02-02-2022 - 07:23

Tranh thờ Ngũ hổ

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Nhâm Dần 2022 trân trọng giới thiệu bài viết “Tranh thờ Ngũ hổ” của Họa sĩ Lê Anh Tuấn

Tín ngưỡng thần linh và tổ tiên là phong tục tự nhiên cổ truyền của nhiều dân tộc thuộc vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc thờ cúng trời đất, núi sông, thổ địa, thổ công thành hoàng làng xã… có hầu khắp trên các vùng cư dân sinh sống. Người ta còn thờ cả các linh vật: Long, ly, quy, phượng, voi, hổ… Các dân tộc ít người đều có tranh thờ, họ tự vẽ lấy theo một tín ngưỡng riêng của họ. Hình thức biểu hiện và triết lý thờ tự của từng dân tộc mang đậm giá trị bản địa và vô cùng phong phú.

Tranh thờ hết thảy đều thuộc dòng dân gian không chịu bất kỳ một sự kiểm duyệt nào, thường là do những bậc nho học, những thầy cúng, thầy học chịu trách nhiệm về nội dung cho từng dòng tranh, đôi khi chính họ là những nghệ nhân biểu hiện… Miền xuôi có những dòng tranh tiêu biểu như: Hàng Trống (Hà Nội), Đông Hồ, Yên Dũng (Hà Bắc), Kim Bảng, Hoàng Bảng (Hoài Đức). Trung du có dòng tranh Vũ Di (Vĩnh Lạc, Vình Phúc). Nghệ Tĩnh có dòng tranh Nam Chấn, Nam Hoàng (Nam Đàn), tranh Độc Lôi (Quỳnh Lưu)… Tranh thờ ở miền núi của các dân tộc: Tày, Nùng, Mèo, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chỉ v.v. Tranh Bạch Thông (Bắc Hà, Hà Tuyên), tranh Phú Lương (Thái Nguyên), tranh Chợ Đồn (Bắc Cạn), tranh Trùng Khánh, Hà Quảng (Cao Bằng), tranh Đồng Mỏ (Lạng Sơn), tranh Đông Khê, Thất Khê… Kho tàng tranh thờ dân gian vô cùng phong phú, đa dạng về đề tài, hình thức biểu hiện. Ở Huế, dòng tranh thờ làng Sình với những đề tài: Thiên vương, Bà tướng, Ông tướng… với gam màu tươi và rất ngẫu hứng, thoải mái về đề tài và cách vẽ. Nếu nói về giá trị triết học và tay nghề biểu hiện thì tranh thờ dân gian Hàng Trống thỏa mãn được những yêu cầu xã hội hơn cả, bởi đây là tranh được làm ra của những tay thợ cừ khôi nơi Kinh Thành với sự nghiệm chứng của cả một xã hội tiên tiến nhất thời bấy giờ - Đó là những tranh: Tam Thanh, Tam Đa, Đạo Phật, Đạo Lão và Thánh Mẫu, tranh Thập điện Diêm vương, ông Thiện, ông Ác, Mẫu Thượng ngàn, tranh Bạch hổ, hắc hổ…Và tranh Ngũ hổ, một triết lý vũ trụ khá thú vị.

Tranh Ngũ hổ (người ta còn gọi là Ngũ dinh: Năm ông hổ), là loại tranh thờ liên quan đến linh vật, rất được phổ biến trong dân gian ngay từ thời nhà Lý, thế kỷXII. Không chỉ là một bức tranh đơn thuần mà là một quan niệm về Thiên - Địa - Nhân của những nhà địa lý thời bấy giờ. Tranh nói lên được quan niệm về ngũ hành và ngũ sắc mà thường ở những đề tài khác ít được đề cập đến. Năm con hổ trong tranh có năm màu khác nhau, nó ứng với bốn phương trong trời đất, và năm màu mà nghệ nhân biểu hiện là: xanh, đỏ, vàng, đen, trắng. Bốn con hổ ở bốn góc tranh được thể hiện rất động, đuôi vút lên trên, mặt, đầu ngoảnh hướng vào giữa tranh, ở đó là con hổ ngồi bệ vệ, bốn chân ôm chặt một hộp gỗ màu đỏ, chân hộp có chạm khắc trang trí. Mắt nhìn thẳng, thân tô màu vàng có vằn nâu đỏ. Có thể nhận ra con hổ ở giữa là hành tinh còn bốn con xung quanh là vệ tinh. Màu con hổ xanh ở hướng đông (Mộc), con hổ đỏ ở hướng nam (Hỏa), con hổ trắng ở hướng tây (Kim), con hổ đen ở hướng bắc (Thủy). Khoảng trời phía trên là mặt trời màu đỏ và chòm sao Bắc Đẩu màu trắng, những cụm mây uốn lượn nhịp nhàng được cách điệu và trang trí rất đẹp (cấu trúc mây kiểu này ta còn gặp nhiều trong tranh thờ mà chỉ dòng dân gian Hàng Trống mới có). Hổ trung tâm được tăng lên sự uy nghi bởi 5 lá cờ ngũ sắc bên phải, phía bên trái có giá kiếm cắm 5 thanh bảo kiếm. Hai hổ phía trên hầu như múa nhảy giữa không trung quyện vào mây tạo thành nhịp điệu rất sinh động, phía dưới là hổ đen và trắng đứng vững vàng trên bậc đá trang trí. Toàn bộ nghệ thuật ở bức tranh Ngũ hổ được nghệ nhân Hàng Trống biểu hiện: động về hình, tươi về màu. Hổ ở giữa tranh được vẽ to hơn, oai vệ hơn, vì vậy nội dung bức tranh thờ chính là ở hổ vàng (Thổ: Hoàng thổ). Cấu trúc ngũ hành, lấy ngũ sắc để làm hình thức biểu hiện quả rất độc đáo, nhiều tranh thờ linh vật khác không có được. Tranh còn biểu cảnh bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, ứng với Đông, Tây, Nam, Bắc… Ngũ hổ là hình tượng tôn thờ sức mạnh vũ trụ thiên nhiên, tiết mùa thời vận thuận theo quy luật tự nhiên, một triết lý vĩnh hằng cho sự tồn tại trời đất.

Trong hệ thống nghệ thuật dân gian Việt Nam, đề tài về hổ xuất hiện không chỉ ở tranh dân gian mà còn được nghệ nhân gốm vẽ trang trí, làm tượng gốm…và nhất là hổ được diễn tả trên các công trình kiến trúc cổ như ở đình Chu Quyến, đình Đông Viên, đình Thổ Hà, ở Hà Tĩnh kiến trúc đền Chiêu Trưng, đền Cả…và rất nhiều đền miếu khác đều có vẽ hổ hoặc làm tượng hổ ở ngoài đền dường như để trấn trạch. Trong nền điêu khắc cổ Việt Nam, ngoài mô típ “hổ vờn mồi”, “hổ vờn trăng”, “hổ và đại bàng”…, ta còn gặp những bức chạm gỗ “Tiên cưỡi hổ”, “Phật thuần hóa hổ”…, và vô số những tượng đá về hổ như ở lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình), ở lăng Lam Sơn Thanh Hóa… Nhưng xét ở mọi phương diện thì tranh “Ngũ hổ” Hàng Trống Hà Nội vẫn là hoàn thiện nhất, nếu gạt bỏ yếu tố tôn giáo, tranh Ngũ hổ quả là một tác phẩm nghệ thuật vô giá, sức sáng tạo của nghệ nhân thật là phi thường, bởi sự sắp xếp bố cục mang đậm tính trang trí. Do tính khái quát cao mà bức tranh trở thành trừu tượng của cấu trúc ngũ hành và tứ phương, (những triết lý của phương Đông) được khai thác và biểu cảm đến tận cùng. Ngũ hổ là tranh thờ dân gian Việt Nam được nghệ nhân sáng tạo đạt tới mức người xem phải thán phục. Và nếu so sánh với những tranh cung đình tại cố đô Huế thì tính chuyên nghiệp trong tác phẩm đã đạt tới mức: Triết lý nghề nghiệp hàn lâm phải nể trọng.

TP. Hà Tĩnh những ngày cuối năm.

Kỷ Sửu 2021

L.A.T

. . . . .
Loading the player...