18-12-2019 - 08:22

Sáng danh Bắc Đẩu trời Nam - Tạp chí Hồng Lĩnh

Kỷ niệm 550 năm thành lập huyện Thiên Lộc - Can Lộc (1469-2019), Tạp chí Hồng Lĩnh số 160 hân hạnh giới thiệu bài viết "Sáng danh Bắc Đẩu trời Nam" của Nhà văn Phan Trung Hiếu

“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc”

Không phải ngẫu nhiên mà câu hát của một thời lại có thể chứa đựng niềm tự hào của muôn người, với bao đời như vậy. Năm 1469, niên hiệu Quang Thuận năm thứ 10, vua Lê Thánh Tông ban đạo dụ thành lập 12 thừa tuyên, trong đó có huyện Thiên Lộc thuộc phủ Đức Quang, trấn Nghệ An cho đến năm 1862, vua Tự Đức mới đổi tên thành huyện Can Lộc. Trải 550 năm, mảnh đất Thiên Lộc - Can Lộc luôn được coi là vùng đất thiêng sinh ra nhiều người con tuấn kiệt, làm rạng danh quê hương, đất nước, trong đó có tên tuổi của Đình nguyên Lưỡng quốc Thám hoa Phan Kính(1715- 1761). Với tài cao học rộng, vị nho thần - danh tướng thời Lê này đã để lại nhiều dấu ấn trong võ công cũng như văn nghiệp.

Tuổi trẻ chí lớn, tài cao:

Phan Kính tự là Dĩ Trực, hiệu Tĩnh Trai, sinh ngày 06/12/1715, quê làng Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Song Lộc, Can Lộc). Vốn thông minh, sáng dạ, mới lên 6 tuổi đã học chữ và thuộc lòng, chép ám tả cả quyển “Thiên gia thi”, lên 8 tuổi đã tập làm thơ phú, sức học nổi tiếng “ thần đồng”. Năm Nhâm Dần (1722), trong kỳ sát hạch của xã Lai Thạch, bài văn của Phan được xếp thứ nhất. Giai thoại kể vào năm Giáp Thìn (1724), Phan Kính 10 tuổi đi dự kỳ thi hương trường huyện La Giang. Quan giám khảo là người Đức Quang (Đức Thọ) thấy người Kính bé nhỏ nhưng bài vở đã được chấm loại ưu nên nửa đùa nửa thật ra cho Phan Kính một vế đối: “La Sơn, Lai Thạch thằng bé lách chách vào hạch trường hương”. Phan Kính ứng khẩu đáp luôn: “Nghệ An, Đức Quang, võng lọng nghênh ngang là quan giám khảo”. Thấy khẩu khí vế đáp có vẻ ngang tàng nhưng chặt chẽ nên quan giám khảo lấy đỗ hàng đầu.

Thời gian này, gia cảnh cụ Thiếu Doãn gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu nỗi băn khoăn, vất vả của bố mẹ, cụ dốc sức vào việc học hành. Nhà nghèo, cụ tìm giấy đã viết chữ rồi lộn mặt trái để viết, làm bài tập trên lá chuối tươi, đêm đem sách ra đọc dưới ánh trăng hoặc ngồi ghé bên ánh đèn dầu của mẹ đang dệt vải. Mới lên 13, 14 tuổi, khi đã trở thành lao động chính của gia đình, ngày phải lo việc đồng áng, đêm vẫn miệt mài kinh sử không chút nghỉ ngơi, dân làng ai cũng quý trọng, mến phục cụ là người hiếu hạnh.

Mùa hè năm Kỷ Dậu (1729), cụ Kính được bố mẹ gửi ra thành Vinh để học với Ngô Thám Hoa quê ở Tam Sơn huyện Đông Ngàn đang giữ chức Tham chính ở Nghệ An nhằm chuẩn bị cho việc dự thi sau này. Sau khi thi hội không thành, cụ Phan đến dự khóa học binh thư với Bảng nhãn Hà Tông Huân. Cho đến năm Quý Hợi (1743), lúc trở lại Thăng Long dự thi, qua đò Phù Trạch, ra đến giữa sông Lam, Phan đã ném một con dao xuống sông thề rằng: “Lần này không đỗ, ta quyết không trở về qua đây nữa”. Ở Thăng Long, cụ  tham dự kỳ thi hội với hơn 3000 sĩ tử, xuất sắc vượt qua các kỳ thi và bước vào hội thi Đình. Quyển thi của Phan Kính được nhà vua dùng bút son ngự phê “Cho đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (đỗ đầu khoa thi với danh vị Thám hoa) là học vị cao nhất của khoa thi năm Quý Hợi (do nhà vua không lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn).

Bản sắc phong của vua Cảnh Hưng năm 1743

Sau lễ xướng danh và dự yến tiệc trong cung, Phan Thám hoa được vua Cảnh Hưng ban cho áo mũ khôi nguyên, cành hoa bằng vàng, đai lưng bằng bạc khảm đồi mồi, hốt ngà bọc gấm. Tết Nguyên đán Giáp Tý (1744), cụ được nhà vua cấp ngựa và tiền về quê vinh quy bái tổ. Các văn thân người huyện La Sơn đang tại chức tại triều đến tiễn chân, các văn thân bản huyện (La Sơn) có bức trướng bằng lụa mừng Phan Thám hoa thi đỗ do Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm người làng Tiên Điền (bố Đại thi hào Nguyễn Du) soạn văn và Lễ bộ tư vụ Hải thượng thạch trai Lê Tán viết, nội dung ca ngợi, chúc mừng và hy vọng “Ngày nay hầu là vị tân khoa đứng hàng thứ nhất ở sân triều, ngày sau hầu sẽ là đại thần có công bậc nhất, hầu hãy gắng lên”.

Võ công, văn nghiệp

Sau ba tháng nghỉ ngơi, thu xếp việc nhà, vào trung tuần tháng 6 năm 1744, Phan Thám hoa ra kinh đô Thăng Long và được vua Cảnh Hưng sắc phong cho giữ chức Hàn lâm viện đãi chế chuyên việc cung phụng từ lệnh ở bên vua. Năm 1745 đến năm 1747, cụ Thám lần lượt được cử làm Tuyên úy phó sứ đi kinh lý trấn Nghệ An, đi Kinh Bắc làm giám khảo kỳ thi hương. Đầu năm 1748, triều đình bổ dụng cụ giữ chức Hiệp đồng trấn Sơn Tây giúp việc ổn định, trấn an bản xứ. Năm 1749, cụ Phan nhận phụng chỉ của Lê triều làm Tham mưu Sơn Tây đạo, đồng thời chỉ huy trực tiếp cánh quân phía tả kiêm Nhung vụ sự ở xứ Thái Nguyên. Năm 1750, triều đình đã mật chỉ cho Phan Tham mưu về triều yết kiến Nguyên soái phủ hiến kế sách lấy lại trấn Sơn Tây. Tháng hai năm 1751, quan nội giám Hầu Bật Trực sau khi kiểm tra đã về bẩm lại với chúa Trịnh Doanh tình hình ở thượng du: “ Từ khi dẹp được giặc đến nay đã 8 tháng, trên rừng thì không nghe tiếng tù và, thanh la, trong nhà thì nghe tiếng đàn, tiếng sáo, từ con trẻ tới cụ già, đàn bà, con gái, lái buôn... đều ca tụng công đức của Phan Thám hoa như một chúa công, thần dân trong vùng suy tôn ông là một vị phúc thần”. Năm 1752, chúa Trịnh Doanh xin vua giáng chiếu thăng cho Phan Kính hàm “Đông các đại học sĩ” và điều đi nhậm chức Đốc đồng trấn thủ sự vụ xứ Thanh Hóa. Đầu năm 1756, sau khi về ăn Tết ở quê nhà, cụ Phan Kính ra Vinh dinh (thành phố Vinh ngày nay) nhậm chức mới là Thự đốc thị Nghệ An. Năm 1759, triều đình tiếp tục cử làm Đốc đồng Tuyên Quang kiêm thừa Chánh sứ. Thời gian này có xảy ra sự lộn xộn của dân chúng ở hai bên biên giới Việt – Trung, triều đình nhà Lê cử Đốc đồng Tuyên Quang, Đông các đại học sĩ Phan Kính làm Kinh lược sứ, đem theo 500 quân hộ tống lên biên giới hội khám cùng Thống đốc Vân Nam là Kinh lược sứ của nhà Thanh để lập lại kỷ cương, ổn định tình hình miền biên giới giữa hai nước.

Tháng 5 năm 1760, sau khi hoàn tất việc thương thuyết với quan chức nhà Thanh về biên giới, triều đình giao nhiệm vụ thêm cho cụ là Đốc đồng Tuyên Quang kiêm Tham mưu nhung vụ đạo Hưng Hóa (gồm các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và một phần Sơn La ngày nay). Cuối tháng 9, triều đình cử cụ sang Yên Kinh yết kiến triều Thanh để ký kết văn kiện chính thức về biên giới. Vua Càn Long rất mến phục tài trí của cụ Phan Kính nên đã gia phong cho cụ danh vị “LƯỠNG QUỐC ĐÌNH NGUYÊN THÁM HOA”, quà tặng có một chiếc cáo cẩm bào và hai bức trướng, có ghi hai dòng chữ “Thiên triều đặc tứ Bắc Đẩu dĩ Nam nhất nhân nhi dĩ” (về phía Nam sao Bắc Đẩu chỉ có một người mà thôi) và bức “khả cần khả phong”.  

Do làm việc quá sức, trải qua nhiều gian lao vất vả, lại bị nhiễm chướng khí sơn lâm, cụ đã qua đời tại nhiệm sở Hưng Hóa ngày 08 tháng 6 năm Tân Tỵ niên hiệu Cảnh Hưng 21 (7-7-1761), thọ 47 tuổi, khi tài năng đang độ phát triển. Sau khi tiến hành trọng thể nghi lễ phúng điếu tại quân doanh đạo Hưng Hóa, thi hài cụ được rước về kinh đô Thăng Long. Đông đảo các quan văn võ tại triều vô cùng thương tiếc đến phúng viếng. Vua Lê Hiển Tông và Minh đô vương Trịnh Doanh đã cấp lễ vật, tử tuất rất trọng hậu và tự tay đề bức trướng phúng viếng khi ông qua đời: “Lưỡng đồ văn hữu vũ - Vạn lý hiểm vy di” (Hai đường kiêm văn, võ – Vạn dặm hiểm lại bình).

Nhà vua thương tiếc đã ban sắc truy phong chức Hữu thị lang Bộ hình, tước Quỳ dương bá, thụy Trung hiển, rồi giao cho Bộ lễ cùng binh lính hộ tống linh cữu cụ về mai táng tại quê nhà. Năm 1783, sau đó 23 năm, để tỏ lòng mến mộ tài năng và đức độ của công thần Phan Kính, vua Lê Hiển Tông phong sắc tôn cụ là Thành hoàng, gia phong là “Anh nghị đại vương” rồi chu cấp kinh phí, cử thợ giỏi về cùng địa phương xây dựng đền thờ, lăng tẩm cụ Thám tại thôn Vĩnh Gia và giao cho ba tổng Lai Thạch, Hòa Lâm, Bình Hồ thuộc huyện La Sơn thờ phụng. Sắc phong mỹ tự của vua Cảnh Hưng năm 1783 đã viết: “…Tướng công văn tài đứng hàng đầu nho sĩ, võ lược xếp vào loại tướng giỏi, được trong triều ngoài quận kính trọng, là người có danh vọng cao như sao Bắc Đẩu trong số các bậc sĩ phu ở trời Nam. Chốn miếu đường cũng như nơi chiến địa đều lẫy lừng tiếng thơm, một miền biên thùy phía Bắc đều khen tài lạ. Từng được ban khen vinh hiển. Sống vẻ vang chết cũng vẻ vang nên cho được hưởng lộc đời đời…

Danh nhân Phan Kính nổi tiếng về tinh thần hiếu học, tài học và tấm gương làm quan liêm chính, công bình. Không chỉ là một danh tướng giỏi việc quân nơi chiến địa, Phan Kính còn vị nho thần nổi tiếng về văn nghiệp. Đương thời, danh nhân Đặng trần Côn, người bạn cùng thời cũng đã từng ca ngợi: “Học sâu như biển, kình nghê vùng vẫy trận văn, lời sắc hơn dao, phù dung tơi bời ngọn bút..”. Về văn thơ, Thám hoa Phan Kính là tác gia của nhiều bài thơ bằng chữ Hán tài hoa. Ngoài “ Kinh truyện tử sử”, “Sách văn lược cú”, ông còn để lại các tác phẩm: Dĩ Trực thị tộc, Vinh cổ Thái Lão, Vĩnh Gia Thám hoa Phan Kính truyện, Văn thi hội, thi Đình, Văn tế sống cô Nhiễu…

Đền thờ thành hoàng Anh nghị đại vương Phan Kính trước đây được xây dựng tại thôn Vĩnh Gia rất nguy nga và trang nghiêm. Khi đi qua đền, mọi người đều tự bỏ mũ nón xuống để tỏ lòng tôn kính và biết ơn ngài. Nhân dân địa phương vẫn còn truyền lại câu ca:

Lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh nhân Thám hoa Phan Kính - Ảnh: Trần Hướng

                                         “Ai ơi cất nón qua đền

                                         Nghiêm thờ quan Thám bình yên mọi nhà”

Năm 1992, nhà thờ Phan kính được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia và hiện nay đã được nâng cấp tôn tạo tu bổ. Tên cụ đã được chọn đặt tên đường phố tại thành phố Vinh, thành phố Hà Tĩnh, Thị xã Hồng Lĩnh và lấy làm tên của trường tiểu học tại xã Song Lộc, Can Lộc. Gần đây, Hội đồng Phan tộc Việt Nam cũng đã lấy tên Phan Kính đặt tên cho Giải thưởng danh giá dành cho những con cháu họ Phan thành đạt và có nhiều đóng góp cho dòng tộc. Điều thú vị là đã hàng trăm năm nay, tại xóm Cầu xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình cũng có một ngôi đền thờ Ngài quan Thám hoa Phan Kính. Năm 2017, ông Nguyễn Đăng Thành - Phó Chủ tịch thường trực Hội doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình - người con quê xã Khánh Thiện đã kêu gọi mọi người phát tâm công đức xây dựng lại Đền thờ quan Thám hoa với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Trong lịch sử 550 năm đã qua, tên tuổi Đình nguyên lưỡng quốc Thám hoa Phan Kính luôn là niềm tự hào tôn kính, góp phần tạo thêm động lực để Đảng bộ và nhân dân Can Lộc nỗ lực xây dựng và phát triển quê hương ngày càng tươi đẹp cho xứng với ước mong của các bậc tiền nhân.

                                                                                            Tháng 12/2019

                                                                                                P.T.H

. . . . .
Loading the player...