12-10-2019 - 06:02

Sen thì đang tím trong ta nỗi thiền - Tạp chí Hồng Lĩnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 158 giới thiệu bài viết "Sen thì đang tím trong ta nỗi thiền" (Đọc tập thơ "Viết chờ sen lên" của Trần Nam Phong, NXB Hội Nhà văn, 2019) của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

        Trong bài thơ “Sen tím” của Trần Nam Phong viết ở Thiền viện Trúc Lâm có một câu thơ vận vào đời thơ anh trong tập “Viết chờ sen lên”: “Sen thì đang tím trong ta nỗi thiền”. “Sen tím” là một sắc màu thủy chung bắt đầu từ sự tinh khiết thanh lọc qua bao từng trải chiêm nghiệm của cuộc sống đời thường. Trong tập thơ đầu tay này của anh có nhiều bài viết về sen và tâm linh đạo Phật, hướng thiện, hướng về một cõi cao vọng không phải để “thoát tục” mà để “nhập thế” với cuộc đời hơn. Ví như: “Nơi đây mây gió dửng dưng - Một bông hoa hạnh … chưa từng nở hoa” (Với ni cô); hay: “Thương một miền gió ngủ - Liu riu lửa từ bi” (Viết ở chùa Long Sơn). Tôi thích hai chữ “liu riu” tải bao thân phận kiếp người, một âm ỉ, một nghĩ ngợi, một nung nấu, một bền lòng từng  trải. Chữ mới và nghĩa mới. Và rồi ở bài thơ “Đức Phật” với bao tự vấn, năm khổ thơ ngắn xòe ra như búp tay năm ngón nở ra năm cánh sen với bao điều sắc sắc, không không. Thơ đã chạm đến được cái triết lý huyền không đã “khảm” được bức tượng “Đức Phật” trong tâm  thức anh…

        Tập thơ “Viết chờ sen lên” được tác giả bố cục thành ba phần: “Nơi bắt đầu - Ký ức thời gian - Mật mã không gian”, theo thứ tự thời gian những bài thơ anh viết. “Nơi bắt đầu” là những bài thơ dạt dào bao cảm xúc tươi rói của thời trai trẻ trên đôi cánh lãng mạn, chủ yếu viết theo thể thơ truyền thống. Có lẽ hồi đó chàng sinh viên khoa Ngữ văn mới ra trường còn nhiều mơ mộng. Những con chữ thăng hoa còn mang dấu ấn buổi đầu nhìn đời qua con mắt xanh khi anh “Trở về” với bao hoài niệm lưu luyến: “Ta về nhặt trái me chua - Vô duyên nhặt cả lá bùa của em”. Lá bùa tình yêu dẫn dụ ma lực ấy đã đánh thức tâm hồn thi sĩ bao rạo rực đắm đuối: “Lòng con đó tựa con còng gió - Trắng bãi bờ mở mắt rưng rưng” (Sông Roon). Có lẽ lần đầu tiên tôi mới thấy người ví lòng mình như con còng gió, đây là sự vô thức ám ảnh hay là trực giác linh cảm - Cả hai!. Thơ Trần Nam Phong buổi đầu đã hé lộ trực cảm, thơ gợi mà vọng lại dư ba day dứt, đặc biệt là nhịp điệu. Anh tắm mình trong âm vực của dân gian truyền thống để biến tấu nhảy quãng thành nhịp riêng của lòng mình. Có thể là nhịp lục bát như: “Là khi nhịp võng bồng trôi - À ơi con ngủ tròn đôi trái chiều”.Tròn đôi trái chiều” là hình ảnh mới, lạ tuy còn ảnh hưởng chút ít chất Huy Cận của thời “Lửa thiêng”. “Khúc hát về đất tổ” là tứ thơ cảm động. Cảm động bởi sự ân nghĩa khiêm nhường, cảm động nhờ sự thẩm thấu sâu sắc cuộc đời khi nghĩ về cội nguồn tiên tổ… “Lạy nỗi đau nguồn cội - Lạy lời nguyền cố hương”. Vì thế trong tập thơ này anh viết về mẹ, về cha, về vợ thật da diết ân tình. Trong “Thơ gửi mẹ ngày giáp hạt” phải thật tinh tế cảm thông với sự chia sẻ giãi bày anh mới nhìn và nhận ra được: “Tiếng gà khắc khoải rào trưa - Lối nào mẹ tôi chạy chợ”. Tôi đọc bài thơ “Tiễn cha” mà lòng nghẹn thắt khi nhịp lục bát cân xứng như nhịp đòn gánh tiễn cha về với đất đai tổ tiên đồng ruộng: “Đưa cha qua cánh đồng chiều - Khổ đau níu lại qua bao tháng ngày”… Có hai câu thơ anh viết về người “Bạn đời” của mình cứ ám ảnh tôi mãi: “Ngọn cỏ nhớ bóng mây - Anh nhớ em đường kim mũi chỉ”. Có lẽ khi viết anh chợt nhớ đến loài “cỏ may” đang níu bước chân mình. Xa hơn nữa là hình ảnh bà nội, ông nội cùng “Thức” dậy trong anh: “Bà nội thường ủ trấu lên niêu cá trích - Ông nội nhâm nhi chén rượu men riềng sau giờ cắt thuốc bắc”. Hình ảnh những người thân yêu đó: “Thức dậy cùng năm mới - Ý nghĩ đầu tiên: - Ông bà tổ tiên đang ăn tết ở nhà mình”. Tôi mới nghiệm ra rằng Trần Nam Phong là thi sĩ của yêu thương, luôn nâng niu gìn giữ cội nguồn huyết mạch. Nguyễn Du đã từng đúc kết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Chữ tâm ở đây được thấu thị qua lăng kính của một tâm hồn nhạy cảm, đa cảm ẩn chứa bao trầm tích văn hóa với những ứng xử nhân văn. Đó là những thông điệp mà anh muốn được lưu giữ được phấp phỏng đợi chờ để tỏa hương khi “Viết chờ sen lên”.

Nếu như mảng thơ đầu tác giả có trau chuốt về ngôn ngữ thì mảng thơ sau anh lại đúc kết sâu lắng nghĩ ngợi mang tính triết lý. Có lẽ sau khi được nạp năng lượng của tư duy triết học (anh vốn là thạc sĩ triết học) thì thơ anh đã bắt đầu “Giải mã” vũ trụ từ qua “Ký ức thời gian” đến “Mật mã không gian”. Khoảng vài ba năm lại đây Trần Nam Phong có nhiều tìm tòi sáng tạo thơ anh viết cách tân hơn tứ thơ độc đáo hơn. Khi anh công bố những bài thơ kiểu này tôi đã linh cảm được cái nội hàm của một tinh thần thi sĩ và cũng ít nhiều hồi hộp lo cho anh. Bởi thơ rất cần những nhụy của nhung tuyết còn run rẩy còn tinh sương chứ không trơ lỳ bào nhẵn cảm xúc. May thay, Trần Nam Phong vẫn giữ được nguyên độ ấm nóng, nồng nàn rạo rực non tơ của “Cái  thưở ban đầu lưu luyến ấy” (Xuân Diệu). Có chăng là gia tăng thêm, đằm thắm, thấm thía thêm những chiêm nghiệm như vụt ra từ vô thức kinh nghiệm sống của anh để thành: “Tôi niệm nắng cho vườn mai đang nở”; hay “Mọi kí tự mang khuôn mặt hoa đợi ngày bói quả”. Anh đã có một “chìa khóa” để mở mật mã tâm hồn của mình khi: “Giăng lưới bắt chim - Chỉ nhận được cái bóng - Chuyển động cùng nước” (Mật mã không gian). Tôi rất thích những câu thơ khi anh đã nâng tần số cảm xúc lên thành cảm giác. Một cảm - giác - thơ được đánh thức từ ám ảnh trực giác mở ra nhiều chiều liên tưởng: “Nắng từ bi - Lộc vừng dâng tràng hạt” (Đức Phật).

        Đọc tập thơ “Viết chờ sen lên” có một điều khá mới và lạ là cấu trúc tập thơ. Thường, các tập thơ được các tác giả tập hợp lại các bài thơ đã viết đã in ít khi có một “tư duy chiến lược” từ lâu dài. Vì thế tính “nghiệp dư” khá nổi trội, ít khi tạo ra được điểm nhấn ấn tượng mà có cảm giác chung chung. Ở đây, Trần Nam Phong đã có một hình dung, tạo ra một hành trình ngay từ khi anh viết bài thơ đầu tiên “Bờ đê, thả gió, chăn trâu” với bao kí ức, kỷ niệm, để từ “Nơi bắt đầu” đó anh chiêm nghiệm với “thời gian” và đi tới khám phá những bí mật, bí ẩn của “Mật mã không gian”. Tôi có thói quen khi đọc một tập thơ thì điều đầu tiên xem có gì mới không nhất là về mặt thi pháp. Và với tập thơ này, Trần Nam Phong đã mới. Mới không phải ở câu chữ niêm luật thể thơ mà mới ở tứ thơ có “sức tải”. Tứ thơ là xương sống của bài thơ. Một bài thơ có “tứ” gieo được trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc. Vâng, cấu trúc tập thơ này cũng là một dạng “tứ thơ” cho toàn tập. Các bài thơ không đánh dấu thời gian sáng tác điều đó buộc ta phải lần theo mạch ngầm, mạch thơ của tác giả từ bản năng quan sát đến chiêm nghiệm lẽ đời. Thơ anh tạo ra những “độ chênh” trong một thế giới phẳng, chắt lọc những tinh túy tâm hồn trong một thế giới nhiễu thông tin. Vì thế, phần “Mật mã không gian” có nhiều tìm tòi sáng tạo bởi cốt lõi cuối cùng là hay, là đồng cảm và thi sĩ.

        Trần Nam Phong trong tập thơ này thành công ở nhiều thể loại thơ: Với lục bát anh viết uyển chuyển, rất có hồn và sâu lắng. Với thể thơ năm chữ  nhịp điệu ngắn tạo ra bao nỗi tâm tình chia sẻ. Thơ tự do của anh ít có nét phóng túng mà điềm đạm sâu sắc, triết lý. Đó là những đúc kết từng trải sống, từng trải học và từng trải yêu - yêu đời, yêu người yêu cuộc sống yêu vẻ đẹp thiên nhiên. Anh cũng có viết thơ văn xuôi nhưng độ nén vẫn đậm đặc đó là sức tải nhân văn chứ không dàn trải thế sự. Cái hay của “Viết chờ sen lên” là ở thời gian “chờ”. Có lẽ anh đang chờ đợi một điều gì đó? Đó là quyền năng của hy vọng, quyền năng của tương lai còn “chờ” là còn sáng tạo, “chờ” còn là năng lượng với biết bao ân tình. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khi viết giới thiệu tập thơ này thật có lý nhận xét đây là: Hồn thơ thao thiết, “Viết chờ sen lên” từ: “Nơi bắt đầu chiêm bao, tình yêu và nguồn cội” để “Thời gian thoảng thốt - thời gian đồng vọng” đến “Mật mã không gian giữa đất và trời”. Với tôi, Trần Nam Phong đang đi tìm mình, đang “giải mã” cái không gian sinh học và thời gian tâm lý sáng tạo để cắt nghĩa cái bí ẩn thăm thẳm trong tâm hồn mình, mà thơ chính là âm bản. Thời gian rồi sẽ qua đi, không gian rồi sẽ mở rộng hơn tầm nhìn nhưng cái neo giữ hồn quê, tình người là cái bắt đầu vĩnh cửu để định vị một hồn thơ chan chứa, mà nói như Hoàng Nhuận Cầm chính đó là sự “thao thiết”. Thao thiết từ: “Em như trăng sáng cả chiều - Anh như mây mốc đổ liều trận dông” ở bài thơ đầu tập đến: “Con sẽ hoài thai trong thớ gió” của bài cuối tập thơ. Điều đó cho thấy với “Viết chờ sen lên” Trần Nam Phong đã đi qua một hình trình sống, hành trình sáng tạo, tìm mình từ da diết, đắm say. Đó cũng chính là bản lĩnh sống, bản lĩnh viết một trong những tố chất hình thành nên một tác giả có sức bền và đi xa….

        Một nét riêng trong tập thơ này là anh có nhiều bài thơ viết về mùa. Sự chuyển dịch của mùa theo nhịp tuần hoàn thiên nhiên cũng chính là sự chuyển dịch tâm hồn của thi sĩ. Đó là: “Xuân sớm”, “Lục bát mùa thu”; “Đầu hạ” đến “Bình minh” và “Hoàng hôn”. Cung bậc thời tiết thay đổi của mùa tạo ra sự chênh chao tâm trạng đó là cái nhịp để anh tung tẩy chiếc võng thơ của mình khi nghiêng về phía cội nguồn khi chao về miền ký ức khoảnh khắc và mãi mãi. Tấm thổ - cẩm - thơ bao sắc màu được anh dệt nên đan xen nhau tạo ra một gương mặt thơ đáng quý rất riêng của Hà Tĩnh. Tôi đang chờ anh, chờ những trữ lượng sáng tạo thơ mới cũng như anh: “Bốn mùa ngát một mùa sen - Là tôi trong cõi hương thiền ngàn năm” (Viết chờ sen lên).

                                                               Hà Tĩnh, ngày 12  tháng 09 năm 2019

                                                                                                        N.N.P

. . . . .
Loading the player...