02-02-2020 - 14:16

Truyện ngắn CÂY TRÀ MI HOA của Trần Thị Tú Ngọc

 

TRẦN THỊ TÚ NGỌC

                                           CÂY TRÀ MI HOA

                                                                Truyện ngắn

Ngày hai sáu Tết.

Con phố nhỏ chạy từ đầu này đến đầu kia thị trấn biến thành đường hoa. Đào phai phơn phớt hồng, đào bích hồng thẫm, đào rừng cành lá lấm tấm nụ. Phía bên kia đường, mai và cúc vàng rực một góc trời tưởng như gom lại tất cả nắng đông.

Bà cụ Sùa lại mang chậu trà mi xuống núi.

Nhà bà cụ ở lưng chừng ngọn Cấm Sơn, quanh năm sương mù vấn vít mãi non trưa chưa tan hết. Chậu hoa được cột chắc chắn lên chiếc xe bánh lốp từ chiều hôm qua cùng với những giỏ nấm rừng, măng khô, thịt trâu gác bếp. Chợ Tết phải đi từ rất sớm, Seo và Pù thức dậy lúc con gà rừng chưa gáy, ăn xôi nếp nương với muối vừng mẹ vừa dỡ ra còn nóng hổi rồi hai chị em người giữ người đẩy xe đi. Bà cụ Sùa chậm rãi bước sau, thỉnh thoảng lại cúi xuống cẩn thận nhặt một cánh hoa không may rơi xuống vệ cỏ ướt đẫm sương đêm, gói vào trong chiếc túi gấm mang theo bên người. Bà nhớ cách đây hàng chục năm khi lần đầu tiên mang hoa trà xuống núi, đường gập ghềnh khúc khuỷu tới nỗi đến nơi chỉ còn sót lại một bông duy nhất trên cành.

Năm tháng trôi nhanh như sương khói.

Núi thấp dần xuống khi trẻ con lớn lên, đường xa mấy cũng trở thành gần. Vậy mà người cũ còn chưa quay trở lại.

Ba bà cháu tới nơi thì phố chợ đã đông như vào hội. Mỗi năm một lần Tết, nhà mặt đường nào cũng tranh thủ bán hàng quán hay cho thuê mặt bằng để kiếm thêm chút thu nhập. Thế nhưng gia đình lão Thòng ở ngay phố chính vẫn để giành một góc rộng rãi để bà cụ Sùa bày chậu trà mi. Hai bên vốn là người quen cũ.

Pù giúp chị gái dọn hàng xong liền rút cây sáo mang theo biến vào đám đông để tìm chỗ chơi. Chậu trà mi được cậu dỡ ra khỏi xe, đặt ngay ngắn bên cạnh bộ bàn trà vợ chồng lão Thòng đã kê sẵn.

Con đường hoa ồn ào rực rỡ bỗng lu mờ hẳn đi. Người qua kẻ lại không ai giấu được vẻ sửng sốt.

Bụi trà mi đứng đó, lặng lẽ mang theo tất cả sương núi gió ngàn, thấm đẫm vị đất trời chốn núi cao thanh sạch. Từ gốc cây xù xì rêu mốc, những cành lá xanh thẳm vươn lên làm nền cho vô số đóa hoa đỏ thẫm cháy rực như thắp lửa giữa trời đông.

Một chiếc ô tô đen bóng đỗ xịch lại, người đàn ông bước ra khỏi xe, ngắm nghía hồi lâu rồi hỏi giá:

          - Bao nhiêu?

          Bà cụ Sùa đang uống chén trà nóng do chính tay lão Thòng pha, hình như không nghe thấy. Seo đang bày hàng vội quay sang đỡ lời:

           - Hoa này bà tôi không bán ạ.

           Người đàn ông tỏ ý chưa hiểu, rút chiếc ví dày cộp ra:

           - Cứ ra giá đi. Khi đây đã thích thì tiền không thành vấn đề.

           Seo kiên nhẫn nhắc lại một lần nữa:

           - Xin lỗi ông, hoa này không phải để bán.

           - Không bán - Người đàn ông thốt lên kinh ngạc - Không bán thì mang xuống chợ làm quái gì?

            Seo mỉm cười thay cho câu trả lời. Những người xung quanh thấy thế cùng cười ồ cả lên. Người đàn ông thốt lên một tiếng chửi thề qua kẽ răng, bước lên xe đóng sầm cửa lại bấm còi inh ỏi để dẹp đường đi.

Chắc ông ta vừa thấy mình nghèo đi một chút.

*

Ngay cả lão Thòng cũng không không nhớ bà cụ Sùa bắt đầu đem trà mi xuống núi vào dịp Tết từ khi nào. Trong kí ức lờ mờ những ngày xa xưa, lão vẫn nhớ cảnh bố mẹ tất bật dọn dẹp một góc trước sân để đợi cụ Sùa từ sau rằm tháng Chạp. Ngày đó thị trấn nhỏ xíu như lòng bàn tay, con đường trước mặt còn đắp bằng đất và người ta đi chợ chỉ để mua thức ăn với quần áo chứ không ai nghĩ đến chuyện chưng hoa. Bà cụ Sùa lặng lẽ bày hoa trà bên đường từ ngày hai sáu đến chiều ba mươi Tết rồi lặng lẽ chở về.

Những năm sau đó đời sống khá dần nên người ta chơi hoa nhiều hơn vào dịp Tết. Xe tải các nơi tấp nập đem đào mai quất cảnh đến làm phố huyện bừng lên đủ màu sắc. Thế nhưng không có loài hoa nào sánh được với vẻ đẹp quyến rũ lạ lùng của cây trà mi đến từ núi cao ấy. Nhiều người mê đắm cả dáng cây lẫn màu hoa, lân la hỏi mua nhưng bà cụ chưa bao giờ ra giá. Hình như bà mang xuống chỉ để cho mọi người có cơ hội thưởng thức loài hoa quý những ngày cuối năm.

Chỉ riêng Seo biết bà đang đợi một người.

Chuyện này bà kể cho Seo cách đây lâu lắm rồi, khi đó Seo còn rất nhỏ. Một buổi sáng trời mờ sương lạnh, Seo ở nhà trông nhà để bố mẹ đi nương. Khi bà cụ Sùa dẫn Pù về trước để nấu ăn thì thấy cô cháu nhỏ tha thẩn chơi một mình bên cạnh bụi trà mi, những cánh hoa rụng được nhặt xếp gọn gàng quanh gốc.

            - Ai dạy cháu làm thế?

            - Cháu tự nghĩ ra bà ạ. Hoa đẹp thế này rụng xuống vẫn còn đẹp, lỡ ai dẫm chân lên cánh hoa thì tiếc lắm.

Bà cụ Sùa lặng đi một lát. Kí ức xa xưa bỗng hiện về.

                                                    *

Ngày ấy Sùa còn là cô gái mười tám tuổi, làn da trắng hơn củ măng rừng vừa bóc vỏ, mái tóc dài mềm mượt như rêu ngoài suối mùa xuân. Ngôi nhà nhỏ của bố mẹ Sùa nằm ngay ngã ba dẫn vào núi Cấm, phía trước có một cây sa mộc cổ thụ. Đêm đêm cánh trai bản mê Sùa, đứng thổi sáo nhẵn mòn cả gốc.

Trái tim thiếu nữ mãi vẫn chưa rung động với ai cho đến khi chàng trai ấy đột nhiên xuất hiện.

Khánh là kĩ sư lâm nghiệp làm việc tại lâm trường Trại Trụ, anh phụ trách một nhóm khảo sát cho dự án trồng hàng ngàn héc ta cây công nghiệp phủ khắp Cấm Sơn. Nhận lời gửi gắm của lâm trường, trưởng bản xin cho anh ở nhờ nhà bố mẹ Sùa để tiện đường đi lại. Bố mẹ Sùa đồng ý. Thế là gian nhà ngoài được kê thêm chiếc giường nhỏ cùng với chiếc bàn làm việc đầy ắp sách vở tài liệu, trên đó ngọn đèn dầu lạc gần như sáng suốt đêm. Bố mẹ Sùa coi anh cán bộ miền xuôi như con cái trong nhà, riêng cô vẫn ý tứ giữ dìn khoảng cách.

Khánh ở nhà Sùa cả tháng nhưng hai người chưa từng nói chuyện với nhau quá vài câu chào hỏi. Cho đến một buổi chiều nắng đẹp, Khánh đang mải mê xử lý những số liệu đo vẽ thực địa, bất chợt ngẩng đầu lên nhìn thấy Sùa rũ những bông hoa khô ra phơi trên chiếc nong nhỏ ngoài sàn. Một mùi thơm bốc lên dịu ngọt.

            - Mùi hoa dễ chịu quá. Cô Sùa phơi hoa gì thế?

            - Hoa trà mi rừng đó anh ạ - Sùa trả lời nho nhỏ.

Cái tên loài hoa Sùa vừa nhắc tới khiến Khánh không giấu được vẻ ngạc nhiên. Trong những tài liệu nghiên cứu anh đã đọc, trà mi rừng được xếp vào nhóm cây đặc hữu vô cùng quý giá. Trà mi là loài cây bụi hay thân gỗ nhỏ, lá mọc so le với mặt ngoài trơn láng xanh bóng quanh năm bất kể thời tiết khắc nghiệt. Có hàng trăm loại trà mi khác nhau mọc rải rác trong những cánh rừng độ cao vài trăm mét trở lên, hoa nở vào mùa xuân với đủ màu từ sắc trắng tinh khôi, sắc vàng rực rỡ hay sắc đỏ nồng nàn như lửa. Trên thế giới hoa trà mi không chỉ dùng làm cây cảnh mà một số loại còn là dược liệu rất có giá trị.

              - Vậy là ở đây còn có trà mi sao? Khánh không nén nổi tò mò.

              Sùa ngẩng đầu lên nhìn ra ngoài cánh rừng xa xăm ngập trong màu nắng, giọng khẽ khàng như gió thoảng:

              - Có một cánh rừng bên khe Hác mùa này hoa vừa bung nở. Mấy hôm trước em đi ngang qua thấy cánh hoa rụng nhiều nên nhặt về một ít để phơi. Hoa này nếu hái trên cây vào lúc sáng tinh sương pha trà rất ngọt mà thả vào nước để gội đầu thì tóc mềm mượt như rêu suối vào xuân.

              Khánh bất chợt nhìn Sùa, lần đầu tiên chợt nhận ra cô đẹp dịu dàng đến thế với làn da trắng mịn màng và suối tóc mềm như nước.

              Ngày hôm sau Khánh xin phép bố mẹ Sùa nhờ cô dẫn đi khảo sát cánh rừng có trà mi. Đúng như lời Sùa nói, bên dòng suối nhỏ là một vạt rừng bừng lên đủ sắc màu rực rỡ. Họ cùng nhau ngắm hoa rất lâu. Trước khi ra về anh khẽ ngắt một bông trà hoa đỏ cài lên tóc cho cô gái.

   Khánh thu thập tài liệu để đề xuất với lâm trường giữ lại một diện tích nhất định nhằm bảo tồn nguồn gen trà mi rừng quý hiếm. Thế nhưng ý kiến của anh vấp phải sự phản đối của toàn bộ ban lãnh đạo, những cánh rừng hỗn giao dần được dọn sạch để trồng cây công nghiệp. Khánh tất tả xuôi ngược khắp nơi, tìm về tận thành phố gõ cửa viện nghiên cứu sinh học. Trả lời anh chỉ là những cái nhìn bất lực đầy nuối tiếc. Đó là những năm tháng người ta buộc phải nghĩ nhiều đến cơm ăn áo mặc hơn là hoa lá cỏ cây.

Sùa xót xa thấy anh gầy rộc đi. Một thời gian ngắn sau, Khánh đột ngột nhận được quyết định điều chuyển công tác về một nơi xa tít tận Tây Nguyên. Ngày anh đi cũng là ngày máy ủi bắt đầu tiến vào khe Hác. Khánh chỉ kịp cứu được một cây trà mi hoa đỏ cuối cùng trước khi cả cánh rừng tan tác.

           - Sùa giữ cây này cho anh. Nhất định anh sẽ quay trở lại.

Cây trà mi hoa đỏ ấy bà cụ Sùa ươm giống qua tháng năm giữ lại đến tận bây giờ. Mỗi phiên chợ Tết bên cạnh những nấm những măng những rổ rá dao rựa cùng chồng chở đi bán, bao giờ bà cũng mang theo một chậu hoa xuống núi. Cây trà mi nhắc bà nhớ về một thời thanh xuân rực rỡ, nhắc về những đợi chờ qua miên mải tháng năm.

Người chồng biết điều đó nhưng ông im lặng. Có những kỉ niệm cứ để vẹn nguyên có lẽ sẽ tốt hơn cho cả hai người.

Ông nội Seo mất cách đây mười năm, đến lượt bố Seo cùng bà đi chợ Tết. Kịp đến lúc Seo và Pù lớn lên, hai chị em lại thay bố mang hàng xuống chợ bán cùng bà.

Bà đã già quá rồi, có lẽ bây giờ mỗi năm bà mang theo cây trà mi hoa đỏ như một thói quen hơn là chờ đợi.

Người chờ đợi bây giờ lại là Seo. Cô bâng khuâng nghĩ đến người lính biên phòng năm ngoái tình cờ gặp trên đường đi chợ Tết trước khi về phép dưới xuôi, anh giúp bà cháu cô đẩy xe một đoạn dài từ dốc núi, cẩn trọng nâng niu những bông trà mi như báu vật. Đến chợ rồi người lính còn bần thần ngắm mãi cây hoa chẳng nỡ rời chân đi, Seo khép nép dưới bóng trà mi không dám ngẩng đầu lên trước cái nhìn đắm say như có lửa. Cô tự dặn lòng chỉ là một cuộc gặp gỡ vô tình trong đời, vậy mà không hiểu sao cứ chơi vơi nhung nhớ.

            - Cây trà mi hoa đỏ đây rồi.

Một giọng nói ấm áp chợt cất lên bên cạnh Seo. Cô sững sờ khi quay sang thấy  đứng ngay đó chính là người lính biên phòng trong bộ quân phục màu xanh thân thuộc. Người lính trẻ nhìn Seo nở nụ cười rạng rỡ, niềm vui cố kìm nén vẫn không giấu được lan tỏa trên gương mặt sạm nắng của anh:

             - Năm ngoái tình cờ gặp cô, tôi cứ tiếc chưa kịp hỏi thăm nhà để có cơ hội được ngắm cây trà mi lần nữa. May quá cuối cùng Tết năm nay vẫn gặp.

             Bà cụ Sùa thấy hai má cô cháu gái đỏ bừng, lặng lẽ nhìn người lính một lát rồi mỉm cười khẽ bảo:

- Nếu cậu thích hoa thì Tết này mời đến nhà già ở lưng chừng ngọn Cấm Sơn, già sẽ tặng cậu một cây trà mi hoa đỏ.

  Bên cạnh hai người trẻ tuổi đang ngập ngừng bối rối, cây trà mi bất chợt cựa mình, một bông hoa đỏ thắm từ từ bung nở trong nắng xuân ấm áp.

                                                                          T.T.T.N

 

 

 

. . . . .
Loading the player...