16-09-2019 - 10:11

Tản văn CHỜ BAY của Nhà văn Trần Đức Tiến

CHỜ BAY

 Tản văn của Trần Đức Tiến

Phải sau rất nhiều lần đi máy bay, mình mới ngẫm ra một điều: thú vị hơn cả là lúc ngồi chờ bay, chứ không phải lúc máy bay đã đưa mình phiêu bồng trên chín tầng trời.

Ra sân bay lần nào mình cũng thích đi sớm, trước vài ba giờ đồng hồ là thường. Chính vì thế mà có những lần được nơi này nơi kia mời mọc tham gia một việc gì đó, khi xong việc, họ chu đáo cho xe cơ quan đưa ra tận sân bay, thú thực là mình không thấy thoải mái lắm. Vì lái xe thường tính giờ rất khít. Tới nơi, có khi chỉ kịp làm thủ tục là ra máy bay luôn. Mình vẫn muốn tự mình đi taxi, chủ động giờ giấc, để có thời gian thật thư thả ngồi trong phòng chờ. Có những hôm máy bay bị chậm, thiên hạ sốt ruột kêu ca phàn nàn. Mình gọi điện báo tin cho người nhà hay bạn bè, nghe họ suýt xoa thương mình rủi ro xuất hành phải giờ xấu ngày xấu, mình cũng giả vờ tỏ ra ngán ngẩm, nhưng trong bụng thấy bình yên như không. Lại khoan khoái kiếm một chỗ nhâm nhi ly cà phê, hoặc dạo qua mấy quầy hàng bán đồ lưu niệm, các loại quà bánh…

Ai bảo mua quà ở sân bay là dại, vì giá có thể đắt hơn nhiều so với mua ở ngoài, nhưng mình vẫn thích mua quà sân bay. Khi được ai đó tặng quà mua ở sân bay, mình cũng thấy sướng, thấy quý. Không phải vì chất lượng hay giá tiền, mà vì một cái gì đó rất khó nói. Ở nhà nhớ nhau, chạy ra ngoài mua quà gửi tặng nhau là chuyện thường. Nhưng quà ở sân bay là kỉ niệm về một chuyến đi, mà chuyến đi nào cũng hàm chứa sự bất định và lãng mạn.

Phòng chờ ở sân bay thường không chật chội, nhếch nhác như bến ô tô hay ga tàu hỏa. Ngồi trong phòng chờ, tha hồ ngắm nhìn thiên hạ. Quần áo, hành lý, mặt mũi, dáng dấp… của từng người lướt qua trước mặt, hay im lặng thu mình một góc. Cảm nhận được bao niềm vui, nỗi sầu muộn, lo lắng, hồi hộp, bình thản, lạnh lùng. Thời buổi công nghệ thông tin, có rất nhiều người giết thì giờ bằng cách chúi mũi vào màn hình điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Không như các sân bay Tây, ở sân bay ta (cũng như ga tàu hỏa, bến xe ô tô) hiếm người đọc sách. Mình cũng có điện thoại thông minh, nhưng mình không chơi game, lướt mạng, vào facebook lúc chờ bay. Mình thích gọi cho bạn bè. Người mà mình hay gọi để chuyện trò tào lao trong những lúc ngồi chờ bay là anh H. Anh H cũng là dân viết lách như mình. Không hiểu những lúc ấy giọng mình có gì đặc biệt, mà mới chỉ thoáng nghe câu đầu, anh đã hỏi: “Thế nào, lại đang chờ bay à”? Hiểu nhau đến chân tơ kẽ tóc nên chuyện gì cũng có thể nói, có thể kể cho nhau nghe. Công việc, quan hệ, tâm trạng, những dự định, những mối tình bèo dạt mây trôi… Cuối cùng thể nào cũng quay về màn thở than quen thuộc: viết khó quá, càng viết càng thấy khó, viết cái gì để không lặp lại mình bây giờ? Hỏi xong mới thấy buồn cười. Đời người là một chuỗi lặp đi lặp lại. Muốn không lặp, muốn là thiên tài, chỉ có cách là từ bỏ cuộc sống này nhanh nhanh. Chuyện nọ xọ chuyện kia, hết khôn dồn đến dại, thao thao bất tuyệt, nói khẽ, cười khẽ, mà nhiều khi kéo dài nửa tiếng, cả tiếng đồng hồ.Nhưng cũng có những lúc chỉ ngồi im lặng nhìn ngắm. Rất ít khi gặp người quen trong phòng chờ sân bay. Một hôm trời đất xui khiến thế nào, mình nhìn thấy Q. Chẳng còn chút dư hương nào của người đẹp nổi tiếng thời sinh viên trong hình hài bà khách đang chờ lên máy bay ngồi cách mình ba hàng ghế. Hình như Q đi cùng con trai và cháu nội. Anh con trai mặt mũi hơi thộn, quần áo cẩu thả, đi đôi giày da khủng, kiểu giày sĩ quan quân đội từ mấy thập niên trước. Thằng bé chừng bốn, năm tuổi nghịch ngợm luôn chân luôn tay. Nó chạy nhảy, luồn lách từ chỗ này qua chỗ khác, thỉnh thoảng lại mân mê sờ mó vào túi hành lý của ai đó. Q kéo thằng bé lại, quay sang anh con trai, gắt: “Mày để mắt đến con mày đi chứ”! Ông bố trẻ nhìn con, cười hề hề: “Hư nào! Ăn đòn giờ! Hư nào!”. Q không nhịn được, bặm môi, phát đen đét vào mông thằng bé. Mình cố tình nhìn Q lâu lâu, thử xem cô bạn xinh đẹp cùng lớp ngày nào có nhận ra mình không. Nhưng hoa hậu hết đát chỉ cau có đảo mắt qua lão già quá tuổi hưu cách ba hàng ghế một thoáng, mặt lạnh tanh.

Tự nhiên trong lòng thấy có chút ngao ngán. À, thì ra người ta có thể quen nhau tóc xanh lạ nhau tóc bạc, đâu cần phải đợi sang cõi nào.

Một lần khác, mình tình cờ phát hiện ra K. Nói “phát hiện” không ngoa tí nào. Bởi trước đó khá lâu, bạn bè đã kháo nhau ầm lên: K mất tích. K. từng có mấy năm làm chung cơ quan với mình. Thời đổi mới, kinh tế thị trường, K bỏ biên chế cơ quan ra thành phố tính làm ăn lớn. Hùn vốn đầu tư in các loại lịch. Liên kết làm xuất bản, mở cửa hiệu sách. Có dạo còn nhảy sang kinh doanh bất động sản. Ít khi gặp lại, chỉ nghe nói giàu lên nhanh, nhà lầu, xe hơi, vợ mới. Vận đang son thế mà đùng phát, biến! Không ai còn nhìn thấy mặt mũi. Gọi điện chỉ thấy ò í e. Hỏi thăm vợ, vợ đã chuyển nhà đi tỉnh khác. Bặt tăm hơi trên giang hồ. Bạn bè ngơ ngác đoán già đoán non: làm ăn thua lỗ, vỡ nợ, vợ phụ tình, bỏ trốn…

Nhưng nếu không phải K thì là ai kia – người đàn ông có cái lưng khòm khòm, mái tóc xõa che nửa mặt vừa qua cửa an ninh kéo chiếc va li xẹp lép vào phòng chờ. Lẽo đẽo theo sau K là một người đàn bà nhà quê mặt mũi khắc khổ. Mình đoán là vợ cũ của K. Linh tính ngăn mình đứng lên cất tiếng gọi. Người ta đã rơi vào hoàn cảnh phải lảng tránh tất cả, tất phải có nỗi niềm bất hạnh, đau đớn khó nói. Đừng gợi lại vết thương của họ. Nhưng tưởng tượng là quyền mình, không ai cấm…

 Mình rút điện thoại. Không gọi cho bạn bè K, mà gọi cho anh H.

 - Thế nào, lại đang chờ bay à?

 - Không. Em đang bay.

 Anh H có vẻ ngạc nhiên. Đang bay mà còn gọi? Mình cười:

 - Ngồi trên máy bay chỉ bay đến một cái đích duy nhất là sân bay phía trước. Ngồi trong phòng chờ, mình có thể “bay” đến bất cứ nơi nào. Giờ em đang bay theo một số phận…

                                                                                            

Trần Đức Tiến

 

. . . . .
Loading the player...