28-02-2022 - 08:30

“Thiên thần mũ đỏ” và thế giới trẻ thơ

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Nhâm Dần 2022 trân trọng giới thiệu bài viết “Thiên thần mũ đỏ” và thế giới trẻ thơ (Tập thơ thiếu nhi của Tùng Bách - NXB Nghệ An 2021) của tác giả Dương Xuân Nam.

Khi tôi nhận được tập thơ viết cho thiếu nhi “Thiên thần mũ đỏ” (NXB Nghệ An, 2021) của nhà thơ Tùng Bách, không hiểu sao tôi lại nhớ đến những bài thơ ngụ ngôn của La Phông-ten. Thực lòng tôi không có ý định so sánh vì nói như người ta thường nói: mọi sự so sánh đều khập khiểng! Nhưng, nói về làm thơ cho thiếu nhi, chính tác giả - nhà thơ Tùng Bách đã tâm sự: “Nhiều năm cầm bút, tôi tự thấy mình cũng có chút duyên với mảng văn học thiếu nhi... Trẻ con thích tìm tòi, khám phá, thích bắt chước, thích những điều gần gũi, thích được gợi mở, kích hoạt. Không thích áp đặt”. Đúng vậy. Chẳng phải trẻ con mà chính người lớn chúng ta cũng không thích áp đặt! Nhưng, người lớn, cũng như không ít người có quyền lớn nhiều khi cũng tự cho mình cái quyền áp đặt!

Nhà thơ Tùng Bách, như tôi biết, những sáng tác của anh thể hiện nét dí dỏm, đó chính là đặc tính quan trọng đối với người làm thơ cho thiếu nhi. Tôi đọc tập thơ “Thiên thần mũ đỏ” và nhận thấy nhiều bài thơ trong tập khá dí dỏm, tinh nghịch, đa nghĩa, có tính truyền cảm cao: Mượn được mào gà trống/ Vịt Đực ra bờ ao/ Nghiêng mình trước vịt mái/ -Nàng trông anh thế nào?/Vịt mái lim dim mắt/- Chàng vịt đực đấy sao/ Ôi, Thiên Thần Mũ Đỏ/ Gáy em nghe tý nào?/ Vịt Đực vỗ vỗ cánh/ Ngực ưỡn...cổ vươn cao/ Quác quác quác quạc quác/ Vịt mái cười... rung ao (Thiên thần mũ đỏ). Một câu chuyện thật sinh động, thú vị và vô cùng dễ thương. Mọi sự vay mượn để làm sang cho mình cuối cùng cũng “lòi đuôi” như anh chàng Vịt Đực trong bài thơ.

Thế giới trẻ thơ chính là thế giới muôn mầu muôn vẻ của thiên nhiên, của cuộc sống. Cảm nhận và thể hiện sinh động thế giới này như nó có và cao hơn nó có bằng chính những hình tượng mà nhà thơ tái tạo trong cái nhìn tinh khiết, hồn nhiên của trẻ thơ đó chính là điều mà người làm thơ cho trẻ thơ hướng đến. Nhiều bài thơ, nhiều câu thơ trong“Thiên thần mũ đỏ” đã thể hiện rõ được điều này: Chó đi rừng về/ Tìm gặp Mèo than thở/ Hồi chiều đụng mặt Hổ/ Tý nữa thì toi đời!/ Mèo liếm mép ngoáy đuôi/ Học trò cũ tớ đấy!/ Chó thở dài... Biết vậy/ Tớ đã sủa meo meo (Học trò của Mèo). Nhà thơ Tùng Bách tâm sự: “Tôi tập tọe làm thơ từ năm 10 tuổi. Những bài thơ hồi đó thật hồn nhiên trong sáng, như giọt sương mai. Rồi khi đã là người lớn, lại mong có ngày được hòa cùng thế giới tuổi thơ để có thể đồng thoại cùng cỏ cây, hoa trái, với chó mèo, cung quăng, bọ gậy, với đám nòng nọc sắp dậy kỳ đứt đuôi lên bờ thành nhái bén”. Là vậy. Và trong “Thiên thần mũ đỏ”, tác giả đã thực sự hòa cùng thế giới tuổi thơ. Từ “Chuyện với chú Cua”: ... Đã mấy phen ẩu đả /Suýt sập hốc, tịt hang/ Cẳng không nhín nhường càng/ Càng không nhường nhín cẳng/ - Ra thế đấy thảo nào/ Cua bò ngang, phải lắm. Cả đời ở trong ao nên khi ra biển cũng cứ ngỡ là ao. Không phải chú vịt trong bài thơ ngộ nghĩnh này mà con người ta sống trên thế gian cũng vậy: Vịt tắm biển về/ Gặp ai cũng khoe/ Cái ao rộng/ Nhưng có điều hơi mặn! (Vịt tắm biển). Tôi giật mình khi đọc bài thơ “Ốc” trong tập thơ này: Loài ốc có tính lo xa/ Đi đâu cũng cố mang nhà đi theo/ Suối sâu - lội/ Núi cao - trèo/ Vặn mình rũ mãi.../ Cái nghèo không buông!. Không chỉ trẻ con mà người lớn, kể cả  người từng trải như tôi, vì sự thật minh triết mà cha ông ta đã vận vào trong ca dao: “Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo”!. Bài thơ “Ông trời” chính là câu chuyện rất trẻ thơ, nhưng cũng chính là bản đồng dao cho người lớn: Dũng ơi, chị đố Dũng/ Nói đúng cho đi chơi/ Ông Trời là ai thế?/ Nào ta bắt đầu thôi/ Một/ Hai/ Ba/ - Ông Trời...Ông Trời là/ Là Ông Trời/- Sai bét!... Phải! cho đến lúc Thằng Côi nhảy xuống ao cứu bạn, trong mắt bọn trẻ đúng là Ông Trời rồi!

Tôi thích tập thơ “Thiên thần mũ đỏ” của nhà thơ Tùng Bách vì trong đó là cả một thế giới của trẻ thơ. Thế giới mà trẻ thơ thường thấy, thường nghĩ, thường gặp, thường cảm nhận qua cách nhìn trẻ thơ, không áp đặt!

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn

D.X.N  
                                                                                     

. . . . .
Loading the player...