05-07-2019 - 07:10

Tình người nơi bão lửa: Bút kí của Nguyễn Ngọc Vượng

Chỉ trong 3 ngày từ 28/6 đến 30/6 vừa qua, cơn đại hỏa hoạn chưa từng có xảy ra trên dãy núi Hồng Lĩnh, thuộc địa bàn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã tái diễn tới 3 lần, thiêu rụi hơn 50 ha diện tích rừng thông trên 40 năm tuổi, để lại hậu quả nặng nề về môi trường và cuộc sống của người dân trong vùng.

    Chuyện bắt đầu từ một hành động bất cẩn của một người nông dân tưởng chừng vô tội sinh sống tại thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) trong lúc đốt lửa dọn vườn vào giữa trưa ngày 28/6, bằng suy nghĩ hết sức đơn giản là chỉ để cải tạo vườn, trồng thêm các loại rau củ cải thiện cuộc sống gia đình. Ngờ đâu, giấc mơ bình dị của người nông dân ấy thật vô duyên, bởi đã vô tình tiếp tay cho "giặc lửa". 

    Vậy là cơn đại hỏa hoạn bắt đầu ập đến, nhanh chóng tràn lên rừng thiêng Hồng Lĩnh, trở thành cơn bão lửa khủng khiếp chưa từng có từ hàng chục năm qua, càn quét từ ngọn núi này đến ngọn núi khác và bủa vây khắp cả một vùng rộng lớn nơi cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, sẵn sàng thách thức tận diệt hết tất thảy mọi sự sống còn trên đại ngàn Hồng Lĩnh mênh mông, cùng với  99 đỉnh núi điệp trùng đại bàng tụ về trong huyền tích.
    Cơn bão lửa được sự tiếp sức vô điều kiện của tiết trời hanh khô, nắng nóng và nền nhiệt cao kỉ lục từ hàng chục năm nay đã kéo dài từ nhiều ngày trước đó, lại như có sự thỏa hiệp tiếp tay của ma trận gió Lào dồn dập từ trên truông gió Ngàn Hống xông về. Cứ thế, bão lửa chồng lên bão lửa như những cơn roi lửa khổng lồ mặc sức quất xuống, quất lên, phả hơi nóng ngột ngạt xuống mặt đất và nhuộm đỏ cả bầu trời.

    Trước cơn nguy khốn đó, chính quyền huyện Nghi Xuân khẩn trương phối hợp với các lực lượng PCCC Công an Hà Tĩnh, Công an Nghệ An; lực lượng Công binh Quân khu IV; các nhóm thanh niên tình nguyện, các nhóm thiện tâm từ các nhà chùa trong vùng "đất Phật" Ngàn Hống và người dân địa phương... huy động hàng chục xe chữa cháy chuyên dụng và các loại phương tiện chữa cháy tối ưu nhất có thể có được, cùng hàng ngàn người tham gia chữa cháy, không ngại hiểm nguy lao vào biển lửa để chữa cháy.
    Sau một gần một ngày đối diện với giặc lửa, đến chiều tối 28/6 thì đám cháy bắt đầu được khống chế. Không biết có chủ quan hay không? Ngay sau khi đám cháy vừa ngớt, lãnh đạo huyện Nghi Xuân tỏ ra phấn khích, vội vàng phát đi thông điệp: "Đám cháy đã hoàn toàn được dập tắt, mọi hoạt động đã trở lại bình thường..." Vậy nhưng, khi mọi người chưa kịp thở phào ăn mừng thì vào khoảng 3 giờ sáng, ngày 29/6, ngọn lửa bắt đầu tái bùng phát, nhanh chóng lan ra diện rộng, khiến lực lượng chữa cháy trở tay không kịp. 

    Cơn bão lửa không chỉ dừng lại ở phạm vi tại khu vực giáp ranh giữa xã Xuân Hồng và thị trấn Xuân An mà lúc bấy giờ nó đã tràn lên tứ phía, xâm chiếm toàn bộ các đồi thông thuộc tiểu khu 92 và khu dân cư khu phố 1, thị trấn Xuân An, nơi có hơn 80 hộ dân, chủ yếu là cán bộ, công nhân nghèo của Xí nhiệp giao thông đường bộ 474 trước đây, thuộc Tổng giao thông 4 đang sinh sống.
    Trước tình hình đó, những hộ dân vùng bị ảnh hưởng này đã nghĩ tới việc "bỏ của chạy người". Tuy nhiên, lực lượng chữa cháy đã có mặt kịp thời nhanh chóng quyết định chọn phương án bỏ rừng cứu dân và tài sản của dân đến nơi an toàn. Đồng thời, tính đến cả phương án 2 là chặt phát đường băng cản lửa, chấp nhận đánh đổi toàn bộ khu rừng đang cháy và phạm vi không còn khả năng chữa cháy để bảo toàn phần còn lại.
    Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng PCCC cùng 13 xe cứu hỏa  được tập kết tại các "điểm nóng" trong khu vực dân cư trên, tập trung phun nước bảo vệ nhà cửa của dân, quyết không cho lửa cháy tới. Bên cạnh đó, lực lượng chữa cháy cũng khẩn trương hỗ trợ người dân đi sơ tán và vận chuyển đồ đạc tập kết đến nơi an toàn. Có thể nói, trong quá trình chữa cháy thì đây được coi là thời điểm cam go nhất, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ là hàng trăm người dân cùng nhà cửa và tài sản của họ sẽ biến thành tro bụi. 
    Bà Lê Thị Phượng (57 tuổi) trú tại tổ 5, khối dân phố 1, thị trấn Xuân An chưa hết bàng hoàng kể lại: "Trong lúc biển lửa đang bao trùm lấy nhà bà cùng toàn bộ 11 hộ gia đình của tổ phố, nếu không có lực  lượng cứu hộ đến kịp thời thì có lẽ dẫu có chạy thoát thân được cũng không còn nhà cửa để ở nữa". 
     Còn chị Nguyễn Thị Lan ( 50 tuổi) hàng xóm với bà Phượng thì bất thần nhớ lại: "Trong lúc lửa bao trùm lên cả ngọn đồi phía sau nhà, chị bất thần cầm một miếng xốp trong tay chạy đi, chạy lại trước nhà không biết làm gì. Đến khi mọi thứ đồ đạc trong nhà và người nhà được lực lượng cứu hộ đưa đi sơ tán chị vẫn như điên, như dại không biết mình đang ở đâu. Lúc này có một chiến sĩ công an còn rất trẻ ghé vào tai chị thét lớn như ra lệnh và kéo chị ra khỏi khu vực nguy hiểm, chị mới chợt biết mình còn sống. Tuy nhiên, miếng xốp chị cầm quên trên tay đã chảy quẹo lại lúc nào, chị cũng không nhớ nữa!
    Chỉ lên những ngọn đồi cháy tan hoang phía sau vườn, chị Lan và những người hàng xóm của chị tỏ ra hết sức lo lắng! Bởi dốc đồi thẳng đứng, chỉ trơ lại đất và đá. Nếu chỉ cần một trận mưa to, có thể sẽ gây sạt lở, hàng ngàn khối đất đá có thể đè lên cả tổ dân phố. Và lúc đó, tai họa có thể còn hết sức không lường! 
    Theo những người dân ở đây thì tổ dân phố này mới được hình thành từ khoảng hơn 30 lại nay, sau khi Xí nghiệp giao thông đường bộ 474 đóng trên địa bàn giải thể chia lại cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị ở. Tất cả mọi người đều ý thức được việc: Nếu xảy ra cháy rừng sẽ kéo theo những hệ lụy khác đe dọa trực tiếp quyền sống của họ. Nhưng cơn tai biến cháy rừng vừa xảy ra là bất khả kháng, hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.
Thật trớ trêu. Khi cơn bão lửa tái diễn lần thứ 2 vừa tạm thời được khống chế vào  trưa ngày 29/6, một lần nữa lãnh đạo hyện Nghi Xuân lại phát đi thông điệp: "Vụ cháy rừng tại địa bàn đã tạm thời được khống chế, hơn 50 ta rừng thông bị cháy, nhưng không có thiệt hại về người; về các thiệt hại khác chưa thể thống kê..."  
    Ai hay, thông báo dường như chưa kịp tạm an lòng những người dân vừa vật vã trải qua hai cơn chống chọi với giặc lửa đến kiệt quệ, thì đến khoảng 14h30 cùng ngày, đám cháy lại bùng phát trở lại. Dĩ nhiên là cái giá phải trả lúc này là quá đắt hơn nhiều so với hai đợt cháy trước đó.  Bởi mức độ tàn phá của nó kinh khủng hơn, sự lì lợm và biến tướng của nó càng khó khăn hơn cho lực lượng chữa cháy. Đây cũng là đỉnh điểm của nắng nóng và gió Lào, nên dù hàng chục, hay hàng trăm chiếc vòi xe cứu hỏa thay nhau phun nước xuống thì cũng chẳng khác nào muối bỏ biển. Thậm chí nơi nào bắt được nước, ngọn lửa càng bùng lên hung dữ hơn, kéo theo tiếng nổ liên thanh như pháo rền trời, bụi bay mù mịt.

    Không còn cách nào khác, lúc này lực lượng PCCC quyết định tiếp tục chọn phương án tối ưu nhất là phát đường băng cản lửa với quy mô rộng hơn, chặt phát tới đâu dọn sạch tới đó, đồng thời tập trung bảo vệ và phòng chống cháy dọc theo các đường băng để cô lập hoàn toàn đám cháy. Tuy nhiên, phải đến 8h30, ngày 30/6 cơn bão lữa mới hoàn toàn được khống chế. 
    Rút kinh nghiệm 2 lần cháy trước đó, chính quyền huyện Nghi Xuân đã yêu cầu các lực lượng chữa cháy túc trực 24/24, kiểm tra chặt chẽ các điểm xung yếu có thể tái cháy; cương quyết không cho đám cháy bùng phát trở lại. 
    Trong lúc cơn đại hỏa hoạn trên núi Hồng Lĩnh vừa được khống thế thì tin cháy rừng cũng đã liên tiếp xảy ra tại các huyện: Hương Sơn, Đức Thọ, Cẩm Xuyên... gây lên một "hiệu ứng hỏa hoạn" khắp địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Chỉ tính trong vòng một tuần trước và sau vụ cháy rừng lịch sử ở huyện Nghi Xuân, tại Hà Tĩnh đã diễn ra 7 vụ cháy rừng liên tiếp, gây thiệt hại hàng trăm ha rừng, chưa kể đến những thiệt hại khác về người và tài sản. 
    Cũng đúng vào thời điểm khi mà nạn cháy rừng đang đe dọa trực tiếp xuống các địa phương Hà Tĩnh thì ngoài sự tích cực chủ động trong công tác chữa cháy, thời tiết khí hậu đã có những chuyển biến tích cực, bắt đầu xuất hiện những cơn "mưa vàng" trên diện rộng, làm cho đất trời dịu xuống. 
    Đến lúc này có thể khẳng định các vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh đã tạm thời chấm dứt. Nhưng xét về lâu dài thì cháy rừng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Bởi theo số liệu thống kê ban đầu thì các khu rừng bị cháy đều là rừng sản xuất thay thế rừng tự nhiên trước đây. Vì thế, có độ che phủ và độ ẩm rất thấp; các khe suối đều cạn kiệt; mưa xuống rừng không đóng được vai trò giữ nguồn nước như rừng tự nhiên, cộng thêm nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác... Trong lúc đó, công tác giáo dục công dân về ý thức, trách nhiệm về việc bảo vệ rừng, và các công tác tập huấn an tòa phòng cháy, chữa cháy rừng chưa được quan tâm. Mà điển hình là sự bất cẩn của người nông dân đốt lửa vườn trên đã vô tình gây ra cơn đại hỏa hoạn. 
    Quay lại với cơn bão lửa chưa từng có xảy ra trên núi Hồng Lĩnh, ông Đậu Văn Tiến (50 tuổi) một người nông dân nghèo sinh sống tại vùng cửa biển xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, khi biết được tin đã vội ra ngoài vườn hái một túi chanh quả dắt vào người, rồi cầm theo một chiếc cưa xăng lên xe máy phi thẳng một mạch đến hiện trường, vất xe máy lại bên đường, trèo lên núi dùng cưa xăng phát cây, mở đường băng cản lửa. Ông Tiến vốn từng làm nghề thợ rừng nên đã quen với công việc này, ông thoăn thoắt như con sóc rừng khiến nhiều người làm công tác hậu cần dọn đường băng theo ông không kịp. Suốt hai đêm liền không ngủ, khát tới đâu ông móc chanh trong túi ra ăn tới đó. Trong 3 ngày cháy rừng liên tiếp, ông Tiến đã phát được hàng ngàn cây rừng,  dọn sạch đường băng cản lửa, cô lập đám cháy. 
    Vậy nhưng, khi cơn bão lữa vừa được khống chế cũng là lúc ông lặng lẽ vác cưa xăng xuống núi, không phải trở về nhà tắm rửa, nghỉ ngơi mà vào thẳng Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân để chăm vợ. Bởi trước khi đi chữa cháy, vợ ông được đưa đi cấp cứu mổ ruột thừa tại bệnh viện này, và biết được tình trạng bệnh tình của vợ qua thăm khám của bác sĩ nên ông đã tình nguyện đi chữa cháy trước. 

 Cũng đúng vào thời điểm cam go nhất vào chiều ngày 29/6, trong lúc toàn bộ lực lượng PCCC đang tập trung phương án cứu người và nhà cửa tài sản của các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng, ông Lê Văn Hồng (61 tuổi) chủ nhà hàng Minh Hồng tại TP. Vinh, (Nghệ An) biết được tin đã từ tâm bàn với vợ con và nhân viên trong nhà hàng, tình nguyện phục vụ những người làm đang làm công tác chữa cháy. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ khoảng 16 giờ đến 17 giờ chiều cùng ngày, nhà hàng của ông đã huy động được 500 suất cơm, 500 lon Bò húc, 500 lon cô ca, 600 chai nước khoáng và 300kg đá lạnh chở đến tận hiện trường, phục vụ tại chỗ lực lượng chữa cháy. 
    Nhờ được sự tiếp sức của nhà hàng Minh Hồng, lực lượng chữa cháy tiếp tục căng mình thức trắng đêm hôm đó cho tới tận sáng hôm sau để dập lửa. Đến chiều 30/6, nhà hàng Minh Hồng lại tiếp tục tình nguyện phục vụ lực lượng chữa cháy với các khẩu phần thức ăn đồ uống trên, nhưng thấy mọi người lúc này đã thấm mệt nên ông Hồng bàn với vợ hỗ trợ thêm 500 hộp sữa. 
    Trao đối với chúng tôi ông Lê Văn Hồng cho biết: "Bản thân ông từng làm nghề đạp xích lô còn vợ ông từng làm nghề bán cháo rong ở TP. Vinh nên ông hiểu được thế nào là nỗi vất vả của các tầng lớp lao động. Đây không phải lần đầu, mà 5 năm trước, vợ chồng ông đã từng tổ chức chương trình hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc màu da cam dioxin; các ngày thứ bảy hàng tuần nhà hàng của ông đều dành thời gian nấu cháo tình thương, phục vụ bệnh nhân nghèo tại một số bệnh viện trên địa bàn TP. Vinh.  Lần này, bên cạnh những con số về sự đóng góp của gia đình ông thì hành động đầy tình thương thân thương ái giống như một cơn mưa quý giá đổ xuống giữa đám cháy đang tàn phá trên những cánh rừng và đe dọa sinh mạng bao nhiêu con người.
    Tại hiện trường xảy ra cơn hỏa hoạn lịch sử, giờ đây chỉ còn lại những mảng đồi phủ đầy tro bụi. Cơn mưa chiều đang rơi nặng hạt cũng chẳng làm dịu đi cái nóng ngột ngạt từ trong lòng đất, lòng người! Đây chính là cửa ngõ phía Bắc của Hà Tĩnh, nơi được chia ra hai ngã đường lớn ôm trọn lấy dãy Hồng Lĩnh. Trên đường từ Bến Thủy về thành phố Hà Tĩnh, tôi chỉ biết cố tình giảm chân ga cho xe chạy thật chậm để  đỡ phải làm đau thêm những linh hồn cây đã chết!
    Biết là những việc phải làm ở phía trước vẫn còn rất nhiều, nhưng chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu!... 


Nguyễn Ngọc Vượng

. . . . .
Loading the player...