06-03-2023 - 10:17

Tản văn GÁNH RAU MÙA GIÁP HẠT của LÊ THỊ XUÂN

Tạp chí Hồng Lĩnh số 199 phát hành tháng 3/2023 trân trọng giới thiệu Tản văn GÁNH RAU MÙA GIÁP HẠT của LÊ THỊ XUÂN

lê thị xuân

gánh rau mùa giáp hạt

                                                                                              Tản văn

Phiên chợ làng quê mùa giáp hạt xế trưa chỉ còn lác đác người đi lại. Tan giờ làm, tôi phi nhanh ra chợ mua đỡ lấy chút gì đơn giản nấu bữa trưa cho cả gia đình. Đang loay hoay nghĩ không biết nấu món canh gì dễ nấu, dễ ăn trong ngày nắng nóng thì một bà cụ chìa ra trước mặt tôi một bó rau muống và bảo:

- Chống ế giúp bà bó rau con nhé.

Tôi liếc nhìn thì bó rau đã hơi héo nhưng xanh và có vẻ đang non lại nghĩ thương bà nên đồng ý mua luôn. Bà cụ trao cho tôi bó rau với giá năm ngàn đồng mà ánh mắt bà long lanh chừng như vui lắm. Không hiểu vì nắng quá to hay vì tôi thoáng nhìn thấy hình ảnh mẹ tôi ngày nào bán rau muống dạo qua hình hài bà cụ mà đôi mắt tôi bỗng nhạt nhòa. Tôi cầm bó rau trên tay, kí ức tuổi thơ trên cánh đồng rau cùng mẹ chợt ùa về xốn xang trong lồng ngực.

Tôi nhớ như in, hồi ấy cứ đến độ giêng hai là bố mẹ cặm cụi xới đất, làm cỏ trong đám ruộng sát bờ tre mà mẹ không cấy lúa để dành trồng rau. Mẹ cẩn thận ngồi kháy từng nhát cuốc để nhặt cho bằng hết rễ của đám cỏ dại trong lòng đất. Bố tôi ì ạch gánh phân chuồng rải dày lên bề mặt, tháo nước vào xăm xắp rồi xới đi xới lại mấy lần nữa cho đất thật nhuyễn. Rau muống giống mẹ mua về là những sợi dài thòng đã hơi ngả vàng. Mẹ cẩn thận cấy thành những hàng thẳng đều tăm tắp. Lần đầu tiên tôi ngồi đợi mẹ trên bờ mòn mỏi, quan sát mẹ chăm chút nâng niu từng cọng rau mà không hiểu vì sao mẹ phải làm như thế. Nhưng rồi từng ngày lớn lên tôi đã biết được loài cây bình dị như cỏ dại này lại có ý nghĩa vô cùng to lớn với cuộc sống của gia đình tôi và những người dân quê tôi lúc ấy.

Chỉ mười ngày sau khi cấy, những cọng rau vàng úa hôm nào đã khoác áo màu xanh. Rễ chúng mọc ra, lan đầy trong  đất, chúng cần mẫn hút chất dinh dưỡng và uống khí trời  để nuôi lá cành khôn lớn. Có vẻ như nó hiểu được sự trông chờ của mẹ nên cố phát huy hết khả năng của giống loài mà lớn nhanh như thổi. Chỉ cần sau vài hôm mẹ bấm ngọn thân chính là nhánh con mọc ra tua tủa, non mượt. Sáng nào gánh nước tưới rau, mẹ cũng lật từng kẽ lá bắt sâu, nhổ cỏ. Tôi nhìn thấy trong mắt mẹ ánh lên niềm hy vọng.

Sau khoảng ba tuần thì rau bắt đầu cho thu hoạch. Mẹ tôi thức dậy từ rất sớm, khi màn đêm còn rậm rịt, những giọt sương long lanh còn ngủ say trên lá. Mẹ cẩn thận, nhẹ nhàng hái những nhành rau vừa đủ tốt, non xanh mơn mởn, buộc thành từng bó. Phần cuống rau mẹ cắt phẳng cho đẹp, phần gốc nếu vẫn còn non mẹ để dành luộc hoặc nấu canh cho cả nhà ăn, nếu già thì thái nhỏ trộn cám cho heo, cho gà ăn chứ không hề vứt bỏ.

Mặt trời vừa hé mắt nhìn từ phía đằng đông, mẹ đã sửa soạn xong gánh rau đầy ăm ắp. Những bước chân vội vàng gánh rau lên chợ mà chẳng kịp ăn chút gì lót dạ. Bóng mẹ đổ dài trên nẻo đường quê. Gánh rau trên vai mẹ là gánh bao nỗi niềm chờ đợi. Là bát cơm nuôi đàn con qua ngày đói khát, là tấm quần, manh áo, sách vở cho con đến trường kiếm tìm con chữ, là liều thuốc khi con hay ông bà ốm vặt... Lòng mẹ vừa mừng, vừa lo mà quên đi nỗi nhọc nhằn hiện hữu. 

Phiên chợ quê mùa giáp hạt thì sự mặc cả bán mua càng trở nên cặn kẽ. Thế nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng mẹ mới bán hết rau, vuốt ve từng đồng tiền lẻ cho phẳng phiu rồi mẹ chia ra thành từng khoản để chi tiêu làm sao cho hợp lí. Có nhiều hôm bị ế, mẹ phải đi bán rao khắp chợ rồi đi cả những làng xung quanh. Những hôm như thế, mấy chị em ra đứng ở đầu làng rất lâu chờ đón mẹ về. Chỉ cần thấp thoáng dáng mẹ từ rất xa là chị em tôi đã chạy ào ra. Nhìn gương mặt mẹ đỏ bừng và mồ hôi ướt đầm trên áo, miệng chúng tôi cười mà khóe mắt cay cay.

Bữa cơm đạm bạc ngày nào cũng có món rau muống bày trên bát đĩa. Lúc thì luộc chấm nước mắm tỏi và bát nước luộc xanh rờn ăn cùng cà pháo muối mặn giòn tan trong miệng. Lúc thì mẹ xào với tỏi ớt bằng mỡ heo bóng nhẩy, có lúc lại thái nhỏ nấu canh cùng với  hạt lạc, lúc mẹ lại nấu với cua hoặc tép bố bắt được trên đồng. Không thể tưởng tượng được, loại cây nhìn như cỏ dại, không hương, không sắc mà khi chế biến thành những món ăn bình dị mà đưa cơm phải biết, vừa ngon miệng, ngon cơm mà góp phần chống đói. Nó cứ thấm dần vào da thịt, vào máu và theo hoài trong kí ức của tuổi thơ tôi.

Tuổi thơ của chị em tôi trải dài bao nhiêu năm tháng thì có bấy nhiêu mùa rau muống mẹ cấy trồng thu hoạch. Mẹ cõng nắng trên lưng, cắm đôi bàn chân gầy gò vào bùn đất, tưới những giọt mồ hôi chát mặn lên cánh đồng bao mùa mưa nắng, chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai để nuôi chúng tôi khôn lớn trưởng thành. Vậy mà giờ đây, khi bát cơm đủ đầy, no ấm, rau muống ngày xưa giờ chỉ là món ăn phụ thỉnh thoảng xuất hiện trong bữa cơm gia đình thì mẹ đã già nua còm cõi. Mắt mẹ chẳng còn phân biệt được màu xanh của con sâu hay màu xanh của lá. Chân mẹ chẳng còn đủ vững để ngày ngày đến chợ mặc cả bán mua. Răng mẹ không còn để ăn được những món ăn mà ngày xưa mẹ hằng khao khát. Tôi thương mẹ, nhớ gánh rau năm nào của mẹ, nhớ  đến nao lòng.

                  L.T.X

Thu hoạch rau muống nước:  Ảnh:  Trần Đáng

. . . . .
Loading the player...