói với ông như vậy trong cái buổi sáng ông theo đoàn bộ đội hành quân về với đơn vị. Cái nắm tay vội vàng, những bước chân hối hả, ông không dám nhìn những giọt nước mắt đang rơi trên má cô gái. Chẳng biết bao giờ mới gặp lại em, cô gái Trường Sơn năm ấy.

Đêm xuống lặng lẽ. Đêm u tịch như đêm ở Trường Sơn. Ông đã cảm thấy sự tịch mịch thâm u của đêm ở rừng khi rơi vào cái hố sâu hoắm đầy lá khô, cỏ dại và lổn nhổn đất đá ấy. Sau một buổi chiều quần thảo ráo riết, quân thù đã rút, tiếng bom đạn chỉ còn nghe ì ùm ở đâu đó rất xa nhưng mùi khói súng vẫn còn vương trên những ngọn cây cháy dở khét lẹt. Đồng đội cũng đã đi rồi, có lẽ họ không tìm thấy ông. Có thể họ nghĩ ông đã chết. Sức ép của đạn cối cùng với vết thương do một viên đạn xuyên ngang bả vai khiến ông ngã xuống cái hố gần đấy và lịm đi một hồi lâu. Khi ông tỉnh lại thì không còn ai nữa, rừng im lắng lạ lùng. Vết thương đau buốt khiến ông không gượng dậy nổi. Ông nằm vậy chờ cho đêm dần qua.

Ông tỉnh dậy khi có tiếng gà rừng vang lên ở đâu đó. Trời đã sáng mà không khí vẫn còn khét nồng mùi đạn bom của trận đánh chiều qua. Cố chịu đựng cơn đau, ông chui lên được khỏi miệng cái hố và đi về phía có tiếng con gà rừng đang gáy. Rừng bịt bùng phía trước. Thỉnh thoảng có những cây lớn bổ rạp vì bị những mảnh bom phạt qua. Ông ôm lấy bả vai nơi có vết thương sâu đang rịn máu bước lảo đảo. Cơn khát cồn lên cháy khô cổ họng. Không xa mấy nữa, phía dưới kia có con suối đang róc rách chảy. Ông cố đi về phía ấy. Khi bàn chân vừa chạm đến viên đá cuội đầu tiên, ông đổ gục xuống, úp mặt vào dòng nước chảy xiết. Ông lịm người đi trong dòng nước mát lạnh ấy.

Lúc tỉnh lại ông thấy mình đang nằm trong một lán trại tồi tàn. Bên cạnh có một cô gái đang mở to đôi mắt đen nhìn ông lo lắng. Cô gái cũng mặc áo lính, hai bím tóc gọn gàng, gương mặt còn rất trẻ. Hình như cô ấy đã đưa ông về đây. Cảm giác đau đớn từ vết thương khiến ông mụ đi, không nói được gì. Ở đây còn có mấy cô gái nữa vừa trở về, người xách nước, người ôm những bó rau vừa hái ở rừng, họ đều mặc áo lính, đội mũ tai bèo, lao xao trò chuyện hỏi han về anh lính trẻ vừa được đưa về đây. Đêm ấy ông lên cơn sốt. Cái vết thương ở vai nhiễm trùng nặng, cảm giác đau đớn khiến ông dường như tê liệt. Ngày đó ông chỉ là chàng sinh viên vừa rời ghế nhà trường vào quân ngũ. Mới hai mươi tuổi, ông đâu có hình dung hết sự khốc liệt của chiến tranh. Những đêm hành quân miệt mài qua bao nhiêu đồi núi, những cơn sốt rét rừng đã quật ngã không biết bao nhiêu đồng đội và bom đạn cày xéo đêm ngày của quân thù đã hằn sâu trong ký ức của ông. Ngày đó chàng sinh viên còn mang vào chiến trường, giấu vào ba lô cuốn sổ tay nho nhỏ chép đầy thơ và nhạc cùng những mộng mơ đầy ắp của tuổi trẻ. Cho đến lúc này khi sự đau đớn và cái chết dường như đã cận kề, ông mới thấm thía đến tận cùng sự khốc liệt của chiến tranh quá sức chịu đựng của một con người. Trong cơn sốt ly bì hình như ông đã khóc. Ông khóc và kêu đau đớn, ông gọi mẹ. Chỉ có mẹ là người đã vỗ về ông những lúc ngã đau trong những trò nghịch dại thưở bé. Vật vã trong cơn sốt, ông vẫn mơ hồ cảm thấy dường như có bàn tay con gái mềm ấm như bàn tay của mẹ đang ôm lấy đầu ông. Cô gái có hai bím tóc gọn gàng ấy đang dỗ dành ông dịu dàng như mẹ. Và cô hát. Cô ấy hát ru cho ông nghe. Giọng cô thầm thì khe khẽ nhưng ngọt dần theo từng câu hát. Những câu hát bồng bềnh đưa nôi cất lên giữa âm u đại ngàn khiến cơn đau đang hành hạ cơ thể ông chừng như dịu lại, ông có cảm giác đôi chân mình nhẹ bẫng chạy thênh thênh trên đồng cỏ quê hương ngập gió. Đôi chân như được chắp cánh chạy như bay trong không gian bồng bềnh rồi ngã nhoài trên cỏ xanh ngai ngái mùi hoa dại và cứ nằm đấy mà thong thả ngắm mây trời tự do. Cảm giác bình yên ru ông vào giấc ngủ, giấc ngủ không có tiếng súng, không có tiếng bom rơi, và không có bóng những đồng đội đã ngã xuống...

Cái lán trại ấy có năm cô gái đang canh giữ một kho đạn được đóng giữa rừng. Những cô gái mặc áo lính, súng khoác sau lưng, dáng vẻ kiên định. Năm cô gái còn trẻ, chưa ai trong số họ đã có gia đình. Cũng như ông, tuổi thanh xuân của họ có lẽ sẽ mãi mãi ở lại nơi này. Xung quanh đây chỉ có đại ngàn sâu thẳm, những con suối ngàn năm róc rách và cây rừng thâm u. Ông không thể hình dung nổi ở nơi này khi những trận mưa rừng dai dẳng trút xuống và những cơn sốt rét kinh người dày vò thì nỗi cô đơn, sự thiếu thốn vô cùng dường như là quá sức chịu đựng của những cô gái trẻ. Họ gầy gò, da xanh xao như màu áo, như lá rừng nhưng vẫn hồn nhiên cười đùa. Họ rối rít chăm sóc ông, họ chăm sóc ánh lính trẻ bị thương nặng như thể anh là vị khách quý vừa đến thăm họ vậy. Ông đã để ý đến em, cô gái trẻ nhất trong số những nữ chiến sỹ ấy, cô gái đã hát cho ông nghe đêm hôm đó và thầm biết ơn em vô cùng. Em tên là Tường Vi. Cô gái đã nói với ông như vậy khi băng bó vết thương cho ông bằng chiếc khăn có thêu một cành hoa nho nhỏ. Tường Vi. Có một nỗi nhớ mơ hồ dịu ngọt nào đó đang ùa về trong ông. Tên cô gái gợi cho ông nỗi bâng khuâng hoài nhớ quê nhà nơi có con ngõ nhỏ mỗi sáng mai lại rụng đầy những cánh tường vi phớt hồng mỏng mảnh.

Ngày hôm sau có một trung đoàn qua lán trại của năm cô gái để tiếp tế đạn dược. Dù vết thương chưa lành, ông vẫn theo đoàn quân ấy để tìm về với đơn vị. Buổi chiều hành quân vội vàng, ông chỉ kịp nắm tay Tường Vi và hẹn gặp cô ở Sài Gòn khi thành phố giải phóng. Ông không thể nói được gì hơn khi nhìn thấy những giọt nước mắt đã chảy trên đôi má của Tường Vi và nỗi buồn da diết vời vợi trên gương mặt của những cô gái ở lại. Họ đứng nhìn mãi theo đoàn quân đã đi xa hút cho đến khi màu áo lính nhòa lẫn trong màu xanh của đại ngàn sâu thẳm.

Ông mang theo trong lòng nỗi nhớ về Tường Vi cho đến ngày thành phố giải phóng, tiếng súng đã dứt trên mọi chiến trường ông mới có thể thực hiện được cái mong muốn khắc khoải là tìm lại em. Ông đã đi khắp nơi để hỏi về năm cô gái canh giữ kho đạn trong rừng Trường Sơn năm ấy nhưng dường như không ai còn biết họ ở đâu. Cũng có người nói với ông rằng kho đạn ấy đã bị Mỹ chôn vùi trong một lần quân thù ném bom xối xả xuống rừng Trường Sơn hòng phá hủy những nơi mà chúng nghi bộ đội đang ẩn nấp. Ông lặng người đi, không biết bây giờ Tường Vi đang ở đâu, còn sống hay đã chết, tại sao những người con gái yếu ớt như em lại phải vùi chôn cuộc đời trong tàn khốc của chiến tranh như vậy.

Nhiều năm trôi qua, cây tường vi ngày nào đã không còn nhưng ông đã trồng vào đó một cây khác và ông gắn bó với nó bằng một thứ tình cảm vô cùng sâu nặng. Những bông hoa tường vi phớt hồng mong manh như những người con gái giữa đại ngàn mênh mông một mình chống chọi với nỗi buồn dai dẳng và sự khốc liệt của cuộc chiến. Sau những ký ức buồn thương về Tường Vi, ông sống trong cô đơn giấu kín, và ông sẽ mãi một mình như vậy cho đến ngày nếu như cuộc đời còn dành cho ông một điều kỳ diệu ông sẽ tìm lại được em.

Đêm đã rất sâu. Đêm thật yên tĩnh. Chỉ còn vài chiếc lá vườn lao xao cựa mình trong gió và thỉnh thoảng chợt nghe đâu đó có con chim non lạc bầy kêu thắc thỏm. Đêm vò võ ánh đèn vàng. Giấc ngủ lỳ lợm dường như chẳng chịu đến. Ông đành ngồi dậy, và cứ như một thói quen hằng đêm ông lại bần thần mở tủ lấy ra chiếc ba lô đã ngả màu sờn cũ. Chiếc ba lô đã theo ông suốt những năm tháng ở chiến trường trong đó ông còn cất giữ cái khăn nhỏ của Tường Vi. Ký ức về Trường Sơn những năm tháng ấy vẫn đang còn nguyên vẹn và tuyệt nhiên không phải là một giấc mơ. Một ngày nào đó, ông tự nhủ với lòng mình, rằng ông sẽ trở lại Trường Sơn, sẽ tìm lại Tường Vi và những cô gái giữa rừng, một ngày nào đó, chắc chắn sẽ không xa nữa…

                                                                                     T.H.V

 

. . . . .
Loading the player...