04-11-2021 - 15:24

THÔN BÁU LÂM

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 10/2021, trân trọng giới thiệu bài viết về làng cổ "Thôn Báu Lâm" của Võ Giáp

 

 

THÔN BÁU LÂM

                                                                                                  

Báu Lâm là cồn nổi Quần Mộc (còn gọi là Cồn Mộc, là Soi Mộc) giữa dòng sông Lam và là một trong Nghi Xuân bát cảnh “Quần Mộc bình sa”. Báu Lâm xưa thuộc xã Ao Cầu quản lý, nối với nhau bằng con đò ngang: Triều xuống lúc chờ đò/ Mặt bùn nhẹ bước đo/Nước xuôi, mềm bóng cá/ Gió ngược, mỏi thân cò/Thanh thản sang đò nhỏ/Ung dung dựa sóng to/  Hạ, non Hồng thấp lạ/Quần Mộc nắng xanh no… Có thời dân cư ở đây trở nên đông đúc, thì Soi Mộc trở thành 2 giáp Thượng Lộ và Thiên Lộc. Đến đời vua  Gia Long lại nhập thành Cồn Mộc. Sang đời vua Minh Mạng lại tách thành 2 giáp Trường Xuân và Thiên Lộc rồi lại nhập thành thôn Báu Lâm. Khi Ao Cầu tách thành 2 xã Tả Ao và Tiên Cầu thì Báu Lâm thuộc xã Tiên Cầu. Năm Kỷ Tỵ (1929) Báu Lâm tách khỏi Tiên Cầu thành làng riêng.

Cồn Mộc, bên cạnh là một cảnh đẹp, còn là một bãi chiến trường dai dẳng. Vì là một cồn nổi giữa sông nên cũng là một mảnh chắp giữa hai bờ và tách thành 2 vùng Soi - Mộc. Soi thuộc bờ bắc gọi là Cẩm Mỹ. Mộc thuộc bờ nam gọi là Ngọc Lâm (thuộc Nghi Xuân).

Cuộc tranh ngôi giữa Mạc và Lê. Rồi cuộc phân tranh giữa Trịnh và Nguyễn, lúc này sông Lam gần như là một chiến tuyến, chúa Nguyễn giữ bờ nam, chúa Trịnh giữ bờ bắc và cuộc giao tranh dữ dội xẩy ra trên 2 bờ sông Lam. Có lúc Nguyễn Hữu Dật chiếm được Nghi Xuân và đóng đại bản doanh ở núi Lần, còn lũy trên núi Lần lại do Trịnh Toản đắp, hai bên tranh chấp nhưng cuộc chiến quyết định lại xẩy ra ở Cồn Mộc, quân Nguyễn thua phải rút về Cương Gián. Sau này cũng ở Cồn Mộc, quân Tây Sơn lại đắp thành (bằng đất), dân gọi là “Lũy người Tày” chứa kho lương. Và mấy năm đầu thế kỷ XIX lại có trận giao chiến giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh trên sông Lam quanh Cồn Mộc này.

Tuy vậy, Cồn Mộc còn là chốn nhà Lê chọn làm nơi sơ khảo trước khi thi hương.

Nếu không kể dân vạn chài ở tạm, thì cư dân xuất hiện ở Cồn Mộc có từ thời Lê, buổi đầu là các họ Hồ, Lê, Trần, Nguyễn, Ngô, … đến khai hoang lập làng.  Như gia phả họ Hồ ghi, năm Bính Tý (1516 - Đời Quang Thiệu), họ Hồ bị giặc Tàu Minh phong tỏa, sau đó cụ Hồ Di (hậu duệ của trạng nguyên Hồ Hưng Dật) rời Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào Cồn Mộc khai khẩn đất hoang và trở thành thủy tổ họ Hồ ở Báu Lâm này.

Đất đai vùng này màu mỡ vì hàng năm được phù sa bồi phủ, nên nghề trồng lúa, trồng cói (lác) nếu không gặp lũ trôi thì có thu hoạch cao, ở đây còn có nghề đánh cá sông, nghề dệt chiếu, nghề nuôi trâu bò nổi tiếng (Lắm trâu Cẩm Mỹ). Có phải họ Hồ ở đây là dòng dõi của họ Hồ học hành khoa cử không, hay bởi nơi này cũng có lúc là trường thi mà việc học cũng được người dân chú trọng!

Trên Cồn Mộc có đền Thượng, đền Đông, đền Nhà Me, đền Hai Ông (do dân nhặt được hai bát hương rồi rước về lập đền thờ), chùa Cồn, chùa Ngọ. Các đền chùa ở đây chỉ có quy mô nhỏ, riêng nhà thờ họ Hồ lại có quy mô đáng kể. Nhà thờ dựng năm Giáp Thìn (1774) có 3 gian, các bộ phận đều làm bằng gỗ lim, lợp ngói vảy. Phía trong có bức hoành phi “Phúc Thiện Đường”, phía ngoài có bức khác với 3 chữ  lớn “Cổ Nguyệt Tự” (chữ Hán: Cổ + Nguyệt = Hồ). Mỗi gian có một chạn thờ với bộ long ngai cổ, gian giữa thờ thủy tổ Hồ Di sinh năm Kỷ Dậu (1609), tự Như Khuê, húy Liên, đậu tú tài năm Bính Tý (1636), được bổ làm quan, sau về hưu.

Một gian thờ thần tổ Hồ Giáo, sinh năm Tân Tỵ (1641), tự Việt Hoàn, là con trai đầu của thủy tổ (thủy tổ có 4 cin trai thì 3 tú tai và 1 bá hộ). Thần tổ phò Lê đánh Mạc ở Cao Bằng được vua phong võ tướng, giặc tan về trau dồi kinh sử và đỗ đầu bằng tú tài, được phong tước khanh hầu. lại do có công bảo quốc hộ dân nên được vua nhà Nguyễn phong 3 đạo sắc “Bản cảnh”, thần tổ làm hộ bá liêm trực được gia phong “Dực bảo trung hung”, gia tăng “Đoan túc tôn thần”. Cũng do có công với dân với nước nên sau khi mất được dân làng lập đền thờ gọi là đền Thượng.

Một gian thờ tiên tổ Hồ  Việt Tiên. Vua nhà Nguyễn phong 3 đạo sắc “Bản cảnh đông chinh đại tướng quân - tôn thần”.

Nhà thờ nằm trên cồn nổi giữa sông nên hầu như năm nào cũng bị lũ lụt ngâm nước. có năm nhiều nhà dân bị trôi, nhưng nhà thờ họ Hồ ở đây vẫn tồn tại với thời gian.

Hàng năm, Báu Lâm cũng có nhiều lễ hội như những địa phương khác, đặc biệt ở đây có trò chơi bơi trải, đi cầu chiền chiện.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người dân Báu Lâm cũng như người dân Tả Ao, Tiên Cầu đã che chở đùm bọc cho một số nhà hoạt động trong vùng như đồng chí Chu Huy Mân, Lê Tính, …và còn là cái nôi của cách mạng Nghi Xuân trong thập kỷ 30 của thế kỷ XX, như nhà cách mạng Hồ Văn Biên, 3 bí thư huyện ủy: Đồng chí Lê Tính, đồng chí Đinh Long, đồng chí Trần Đình Luyện, còn đồng chí Bành Đài là ủy viên BCH huyện ủy.

Báu Lâm cũng như  Tả Ao, Tiên Cầu (hai bên bờ sông) đã tạo nên một miền quê êm ả, có nền văn hóa phong phú nổi tiếng trên quê hương và trong cả nước.

            Võ Giáp

 

. . . . .
Loading the player...