31-01-2020 - 10:52

Tản văn TẾT…NHỮNG NĂM NÀO ĐÓ! của Dương Thị Huyên

DƯƠNG THỊ HUYÊN

 

TẾT…NHỮNG NĂM NÀO ĐÓ!

 

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi. Ai vôi đây, ai vôi đây, ai vôi nào...”. Bao nhiêu tháng năm, bao nhiêu mưa nắng đã đi qua nhưng tiếng ông cụ bán vôi, tiếng vòng quay xe đạp, tiếng lạo rạo của vô vàn vôi đá được đựng trong những túi nhỏ chất đầy trên xe cứ ám ảnh tôi. Nếu mẹ tôi có đây lúc này, hẳn bà sẽ mua một vài túi dù có thể sẽ chẳng biết để làm gì cả. Mẹ nói, không phải ai ai cũng làm việc vì tiền, có người chỉ là vì nhớ một thời quá vãng, họ không cần người mua, chỉ cần người hiểu. Chẳng biết, người bán hàng có nghĩ như mẹ tôi không và cũng không biết họ có hiểu được trong đầu người mua đang nghĩ gì không nữa?

Còn tôi, tôi biết, người ta lấy vôi đá pha thêm chút nước gọi là “tôi vôi” để tạo nên một thứ nước trắng đục. Tôi đã từng rất thích thú khi đứng nhìn cảnh người ta tôi vôi, thích thú vì tiếng lèo xèo như rán mỡ, bọt nổi lên trắng xóa.Ngày xưa, ở quê tôi, vào dịp cuối năm họ dùng vôi để quét tước, sơn sửa lại nhà cửa đón tết.Nó vừa có ý nghĩa làm mới căn nhà vừa xóa đi những phiền muộn, những điều không hay trong năm cũ để khởi đầu năm mới vui tươi, hạnh phúc hơn. Vôi còn được dùng để quét lên các ngôi mộ gọi là làm mới nhà cho các cụ và quan trọng nhất là để rải bốn góc nhà để tránh tà ma - bố tôi bảo vậy. 

Nắng xuân bên hiên nhà (ảnh Thùy Vân)

Vôi ăn trầu, vôi quét nhà, nhưng với tôi thấy vôi là thấy Tết, là thấy cái không khí tấp nập chuẩn bị rộn ràng. Thấy vôi, những thước phim quay chậm về Tết hiện dần lên.

Ngày xưa, cứ gần đến Tết, trong nhà tôi chỗ nào cũng đầy lên. Sẽ có một đống cỏ to, xanh non được lũ trẻ chúng tôi gom về sau những buổi không đến lớp để cất trữ bên chuồng bò; mẹ là người thái chuối, trộn vào đó ít muối để chuối không bị đen sẽ dành cho con lợn nái khoang; trong lúc rảnh rỗi cả nhà ngồi tẻ ngô cho gà… “Thức ăn cho gia súc phải đủ trong ít nhất là 3 ngày”, bố tôi quán triệt thế. Cái Tết đến từ khu chăn nuôi. Cũng đúng thôi đó là cơ nghiệp của cả đời người nông dân như bố mẹ tôi.

Bố mẹ tôi có một căn nhà gỗ ông bà để lại. Chính giữa nhà có một phòng có bàn thờ gia tiên, đó là nơi lũ trẻ chúng tôi đôi khi không dám bước vào một mình. Trong các phiên chợ Tết mẹ tôi nhất định phải tìm mua cho bằng được bức tranh ngũ quả thay cho bức tranh đã cũ trên ban thờ và 2 câu đối đỏ dọc hai bên với ý nghĩa luôn luôn là mong ước đủ đầy, thịnh vượng, đoàn kết cho đất nước, quê hương, gia đình trong một năm mới.

 Ngày tràn sang đêm, đêm lại qua ngày, Tết đã đến trong từng hơi thở hồi hộp đón đợi của trẻ nhỏ, trên từng bông hoa vô tình nở sớm trước một vài hiên nhà. Không khí Tết mới mẻ, háo hức được mang đến từ những người thành phố xuống từ chiếc xe bóng loáng trên tay lỉnh khỉnh bao túi đồ… Là đủ áo quần, mũ mão, ngựa xe bằng giấy; là những hộp bánh, mứt, thùng mỳ tôm, con giò lụa; những phong bao lì xì; trong tiếng thăm hỏi từ xa. Trên dây phơi một vài nhà đã phấp phới những bộ quần áo màu sắc, hoa lá sặc sỡ. Đâu đó là tiếng kêu thét của chú lợn được chung nhau mổ sớm. Bọn trẻ con hò hét chạy theo một chiếc bong bóng được bơm căng phồng…  Không khí vỡ ra trong thứ âm thanh hỗn độn.

Tôi vẫn nhớ, Tết trong chúng tôi nằm trong những khuôn thịt bóng nhẫy kho dừ, trong bộ quần áo mới coong, trong đĩa kẹo, mứt đầy đề. Tết là những ngày chẳng phải học bài mà được tung tẩy khắp những nơi mình muốn. Những tội lỗi, những đòn roi quát mắng đã thuộc về một nơi xa xôi nào đó. Chúng tôi chỉ gặp những nụ cười, ánh mắt thân thiện, những lời chúc tụng, thỉnh thoảng một vài vị khách hào phóng còn mừng cả tiền lì xì nữa. Đến tận bây giờ tôi vẫn như có cảm giác run run khi nhận những phong bao lì xì hiếm hoi, quý giá ấy. Cuối cùng những đồng tiền ấy cũng được mẹ tôi cất đi để dành đóng học, nhưng được nhận lại là cả một niềm hãnh diện, khi trao tiền cho mẹ cũng như đang cho mẹ vay một khoản mà nó sẽ nở dần dần sinh sôi...

Tết còn là một cảm giác gì đó lâng lâng dâng tràn. Bố sẽ chọn lấy một ngày đẹp để chúng tôi ngồi khai bút, sẽ là những lời chúc sức khỏe, hạnh phúc cho mọi người trong nhà. Lời cầu xin may mắn, học hành giỏi giang, những ước mong an lành, hạnh phúc. Nhiều khi đó cũng là mong ước một người thân đi xa sẽ trở về... Riêng có một điều ước được chúng tôi nắn nót viết thật đẹp, bằng thứ mực tím Cửu Long được pha ra từ thứ bột người ta đóng gói, thứ mực rất khó phai, rồi cẩn thận bọc lại trọng một túi bóng được gửi cho bố mẹ cất kín hoặc chôn ra sau vườn. Đó luôn luôn là bí mật, là niềm tin, là tuổi thơ không hề thơ bé được chúng tôi trân trọng cất giữ. Với chị em chúng tôi, thích nhất vẫn là chờ những ngày đầu năm để được nhìn khuôn mặt mẹ giãn nở ra trong nụ cười hiền hậu mà bình thường người rất tiết kiệm. Tôi cảm giác như cả vùng trời mở ra…

Chúng tôi lớn lên. Từ căn nhà gỗ bé nhỏ ấy, từ làng quê bé nhỏ, bình yên ấy. Các em tôi, có đứa công tác tận cực Bắc của Tổ quốc, đứa đang du học ở nước ngoài. Bố mẹ tôi cũng bắt đầu già đi. Hôm nay là ngày nghỉ, tôi xách xe ra đường, có thể tôi chưa định hình được mình sẽ sắm sanh những gì. Có bao giờ tôi đang tìm một túi vôi không nhỉ­­? Có ai cũng đang tìm như tôi không? Con đường quen thuộc trước mắt tôi đã mở rộng đến ngút mắt với những sạp hoa quả, những cửa hàng hoa dã chiến nối dọc nhau. Công viên, nơi trẻ con vẫn thường nô đùa và người lớn ngồi xúm vào nhau quanh những ấm trà đã thay bằng những chậu cây cảnh và rực rỡ sắc màu đào quất. Mưa vẫn rơi, mỏng và nhẹ. Dòng người vẫn vội vã, ngổn ngang nỗi niềm… Người ta mong bán thêm được một chuyến hàng tết, mặc cả lên xuống mua thêm được một vài món quà ưng ý tạo thêm một không khí Tết đầm ấm hơn. Trong dòng người tất tả ấy rất rất nhiều người đang chờ đợi sự hạnh phúc của bữa cơm bữa cơm đoàn viên…

Những ngôi nhà sáng lên trong ánh đèn hoa, cây cảnh. Người người vẫn tất bật, nhộn nhịp. Những cơn gió miệt mài đi hoang không mệt mỏi mang theo thanh âm “Đầu năm mua muối cuối năm mua vôi”. Tiếng rao nhỏ,nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hẳn vào thinh không.

 

D.T.H

 

. . . . .
Loading the player...