18-01-2020 - 15:19

Tản văn KHÓI HƯƠNG CÒN VƯƠNG CHÚT VUI BUỒN của Bùi Kim Anh

 

KHÓI HƯƠNG CÒN VƯƠNG CHÚT VUI BUỒN

 

                                                                            Bùi Kim Anh

 

Bà bảo năm tết này bà sẽ may cho tôi áo bông mới. Thích lắm. Năm nào đến gần tết tôi cũng được may áo mới, nhưng áo bông thì 2 – 3 năm mới được một lần. Ngày xưa, tức là trước năm 1954, mẹ tôi đi làm thường phải mặc áo dài. Mẹ nhiều áo dài lắm, nhiều cả giày cao gót, nhiều cả ví đầm. Khi không cần mặc áo dài nữa thì áo của mẹ được đem chữa để may áo cánh cho bà, may áo cho tôi. Nghe bà bảo sẽ may áo bông mới, tôi bèn mở tủ có ngăn gấp áo dài của mẹ ra chọn. Tôi thích chiếc áo dài có thêu hoa păng xê nhỏ nhắn, nhiều màu của mẹ. Tôi thích chiếc áo dài lụa hoa nhiều bông của mẹ. Rút hai chiếc áo ra, tôi nằn nỉ bà cho cháu may bằng hai chiếc áo này chữa ra. Không được rồi. Chiếc áo thêu tay ấy không hợp tuổi con nít như tôi. Phải nghe bà ngoại thôi. Bố mẹ chia tay từ bao giờ không rõ nữa. Tôi chỉ biết lớn lên , nhận biết mọi việc xung quanh từ tình yêu thương và chăm sóc của bà ngoại. Bà nấu ăn giỏi, thu dọn nhà cửa suốt ngày. Cốc chén uống nước sạch bóng đã đành, đến nồi niêu cũng bóng láng. Nhà đun lò mùn cưa mà cứ rửa nồi là phải cọ trắng, có đen phần đít nồi cầm cũng không được nhọ tay. Nhiều khi ăn cơm tôi cố tình chừa lại lưng bát ở nồi để lờ đi không phải cọ. Bà ngoại đặc biệt khâu vá giỏi. Mũi kim bà đưa nhẹ nhàng, mũi chỉ ngắn, đều và thẳng tắp, mới đẹp làm sao. Sau này lớn lên không còn bà tôi cũng khâu vá khéo tay. Nhờ bà dạy cái nết của người phụ nữ mà tôi mới đảm đang được. Bà tự may áo bông cho mình, còn áo tôi bà bảo mẹ đưa hiệu. Thế là mới tháng Một âm – tức là tháng 11 – tôi đã được đi lên Lương Văn Can may áo bông mới. Nhà may quen của mẹ vì mẹ may áo dài nhiều. Tôi thích áo bông Tàu 2 mặt. Trời lạnh đút tay vào túi áo, co người lại thật ấm. Tôi thích giống mẹ nên được mặc áo thừa của mẹ thật sướng.

Còn 1 tháng nữa mới tết mà bà đã lôi hết bát đĩa trong tủ, nồi niêu trong gầm cầu thang ra cọ rửa. Mẹ tôi là nữ hộ sinh nên đi làm suốt. Cứ 2 đêm ở nhà lại 1 đêm đi trực. Ngày ở nhà mẹ lại ngủ bù. Chỉ 2 bà cháu cứ rủ rỉ bên nhau. Hai bà cháu ngồi cọ rửa cả đống đồ. Bà bảo làm từ từ cho đỡ mệt. Bà buộc chổi quét nhà vào một cái sào ngắn. Bà để đâu mà cả năm tôi chẳng thấy. Bà quét mạng nhện, tôi lăng quăng bên cạnh cũng đội khăn, bịt khăn lên miệng như bà. Sau dó lại quét gậm giường, lau bàn ghế...Thôi thì chẳng có xó xỉnh nào trong nhà không được quét, được lau. Lau dọn bàn thờ là thích nhất. Bà cho tôi cọ chén đựng nước, cho tôi cọ đỉnh đồng, chân nến và đôi hạc. Bà lấy mùn cưa, lấy chanh ra cọ đồ đồng thờ sáng loáng. Tôi thích hà hơi vào cho lấm tấm nước rồi lại lau. Hình như thế bóng hơn thì phải. Nhà cửa, bếp núc sạch hết rồi đi chợ. Bình thường bà đi chợ Hôm mua đồ ăn. Đi chợ tết bà xuống tận chợ Mơ. Chợ Hôm trước nhỏ thôi nhưng cũng đủ mặt hàng. Chợ Mơ lúc đó vẫn còn chợ phiên. Đi chợ phiên, nhiều hàng của cả người sản xuất mang bán. Mua chó mèo thì cũng phải chợ phiên mới có nhiều. Nhà tôi ở cuối phố Trần Quốc Toản. Bà đi bộ đến chợ Hôm đã xa, xuống chợ Mơ phải đi tàu điện. Với tôi thì được đi tàu điện thật thú vị. Ngồi cạnh, nắm chặt áo bà nhìn ngang xuống hai bên phố Huế rồi Bạch Mai. Với tôi, cô bé học cấp 1 lúc đó như một chuyến đi xa đầy điều mới lạ. Hà Nội xưa nhỏ bé và tầm nhìn cũng gần gụi. Phố xưa yên tĩnh nên được đi đến chợ Mơ ngày phiên là cả mơ ước. Bà mua nhiều thứ, còn tôi ngó đủ thứ. Bà ăn trầu thuốc nên mua những cây vỏ thật dày cùi và đỏ tía, mua chùm cau to tròn. Phiên chợ giáp tết người bán cũng là người mua  thật vui.

Ảnh Chợ hoa ngày tết của Thùy Vân 

 

Tết năm nào bà cũng làm mứt gừng. Và sau này, mẹ tôi khi già cũng vậy. Mứt của bà không đẹp nhưng ngon, nhất là chỗ đường dính cục – ngọt ngọt cay cay. Bà bảo ngày tết ăn mứt cho ấm bụng. Sau tết đi học bà hay gói nhúm nhỏ cho vào cặp đi học của tôi. Để có nồi măng chân giò bà phải chuẩn bị từ 25 – 27 tháng Chạp. Xưa chỉ có măng khô nên phải ngâm lâu luộc kỹ. Xưa không có nồi hầm, không có nhiều bếp nên phải ninh từ sớm. Rồi bánh chưng. Làm gì có dịch vụ như bây giờ mà mua sắn. Đi xếp hàng mua lá theo bìa phiếu. Số lượng lá nhiều ít là theo bìa. Xếp hàng mua lá đông nghẹt. Bọc lá quăng ra to – bé, tươi- héo chẳng được chê, càng chẳng thể đổi. Ngần ngừ là bị cả cô mậu dịch viên lẫn người mua mắng. Còn xếp hàng mua đỗ xanh, mua gạo nếp, mua bột mì nữa chứ. Mỗi khẩu 1 cân gạo nếp, 1 lạng đỗ xanh. Mỗi sổ gạo được 2 cân bột mì. Nhà tôi chỉ có mẹ là cán bộ nên mỗi tháng được nửa cân thịt. Bà, anh tôi và tôi chỉ có 1 lạng thịt mỗi tháng. Để có được chục bánh chưng, nồi chân giò măng, rồi đĩa nem cả nhà phải nhịn thịt từ tháng 11. Tem phiếu dồn vào để có thịt ăn tết. 3 – 4 giờ sáng bà đã dậy ra chợ Hôm xếp hàng mua thịt. Các quầy đông nghẹt. Xếp sớm để mua được thịt mông dày, mua được thịt thủ. Chả là thịt thủ thì 1 lạng phiếu được thành 2. Tôi cũng theo bà đi xếp hàng bởi hàng dài lắm, tôi đứng chờ theo lên còn bà về nhà làm việc khác, áng chừng đến lượt bà ra. Xếp hàng rổ rá rách, gạch vỡ, bìa, nón mê...lung tung thứ. Gạch không có tên nên nhận nhầm cãi nhau ầm ĩ. Những đứa trẻ như tôi nhiều lắm. Sau này khi có gia đình, tôi lại mang các con mình đi theo xếp hàng giữ chỗ cho mẹ. Ôi cái thời bao cấp khó nhọc, thiếu thốn nhưng nhờ vậy giá trị của các vật chất dù ít ỏi cũng thật cao và không khí tết thật đầm ấm. Bây giờ bánh kẹo nhiều đến trẻ con cũng kén chọn, cũng ít ăn. Xưa chỉ đến tết mới có bột mì đi làm bánh quy. Lại nhịn đường từ mấy tháng vì cũng chỉ phiếu cán bộ được nửa cân còn trẻ con, người già là phiếu nhân dân chỉ có 1 lạng 1 tháng. Đi làm bánh ở phố Huế cũng phải ghi tên trước cả ngày, đến sớm chầu chực không quá lượt hoặc mất lượt. Tranh được cái chậu, đổ đường rồi đập trứng tự ngồi mà đánh. Phải biết đánh lòng trắng trước rồi mới đánh lòng đỏ. Bánh quy làm lúc đó ngon thơm lắm. Ngon vì nhịn cả năm. Thơm vì nhiều trứng tươi, đường trắng. Bánh mang về để nguội xếp vào thùng lương khô Trung Quốc để ăn tết và ăn dần. Cái gì cũng xếp hàng. Nào nước mắm, rồi cả muối cũng tiêu chuẩn bìa. Ngày tết còn có thuốc lá, mứt và cả pháo nữa theo bìa, cắt theo ô số. Nhớ mãi một lần khi đã lập gia đình, mua được bánh pháo rồi, chiều 30 tết chồng tôi đem để lên chốc vung hơ trên bếp dầu cho khỏi ẩm để giao thừa nổ chắc ăn. Thế là bốc nóng pháo nổ đùng đùng, hết cả đón giao thừa. Bố con bế nhau chạy tháo thân.

 Chiều những ngày giáp tết bận rộn từ trong nhà ra ngoài ngõ. 28 – 29  là tổng vệ sinh đường phố. Nhà nhà đổ ra đường. Nhà 1 người nhà 2-3 người. Phụ nữ quét hè, quét đường. Thanh niên, đàn ông quét vôi đường viền hè, quét vôi gốc cây. Hè phố tôi hẹp thôi vì phố nhỏ nhưng hè thẳng tắp, quét vôi viền trắng xóa nom thật sạch và đẹp. Từ cuối phố có thể nhìn tới tận đầu phố giáp với phố Huế. Con phố nhỏ giờ không như xưa nữa. Vỉa hè cao thấp, lô nhô. Hàng quán bày ra la liệt. Phố lộn xộn. Phố xấu xí.  Lâu lâu đi  qua mà không nhận ra nữa. Lũ trẻ chúng tôi học cùng lớp theo tuổi, cùng trường Quang Trung nên rất thân nhau. Lũ trẻ chúng tôi ngày tết cùng nhau ra đường chơi vui vẻ. Người lớn áo dài, com lê đi từ nhà này sang nhà khác chúc mừng năm mới. Ở cùng phố gần hết đời thế hệ này sang thế hệ khác, anh học với anh, em học với em nên bà con hàng xóm thân mật, tết thăm hỏi thân mật. Mọi người đều yêu khu phố của mình. Lũ trẻ chúng tôi lớn lên cùng chơi, cùng học và cả yêu nhau từ con phố của mình

Đêm 30 với nồi bánh chưng chờ đợi. Có nhà đã luộc từ 28 – 29 cho khỏi vội. Bà đã mua 1 nắm to lá mùi. Thế là vừa luộc bánh chưng vừa đun nước lá tắm gội cả nhà. Bây giờ nghĩ mà sợ thật và thấy người già trẻ em lúc đó khỏe thật. Có đêm 30 rét thấu xương mà ai cũng vui vẻ tắm gội. Cửa buồng tắm chống chếnh gió lùa. Tắm xong rét xà xuống cạnh bếp luộc bánh chưng mà nóng đỏ má, nóng rát chân tay. Cho cả nhà hàng xóm nước nóng.

Bà đã là người xưa. Mẹ đã là người xưa. Và cả tôi nữa cũng đang là người xưa. Tết của thời bao cấp cũng đã xưa rồi. Ngồi nhớ lại chỉ còn thấy ấm tình người. Mà cái tình người ấy hình như cũng đã xưa mất rồi. Cái sự giàu - nghèo, cái tình ấm – lạnh bây giờ ngày một cách ngăn. Đã khác rồi – cái khác đáng mừng và cái khác đáng buồn.      

. . . . .
Loading the player...