19-09-2019 - 15:55

Tản văn NHỚ MÙA TRUNG THU XƯA của Nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương

NHỚ  MÙA TRUNG THU XƯA

Tản văn của Nguyễn Thị Mai Phương

                   Mùa thu. Nắng buông vàng rực rỡ khắp thinh không. Bưởi trong vườn la đà ủ ngọt. Những vòm lá nhiều màu sắc báo hiệu đang những ngày trăng đẹp nhất. Khúc hát giao mùa âm thầm cất lên trong  vạn vật.  Lũ trẻ ngồi xúm xít bên cửa sổ lắp những chiếc đèn có ánh sáng 7 màu được tặng từ việc mua sữa của nhãn hàng Vinamilk. Những chiếc đèn làm bằng xốp mềm đủ kiểu dáng, hình thù khác nhau. Thân đèn là hình của các siêu nhân, công chúa nổi tiếng trong phim hoạt hình, màu sắc bắt mắt. Chiếc đèn nhấp nháy sáng thắp lên niềm vui nơi mắt trẻ. Đấy là ở thành phố, hoăc những gia đình nông thôn có điều kiện cho con uống sữa, còn trẻ em nghèo chúng làm gì nhỉ. Chắc chắn rồi, chúng sẽ tự chế tác ra đủ loại đồ chơi cho mình, mừng trung thu theo kiểu riêng mà không kém phần thích thú. Bởi với em nhỏ, vầng trăng trên cao kia là nơi ở của một nàng tiên mang tên Hằng Nga, ngôi nhà nàng tiên đó ở có tên là cung Hằng, cung Quế. Mọi người  vẫn âu yếm gọi tên chị Hằng Nga là Thỏ Ngọc. Những đêm trăng sáng nhất trong năm, nàng tiên đó mặc xiêm y lộng lẫy xuất hiện, nhìn xuống trần gian đáp lại nỗi mong nhớ của chồng mình.

Đặc sản Bưởi Phúc Trạch - Ảnh: An Nhã

               Câu chuyện ấy kể rằng, thời xa xưa, trên trời xuất hiện mười ông mặt trời, cùng chiếu xuống mặt đất nóng đến  nỗi không thể chịu nổi, cây cháy khô, hồ cạn nước, con người khốn khổ. Một người  anh hùng tên là Hậu Nghệ  đã trèo lên đỉnh núi Côn Lôn, dùng thần lực giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời, để lại một ông cho thế gian. Hậu Nghệ nhận được sự tôn kính và yêu mến của mọi người, rất nhiều chí sĩ mộ danh đã tìm đến tầm sư học đạo.  Trong đó có  người tên là Bồng Mông xấu bụng. Hậu Nghệ lấy một người vợ cực kỳ xinh đẹp tên là Hằng Nga. Hai vợ chồng rất hạn phúc. Một hôm, Hậu Nghệ được tiên nữ cho thuốc trường sinh, uống vào sẽ thành bất tử, nhưng chàng chưa nỡ uống vì muốn ở bên vợ mình, nên giao thuốc cho Hằng Nga cất giữ. Bồng Mông biết điều đó nên lừa hôm Hậu Nghệ đi săn vắng nhà liền tìm đến cướp thuốc từ Hằng Nga. Biết sức mình không thắng được kẻ xấu, Hằng Nga vội nuốt mấy viên thuốc tiên. Người nhẹ bỗng, nàng vụt thành tiên nữ, bay trên trời. Còn thương chồng nên Hằng Nga bay lên đỗ lại ở mặt trăng, để còn nhìn thấy chồng mình. Hậu Nghệ mất vợ thương nhớ ngày đêm. Vào đêm trăng, chàng đau khổ cất lời gọi vợ. Hình như trăng sáng hơn, và từ mặt trăng, một tiên nữ hình dáng Hằng Nga xuất hiện. Hậu Nghệ biết vợ mình cũng nhớ thương chồng, chàng đã lập hương án trong vườn hoa, bày những thứ quả mà Hằng Nga thích ăn, để bái vọng nàng vào những đêm trăng. Mọi người biết chuyện đều bày làm như vậy mong Hằng Nga ban cho sự bình yên. Từ đó dân gian có tục cúng mâm ngũ quả đêm rằm tháng Tám.

               Theo sử sách, Tết Trung thu xuất hiện ở Trung Quốc từ thế kỷ VIII, sau đó lan rộng ra các nước xung quanh. Ở Việt Nam ta, không rõ vui Tết Trung thu có từ bao giờ, chỉ biết nó đã trở thành cái tết vui nhất, kỳ thù nhất của trẻ em, được mong chờ theo mỗi mùa trăng. Người Việt thường làm cỗ ban ngày cúng gia tiên, ban đêm bày mâm quả cho lũ trẻ trông trăng. Hình như ánh trăng giữa mùa thu có thể làm vơi cạn đi bao nhọc nhằn cho con người, bồi đắp thêm cho họ những gì thanh sạch, tinh khôi…

Mâm cỗ Trung thu - Ảnh: Hồng Thanh

             Cung Hằng còn có thêm một nhân vật được trẻ em thích thú đó là chú Cuội. Cuội làm nhiệm vụ chăn trâu thổi sáo bên gốc đa cổ thụ. Vầng trăng đêm rằm không chỉ là một quần sáng vĩ đại mà hoàn toàn là một thế giới khác. Thế giới của tưởng tượng, của những kỳ ảo. Bây giờ đời sống vật chất đủ đầy, người lớn luôn làm mọi việc để bù đắp cho con mình, vì mỗi nhà chỉ có một đến hai con. Nhưng chúng ta đừng làm lũ trẻ già cỗi đi, đừng bắt chúng trông trăng theo kiểu của người lớn. Hãy chọn đồ chơi mang hồn văn hóa Việt cho con. Hoặc để chúng tự mày mò làm những đồ chơi, đèn lồng cho mình từ những thứ giản dị để chúng biết trân trọng công sức mình, trân trọng một phong tục đẹp. 

             Lúc này, khi bọn trẻ trong xóm nhỏ chạy rầm rầm, vừa đi vừa hát: Đèn ông sao với đèn cá chép/ Đèn thiên nga với đèn bướm bướm/Em rước đèn này đến cung trăng/ Đèn xanh lơ với đèn tím tím/ Đèn xanh lam với đèn trắng trắng… làm tôi nhớ những mùa trung thu đã xa. Điều lạ rằng, dường như mỗi mùa trăng trôi qua, tóc mỗi ngày bớt xanh một chút, tôi lại thấy dường như trung thu thơ ấu là đẹp nhất, sống mãnh liệt nhất. Hồi đó bao cấp, cả xã hội nghèo, chẳng mấy ai có đồ chơi bố mẹ mua. Sắp đến rằm trung thu, bọn tôi đi gom hạt bưởi lại, lột vỏ ngoài, phơi nắng cho khô rồi xâu vào dây lạt thành những sợi dài. Chúng tôi nhặt những chiếc lá có màu vàng và đỏ kết lại, khâu thành những cái mũ cho bọn con gái. Lũ con trai bắt đom đóm nhốt vào mấy cái lọ thủy tinh nhỏ. Chúng tôi vây quanh ông nội  vót nan, chuốt sợi, cắt giấy màu để cùng ông làm đèn kéo quân. Mấy cái hộp nhựa, lọ đựng xà phòng cũ của mẹ được mang ra cắt, đục lỗ để làm đèn. Đêm rằm, chúng tôi cho hòn nhựa trám vào cái trôn chén rồi đốt lên đặt trong hộp nhựa thành cái đèn xách tay. Mấy cái sợi dây hạt bưởi sẽ được đốt nổ lách tách rất vui tai. Cả lũ nối đuôi nhau chạy vòng quanh xóm, khi đi vào bóng tối, những cái lọ đom đóm lập lòe như những ngôi sao. Trên cao, trăng vời vợi sáng. Ánh sáng chảy tràn trên đường làng, phủ lên những cây rơm mượt như tơ. Bọn tôi leo lên cây rơm đồng thanh đọc lên mấy câu: Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng. Cuốn sách giáo khoa có mấy bài thơ được bọn tôi mang ra đọc cho nhau nghe đến thuộc lòng. Tiếng cười chạy vòng quanh sân, ra ngõ, men dọc lối đi, chạy quanh ao làng, về sân hợp tác rồi cuối cùng tụ lại sân nhà. Không có mâm bánh nướng bánh dẻo hay nhiều loại quả như bây giờ, chúng tôi chỉ có mấy quả bưởi, khế, na, chuối trong vườn nhà; cái bánh đa mẹ mua; mấy cái kẹo gia công bố tặng… bày dưới trăng để liên hoan. Cả lũ nằm  doãi trên sân, ngửa mặt ngắm trăng vừa ăn vừa đố nhau về vị trí các chòm sao, sông Ngân Hà. Vui chưa từng thấy.

                 Tết trung thu của chúng tôi kéo dài nhiều đêm sau nữa với đủ trò như chơi trốn tìm, chơi thả đỉa ba ba, trồng nụ trồng hoa. Chúng tôi thuộc tên, biết vị trí nhiều chòm sao trên trời, biết xác định vị trí Đông, Tây, Nam, Bắc khi bất kể ở đâu trong đêm có sao. Chúng tôi thuộc từng gốc cây, từng lối rẽ, những loài hoa dại trên đường làng, thuộc mọi ngóc ngách  của khu vườn, biết được đời sống của lũ kiến, mối, giun dế… Có lẽ vì thế mà chúng tôi đã ngày ngày gieo vào lòng mình hạt mầm tình yêu với nơi chôn nhau cắt rốn. Mỗi tháng năm tưới táp, vun đầy, hạt mầm trổ lá ra cành vườn dài trong cuộc đời chúng tôi sau này. Có khi ở một nơi rất xa quê, khi đã không còn trẻ, tự dưng lại nhớ đến kỳ lạ đám rêu bên bờ giếng nơi đám bạn ấu thơ trượt ngã, nhớ một xó xỉnh nào đó trong vườn nơi đã ngồi náu bạn. Lúc đợi bạn tìm ra mình, đã kịp thấy ánh trăng rất ướt và lấp lánh trên lá cây. Trăng thật sự đã hòa tan trên mặt đất. Và trăng rất có lí khi là nguồn cơn của tình yêu với Tổ quốc mình trong trái tim rất nhiều người.

           Lại một trung thu đang về. Vầng trăng mãi mãi là sáng trong, là đẹp đẽ với tuổi thơ. Những người lớn, không ai khác nhân dịp này, là người gieo trồng và tưới tắm hạt giống thiện lành vào tâm hồn các em. Sau này lớn lên, dù trong hoạn nạn nào, những đứa trẻ ấy sẽ vẫn nhìn ra được vầng trăng thiên lương, trong trẻo ở lòng mình. Tết trung thu vì vậy mà có lẽ, sẽ bất tử trong dân gian.

MP

. . . . .
Loading the player...