06-10-2021 - 08:56

TRAO ĐỔI DẠY - HỌC TÁC PHẨM: “TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP” CỦA HỒ CHÍ MINH

Chuyên mục "Dành cho nhà trường" - Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 9/2021 - trân trọng giới thiệu bàn tròn "Trao đổi dạy - học tác phẩm: "Tuyên ngôn Độc lập" của Hồ Chí Minh"

tRAO ĐỔI DẠY - HỌC TÁC PHẨM:

“TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP” CỦA HỒ CHÍ MINH

 

 Lê Văn Vỵ: Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chí Minh đã đọc bản: “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó đến nay, “Tuyên ngôn Độc lập” đồng hành cùng đất nước, nhân dân. “Tuyên ngôn Độc lập” là áng văn bất hủ được đưa vào Chương trình Ngữ văn 12 đã và đang đặt ra làm sao có thể dạy - học tốt tác phẩm này, làm sao tạo được niềm thích thú cho các thế hệ học sinh, nhất là trong giai đoạn chúng ta đang thực hiện đổi mới Chương trình GD phổ thông 2018 trong đó có Chương trình Ngữ văn?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GV tổ Ngữ văn, trường THPT Cẩm Bình; một trong những trường phổ thông tại đất học Hà Tĩnh có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới dạy- học Ngữ văn và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cuộc trao đổi có sự tham gia của thầy giáo Trần Đình Hưng (BTG Tỉnh ủy Hà Tĩnh) vốn là GV, Tổ trưởng tổ Ngữ văn THPT Nghèn, Can Lộc.

Th.S. Nguyễn Văn Quang - Hiệu trưởng trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên: Tại trường THPT Cẩm Bình, chúng tôi khuyến khích mọi sự đổi mới, sáng tạo của GV và đổi mới đó phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh. Đối với tác phẩm: “Tuyên ngôn Độc lập” qua thăm lớp, dự giờ, chúng tôi đã định hướng nên tiếp cận tác phẩm dưới góc độ văn chương. Có như vậy GV không sa vào bài giảng chính trị hay lịch sử khô khan.

Trần Thị Khánh - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, THPT Cẩm Bình: Để gợi những rung động, hứng thú thẩm mĩ cho HS, trước hết phải bắt đầu từ đặc trưng loại thể bởi “Nhà văn sáng tác theo loại thể thì người đọc cũng cảm thụ theo loại thể và người dạy cũng dạy cũng phải giảng dạy theo loại thể”(GS Trần Thanh Đạm – Vấn đề giảng dạy tác phẩm theo đặc trưng loại thể).

Trần Thị Hải Đường:Tuyên ngôn Độc lập” trở thành một áng văn bất hủ về lòng yêu nước và khát vọng độc lập, tự do, kế thừa xuất sắc những áng “thiên cổ hùng văn” trong quá khứ hào hùng của dân tộc ta.

Phan Thị Mai - Tổ phó tổ Ngữ văn, THPT Cẩm Bình: “Tuyên ngôn Độc lập” không chỉ là một áng văn chính luận thể hiện sáng ngời tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhân quyền, dân quyền, tinh thần nhân văn, nhân đạo, chính nghĩa của dân tộc Việt Nam mà còn là tinh thần yêu nước nồng nàn, khát vọng  hòa bình, độc lập tự do với tinh thần kiên quyết “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Bởi thế, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, vấn đề độc lập, chủ quyền mà “Tuyên ngôn Độc lập” đã đề cập cách đây 76 năm vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. “Tuyên ngôn Độc lập” đã thức tỉnh, lay động, cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, từ đó, tập hợp  các tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Th.S. Trần Đình Hưng - Nguyên Tổ trưởng tổ Ngữ văn THPT Nghèn, Can Lộc: Tôi vốn dĩ là GV dạy Ngữ văn, bây giờ chuyển sang công tác khác, nhưng mỗi lần có cơ hội được tiếp cận, trao đổi về những tác phẩm Ngữ văn trong trường THPT  tôi được sống lại những giờ dạy - học văn hào hứng, ở đó thầy và trò“đồng sáng tạo”.

Đã từng dạy- học tác phẩm: “Tuyên ngôn Độc lập”, tôi thấy mình có thuận lợi là học sinh đã làm quen với Lý thuyết Tập làm văn Nghị luận, không xa lạ với bài Nghị luận. Mặt khác, trước khi học tác phẩm: “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh, các em học sinh đã nắm được cơ bản Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật (tiếng Việt). Cho nên, tiếp cận tác phẩm: “Tuyên ngôn Độc lập” tác phẩm mẫu mực của văn chính luận, mình khai thác được “vốn” học sinh đã có, để từ đó hướng dẫn các em khai thác vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn văn chính luận Hồ Chí Minh qua: “Tuyên ngôn Độc lập”, hay nói cách khác là Phong cách Hồ Chí Minh qua: “Tuyên ngôn Độc lập”.

Th.S. Nguyễn Văn Quang: Tôi tán thành hướng đi này. Chúng tôi đã trao đổi khai thác văn bản: “Tuyên ngôn Độc lập” dưới góc độ văn chương với hệ thống điểm sau: 1. Mẫu mực văn nghị luận. 2. Ngôn ngữ giàu hình ảnh. Ví dụ: “ Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những biển máu”…3. Ngôn ngữ trong sáng, khúc chiết. Người đã sử dụng điệp từ, điệp ngữ, điệp câu… 4. Giọng văn đa dạng lúc hùng hồn, đanh thép, lúc lâm li thống thiết. 5. “Tuyên ngôn Độc lập” viết bằng máu và nước mắt, bằng trái tim yêu nước, mang dấu ấn phong cách Hồ Chí Minh nên có sức lay động triệu triệu trái tim độc giả.

Trần Thị Hải Đường: “Tuyên ngôn Độc lập” thành công trước hết ở nghệ thuật lập luận. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và cảm xúc. Chính nghệ thuật lập luận sắc sảo đã trở thành vẻ đẹp trí tuệ của bản “Tuyên ngôn Độc lập”.

Hoàng Nữ Như Ái: Bản “Tuyên ngôn độc lập” chia làm ba phần rõ rệt, mỗi phần một ý, liền mạch với nhau theo một bố cục chặt chẽ mạch lạc.

Phần đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, thừa nhận quyền tự do, quyền sống, quyền bình đẳng của con người và khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".  Từ đó, Người “suy rộng ra”: “câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Từ vấn đề nhân quyền,  Người đã chuyển sang vấn đề dân tộc một cách thuyết phục!

“Tuyên ngôn Độc lập” lên án đanh thép tội ác toàn diện của thực dân Pháp; lột trần âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, các phe nhóm cơ hội quốc tế tái chiếm nước ta; thể hiện tình cảm yêu nước, thương dân, những hy sinh của nhân dân Việt Nam chống phát xít, chống ách đô hộ của thực dân, khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của tác giả cũng như của toàn thể nhân dân Việt Nam.

“Tuyên ngôn Độc lập” tuyên bố dứt khoát kết thúc chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, mở ra thời kì độc lập, tự do của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; đồng thời cũng nói lên ý chí của nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ nền độc lập, tự do ấy.

Bao nhiêu vấn đề hệ trọng của dân tộc và thời đại được trình bày trong một bản Tuyên ngôn cô đọng, hàm súc, có sức cuốn hút đặc biệt.

Th. S.Trần Đình Hưng:  Mở đầu bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã trích dẫn “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của nước Mĩ và “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của cách mạng Pháp năm 1791 làm căn cứ cho lập luận. Đó là nghệ thuật dùng  “gậy ông đập lưng ông”. Mặt khác, Người đã khéo léo đặt ba cuộc cách mạng, ba nền độc lập ngang nhau. Thế giới công nhận độc lập nước Mĩ, nước Pháp, không có lí do gì không công nhận quyền độc lập của nước Việt Nam. Người đã  linh hoạt chuyển từ định đề sang phản đề với lập luận chặt chẽ, uyển chuyển, giàu sức thuyết phục

Trần Thị Khánh: Văn chính luận của Hồ Chí Minh thắm đượm tình cảm; giàu hình ảnh; giọng điệu đa dạng: khi ôn tồn, thấu tình đạt lí; khi đanh thép, mạnh mẽ, hùng hồn. Lối viết ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục, giàu tính luận chiến và đa dạng về bút pháp.

Trần Thị Hải Đường: Dạy học tác phẩm này làm sao học sinh học được nghệ thuật lập luận, đặc biệt là nghệ thuật bác bỏ. Hồ Chí Minh đã bác bỏ “công lao khai hóa” của thực dân Pháp bằng dẫn chứng thuyết phục. Tám mươi năm đô hộ nước ta chúng đã thủ tiêu mọi quyền dân chủ, chia rẽ ba kì,“tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”, thi hành chính sách ngu dân; đầu độc bằng thuốc phiện, rượu, cồn; bóc lột vơ vét đến tận xương tủy, khiến cho “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”. Chúng kể công “bảo hộ” Đông Dương ư? “ Trong 5 năm chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”! Hồ Chí Minh cũng đã bác bẻ luận điệu của thực dân Pháp: Đông Dương là thuộc địa của chúng, chúng có quyền trở lại Đông Dương bằng dẫn chứng hùng hồn: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã trở thành thuộc đại của  Nhật, chứ  không phải thuộc địa của Pháp nữa…Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải tay Pháp” và Người tuyên bố: “Thoát li hẳn quan hệ với thực dân Pháp, xóa bỏ hết mọi hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.

Nguyễn Thị Nhàn: Trong chương trình Ngữ văn THPT các em học sinh đã được học một số văn bản Nghị luận như: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (Thân Nhân Trung), “Tựa Trích diễm thi tập” (Hoàng Đức Lương), “Một thời đại trong thi ca” (Hoài Thanh), “Tuyên ngôn Độc lâp” (Hồ Chí Minh). Những văn bản Nghị luận này giúp các em HS tổ  chức văn bản Nghị luận. Đặc biệt: “Tuyên ngôn Độc lập” một áng văn nghị luận mẫu mực về kết cấu, về lập luận, về sử dụng ngôn ngữ nên có điều kiện vô cùng thuận lợi để tích hợp với Tập làm văn.

Trần Thị Khánh: Dạy - học văn bản: “Tuyên ngôn Độc lập” cũng là cơ hội để tích hợp với Ngôn ngữ. Học sinh đã học Phong cách ngôn ngữ và từ văn bản này biết vận dụng tổ chức câu văn, đọan văn bài văn chính luận.

Lê Văn Vỵ: Nếu chúng ta có khảo sát riêng về ngôn ngữ của: “Tuyên ngôn Độc lập” chắc chắn sẽ khai thác nhiều điều mới mẻ và thú vị. Có thể nói“Tuyên ngôn Độc lập” còn là tuyên ngôn tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt ở: “Tuyên ngôn Độc lập” thăng hoa, giàu có, đẹp đẽ, vừa đanh thép, hùng hồn, vừa bay bỗng, trữ tình biểu hiện muôn cung bậc đời sống, trí tuệ, tâm hồn, tình cảm…

Phan Thị Mai:

Ngôn ngữ trong “Tuyên ngôn Độc lập” là ngôn ngữ chính luận của một áng hùng văn đầy cảm xúc và của một ý chí sắt đá, vừa mang tính khẳng định, vừa là lời hiệu triệu hùng hồn, với những phép tu từ và ngắt câu, chốt câu rất độc đáo… Ngôn ngữ trong “Tuyên ngôn Độc lập” được viết rất giản dị nhưng tổ chức cực kỳ chặt chẽ. Các liên kết lô gích và liên kết mạch lạc làm nòng cốt cho việc triển khai các lập luận cơ bản. Đó liên tục là một chuỗi của các lập luận: Lập luận về quyền dân tộc, lập luận về việc thực dân Pháp vi phạm các quyền đó, lập luận về thời cơ của vận nước, lập luận về quyền và trách nhiệm của dân tộc Việt Nam, lập luận về quyết tâm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc giữ gìn quyền độc lập và tự do…Cùng với lập luận chặt chẽ, lời văn của “Tuyên ngôn…” hết sức trang trọng mang âm hưởng hào sảng và tràn đầy cảm xúc…Sự súc tích của câu văn và từ ngữ cũng là một nét nổi bật. Có những nội dung rất lớn nhưng tác giả chỉ cần gói gọn trong một dòng với những ngắt đoạn cực ngắn, như khi nói về tình thế của cách mạng ta lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Pháp chạy. Nhật hàng. Vua Bảo Đại thoái vịChúng ta lấy lại đất nước ta từ trong tay Nhật chứ không phải trong tay Pháp”. Thế là rõ: Đối ngoại thì Pháp không có lý do gì để trở lại Việt Nam, đối nội thì chính quyền cũ đã hạ cờ. Lịch sử đã sang trang. Mấy ngày sau, khi quân đồng minh vào nước Việt thì họ chỉ là khách đến làm nhiệm vụ trong một đất nước có chủ quyền.

Trần Thị Hải Đường: “Tuyên ngôn Độc lập”, ngoài nghệ thuật lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, phẩm chất văn chương của tác phẩm còn nằm ở nghệ thuật sử dụng từ ngữ chính xác, văn phong giàu tính hình tượng. Chẳng hạn khi tố cáo tội ác của thực dân Pháp,  Hồ Chí Minh còn dùng nhiều thủ pháp mang đậm sắc thái văn chương như láy đi láy lại nhằm tạo cảm giác ám ảnh cho người đọc: "Chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do, dân chủ nào", "Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân", "Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học"... Đặc biệt, khi miêu tả sự đàn áp của thực dân Pháp đối với những người yêu nước và các phong trào cách mạng, Hồ Chí Minh đã có cách viết rất hàm súc, thấm đẫm sắc thái biểu cảm để thể hiện nỗi đau thương và mất mát lớn lao mà dân tộc ta phải gánh chịu: "Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta, chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu".

Cùng với nghệ thuật dùng từ ngữ chính xác, giàu sắc thái biểu cảm và văn phong giàu tính hình tượng, nghệ thuật sử dụng điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc mang tính liên hoàn đã tạo cho tác phẩm một giọng điệu riêng.

Th.S. Nguyễn Văn Quang: Tuyên ngôn Độc lập” là tác phẩm đa giọng điệu, khi hùng tráng, đanh thép khi lâm li thống thiết. Giọng điệu ấy được cộng hưởng bởi điệp từ, điệp ngữ, điệp câu…và trên tất cả, văn chương ấy được viết bằng máu và nước mắt, bằng trái tim yêu nước, thương dân vô cùng thắm thiết!

Th.S. Trần Đình Hưng: Khai thác ngôn ngữ: “Tuyên ngôn Độc lập” là hướng “mở” hy vọng sẽ có nhiều nét mới. “Tuyên ngôn Độc lập” không chỉ khẳng định chủ quyền dân tộc mà khẳng định sức mạnh, bản sắc văn hóa Việt trong đó có tiếng mẹ đẻ. Đó là cội nguồn làm nên sức mạnh để dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Lê Văn Vỵ: Khi dạy học “Tuyên ngôn Độc lập” bạn đã dùng công cụ hỗ trợ nào để giúp học sinh tái hiện lại không khí của lịch sử?

Trần Thị Khánh: Thiết nghĩ, người dạy cần đưa HS trở về, sống lại với không khí lịch sử hào hùng ở thời điểm Bác viết “Tuyên ngôn  Độc lập”, cần đặt “Tuyên ngôn Độc lập” trong dòng chảy lịch sử, văn hóa, văn học của dân tộc và nhân loại bằng phương pháp tích hợp để thấy rõ vị trí, tầm vóc, ý nghĩa tác phẩm; tâm huyết, tài năng, sự đóng góp của Hồ Chí Minh.

 Nguyễn Thị Diệp:

Mỗi giáo viên có thể sử dụng nhiều phương pháp, tìm sự hỗ trợ của nhiều phương tiện khác nhau. Cụ thể, với bài học này chúng ta có thể sử dụng phim tài liệu “Toàn cảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình- Hà Nội vào ngày 02/09/1945”… So với các phương tiện dạy học khác, sử dụng phim tài liệu có hiệu quả nổi bật. Phim tài liệu giúp học sinh nắm vững kiến thức và ghi nhớ tốt hơn thông qua các tri giác như thính giác, thị giác...Khi xem phim tài liệu học sinh được tiếp xúc trực tiếp với âm thanh, hình ảnh, lời nói, giọng điệu...do đó kiến thức được truyền tải bằng nhiều kênh, nội dung sẽ có hiệu quả, được ghi nhớ nhanh và khắc sâu hơn… Sau lễ chào cờ và hát Quốc ca, ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ, bước tới micro giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người được chào mừng bằng những tiếng hô vang dội “Độc lập! Độc lâp!”. Bác Hồ vẫy tay trước khán thính giả trong vài phút, đoạn nâng hai bàn tay lên để kêu gọi mọi người im lặng. Bằng giọng Nghệ Tĩnh đặc trưng, Bác Hồ lúc đó bắt đầu đọc “Tuyên ngôn Độc lập”. Bác hỏi: “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?” và nhân dân đã đồng thanh đáp lại: “Rõ”…

Tóm lại, với việc sử dụng phim tài liệu này vào tiết đọc hiểu bài “Tuyên ngôn Độc lập” có vai trò rất lớn đưa học sinh trở về đúng bối cảnh của thời khắc lịch sử vàng son của dân tộc: Buổi sáng mùa thu ngày 2/9/1945 với hình ảnh thân quen, gần gũi của vị lãnh tụ thiên tài đang cất lời khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây là phim tài liệu được xem nhiều, nhất là vào ngày tết Độc lập (2/9) hàng năm của đất nước. Từ đây không chỉ giúp các em hiểu về bài học mà còn khắc sâu trong tâm trí các em về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Sơ đồ tư duy không chỉ cho thấy thông tin mà còn phản ánh cấu trúc tổng thể của chủ đề và mức độ quan trọng của các phần riêng lẻ. Ví dụ hoàn toàn có thể sử dung sơ đồ tư duy để khái quát bài “Tuyên ngôn Độc lập” theo cấu trúc ba phần: Tìm hiểu chung, Đọc hiểu văn bản Tổng kết. Mỗi phần lại ứng với các nội dung như phần Đọc hiểu có: Cơ sở  pháp lí, Cơ sở thức tiến và Phần Tuyên ngôn. Từ đó sẽ giúp học sinh hình thành cách nhìn nhân vấn đề tổng quát, gắn kết được các ý với nhau một cách dễ dàng.

  Khi sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp với Powerpoin sẽ phát huy rất nhiều lợi thế. Người vẽ sơ đồ không cần phải viết nhiều, chỉ cần tạo kí hiệu sau đó chèn clip, gắn link thêm vào. Sơ đồ tư duy không hề có bất kì khuôn mẫu nào. Mỗi cá nhân, mỗi nhóm có thể sáng tạo ra hình thức sơ đồ sao cho phù hợp với nội dung mà tư duy mong muốn biểu đạt. Sử dụng sơ đồ tư duy không chỉ hệ thống hóa được dung lượng kiến thức bao phủ theo chiều rộng mà còn đem đến cái nhìn toàn cảnh. Người học tiến hành đọc hiểu, nghiên cứu, khảo sát tài liệu, sách vở để bổ sung thêm kiến thức và nhận định có chiều sâu trong đánh giá.

Th.S. Nguyễn Văn Quang: Sử dụng công cụ hỗ trợ rất cần thiết, nhưng cần tính toán kỹ: thời gian bao nhiêu là vừa? Chiếu vào thời điểm nào? Bắt đầu từ đâu? Nếu sa đà, sẽ phân tán chú ý cuả học sinh vào văn bản văn học!

Th.S.Trần Đình Hưng: Tôi cho rằng cần dành thời gian để học sinh đọc đúng giọng điệu áng  văn chính luận mẫu mực này. Sau khi học sinh đọc xong, GV cho các em nghe trực tiếp giọng đọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tạo được cảm hứng.

Trần Thị Khánh: Không có phương pháp bất biến. Tùy vào hoàn cảnh, đối tượng mà GV lựa chọn phương pháp nào tối ưu và hiệu quả nhất phụ thuộc vào tài năng sư phạm và kinh nghiệm giảng dạy.

Người thực hiện: LÊ VĂN VỴ

 

. . . . .
Loading the player...