20-03-2020 - 06:38

Tản văn THÁNG BA MƯA PHÙN của Phạm Tú Anh

Mưa phùn ơi, tôi thương những con dốc lúc đủ ngấm trăm nghìn hạt nhỏ, trơn trượt bước chân trần, thương tóc người đã bạc phơ lại thêm trắng những giọt nhọc nhằn mỗi sớm mai, mỗi cuối chiều ngược núi...

THÁNG BA MƯA PHÙN

                                                                    Tản văn

            Sáng nay thức giấc, nghe giọt giọt tiếng rơi thật khẽ, thật chậm từ những lọn lá cọ của mái tranh. Chừng như sương mà vẻ đậm đầy, trĩu trịch hơn sương, chừng như mưa mà mong manh, nhẹ bẫng hơn mưa. Tôi rướn mắt qua cửa voóng, ngoài kia, đầu vườn cuối dốc, và xa xa là núi, là thung đang giăng mắc một  màn trăng trắng, mong mỏng. Ừ! chừng như là mây mà không phải mây, giống sương mà dày hơn thế. Đám cỏ cây trong vườn long lanh ướt. Mưa thật đó ư? Hình như thế, cũng chẳng rõ có nên mưa, nhưng chừng giống mưa nhất. Gần tầm mắt thấy rõ những sợi trắng mờ, trong veo, li ti hệt trăm nghìn sợi tơ bay bay, rắc rắc vào trời. Chúng chẳng đủ làm ướt con đường, nhưng đã làm đất đổi màu, cái màu vàng vàng, khô khô hôm qua giờ biến thành màu nâu sẫm, âm ẩm. Mặt lũ đá trong vườn hôm qua còn xám mốc, trơ khốc hôm nay cũng xanh xanh, dìu dịu như thể chuẩn bị cho rêu lên mầm.

Con đường ướt mưa (ảnh Lê Thắng) 

            Mẹ xuống chợ từ lúc tinh mơ, tôi đoán thế, vì mấy ngày  tôi về thăm chẳng hôm nào gặp mẹ buổi sáng. Từ lúc mặt trời còn chưa rõ mặt người mẹ đã quẩy đôi thúng đi. Con dốc chưa đủ trơn, chỉ mơ hồ, nhè nhẹ để lại hình vết dấu chân mẹ từ tinh sương. Mẹ lại chân đất. Mẹ lại đầu trần. Chiếc nón lá tri kỷ mốc thếch, vênh vành vẫn treo trên phên vách cạnh cầu thang. Mưa phùn, thứ mưa cứ như có, như không ấy làm người ta thường chủ quan đến mức chẳng buồn khoác tấm bạt ni lông hay đội nón mũ lên đầu mà tránh ướt. Rồi cứ đội lớp lớp những sợi li ti mong manh, hiền lành ấy mà đi như vô sự, vô hại, cho đến khi nhận ra có giọt giọt long tong chảy từ trên tóc làm ướt mặt, mi mắt trĩu nhòa, hay chiếc áo sung sũng làm thân thể rùng rùng lạnh, mới biết mình ướt mưa.

            Mưa phùn tháng ba. Tôi thích nó, vì nó ám ẩn trong tôi nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc, nhiều nỗi nhớ. Thứ mưa chẳng nên mưa, sương chẳng nên sương ấy làm ướt lạnh cha tôi biết bao lần chân đất, đầu trần lên thung kiếm củ độn cơm ngày giáp hạt. Lúc đi thì tóc khô, áo khô, con đường chỉ vừa âm ẩm đất. Lần nào trở về những ngón chân cha cũng bầm đỏ vì gồng bấm dốc trơn, đầu trắng mưa, tong tong giọt lạnh nhòa nhoẹt mặt. Áo quần ướt, không chỉ vì mưa đọng, mà còn vì mưa đậu dồn thật nhiều trên lá trên cỏ,  rồi đợi ùa táp vào người cha  ào ạt như mưa rào mỗi khi cha dạt rẽ bụi cây lùm cỏ, chui luồn bới tìm những gốc củ mài, củ nâu trên núi. Tháng ba, mùa nhàn hạ, trên nương đám hoa màu chậm rãi lên xanh, bọn cỏ cũng lơ thơ chen lấn, chỉ một hai buổi nhổ dọn đã sạch gọn. Thế là hết việc, rỗi rãi. Nương rẫy, chân tay nhàn nhạ bao nhiêu gác bếp rỗng rễnh, mâm cơm hao cạn bấy nhiêu. Mùa giáp hạt nào cũng đói, gạo từ mùa trước ăn dè xẻn độn sắn, độn ngô dần cũng vơi hết. Nên hồi xưa ấy, năm nào tháng ba cha cũng đội sương, đội mưa phùn vào thung thật sớm để giành tìm những bụi củ mài vơí người ta. Thung rộng thì rộng đấy, núi cũng lớp lớp núi cao, nhưng củ mài cả năm chỉ nên được một lần, mà người người lũ lượt kéo nhau đi hết ngày này đến ngày khác. Càng cuối những ngày giáp vụ, chiếc bị, chiếc troi của người đi mót củ càng trống trếnh, nhẹ tênh. Ấy thế nhưng chúng tôi cũng ấm bụng, đi qua được những tháng ba như thế để lớn khôn, nhờ biết bao lần cha đội  mưa phùn ngược dốc núi.

            Chẳng biết bây giờ thung còn có củ. Mà có còn cha cũng chẳng còn đủ sức đi, hoặc kể cả có đủ sức đi cũng chẳng còn ai nuốt nổi thứ cơm độn ấy nữa. Cuộc sống thay đổi, thói quen con người cũng thay đổi, cả cái cách đói nghèo cũng đổi thay. Mùa đói, vẫn phải cơm trắng ăn với cá khô, hay thị, trứng của chợ

Nên đổi lại việc cha đội mưa phùn tháng ba lên núi, là mẹ đội mưa phùn từ tinh sương ra chợ huyện mua rau, mua cá khô, mua thịt đậu mắm muối về đi  bán rao, bán rong khắp làng này bản nọ. Cha thay mẹ nhóm bếp mỗi sớm mai nấu nồi cám cho lợn, dắt trâu ra đồi, chăm bẵm, mớm cơm, ru cháu, bếp núc nhà cửa. Mẹ lặn lội đầu trần chân đất học cách rao như người kinh, tiếng rao theo bước chân lên tận những bậc thang cuối đồi, vang lẫn vào sương vào mây. Chiều chiều trở về, những ngón chân tấy đỏ vì bấu dốc trơn, tóc vừa đủ ướt nhẹp cho giọt lạnh lanh tanh trên mặt gầy, chiếc áo ngoài cùng vừa đủ thấm lạnh cho cơn run làm xôn xao bếp lửa của cha.

            Tôi ngồi ngắm mưa phùn. Thấy chừng như yêu lắm, những sợi li ti trong veo rắc rắc trắng trời, làm cho cây cỏ xanh mướt, cho trời đất dịu dàng, cho mùa vụ hò hẹn, mưa đấy mà chẳng cản cấm hay gây khó dễ cho bất kỳ ai làm việc gì. Nhưng mưa phùn ơi, tôi cũng thương những con dốc lúc đủ ngấm trăm nghìn hạt nhỏ, trơn trượt bước chân trần, thương tóc người đã bạc phơ lại thêm trắng những giọt nhọc nhằn mỗi sớm mai, mỗi cuối chiều ngược núi.!

                                                                                                           Phạm Tú Anh

 

. . . . .
Loading the player...