02-09-2019 - 07:20

Tổ quốc nơi đầu sóng - Tạp chí Hồng Lĩnh

Kỷ niệm 74 năm Quốc Khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2019). Tạp chí Hồng Lĩnh số 157 giới thiệu tùy bút "Tổ quốc nơi đầu sóng" của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

 

         Đất nước ta có một địa hình giàu tính biểu tượng: vừa mềm mại phóng khoáng lại vừa cương quyết kiên cường như một thi sỹ đã ví: “Đất nước giống như nàng tiên múa - Lại hóa thành ngọn lửa lúc cuồng phong”. Đối diện với biển Đông bao đời, dải đất hình chữ S đã gánh chịu bao sóng gió thiên nhiên, bao cuộc xâm lăng đến từ biển. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” đã nói hộ hàng triệu trái tim những người yêu nước: “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển - Có một phần máu thịt ở Hoàng sa”. Tên các hòn đảo trong các quần đảo Trường Sa cũng mang dáng dấp quê nhà, cũng nao nao bao nỗi nhớ. Có một đảo mang tên “Thị tứ”, lại có đảo “Tiên nữ” và đảo “Vành khăn”, rồi đảo mang tên loài chim “Sơn ca” … Tất cả đều “Sinh tồn” trong khát vọng sống với lòng yêu thiên nhiên thiết tha. Tổ quốc thật cụ thể, huyết mạch như nhà thơ Xuân Diệu đã từng khẳng định: “Tình yêu Tổ quốc là ngọn núi, dòng sông - Đến lúc tột cùng là dòng huyết chảy”. Núi thì núi Tản Viên, nơi còn lưu giữ chống giặc Ân của chàng trai Thánh Gióng. Sông thì sông Bạch Đằng nhấn chìm bao tàu giặc. Và huyết chảy trên đảo Phan Vinh mang tên người anh hùng của đoàn tàu không số.

Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang - Ảnh: Internet

         Tổ quốc nơi đầu sóng là dân tộc Việt Nam ta ngàn đời luôn đối đầu với cuồng phong gió dữ. Mỗi tên núi tên sông, mỗi tên đồng, tên biển đều gắn với bao chiến công hiển hách, gắn với bao huyền thoại lạ kỳ. Tôi đã có dịp lên địa đầu Tổ quốc gặp lá cờ bay trên cột cờ Lũng Cú có diện tích rộng 54m2 tượng  trưng cho 54 dân tộc anh em, phần phật bay trên đồi cao lộng gió. Lá cờ như một biểu tượng kết đoàn, một sức mạnh lớn lao của “Con Lạc, cháu Hồng” trong nguồn cội. Tôi đã vào đất mũi Cà Mau lại gặp lá cờ đỏ sao vàng trên con thuyền đất nước. Ôi, đất nước thân thương ở nơi tận cuối đất cùng trời này những chùm rễ đước bám chặt vào đất đai Tổ quốc và lấn biển bằng phù sa của niềm tin đắp bồi nhân nghĩa. Nếu ở Lũng Cú bao ngọn núi nhấp nhô tua tủa như những mũi tên hướng căng lên trời thì ở đây, đước Cà Mau đan thành tấm áo giáp xanh bền chặt, màu xanh bền bỉ và thăm thẳm. Lá cờ ở đất mũi Cà Mau được kéo lên trên đỉnh cột buồm: “Tổ quốc ta như một con tàu - Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau” (Xuân Diệu). Tư thế của đất nước luôn đứng đầu mũi sóng ngọn gió, lớn lao như tường thành, vững chãi mang  dáng dấp của con tàu sừng sững thì lại rất độ lượng thân tình của một mũi thuyền biết lách qua bao bão tố và băng lên phía trước một cách điềm tĩnh với phong độ chèo lái uyển chuyển, đĩnh đạc... Ở Trường Sa lại có một lá cờ khổng lồ không phải may bằng vải, dệt bằng vải mà được gắn kết từ gốm sứ, từ đất đai Tổ quốc đã nung qua ngàn độ lửa. Màu đỏ, sắc cờ ấy, màu vàng ngôi sao ấy đã tôi qua bao thử thách, kết tinh qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, các họa sỹ trẻ để tạo thành lá cờ Tổ quốc bằng chất liệu gốm sứ. Đó là hồn dân tộc mà chẳng có bão gió nào làm rách được, làm rạn vỡ và mài mòn được. Lá cờ ấy trên đảo Trường Sa là lá cờ thấm máu anh hùng Trần Văn Phương lấy thân mình che chắn bằng trái tim đỏ, dòng huyết mạch của mình giữ đảo. Những người lính trên đảo Thuyền Chài, một hòn đảo chìm mà nhà thơ Trần Đăng Khoa trong bài thơ “Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài” đã ngân lên tiếng vọng thiết tha với một tình yêu Tổ quốc lớn lao và cụ thể vô cùng: “Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống - Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài”.

         Tổ quốc nơi đầu sóng: Ở đây trên những hòn đảo thân thương này ta bắt gặp mái chùa cong bên rặng tre ngà và tiếng trẻ học bài ở ngôi trường dựng bên bờ sóng. Đó cũng chính là những cột mốc chủ quyền bên vững và vĩnh cửu. Tổ quốc mới mẻ sinh ra ở nơi này: “Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão - Thêm một lần tổ quốc được sinh ra” (Nguyễn Việt Chiến). Những vạt rau xanh, xanh không bởi sự chăm bón dành dụm từng ngụm nước ngọt sẻ chia của những người lính, trẻ mà còn xanh bởi tâm hồn trẻ trung phơi phới yêu đời, yêu cuộc sống dù lính đảo còn thiếu thốn đủ thứ. Tôi nhớ một người bạn gái phóng viên ra đảo, công việc đầu tiên của cô lúc chuẩn bị xa đất liền là dành dụm những đồng tiền tiết kiệm của mình tìm mua những loại hạt giống rau có sức chịu đựng gió cát, có sức sống mãnh liệt nhất. Đó là sự chăm bón gieo trồng, sự hồi sinh để phồn sinh luôn là trực cảm đau đáu trong mỗi người mẹ. Ở đây không chỉ trồng cây mà còn ươm cây. Không chỉ chăm cây mà còn bón cho cây những giọt nước như mẹ bón cho con những giọt sữa. Nâng niu và tỏa mát, bóng người tỏa mát trên bóng cây, tiếng người hòa trong tiếng gió cây. Vâng, ở đây mỗi sáng trên mặt biển mọc ra mặt trời, đảo biển mọc ra tiếng gà và lăn tròn quả trứng có lòng đỏ như mặt trời. Quả trứng là ấp ưu sự sống... Tổ quốc bắt đầu bằng sự tô đậm các sắc màu, các tỉnh thành trên bản đồ chữ S như những mắt na. Tổ quốc bắt đầu bằng tiếng đánh vần chữ cái, tiếng Việt thân thương với bao dấu hỏi, sắc, bằng, nặng, ngã, tiếng Việt là hồn Việt, giữ gìn bờ cõi tổ quốc chính là giữ gìn sự trong sáng muôn đời của tiếng Việt. Tổ quốc nơi đầu sóng là nơi mà cả nước hướng về, cả nước dõi theo, cả nước cùng thức một nhịp đập trái tim. Ở đây có đền thờ Bác Hồ, có tượng Trần Hưng Đạo, có công viên mang tên Võ Nguyên Giáp, những người anh hùng của dân tộc luôn đồng hành bên các anh như một thành trì vững chãi. San hô là hoa đá kết thành vòng hoa đắp lên bao nấm mộ của những người ngã xuống… Đá, cát, sóng quyện chặt vào nhau, kết tủa nhau thành lấp lánh san hô đọng nắng mặt trời. Đó cũng chính là phù sa biển, nước mắt biển, máu biển. Tôi mới hiểu vì sao nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có một phát hiện rất tinh tế, rất thăm  thẳm khi viết về những cô gái thông tin ở “tổng đài hải đảo”: “Em chỉ sợ những ngày biển yên - Em không sợ những ngày biển động” - Những ngày biển động cô phải lắng nghe dõi theo những tín hiệu thông tin lọc qua bao nhiễu sóng công việc lấp đầy. Chỉ khi biển yên, sóng gợn, gió nhẹ lúc đó  nỗi nhớ đất liền, nỗi nhớ người thân, người thương mới dào lên những con  sóng lòng. Chính cái nỗi nhớ ấy lại là điểm tựa cho đảo trụ vững giữa biển khơi. Cái neo nhớ thương ấy đã neo vào vững chắc từ cội nguồn truyền thống đạo lý bao đời của dân tộc ta. Một dân tộc yêu chuộng thiết tha hòa bình, thiết tha dựng xây tổ quốc không chỉ bằng những công trình hiện đại mà xây cả nền móng nhân nghĩa từ bậc thềm “Lục địa văn hóa”. Nhưng dân tộc ấy sẵn sàng đánh trả những ngọn sóng ngoại xâm, xắn tay áo gồng lưng bảo vệ đất đai Tổ quốc trước những ngọn sóng biển khơi không chỉ bằng mồ hôi, máu của mình mà bằng cả trầm tích lịch sử muôn đời, bắt đầu dựng nước đã phải căng mình ra dựng nước. Nước ở đây có cả biển, biển thẳm, biển mặn, và biển cũng chính là “lá chắn xanh”, biển là vành đai cũng là vành đê mà Tổ quốc ta đã “cấy” lên đó cỏ xanh bất diệt của thăm thẳm biển. Cỏ của niềm tin, cỏ nhoi nhói mỗi nhịp hồng cầu, cỏ đan dệt thành tấm áo giáp…

         Tổ quốc nơi đầu sóng không chỉ là những hòn đảo có tên và không tên,  đảo nổi và đảo chìm, đảo to và đảo nhỏ. Tổ quốc ở đây có khi là còn là một sắc trời mây biển mang theo cả cơn mưa nước ngọt từ đất liền ra, có khi là một giọng hát dân ca lọc qua bao bão gió với da diết: “Người ơi người ở đừng về”. Tổ quốc ở đây là đất đai dù chỉ là gói đất nhỏ vụn tơi mang cả phù sa hơi thở ân tình đồng ruộng. Những đường hào ngoằn ngòeo trên đảo lại nhớ trò chơi  rồng rắn ngày thơ bé, súng đạn dựng bên người bên đảo lại nhớ hình cái cày, cái cuốc. Tổ quốc đã “phủ sóng” đến tận nơi này bằng “Tổ quốc là tiếng mẹ”.Tâm thức Việt, tâm linh Việt cũng là một tấm chắn vững bền để chống  chọi những cái ngoại lai, ngoại xâm một cách bền vững và đĩnh đạc đàng hoàng, của cái tư thế: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững - Lưng đeo gươm tay mềm  mại bút hoa - Trong và thật sống hai bờ suy tưởng - Sống hiên ngang và nhân ái chan hòa” (Huy  Cận)…

Hà Tĩnh, ngày 18 tháng 8 năm 2019

                                                                                                 N.N.P

 

. . . . .
Loading the player...