03-02-2022 - 09:12

Tản văn TẾT XƯA BÁNH MỨT NHÀ LÀM của Nguyễn Anh Vũ

Tạp chí Hồng Lĩnh số Xuân Nhâm Dần 2022 xin giới thiệu Tản văn Tết xưa bánh mứt nhà làm của tác giả Nguyễn Anh Vũ

NGUYỄN ANH VŨ

TẾT XƯA BÁNH MỨT NHÀ LÀM

                                                                                            Tản văn

Những ngày gần Tết, người ta vừa chạy đua với thời gian, gắng mà làm cho xong cho hết những việc còn dang dở của năm vừa nôn nao được sớm về tề tựu đoàn viên với những người thân. Tự nhiên nhớ mấy món mứt, ô mai hồi xưa bà nội tôi làm những ngày cận Tết.

Đấy là món khế xào gừng. Khế khô, ngâm qua đêm với nước vôi trong cho thật nở mềm rồi xào với gừng giã, đường phên và chút muối cho thật săn. Khế tươi thì bổ múi và cũng ngâm nước vôi trong. Miếng khế dai vừa độ, khế đã lược cho bớt chua, ngọt vừa dịu, thơm ấm vị gừng. Rất hợp và quyện với mùa lạnh và làm cho hương vị Tết thêm ấm áp. Bà tôi chuẩn bị mọi thứ cho Tết từ rất lâu trước đó. Có khi suốt cả trong năm, bà đã rỉ rả gom nhặt, phơi phóng, sơ chế cho những món Tết. Ví như tháng 10, tháng 11 là mùa khế, mùa trám... bà tôi đã mua sẵn và phơi khô trên những cái mẹt trên mái nắng mùa Thu. Mỗi thứ một chútm không quá nhiều, đôi khi chỉ vài lạng. Ăn lấy thảo, lấy hương lấy hoa thôi mà.

Để nhớ lại nào. Này là chút trám trắng với bột cam thảo, trám mặn với ớt bột. Khế ngoài xào gừng thì lắc đều với ớt bột cũng rất ngon. Mấy thứ chua chua, chan chát ấy bà đã luộc sơ với muối rồi mới phơi. Rồi mứt quất, mứt hồng bì, mứt bí, gừng, mứt cà chua... nữa. Còn món táo dẻo xào lại là niềm tự hào của gia đình. Quả táo nâu óng và trong như hổ phách. Miếng táo dẻo, dai, chua và ngọt rất vừa vặn. Hình như sự vừa vặn là bí quyết ẩm thực của người Hà Nội hay sao ấy. Không nhiều, không ít. Không có gì là quá quá chua cay mặn ngọt bùi thơm. Tất cả đều vừa vặn. Đến chén trà, tách cà phê cũng chỉ chát vừa độ, đắng vừa độ mà thôi. Nhưng vì thế mà ngon.

Nhưng trẻ con đến nhà là mê nhất lọ táo dầm của bà. Các chị, các cô cũng thế. Mớ táo xoan chua loen loét mà bà ngâm với muối, ớt bột và mấy viên đường hóa học. Đừng nghĩ đường hóa học là độc hại nhé! Đây là thứ đường điều vị dành cho ẩm thực. Là thứ mấy ông hàng phở nổi tiếng Hà Nội vẫn bí mật cho thêm vào nồi nước dùng, cùng với xương ống, sá sùng tạo nên độ ngọt rất quyến rũ. Cứ nhớ đến vị táo dầm là lại tứa nước dãi. Hạt bí, hạt dưa khô bà cũng mua trên chợ Đồng Xuân rồi về tự rang. Mấy thứ hạt ấy bà rang với cát. Mà cát phải là cát biển cho sạch, hạt to nên bám tỏa nhiệt rất đều. Lạc rang húng lìu bà cũng rang lấy.

Bố tôi đi công tác Sài Gòn, mua về mấy cái khay đựng mứt. Khay mứt bằng nhựa thôi mà trong vắt. Họa tiết chìm nổi cứ như khắc pha lê. Ngày Tết, khay mứt của bà và lọ táo dầm cứ như tỏa hào quang trên nóc cái tủ con cùng với lọ hoa, bánh pháo. Về sau, khi bà bắt đầu yếu, không thể lích kích làm cả chục món mứt mỗi dịp Tết về nữa. Các bà bạn lại phân chia nhau, mỗi bà phụ trách một món. Rồi sát Tết, chị chị em em lại ríu rít chia cho các nhà. Phố lại thêm rộn ràng không khí Tết.

Ấy là việc mứt. Còn việc bánh nữa. Thời xưa hàng Tết bán phân phối ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Tất cả chỉ được cái mã. Hộp mứt Tết cũng chỉ để bày ban thờ cho đẹp. Các loại bánh cũng thế. Khô và cứng như ngói hoặc là ỉu mềm đến mủn rã ra và hôi mùi cứt gián. Nên các nhà ở Hà Nội thường hay đi thuê nướng bánh qui gai. Sau ông Công ông Táo độ vài bữa, bà nội đưa cái làn tre kiểu Cao Bằng bảo nó đi làm bánh. Mọi năm nó vẫn được theo bà đi thuê người ta nướng bánh mỗi dịp sát Tết thế này. Nhưng năm nay bà yếu, không đi bộ được nữa.

Thằng bé cẩn thận xách cái làn ấy lên nhà bà bạn của bà chuyên làm bánh trên phố Đường Thành, đoạn quay ra cái vườn hoa, bên kia là đường tàu hỏa Phùng Hưng. Gần đến cửa đã thấy thơm lừng mùi bánh mới ngào ngạt hương bơ, hương vani. Mấy cái ghế băng kiểu trường học san sát người xếp hàng đợi bánh. Nườm nượp người ra vào mà tôi thì ngồi chờ. Chờ rất lâu đến quá trưa. Bụng sôi òng ọc. Chân hàm thì tê cứng vì nước miếng cứ tứa ra liên tục. Tưởng đã lả đi rồi thì bà cụ đưa cho cái rứng tre (rổ bé bằng cái bát tô), trong đó là mớ vụn bánh bé bằng đốt ngón tay người lớn. Sung sướng vô bờ vì được ăn bánh ngon và nóng. Nó đã được ăn Tết trước cả nhà. Thằng bé ấy chính là tôi đấy.

 Sát Tết, tôi vẫn lại lên phố Hàng Đường mua vài món mứt hồi ấy. Phố Hàng Đường là con phố vẫn còn giữ nghề truyền thống đường mứt từ nhiều thế kỷ. Vẫn thấy còn một cái biển “Qui - Gai - Xốp” đầu con ngõ nhỏ. Lại tủm tỉm nghĩ lại giai thoại cũ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu ra Hà Nội và đi dạo phố cổ. Ông hỏi người bạn Hà Nội rằng: phố cổ mà lại có ông Liên Xô Qui Gai Xốp nào ở đây thế này? Hà Nội lại được đắp thêm một chuyện thú vị.

Kìa, phố bắt đầu chấp chới mưa Xuân. Còn người Hà Nội cũng chấp chới nhớ về những Tết xưa bánh mứt nhà làm.

  N.A.V

. . . . .
Loading the player...