09-11-2019 - 09:02

Truyện ký HOA CHIỀU TÍM - Tạp chí Hồng Lĩnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 159 giới thiệu truyện ký "Hoa chiều tím" của tác giả Nguyễn Trung Tuyến.

 

Đã lâu chưa có dịp về trường cũ, lần này phòng giáo dục tổ chức chuyên đề dạy học ở phân hiệu II trường tiểu học Hương Thịnh- ngôi trường mà khi ra trường, tôi đã gắn bó mười mấy năm cùng ngần ấy kỷ niệm buồn vui. Được trở lại trường cũ, cảm xúc bồi hồi rất khó tả dâng ngập lòng tôi.

Phân hiệu II trường tiểu học HươngThịnh bên con sông Quyên trong xanh lượn quanh và dãy núi Đức Mẹ nghiêng nghiêng che bóng. Chiều chiều, tiếng chuông nhà thờ thong thả buông những tiếng ngân đều đều rót vào không gian yên bình như lời nhắc nhở từ trên cao vọng xuống: -Hỡi các con của Chúa! Hãy mau về nhà! Trời đã sắp tối.

Nhà tôi bên kia sông. Mấy năm đầu, đi dạy phải sang sông bằng đò.

Nhớ lần khai giảng năm học đầu tiên ấy. Chiếc  áo dài trắng tôi dành mặc ngày khai giảng hôm ấy dính bết bùn non vì đành phải lội khi  nước xuống ròng trơ ra bến sông mênh mông bùn non lầy lội.

Cô giáo  trẻ vừa đến trường học trò nhìn cô lấm lem. Chúng cười, tôi thì thẹn chín mặt. Sau này chính quyền xây được cây cầu nhỏ bắc qua sông, từ đó xóm đạo và trường vùng lẻ này đỡ lam lũ hơn.

Sau bao năm xa trường giờ trở lại…

Xóm đạo, trường xưa đã thay đổi rất nhiều. Những ngôi nhà mái bằng  mọc lên san sát, những con đường rải nhựa, bê tông phẳng phiu, mềm mại. Hai bên lề đường rải đều hoa chiều tím và rợp bóng cây xanh …Ở đây, ai cũng gọi hoa này là hoa chiều tím. Có phải vì hoa màu tím và càng về chiều thì hoa càng nở ám ảnh. Hoa được trồng hai bên vệ đường thành bờ rào xanh, hoa tím…  Con đường lặng lẽ mang đến cho tôi niềm vui dịu nhẹ. Các em nhỏ ngày ngày đến trường hiện lên trong ký ức tôi ở cuối con đường xưa. Thương nhớ biết bao - quãng đời dạy học gắn bó với mái trường này!

Những bứt phá quyết liệt để thoát đói nghèo của mỗi cuộc đời và phong trào xây dựng nông thôn mới đã xóa dần dáng vẻ âu sầu ảm đạm của xóm đạo lam lũ như những con còng con cáy ven sông ngày ấy.

Đang thả hồn cùng  bao suy tư bỗng sau lưng tôi  ai đó gọi và chào tôi khe khẽ:

- Cô Hoài! Em chào cô ạ ! Cô còn nhớ em không ?

Tôi quay lại gật đầu thân thiện. Ngỡ ngàng.

Tôi đoán ngay đây là người đàn ông nghề chài lưới. Anh ta còn rẩt trẻ, cao lớn, nước da bánh mật. Sóng gió chưa đủ sức làm da anh ta đen sạm.

Tôi ngờ ngợ như đã gặp người này ở đâu rồi. Cố tìm trong trí về những thế hệ học sinh mà tôi đã từng dạy ngày ấy - anh ta tên gì? Học trò cũ thì nhiều mà từ tuổi thơ các em chuyển sang người lớn có nhiều thay đổi lớn về thể chất nên làm sao tôi có thể nhớ hết được!

Sau cái gật đầu xã giao dấu chút bối rối, tôi nhìn anh và nghĩ: - Khuôn mặt hiền lành, đôi mắt giàu nghị lực này nhìn quen quen, không biết mình đã gặp anh bao giờ nhỉ?

Ơi kìa! Đúng rồi! Cái vành tai!- Tôi thốt lên:

- Đèo ! Em là Đèo. Đúng không?

Anh ta cười rất tươi, gật đầu lễ phép:

- Em cảm ơn cô vẫn còn nhớ em! Em là “Đèo sứt” đây cô ạ! Đã mười mấy năm rồi giờ em mới gặp lại được cô!

Em học trò ngày xưa gầy, xanh xao giờ đã là người đàn ông vạm vỡ, khỏe mạnh… Kỉ niệm thân thương một thời ùa về dâng ngập tâm hồn tôi. Tôi thành thật:

- Ừ, đã bao năm rồi! Ngày ấy em còn bé, bây giờ các em đã lớn, cô nhận không ra. Cuộc sống em bây giờ tốt chứ? Nhìn làng quê đổi thay khác xưa nhiều, cô mừng lắm.

Đèo thủ thỉ:

- Hồi ấy học xong, em về chung vốn cùng mấy anh em sắm tàu đi biển. Em đã có gia đình, một cháu nhỏ,vợ em ở nhà nuôi con nhỏ và thu mua hải sản, cô ạ!

Minh họa: QUỲNH LAN

Tôi rất vui:

- Cô mừng cho em! Cô biết ngay  mà! Nhớ hồi nhỏ, em đạt giải nhì thi bơi của khối học sinh tiểu học toàn huyện. Lớn lên em trở thành “con cá kình” của đại dương cũng phải.

Đèo cười:

- Cô lại khen em rồi!Người quê mình không bám biển mà sống thì biết làm nghề gì?

- Ừ, người quê mình sống chết cùng sông biển thôi!

-  Dạ! Đúng vậy cô ạ! Đèo vui vẻ thành thật: - Cô còn nhớ không? Em không bao giờ quên kỷ niệm về cuộc thi bơi ngày đó, cuộc thi trở thành động lực cho em lập nghiệp đấy cô ạ!

Tôi ngạc nhiên. Lẽ nào cuộc thi bơi thời trẻ con lại có ý nghĩa với em đến thế?

Trong chiều dần buông, cô trò tản bộ trên con đường đôi bờ nở đầy hoa chiều tím. Em nói:

- Cô ơi! Chuyện cũ em muốn nói với cô mà dấu mãi chưa nói được, cô ạ!

Tôi hồn nhiên:

- Thì giờ em nói đi! Cô nghe đây!

Đèo xúc động thành thật:

- Ngày ấy, nếu không có cô thì không biết em có được như hôm nay hay không, cô ạ!

Lời tâm sự của Đèo gợi cho tôi nhớ kỉ niệm mười mấy năm về trước.

Ngày ấy, tôi chủ nhiệm lớp 3B. Đèo là học sinh lớn tuổi nhất nhưng lại là  học trò nhút nhát nhất lớp. Đi học bao giờ cũng đội cái mũ len cáu bẩn sùm sụp để che cái tai tật nguyền. Đèo có tên trong danh sách “trẻ hòa nhập”. Em sinh ra đã không có vành tai phải, lại đông anh em. Ngày ấy, nhiều gia đình xóm đạo này có 9 đến 10 người con. Lo cái ăn, cái mặc đã mệt nên nhiều gia đình bỏ bê luôn việc quan tâm học hành của con cái. Mặc cảm với cái tai khuyết tật, lại thiếu sự quan tâm chăm sóc nên đến trường em thường thui thủi một mình.Thế nhưng vẫn không tránh được những trêu chọc ác ý của bạn bè. Chúng ít gọi Đèo bằng tên thật mà cứ là “ Sứt tai”, “ Cụt tai” mà gọi. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi rất thương và thông cảm với em. Nhưng để bảo vệ em, chống lại đám học trò“ nhất quỷ, nhì ma..” kia thì không đơn giản. Là cô giáo mới ra trường, kinh nghiệm chưa có, vận dụng kiến thức sư phạm trong sách vở để giải quyết tình huống cụ thể không phải là chuyện dễ. Trăn trở mãi vẫn chưa tìm ra giải pháp giúp Đèo hòa nhập.

Cuối tuần, sắp đến giờ sinh hoạt lớp, tôi hăm hở mang theo niềm vui được hiệu trưởng khen lớp tôi tuần này có tiến bộ. Định bụng giờ sinh hoạt tôi sẽ biểu dương khen ngợi lớp. Thế nhưngđám học trò trong lớp như dội nước lạnh dập tắt bầu nhiệt huyết của tôi.

Dừng lại trước cửa lớp, tôi chứng kiến một cảnh tượng đau lòng. Đèo trùm mũ len đang ngồi thu mình ở cuối lớp và đám bạn chạy ào xuống, giật chiếc mũ của Đèo và đồng thanh kêu: “Đèo sứt ”, “Đèo cụt”, “Kéo tai ra cho hắn, chúng mày ơi!”… và cả những lời tục tĩu.

Em bất lực không phản ứng chống lại mà hai tay giữ chặt lấy cái mũ len nhàu nát trên đầu khi bọn trẻ cố kéo cái mũ len để cái tai cụt thòi ra.

Nhìn cảnh tượng trẻ con xâu xé nhau, tôi vừa uất ức, vừa xót xa. Tôi ân hận quá - em chịu đựng như thế đã lâu rồi mà tôi mới biết. Thảo nào em sống đơn độc, xa lánh bạn bè như thế.

Tôi đã không kiềm chế được. Vội buông cặp giáo án, thả guốc cao gót ra, lao vào đám trẻ, nhào người ôm chặt lấy Đèo và ném vào đám học trò cái nhìn như lửa cháy qua nước mắt dàn dụa. Đám học trò thấy tôi hiện ra đột ngột trông như bà la sát, chúng sợ hãi chạy về chỗ ngồi, mắt lấm lét nhìn  mặt tôi đỏ bừng vì nộ khí. Đèo run rẩy nép người vào ngực tôi. Có lẽ lần đầu tiên trong đời, đứa trẻ tật nguyền được che chở, bảo vệ nên em khóc tức tưởi.

Giờ sinh hoạt lớp ấy, tôi kể cho các em nghe một số câu chuyện những  tấm gương người khuyết tật họ đã chiến thắng hạn chế của bản thân để trở thành người thành đạt, người nổi tiếng. Hình như hôm ấy tôi đã kể cho các em nghe không phải bằng ngôn ngữ bình thường mà bằng tiếng nói của trái tim chan chứa tình yêu thương của mình với các em nhỏ lớp tôi chủ nhiệm.

Từ đó không bạn nào trêu chọc Đèo nữa. Đèo cũng không  đội cái mũ len bị dằng xé rách bươm xơ mướp ấy nữa. Cuối năm học ấy, Đèo được xóa tên khỏi danh sách “trẻ hòa nhập”.

Dịp hè năm đó, ngành giáo dục tổ chức cuộc thi bơi cho lứa tuổi học sinh tiểu học. Tôi biết Đèo bơi rất giỏi nên chọn em vào đội tuyển của trường tham gia thi.

 Trước khi vào cuộc đua, tôi nói vui khích lệ:

- Đèo nhìn kia! Bạn nào đi thi cũng khỏe mạnh, lành lặn cả. “Đèo sứt” thi với các vận động viên có đôi tai lành lặn nhé. Để rồi xem ai thắng ai. Cố lên!

- Thưa cô! vâng ạ!

Cuộc thi bơi ấy, em đạt giải nhì toàn huyện.

Cũng sau mùa hè ấy, tôi chuyển về dạy học ở một ngôi trường mới không kịp nói lời chia tay với các em nhỏ 3b thân yêu của tôi…

Tôi hỏi đùa đùa

- Đèo này!  Hết năm học ấy, cô chuyển trường và em có đội mũ che tai nữa không?

Em cười hồn hậu:

- Có, cô ạ! Em vẫn đội mũ che tai mỗi khi lặn xuống biển. Nghề chài lưới mà! Có điều, mỗi lần lặn sâu xuống biển, em lại nhớ buổi học ấy em nép mình trong lòng cô được cô che chở trước mấy đứa nghịch như giặc ấy. Cái mũ len cũ kỹ của một thời ấu thơ và cô thì em không quên được.

Thì ra, tâm sự của Đèo với tôi là thế.

Cuộc sống đời thường với những buồn vui và những bận rộn của nghề giáo cứ tưởng thời gian sẻ phủ bụi, tưởng rồi sẽ quên. Tình cờ gặp lại em, em đã khôn lớn trưởng thành . Đi qua bao năm tháng, gặp lại em, tôi vẫn thấy em thân thương như ngày nào.

Chia tay em khi những bông hoa chiều tím hãy còn tươi thắm, nhưng dáng em đã đi vào cuối lối rẽ. Còn tôi, tôi cứ phân vân - không biết ai đó đã đặt tên cho loài hoa này là hoa chiều tím?

Tháng 11/ 2019

                                                                                 N.T.T

 

. . . . .
Loading the player...