05-08-2019 - 14:24

SANG THU, tản văn của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú

Sang thu là cảm giác thời gian giao mùa – từ hạ vào thu. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã có phát hiện thật tinh tế về sự dịch chuyển thời gian: “ Có đám mây mùa hạ - Vắt nửa mình sang thu” và rồi ông cảm nhận: “Sông được lúc dềnh dàng – Chim bắt đầu vội vã” bằng chính cảm giác giao thời của lứa tuổi mình.

     Có một sự vận động vô hình nào đó mà bản lề cánh cửa thời gian thoáng một chút dùng dằng để rồi chầm chậm bước vào không gian thu, sắc thu mang theo cả hơi thu và cả tiếng thu nữa. Một tiếng thu mà thi sĩ Lưu Trọng Lư đã nghe trong xào xạc: “Con nai vàng ngơ ngác – Dẫm lên lá vàng rơi…”. Tôi đã tưng ngẩn ngơ trước sắc thu  vàng thu nga trong tranh của họa sĩ  Nga Lê -Vi -Tan. Hình như thiên nhiên đã ban tặng riêng cho mùa thu sắc độ, gam màu rạng rỡ huy hoàng, lung linh lấp lánh, ánh lên như một hồi quang của quá khứ, của lưu luyến. Thu – lá rụng về cội. Những chiếc lá như những bức thông điệp thời gian giữa còn và mất, giữa tươi và héo. Thu như là một sự tri ân, lại như là một sự dâng hiến hết mình và lặng lẽ. Một sự vun đắp gốc cội rất nhạy cảm ở cuối rễ đầu cành để tròn đầy tưng ngấn quả, múi quả. Nếu như mùa hè của sự nở bung tưng bừng muôn sắc hoa, muôn sắc màu thì thu lắng lại tỏa ra bao sắc hương, ngọt trong bao sắc quả. Cũng có lúc ngỡ như thái quá nhưng rồi chầm chậm dịch chuyển để cân bằng lại. Ví như hoa sữa đặc trưng của mùa thu, có chút gay gắt nhưng thiếu nó thì không thể thành thu được. Rồi hương cốm như một món quà thu gói trong những lá sen xanh cùng nải chuối vàng trứng cuốc thơm thảo cho ta cái hương vị bù bùi, chắt chiu từ đồng ruộng, cái ngòn ngọt của vị phù sa bãi bồi…

Sang thu ( Ảnh: Giang Trịnh)

      Thu sang, là lúc lòng mình có chút thảnh thơi, rộng rãi như cánh đồng sau vụ gặt. Khói đã thơm thành cơm, rơm đã vun thành đóng. Những đóng rơm – cây rơm có cái cột cương sống bằng tre, đầu đội chiếc nồi đất thật ngộ nghĩnh. Một sự sống mới tái sinh từ những khô chết. Bước thu cuốn theo chút heo may. Sang thu như bước sang tuổi của người đã nhiều nghĩ ngợi. Nhiều lúc ta vẩn vơ nhìn lên vòm trời thật cao xanh, thật thoáng rộng miên man với bao ước vọng. Nhưng cũng lắm khi bắt đầu chú ý đến từng ngọn cỏ dưới chân: “Hoa phượng hay héo, cỏ thường tươi” . Cái tươi của cỏ, cái vô danh của cỏ. Cái mượt mà đan cài tự tôn nhau lên như tấm áo choàng của cỏ đôi lúc cho ta cảm nhạn thêm, thẩm thấu thêm những gì bé nhỏ, những gì lớn lao. Rồi những thân phận kiếp người, những cát bụi hư vô, những danh vọng phù phiếm. Không gì bền bỉ bằng cỏ. Và không gì có thể cao sang được hơn bia cỏ…Sang thu, lại sắp đến mùa vu lan báo hiếu. Người Việt rất coi trọng chữ hiếu, hiếu thảo. Cao hơn là hiếu trung, hiếu nghĩa, Mùa thu cũng là mùa báo hiếu: Rụng để mọc – Chín để xanh, tận hiếu và tận tình. Tiếng chuông chùa trong sáng thu nay âm thanh hình như cũng da diết hơn và ngân vọng hơn. Tiếng chuông như một chuỗi hồi âm để ta không thể nào quên những tháng ngày đã xa, những ký ức đã qua của cõi luân hồi. Khi mà “Sấm cũng bớt bất ngờ - Trên hàng cây đứng tuổi” (Hữu Thỉnh)
     Một năm có bốn mùa. Từ xuân vào hạ sang thu và tới đông thì thu lặng lặng nốt trầm sâu lắng nhất. Có phải vì thế chăng mà hoa cúc như được chọn là biểu tượng của mùa thu. Những cánh cúc mỏng manh xếp từng lớp thật khiêm nhường mà màu thật tươi, bền, nhuần nhĩ. Hoa cúc không tỏa hương ngây ngất mà thầm thấu hương lòng. Sang thu là sang một cung bậc mới, một tâm trạng mới, một đồng hành mới. Thu như nửa ngóng trông, thu nửa như chờ đợi…

 

   Nguyễn Ngọc Phú                

                                                                


 

. . . . .
Loading the player...