Tạp chí Hồng Lĩnh số 200 phát hành tháng 4/2023 trân trọng giới thiệu Tản văn KHÚC HÁT ĐỒNG GIAO của Nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương
NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG
KHÚC HÁT ĐỒNG DAO
Tản văn
Chiều nay mưa, những bong bóng nước vỡ vụn trước hiên nhà, dòng nước chảy quanh mảnh vườn nhỏ ra ao rí rách, lâu lâu lại có một chú cá lạc dòng ngược lên. Bé con của tôi nhảy chân sáo hát: Cá rô cá rạch/ Gặp trận mưa rào/Mày chẳng ở ao/ Mày lên rãnh nước/ Mày xuôi mày ngược/ Mày thích ra sông/ Thỏa chí vẫy vùng… rồi cười khanh khách. Tuổi thơ hồn nhiên thật, bất kể thời đại nào thì những câu hát đồng dao luôn luôn là người bạn thân thiết với lũ trẻ. Bài đồng dao vô tình đã làm sống lại thế giới xưa kia trong sáng, bé thơ của tôi.
Những bài đồng dao dù không đầu không cuối vẫn ẩn chứa cả một thế giới huyền hoặc, hấp dẫn không ngờ. Đâu đây một cánh đồng đầy rơm rạ, bờ ruộng mấp mô và lũ trẻ con túm áo nhau vừa chạy vừa hát: Lạy trời mưa xuống/Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy bát cơm đầy/ Lấy rơm đun bếp… Lời ca đơn sơ ấy không hề mất theo năm tháng, nó nằm lại đâu đó trong con người đã ra đi từ làng quê nông thôn Việt Nam. Đâu đây một khoảng sân rộng của nhà bà rợp bóng cây núc nác. Cây núc nác thả từng chùm quả như lưới gươm thõng xuống không gian, những bông hoa tím đỏ đầy lông mịn, mùi hăng hắc rụng đầy sân. Lũ trẻ lại chạy quanh sân và hát: Rồng rắn lên mây/ Có cây núc nắc / Hỏi thăm thầy thuốc/ Có nhà hay không?... rồi lăn ra sân tha hồ vui thích một thế giới riêng đầy trí tưởng tượng của mình.
Những đêm trăng sáng, lũ trẻ chơi trốn tìm và hát đồng dao, hết bài này đến bài khác, tiếng hát như lay, như rung cả ánh trăng. Có đứa mệt quá lăn ra đống rơm mà ngủ. Ôi, những bài đồng dao yêu dấu, nó đã vun đắp tuổi thơ, làm nên nét đẹp riêng cho tuổi thần tiên, đã khiến cho tất cả những đứa trẻ cùng trang lứa gần nhau hơn... Tóc khét lẹt mùi nắng, chân trần, da đen sạm, áo quần cũ kỹ, mùi đất đai, rơm rạ theo cả vào giấc ngủ nhưng những đứa trẻ quê vẫn hát đồng dao. Khúc đồng dao bay hết đồng này, đồng khác, lớn lên.
Trước mỗi giấc ngủ có khi còn hát: “Nu na nu nống/ Cái trống nằm trong/ Con ong nằm ngoài/ Củ khoai chấm mật/ Ông cật ngồi khóc/ Con cóc nhảy ra/ Con gà tú hụ/ bà cụ thổi xôi/ bà tôi nấu chè/ Thè he chân thụt…”. Hay lại xúm xít chìa tay ra trước mỗi giờ ra chơi trong trường học: “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ ba phương ngũ đế/ bắt dế đi tìm/ Ù à ù ập…” và nô đùa thỏa thích. Kết thúc mỗi buổi chơi lại vội vã nhìn bóng nắng để về nấu cơm còn cố hẹn nhau chiều ra sân điếm chơi trò “Thả đỉa ba ba”.
Đã lâu rồi, tận chiều nay tôi mới gặp một bài đồng dao. Bây giờ ít người dạy con hát đồng dao lắm. Ai cũng bận, làm gì có thời gian. Lũ bạn tôi, có đứa ru con bằng cách bật đĩa hát, có đứa thuê hẳn một người trông, chẳng bận mọn gì. Các gia đình khá giả hiện nay đều dành hết mọi tiện nghi, điều kiện để nuôi con mong con thành “Thiên tài”… Muốn nghe hát ru, nghe hát đồng dao cũng khó… Có người còn bảo, đừng dạy bọn trẻ con đọc thơ làm gì, lớn lên “hâm” lắm. Thật thế sao? Khi mà lớp lớp những trẻ quê từng hát đồng dao xưa có rất nhiều người thành đạt, giữ trọng trách này nọ trong xã hội…, lớp lớp cha anh từng đi vào sử sách chắc cũng từng hát đồng dao, từng đọc những vần thơ ngô nghê, thơ trẻ.
Những cọng rơm vàng, những đêm trăng sáng, những cánh đồng bạt ngàn hoa dại đã nuôi biết bao thế hệ con người trưởng thành, đã nâng đỡ bao tâm hồn vĩ đại cho cuộc đời này? Điều ấy, chẳng ai đếm nổi. Chỉ biết, âm hưởng của đồng dao mãi còn trong ký ức của những ai yêu làng quê, yêu những gì trong sáng, đẹp đẽ của tuổi thơ, những câu đồng dao luôn thánh thiện giữa những bon chen, ganh ghét, tị hiềm… Tôi cứ nghĩ rằng phải tìm cách giáo dục trẻ con nào to tát, hãy bắt đầu từ những câu đồng dao nhỏ bé mà linh diệu. Bởi lẽ, cuộc đời bắt đầu từ những điều nhỏ bé, đời người bắt đầu từ tuổi thơ…
Ơi, đồng dao!.
N.T.M.P
Chơi ô ăn quan (ảnh nguồn: ITN)