10-08-2019 - 06:43

Sơn Kim ngày mới - Tạp chí Hồng Lĩnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 156 giới thiệu ghi chép "Sơn Kim ngày mới" của tác giả Trần Đăng Đàn.

 

       Một ngày đẹp trời chúng tôi lên Sơn Kim. Đó là một vùng rừng núi của huyện Hương  Sơn, trải dài dọc theo biên giới Việt Lào gồm hai xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2.

         Ấn tượng đầu tiên của tôi trong chuyến đi này là vẻ đẹp cảnh quan sơn thủy hữu tình. Ngay cái địa danh Hương Sơn nghe cũng đã gợi cảm giác thoảng thơm và nữ tính. Xe chúng tôi bon trên Quốc lộ 8, qua Phố Châu, qua thị trấn Tây Sơn một thời từng là trung tâm thương mại khá sầm uất, qua những xóm làng trù phú với nhiều ngôi nhà cao tầng và những vườn cây trái sum suê. Đây là con đường độc đạo sang Lào có từ thời Pháp thuộc mà ông nội tôi từng làm phu lục lộ cùng bao người xuyên rừng xẻ núi đổ xương máu mồ hôi và nước mắt mới có được. Cha tôi, rồi anh tôi cũng theo con đường này mà đi dân công hỏa tuyến lên Trung Lào, Thượng Lào. Tôi từng được nghe kể lại bao sự bí hiểm rùng rợn ở cái vùng hẻo lánh thâm sơn cùng cốc này. Bây giờ nhiều đoạn đường đã được làm mới để cho thẳng hơn và tránh lũ nhưng về cơ bản vẫn là con đường của ngày xưa cũ ấy.

         Gần như đồng hành với con đường 8 là dòng Ngàn Phố xanh trong thoắt ẩn thoắt hiện như đôi bạn thân thiết và tinh nghịch đang thích chơi trò trốn tìm. Sông Phố thâu nhận nước của các suối khe lớn nhỏ trên dãy Giăng Màn rồi theo hướng đông mà chảy về xuôi hợp với dòng Ngàn Sâu ở Linh Cảm tạo thành ngã ba bến Tam Soa, nguồn cảm hứng muôn đời của thi ca nhạc họa. Từ thẳm sâu trong tâm tưởng, tôi hình dung sông Phố là mái tóc mượt mà xõa dài của nàng tiên giáng trần đang nằm ngủ mê trong du dương của bản tình ca muôn thuở giữa hùng vĩ đại ngàn Trường Sơn.

         Sơn Kim trước đây là xã miền núi phía tây của huyện Hương Sơn, có chung 30 km đường biên giới với tỉnh Bôlikhamxay của nước bạn Lào. Do diện tích quá rộng, địa hình rừng núi phức tạp và bị chia cắt, mật độ dân số thấp (22 người/km2), các thôn bản nằm biệt lập, có nơi cách xa trung tâm mấy chục cây số. Từ ngày 02 tháng 01 năm 2014 Sơn Kim được tách thành hai xã là Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2.

         Sơn Kim 1 có tổng diện tích 197 km2, có cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo và khu kinh tế mở Cầu Treo, có Khe Nước Sốt nay phát triển thành khu du lịch sinh thái và suối nước nóng Sơn Kim. Từ thị trấn Tây Sơn thuộc Sơn Kim 2 theo Quốc lộ số 8 lên đó lến đó là 30 km. Nơi đó có bao điều hấp dẫn đang chờ đợi và vẫy gọi. Nhưng lần này chúng tôi lên Sơn Kim là để tìm hiểu về những thành quả nơi mảnh đất biên cương này trong phong trào xây dựng Nông thôn mới. 

         Ông Trần Văn Hải - Chủ tịch và ông Nguyễn Sỹ Luận - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 1 tiếp đón chúng tôi một cách tự nhiên thân mật, thể hiện sự chân tình hiếu khách. Qua trao đổi tôi thấy tập thể cán bộ ở đây có những điểm rất đáng quý, đó là sự năng động sáng tạo, tinh thần dám nghĩ dám làm và sự nhiệt tình đồng thuận, và đặc biệt là đã được trẻ hóa.

         Xã Sơn Kim 1 có tất cả 9 thôn trên địa bàn rộng lớn, trung bình mỗi thôn có diện tích xấp xỉ 22 km2, dân cư thưa thớt lại nhiều thành phân sinh sống trên địa hình rừng núi phức tạp, trình độ dân trí còn thấp. Không nói thì ai cũng biết rằng công cuộc đổi mới ở đây sẽ gặp khó khăn đến mức nào. Tuy nhiên điều kỳ diệu đã xảy ra. Năm 2014, Sơn Kim 1 đã trở thành xã biên giới đầu tiên trong cả nước về đích Nông thôn mới. Thật đáng khâm phục và tự hào. Trên địa bàn xã hiện nay đã có rất nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập không dưới 300 triệu đồng/năm. Tiêu biểu là những mô hình nông lâm kết hợp, mô hình trang trại chăn nuôi lợn liên kết với Công ty CPI, mô hình trồng rừng cho thu nhập ổn định, mô hình trồng cây ăn quả. Nhiều người trong xã đã vươn lên trở thành những triệu phú làng được dân trong vùng trân quý tặng cho biệt danh là ‘hảo hán rừng”.

         Suốt gần cả buổi sáng, chúng tôi được chủ tịch xã Trần Văn Hải làm hướng đạo đi nhiều nơi. Mỗi nơi đến đều để lại trong lòng những ấn tượng sâu đậm. Tại Giáo xứ Kim Cương, chúng tôi gặp Linh mục Antôn Lê Sơn đang trực tiếp đôn đốc chỉ đạo giáo dân làm đường bê tông liên thôn. Chúng tôi biết, trong phong trào toàn dân ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới ở xã biên giới Sơn Kim 1 có sự hưởng ứng và đóng góp rất lớn của giáo dân thuộc Giáo xứ Kim Cương. Họ sẵn sàng hiến đất vườn, cây ăn trái, hiến những diện tích trồng lúa, thậm chí đập dỡ cả những bức tường rào đã xây kiên cố để làm đường cho thẳng đẹp. Linh mục Lê Sơn xúc động nói với chúng tôi: “Những con đường nông thôn mới ở đây mang trong lòng tình cảm của bốn đơn vị thành viên là Bộ đội Biên phòng, lãnh đạo huyện Hương Sơn, UBND xã Sơn Kim và Giáo xứ Kim Cương”... Nhìn những giọt mồ hôi và nụ cười trên gương mặt rạng ngời của vị linh mục trẻ này, lòng tôi vô cùng cảm kích. Chính con người ấy thực sự là tấm gương yêu nước và kính Chúa đã chăn dắt phần hồn cho các con chiên trong toàn Giáo xứ của mình sống tốt Đời đẹp Đạo.

         Về Sơn Kim lần này chúng tôi còn được nghe nói nhiều về một người khác được cán bộ và nhân dân ở đây rất nể trọng và yêu mến. Đó là anh Võ Trọng Hải người chỉ huy Bộ đội Biên phòng trên địa bàn biên giới Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trước đây nay là Đại tá Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh. Là đồng hương với nhau, tôi biết rất rõ về anh. Mỗi lần gặp nhau nói chuyện với anh, nhìn gương mặt cương nghị có cặp lông mày đen rậm, ánh mắt sắc tinh anh như mắt chim ưng, nước da ngăm ngăm hằn lên những nét phong sương của con nhà lính biên phòng, tôi thầm nghĩ hèn chi mà người ta vẫn nói nhiều về anh, người hùng biên ải bằng tất cả sự nể trọng và cảm phục. Gần như ở thôn bản nào của Sơn Kim cũng có dấu ấn và kỷ niệm của Võ Trọng Hải. Tôi nghe kể về anh mà cảm thấy tự hào: “Anh ấy là người rất tận tâm với dân, coi dân như người nhà, thương yêu dân thực lòng. Anh ấy đã tổ chức động viên đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây nhà tình nghĩa, 500 triệu đồng cho y tế vùng biên giới. Ngoài ra anh Hải là người tích cực giúp đỡ nhân dân xoá đói giảm nghèo, tổ chức cho dân ở Thoọng Pẹ và Sơn Kim giao lưu học tập phát triển những mô hình kinh tế và văn hoá rất có hiệu quả. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cá nhân anh Hải đã ủng hộ 450 triệu đồng”.

Rời Sơn Kim 1, chúng tôi mang theo bao niềm xúc cảm với những tên đất tên làng đã trở nên thân thuộc gần gũi: Công Thương, Trưng, An Phú, Kim Cương 1, Kim Cương 2: Khe Năm, Khe Dầu, Hà Trai… Mảnh đất biên giới này hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ. Với sự quyết tâm của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn dân, Sơn Kim 1 đang phấn đấu xây dựng thành công xã Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020.

         Buổi chiều chúng tôi về Sơn Kim 2, vào Tổng đội TNXP, đơn vị được Tỉnh đoàn Hà Tĩnh thành lập ngày 26 tháng 3 năm 2003 mang tên Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Tây Sơn đến bây giờ có tên đầy dủ là Tổng đội TNXP - Xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn. Lúc đầu chỉ có 7 hộ bám trụ với bao vất vả gian truân, bây giờ Tổng đội đã có 228 hộ với 774 nhân khẩu đến từ khắp nơi trong tỉnh. Họ được giao đất giao rừng. Họ được tư vấn và hỗ trợ vay vốn để xây dựng những mô hình kinh tế mới. Mười lăm năm từ hai bàn tay trắng, bây giờ thì ai cũng đã có một cơ ngơi và tiền đồ tốt đẹp với mức thu nhập bình quân  mỗi người 32,5 triệu đồng/năm. Có nhiều người đã có thể gọi là tỷ phú. Mười lăm năm để bây giờ Sơn Kim 2 đã có một sắc màu khác, một diện mạo khác. Về Sơn Kim 2 bây giờ ta đi trong bạt ngàn chè. Có thể khẳng định vị thế cây chè không những chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà chính là cây làm giàu bền vững trên mảnh đất ngày xưa từng bị coi là chốn rừng thiêng nước độc, là nơi thâm sơn cùng cốc “khỉ ho cò gáy”.

         Chia tay với các anh em ở Tổng đội TNXP chúng tôi vòng qua khu vực trung tâm xã, gặp những con đường bê tông hai bên trồng rất nhiều hoa các loại đủ màu. Chính là nơi đây bạn tôi đã có bút ký “Đường hoa” từng làm xúc động độc giả.

Bình minh trên nương chè Tây Sơn - Ảnh: Đậu Bình

         Trước khi trở lại thị trấn Tây Sơn để về xuôi, chúng tôi còn ghé thăm Xí nghiệp chè Tây Sơn. Đây là doanh nghiệp được chuyển đổi từ Nông trường Quốc doanh Tây Sơn trước đây chuyên sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn chè chất lượng cao chủ yếu cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là các nước Trung Đông.

         Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc xí nghiệp Nguyễn Văn Sơn cho biết “Hiện nay Xí nghiệp đã chủ động đưa những giống chè có năng suất cao vào trồng trên địa bàn như giống chè: PH1 (từ cây Bạch Đại Trà, nguồn gốc ở Ấn Độ), và giống chè LDP2, LDP1 (do viện chè ở Phú Thọ sản xuất). Ba giống chè này rất phù hợp với điều kiện khí hậu gió Lào, khô hạn, chịu nắng, chịu mưa tốt. Với việc mạnh dạn đưa các giống này vào ứng dụng, tính đến nay, toàn xã đã có trên 220ha chè. Bên cạnh mở rộng diện tích trồng chè, xí nghiệp cũng đã triển khai tốt vấn đề đảm bảo sản xuất theo hướng chè sạch, bền vững, huy động hàng nghìn tấn phân chuồng, bón các loại phân có giá trị cao, nghiêm ngặt trong việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học để không gây hại quy trình chế biến tạo ra sản phẩm phù hợp với khách hàng”.

         Chúng tôi rời mảnh đất vùng biên phía tây Hà Tĩnh khi trời đã về chiều, nhiệt độ đã bắt đầu giảm xuống. Sơn Kim, vùng quê non nước sơn thủy hữu tình, nơi một lần tôi đến một lần chia xa, lòng thầm hẹn chắc chắn một ngày sẽ trở lại. Ngồi trên xe về lại miền xuôi, tôi miên man theo lời bài hát “Sơn Kim ơi” của bạn tôi với giai điệu trữ tình đằm thắm: “Em ơi! Anh đã vượt cầu Trưng, anh băng vào An Sú/ Khắc khoải tìm em người con gái Sơn Kim.../ Em thổi vào đất mát lành gió mới/ Em hồi sinh rừng, rừng hồi sinh sông suối/ Rộng mở con đường đưa ta đi tới/ Hà Trai ơi! Măng vút thẳng lên trời, tre xanh tỏa bóng/ Gái trai quê mình xuân vui vào hội, quê hương đổi mới/Son sắt nghĩa tình đất mẹ Sơn Kim…”.

                                                                                                  T.Đ.Đ

. . . . .
Loading the player...