11-07-2019 - 07:12

Trang dành cho các em - Tạp chí Hồng Lĩnh số 155

Tạp chí Hồng Lĩnh số 155 giới thiệu chùm thơ thiếu nhi của tác giả Dương Thế Võ, truyện ngắn "Về phố quê" của em Phạm Lê Huyền Chân - Lớp 8C - Trường THCS Hoàng Xuân Hãn - Đức Thọ (Giải C, Cuộc thi viết - vẽ tuổi học trò lần thứ XII)

DƯƠNG THẾ VÕ


Siêu nhân của mẹ


Con muốn làm siêu nhân
Để bay vào vũ trụ
Khám phá các hành tinh
Nhìn mặt trời lúc ngủ.

Những vì sao tinh tú
Lấp lánh trên trời cao
Con sẽ bay vào đó
Xem sao sáng thế nào.

Mùa đông trời nhiều mây
Chỉ mưa không có nắng
Con bắt mặt trời về
Mẹ tha hồ mà mắng.

Siêu nhân này của mẹ
Yêu mẹ nhất trên đời
Đừng mắng con mẹ nhé
Mẹ cười đẹp lắm thôi.

 

Tiếng chim


Dậy sớm nghe tiếng chim
Hót líu lo mỗi sáng
Suốt một đêm tĩnh lặng
Chim báo hiệu ngày vui.


Nghe tiếng chim ông mặt trời mỉm cười
Làn sương mỏng tan dần trong nắng ấm
Cả khu đồi bỗng trở nên sôi động
Cây vỗ tay trong tiếng gió rì rào.

Chim cu bao giờ cũng cất giọng cao
Chúc mồng giọng bè, chìa vôi giọng xướng
Đàn sẻ nâu nhỏ to trò chuyện
Cứ làm như lâu ngày mới gặp nhau.

Chim chích nghe tiếng, người chẳng thấy đâu
Ẩn trong lá bắt từng con sâu nhỏ
Chị chàng làng giọng sao mà to thế
Vắt vẻo trên cao như thể giận ai.

Tiếng chim hòa chung thành bản nhạc dài
Cứ du dương lúc trầm lúc bổng
Nghe tiếng chim thêm yêu cuộc sống
Ngày mới bắt đầu bằng những niềm vui.

Minh họa: ANH NGỌC
                

 

PHẠM LÊ HUYỀN CHÂN

 

VỀ PHỐ QUÊ

 

Nó đi học về sớm. Nhà trống hoác. Căn nhà nằm sát mặt đường, xung quanh vốn luôn ầm ầm đủ thứ âm thanh náo động của thành phố vậy nhưng những thứ âm thanh đó hình như không xua được sự lạnh lẽo của ngôi nhà. Trên chiếc bàn phòng khách, có một tờ giấy gấp tư. Mở ra nó thấy mấy dòng chữ ngoáy vội: “Bố mẹ đi công tác, con chịu khó ở nhà một mình ít ngày nhé!. Tiền mẹ để chỗ cũ.”. Nó cau mày, vứt xoẹt tờ giấy vào sọt rác. Bao giờ cũng vậy, nó chỉ có thể đối mặt với tờ giấy lạnh tanh, những dòng chữ lạnh tanh, những tờ tiền lạnh tanh. Ba mẹ không có thời gian dành cho nó. Cuộc sống của nó chỉ xoay quanh việc đi học. Học ở trường, học ở trung tâm, rồi thì câu lạc bộ. Thỉnh thoảng lắm, nó mới tụ tập với lũ bạn tại quán, ăn uống hò hét rồi giải tán. Mấy hôm đầu ba mẹ nó về muộn hay đi công tác, nó cảm thấy vui vô cùng bởi nó có thể đi mua một vài món ăn vặt mà ngày thường mẹ nó không cho ăn hay là thức khuya để trò chuyện với bạn bè trên mạng xã hội, bla bla... Nhưng chỉ được vài ba bữa sau nó bắt đầu thấy chán và trống trải biết bao. Nhà những đứa bạn khác của nó bao giờ cũng đầy tiếng người, dù nhiều khi còn có cả tiếng cãi vã. Nhưng ít nhất chúng nó còn cảm nhận được đầy đủ cái gọi là không khí gia đình. Còn nhà nó… Biết bao lần nó nghĩ, hay là về sống với ông bà. Hồi còn nhỏ, nó đã từng được sống trong vòng tay ấm áp yêu thương của ông bà, làng xóm với bao nhiêu kỉ niệm êm đềm. Nó nhớ biết bao....
Sáng chủ nhật, nó dậy rõ trưa. Uể oải lê xuống cầu thang, bất ngờ nó thấy bố mẹ đang ngồi ở phòng khách. Lạ chưa. Hóa ra họ về từ lúc khuya mà nó không biết. 
- Chào bố mẹ! 
- Chào con gái! Con ngồi xuống đây, bố mẹ có chuyện muốn nói với con. 
Sau khoảng 10 phút, câu chuyện thân mật của hai đấng sinh thành được tóm lại trong một nội dung thông báo. Đại ý là bố mẹ nó sẽ đi công tác nước ngoài một thời gian và nó sẽ về sống với ông bà ngoại theo dạng tạm trú khoảng nửa năm, theo kiểu “Bố mẹ không yên tâm để con sống một mình giữa thành phố, phức tạp lắm”. OK, nó còn mừng ấy chứ, đúng là cầu được ước thấy. Tạ ơn giời, nó cũng chán cái thành phố này lắm rồi. Và sau một tuần làm hồ sơ gồm giấy tờ chuyển trường, hồ sơ tạm vắng…. nó xách ba lô về quê còn bố mẹ xách va li đi nước ngoài. Nhà tạm đóng, lạnh tanh. 
Nhà ngoại nó nằm ở ven thị trấn, một nơi thấm đẫm sự yên bình. Thời điểm nó về, quê ngoại tràn ngập sắc xanh. Xanh thẫm của những vòm cây; xanh non của lá; xanh mướt của những ruộng lúa đang thì con gái…. Nhà ngoại vẫn vậy. Một ngôi nhà ba gian cổ kính núp sau vườn cây, một con ngõ dài ngoằn ngoèo, yên tĩnh. Nó về, cả ngôi nhà náo động hẳn lên vì anh em hàng xóm đến thăm khi nghe nói cháu ông bà Nuôi trên thành phố về. Bao nhiêu là câu hỏi, bao nhiêu là chuyện kể, lại còn những lời trầm trồ kiểu ở thành phố thích thật… Nó chỉ biết cười, gãi đầu bối rối trước tình cảm mà mọi người dành cho. Về quê hơn một tuần, được sự “dẫn dắt” của mấy đứa em con dì con cậu, nó nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở quê theo nhịp điệu: Sáng đi học, chiều học thêm hoặc đi chơi rong cùng lũ trẻ trong xóm; tối ăn cơm, xem ti vi một lúc với ông bà rồi học bài; xong có thể chát chít với lũ bạn trên thành phố. Vào những ngày nghỉ, nó có thể lấy xe đạp điện chở bà đi chợ, về nấu nước mời hàng xóm sang chơi hay các cậu dì sẽ đến nhà ông bà tụ họp. Nó dần quen, và thích. Thích nhất là không khí thân mật, hòa đồng giữa tất cả mọi người vì không bao giờ có cảnh nhà ai biết nhà nấy như trên thành phố. 
Một buổi chiều như rất nhiều buổi chiều, nó lại có dịp rong chơi cùng lũ bạn mới quen.
- Nào, Thanh cô nương, chiều nay tụi tao sẽ đưa mày đi khắp cả cái thị trấn này, ok không? Cái Hà béo bất chợt hỏi nó.
- Ok. Có ngõ ngách nào trong cái thị trấn này mày cứ đưa bổn cô nương đây theo với, biết đâu lại khám phá được mấy cái hay hay. Nó trả lời ngay tắp lự.
Và như lời Hà béo cùng với đồng bọn hứa, chiều hôm đó bọn nó cưỡi trên những “con ngựa sắt” rong chơi khắp nơi. Thật sự không khí ở quê thoáng mát như này thì không nơi nào có thể sánh bằng. Xung quanh đường đi là hai hàng cây rợp kín, thỉnh thoảng lại thấy đôi chú chim chuyền cành từ cây này sang cây kia rồi lại bay đi để lại một không gian tĩnh lặng hẳn. Vài ánh nắng chiều còn sót lại hắt hiu len qua kẽ lá rồi nghịch ngợm chạy bên lề đường. Đang mải mê ngắm, trong bức tranh phong cảnh bỗng lọt vào một hình ảnh một người, chính xác là một người đàn ông khoảng sáu mươi tuổi đang đẩy chiếc xe cà tàng chở đầy ve chai và giấy vụn. Chiếc xe đầy những hàng như che đi dáng người còng còng, khắc khổ, bước chân khập khiễng. Chiếc mũ vải sờn bạc che khuất đi khuôn mặt. Nó tò mò:
- Này, Trang! Kia là ai vậy?
- Kia á? À, lão Ngôn, người dân quanh đây thường gọi là lão Ngôn gàn. 
- Sao lại gọi như thế?
- Thì chả gàn nữa. Này nhé. Lão sống một mình trong một ngôi nhà gần ngay ngã tư, cái chỗ mà người ta gọi là đất vàng kinh doanh í. Bao nhiêu người đến thuê để bán hàng với giá rõ cao nhưng lão chẳng đồng ý với ai hết. Lão bảo để đó, có việc cần dùng. Lại còn nữa. Lão không vợ con, lại nghèo vậy mà con nuôi thêm mấy đứa lang thang. Chả gàn còn gì! Đó, mày nhìn đi, cái nhà lụp xụp với miếng đất rõ là rộng kia kìa là nhà lão. Theo tay cái Thanh chỉ, nó nhìn sang phía bên kia. Trong tầm mắt nó xuất hiện một mảnh đất rộng với đủ loại cây linh tinh chuối, xoan, ổi…. Ẩn đằng sau vườn cây là một ngôi nhà cũ kĩ, mái ngói phai màu, rêu mốc. Hàng rào bao xung quanh khu vườn và cánh cổng tạm xiêu vẹo. Ngôi nhà với mảnh đất của lão quả thật như một miếng vá vô duyên trên một tấm vải lụa sang trọng. 
- Thế tụi mày có quen lão Ngôn không?
- Lão không thích tụi tao. Thằng Tâm nhăn nhó nói.
- Sao thế? Tôi tò mò hỏi.
- Thì tụi tao thường hay trêu lão, thậm chí còn đột nhập nhà lão mấy lần. Với cả, tại lão khó tính quá nữa cơ, mặt chả bao giờ cười, lại còn hay bắt ne bắt nét bọn con nít trong thị trấn.
- Là sao cơ?
- Thì kiểu như tụi tao đi dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe, lão mà thấy kiểu gì cũng hét “Chúng mày muốn chết à!”. Hay khi tụi tao la cà sau buổi học mà chưa về nhà, kiểu gì lão cũng giơ tay dọa về mách bố mẹ tụi tao. Lại có lần, lão còn đến tận nhà tao, lôi cả bố mẹ tao ra mắng vốn vì tao trêu chọc mấy đứa bán vé số ở tá túc trong nhà lão… Ôi dào, nhiều chuyện lắm!
Nghe thằng Tâm kể, nó bỗng tò mò về lão Ngôn. Một lão già cáu kỉnh, khó gần đối với bọn trẻ tụi nó ư? Dấu chấm hỏi rõ to hiện lên trong đầu nó. Thế nhưng, ẩn đằng sau những lời kể của mấy đứa bạn, nó thấy thấp thoáng một điều gì đó không rõ xui nó tìm hiểu thêm về con người đặc biệt này. Nghĩ là làm, nó quay về hỏi ngoại và những người xung quanh. Từ lời kể của ngoại, nó lại biết thêm đôi điều mà bọn thằng Tâm chưa chắc đã biết. Đó là lão Ngôn không phải người gốc thị trấn này. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc không lâu, lão lúc ấy còn trẻ, đến định cư ở thị trấn, một mình với chiếc ba lô, bộ quân phục sờn cũ, cái chân đi khập khiễng. Lão làm đủ nghề để sống. Nào là sửa xe đạp, đi bốc vác trong chợ, kể cả đi làm thuê nếu có ai hỏi. Lão sống lặng lẽ lắm, và hiền, thậm chí còn hơi gàn dở. Kiểu như, lão cứ khư khư giữ mảnh đất mà lão tậu hồi xưa, không chịu bán; hay mỗi năm lão sẽ biến mất khỏi thị trấn một thời gian rồi lại trở về, xơ xác và mệt mỏi… Mấy chục năm như thế, người dân xóm chợ dần quen với sự có mặt của lão, và lão cũng trở thành một góc của phố huyện nghèo. Mấy năm gần đây, lão già hẳn, không còn sức để làm việc nên chuyển sang nghề gom ve chai. Phố huyện cũng dần giàu có và sôi động hơn, nhịp sống cũng trở nên ồn ào và gấp gáp hơn. Chỉ có lão Ngôn vẫn vậy. Thời gian gần đây, lão còn cho mấy đứa trẻ dạt về phố huyện bán vé số và đánh giày dạo ở nhờ nữa. Và hình như vì vậy, ngôi nhà cũng trở nên đỡ trống trải, đìu hiu.
Nghe được chuyện của lão Ngôn, trong lòng nó không còn là sự tò mò. Nó thực sự quan tâm đến con người đặc biệt này. Hàng ngày, lão vẫn đạp chiếc xe cà tàng đi gom ve chai rồi nhập cho đại lý. Nhận từ tay người chủ những đồng tiền lẻ cũ nát, nhàu nhĩ, lão vuốt cẩn thận rồi cẩn thận cài vào một cái túi cũ trong ngực áo. Có lần nó còn mạnh dạn đến nhà lão Ngôn, vào xin miếng nước và làm quen với lão. Nhiều lần như thế, nó tạm được gọi là khách quen của lão, thậm chí là biết được một số thói quen hoặc những việc làm thường ngày của lão. Ví như, chiều nào lão cũng ra mấy gò đất ngoài góc vườn đứng khấn lầm rầm rồi tưới lên đó mấy chén rượu. Lão bảo với nó khi đã ngà ngà say rằng đó là mộ của đồng đội lão. Mà cũng chẳng phải mộ, đó là nơi chôn những di vật ít ỏi còn lại của những người đồng đội đã ngã xuống của lão trong chiến tranh biên giới. Hay thỉnh thoảng, lão sẽ lấy ra một tấm ảnh cũ, nước ảnh đã mờ lắm nhưng vẫn thấy loáng thoáng đó là ảnh của một cô gái. Nó chỉ dám đoán có lẽ là người yêu hoặc vợ lão cũng nên. Những lúc như thế, nó thấy trong đôi mắt mờ đục của lão như lạc vào một chốn xa xăm nào đó mà không ai có thể chạm đến. Có lần, khi thấy lão đang vui, nó hỏi:
- Ông ơi, sao ông cho mấy đứa kia ở nhờ vậy? Ông không sợ chúng nó lừa à?
Lão cười khà khà:
- Ông có gì cho chúng lừa cơ chứ! Với lại, chúng chỉ ở nhờ thôi, mình giúp được thì giúp. Chúng không được sướng như chúng mày, phải ra đời sớm, tội lắm. 
- Nhưng mà…., mọi người….
- Không sao đâu cháu ạ, mình cứ sống theo lương tâm của mình thôi.
Nó ngồi lặng bên lão Ngôn, lại thoáng nghĩ về khu phố nơi nó ở, những người những việc vẫn diễn ra hàng ngày. Hình như… khác quá. 
Thấm thoắt, nó đã ở quê được mấy tháng. Sắp đến rằm trung thu. Mấy ngày này, bọn trẻ trong xóm cầm những lồng đèn với những hình thù khác nhau nô nức đi khoe khắp nơi, trông bọn nó có vẻ hào hứng lắm. Đứa thì khoe được bố mua cho, đứa thì bảo chị gửi về từ thành phố… Những chiếc đèn sặc sỡ, xinh đẹp bày bán đầy trên các gian hàng phố huyện. Cũng mấy hôm đó, nó thấy lão Ngôn đưa một bó tre, nứa, giấy màu, hồ dán về nhà và lọ mọ làm đèn ông sao. Mấy đứa trẻ trong thị trấn xúm lại dè bỉu:
- Ối dào! Lão gàn lại định kiếm chác gì từ vụ đèn trung thu thì phải.
- Lão làm xấu như ma, ai thèm mua !
Nó và mấy đứa bạn cũng tò mò không biết lão làm nhiều đèn ông sao thế làm gì, rồi ai mua. Đèn Trung Quốc đầy rẫy, lại đẹp. Tôi hỏi thì lão chỉ lặng lẽ cười. Làm đèn trung thu thực ra không khó lắm. Cắt nan, cắt giấy, dán hồ, đính que,… các công đoạn ấy nó ngồi chầu chực bên cạnh lão một hồi rồi cũng làm theo được. Để giúp lão hoàn thành lượng công việc khá nhiều, nó kéo mấy đứa bạn đến nhà lão hỗ trợ. Ban đầu chúng tỏ vẻ vùng vằng, nhưng khi nó thuyết phục thì chúng cũng nghe theo. Những chiếc đèn ông sao nhanh chóng được hoàn thành. 
Chiều ngày 13 âm lịch, khi ánh trăng đã bắt đầu dát vàng trên mọi nẻo đường quê, khi tiếng trống tập múa lân rạo rực vang lên trong các thôn xóm, lão Ngôn cũng xếp số đèn đã làm gọn ghẽ vào những chiếc hộp giấy và bảo chúng tôi chở đi cùng lão. Cả bọn rồng rắn đi theo sau chiếc xe cà tàng của lão ra vùng ngoại vi thị trấn. Ở đó có một xóm chài nghèo. Những đứa trẻ xóm chài quanh năm theo mẹ lênh đênh hết vùng này sang vùng khác. Thuyền dừng ở đâu thì cư dân xóm chài tạm cư ở đó. Nhưng vì cuộc sống tạm bợ nên lũ trẻ xóm chài cũng chẳng được đến trường, chúng sống gần như tách biệt với cư dân thị trấn. Đến nơi, chúng nó thấy khoảng hơn hai mươi đứa trẻ từ khắp mọi ngõ ngách cháy túa ra reo:
- Ông Ngôn đến, ông Ngôn đến chúng mày ơi!
- Ông ơi, ông đem gì đến cho chúng cháu thế?
Lão Ngôn cười hiền từ:
- Mấy đứa lại đây, ông cho cái này. Nói rồi lão dỡ mấy thùng giấy từ trên xe xuống, cầm từng chiếc đèn ông sao sặc sỡ trao cho từng đứa trẻ.
- A, đèn ông sao chúng bay ơi! Ông Ngôn làm đèn cho chúng ta này! Ông tài quá! Cảm ơn ông!
Nhìn từng đôi tay nhem nhuốc cầm chiếc đèn giơ lên ngắm, đôi mắt ngời sáng, nụ cười tươi rói, mấy đứa chúng nó đứng sững ra, nhìn nhau và chẳng biết nói gì. Nó cũng chỉ biết lặng lẽ ngắm nhìn lũ trẻ, lặng lẽ nhìn niềm vui đang ngời sáng trong con mắt mờ đục của lão Ngôn, hình như niềm vui làm cho gương mặt lão bừng sáng, đẹp lạ! Hình như trăng đã bắt đầu lên, đã bắt đầu dát bạc lung linh cả xóm chài….


              P.L.H.C

 


 

. . . . .
Loading the player...