20-09-2020 - 15:53

PHÂN TÍCH TẦN SUẤT MỘT SỐ TỪ VỰNG TRONG TRUYỆN KIỀU

Kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (9/1820-9/20200), Tạp chí Hống Lĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Bùi Đại Dũng

PHÂN TÍCH TẦN SUẤT MỘT SỐ TỪ VỰNG

TRONG TRUYỆN KIỀU

 

Truyện Kiều với Tiếng Việt hẳn là có mối liên hệ như cụ Phạm Quỳnh từng khẳng định: “Truyện Kiều là cái ‘văn-tự’ của giống Việt-Nam ta đã ‘trước-bạ’ với non sông đất nước này”[i]. Có lẽ không ngẫu nhiên khi một số nguyên thủ quốc gia nước ngoài tới Việt Nam đã trích Kiều như một phương tiện giao lưu văn hóa. Chắc hẳn Nguyễn Du trước đây hơn 200 năm cũng phiêu du cùng cảm xúc siêu việt của một tâm hồn vĩ đại, đồng cảm sâu sắc với nỗi khổ của kiếp người trong cõi nhân gian mà cho ra đời Truyện Kiều[ii], chứa đựng trong đó những tinh túy của tiếng Việt. Vậy thì tiếng Việt được Nguyễn Du sử dụng trong tác phẩm ấy ra sao mà trải qua hàng nghìn năm văn hóa với vô vàn tác phẩm hiện hữu, Truyện Kiều lại giữ vị thế thiêng liêng và quan trọng đến thế trong lòng người Việt và bạn bè quốc tế?

“Dột lòng mình cũng nao nao lòng người” (492) là một gợi ý mà Nguyễn Du đã viết trong Kiều để có thể dẫn tới nhận định rằng từng áng thơ tuyệt tác mà Đại thi hào Nguyễn Du viết ra chắc hẳn không ngoài cảm xúc và diễn biến tâm lý tinh tế, sâu sắc, nhân hậu của tác giả - Người đã chứng kiến biết bao cung bậc thăng trầm của kiếp nhân sinh, nếm trải những biến cố gian nan của bản thân, gia đình và đất nước. Có lẽ mọi nhân vật trong Truyện Kiều, đặc biệt là Thúy Kiều, đều là tâm sự, trải nghiệm hoặc chiêm nghiệm của Nguyễn Du về đời người và xã hội loài người. Khi đọc Kiều, chúng ta đã đem sự đồng cảm của mình mà nhận thức rồi liên tưởng với những tình thế, trạng thái đó và thấy như tìm được một lời tiên tri mà thực ra lại là quy luật. Mỗi chúng ta đọc Kiều bằng thực trạng tâm sự của chính mình, để rồi không ít người có cái thú “Bói Kiều” và khăng khăng bảo rằng “linh lắm!”. Sự linh nghiệm phải chăng bắt nguồn từ sự liên tưởng xuất phát từ tâm can mỗi người đọc?

Bài viết này sử dụng cách tiếp cận của thống kê, tìm hiểu tần suất sử dụng vốn từ vựng rộng lớn của Nguyễn Du để hiểu thêm diễn biến tâm lý của chính tác giả diễn ra trong quá trình sáng tác. Những lập luận dựa trên kết quả phân tích thống kê, nhằm góp phần làm rõ những giả định cảm tính và những quy luật (nếu có) trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Du. Vì điều kiện có hạn nên bài viết này chỉ tập trung vào một số từ vựng chỉ cảm xúc có tính đối lập và có tần suất sử dụng đáng kể trong tác phẩm. Xin gọi chung khách thể nghiên cứu ở đây là “từ vựng” và không bàn về chức năng của chúng là động từ, tính từ hay trạng từ... vì một từ được tác giả sử dụng rất đa dạng về chức năng ngữ pháp. Việc phân tích sẽ rất khó khăn nếu chia chúng thành những nhóm nhỏ hơn, trong khi tần suất xuất hiện của một từ là khá thấp trong suốt 3254 câu thơ với 22.778 từ đơn[iii].

1. Biến động cảm xúc và tổng tần suất một số từ vựng có tính đối lập

1.1. Tần suất “vui” với “buồn”

Nhiều người cho rằng với cốt truyện bi lụy, thê lương, tình tiết oan khuất, đau khổ... thì tâm lý tác giả chắc phải nặng nề, những từ chỉ cảm xúc có tính tiêu cực chắc được sử dụng nhiều để miêu tả tâm lý nhân vật? Nếu khảo sát cảm nhận của mọi người trong đất nước ta, có mấy ai trả lời Truyện Kiều không phải là một câu chuyện buồn? Quả thật, trong Kiều có đoạn được Nguyễn Du bộc bạch nỗi buồn tới tấp như mưa trút xuống tâm hồn người đọc:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông nội cỏ dàu dàu/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh/Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. (1047 – 1054).

Kể cả nhắc đến “vui” thì cái “vui” này cũng nhuốm nỗi “buồn”, làm cho không ít người đọc tin rằng “buồn” là thường trực và phổ quát trong không gian định mệnh của Kiều:

“Vui là vui gượng kẻo mà” (1247)... “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (1244)

Nhìn tổng quát thì sao? Cán cân của tần suất dùng “vui”/ “buồn” trong toàn bộ Truyện Kiều có thể hé lộ khúc mắc này. Ta hãy xem kết quả thống kê như sau:

“Buồn” được Nguyễn Du dùng đa dạng với hai từ đồng nghĩa gần là “tẻ” và “sầu”; còn “vui” được dùng với hai từ đồng nghĩa là “mừng” và “thú[iv]”;

Bảng 1: So sánh tần suất sử dụng của hai nhóm từ chỉ cảm xúc “buồn” với “vui”

Vui

Buồn

Vui

22

Buồn

13

Mừng

20

Tẻ

3

Thú (niềm vui)

3

Sầu

25

Tổng nhóm

45

Tổng nhóm

41

Trong toàn bộ 3254 câu lục bát của Truyện Kiều, từ “vui” được dùng 22 lần (11 lần trong câu Lục và 11 lần trong câu Bát), trong khi từ “buồn” xuất hiện 13 lần (6 lần trong câu Lục và 7 lần trong câu Bát). Tính cả những từ đồng nghĩa gần, số lần “vui” và từ đồng nghĩa có phần nhỉnh hơn số lần “buồn” và từ đồng nghĩa (45/41: Xem Bảng 1).

Xét cả về từ đơn và từ đồng nghĩa, tần suất về “vui” vượt trội hơn so với “buồn”. Như vậy, có thể thấy rằng Nguyễn Du không hoàn toàn bi lụy, để tác phẩm chìm trong buồn đau. Làm sao mà Nguyễn Du có thể đi cùng nhân vật, sống cùng cảm xúc nhân vật mà không chìm đắm trong đó? Có thể Nguyễn Du đã đạt tới tâm trí giác ngộ mà nhìn vào thực tại đời sống của chúng sinh chăng? Có lẽ là như vậy, vì ông đã gián tiếp trả lời rằng:

“Tẻ vui bởi tại lòng này/ Hay là khổ tận đến ngày cam lai” (3209-3210).

Một nhận thức tương tự “có vay có trả” rồi “trả hết thì thôi” như một khía cạnh trong Luật Nhân Quả. Nếu “vui”, “buồn” là như vậy thì hẳn cõi lòng bao dung, độ lượng của Đại thi hào nói “vui” mà chẳng phải vui, nói “buồn” mà chẳng cần buồn nữa. Có lẽ, ông cảm nhận và chia sẻ sâu sắc với nỗi buồn khổ của nhân gian, thể hiện dưới một hệ thống các nhân vật cụ thể trong một giai đoạn lịch sử, nhưng không chìm đắm trong đó mà vẫn tách ra ngoài để nhìn nhận những diễn biến ấy một cách khách quan, tỉnh giác. Nếu chỉ buồn và bi lụy hoặc dẫn đến những hành vi tiêu cực thì không hẳn sẽ nhận được sự yêu kính của nhiều người. Buồn và nhìn thấu trong đó niềm vui từng trải với sự chuyển bí trí tuệ của cá nhân sau những biến cố cuộc đời... chắc hẳn là điều đa số chúng ta mong đợi.

1.2. Tần suất “ân” với “oán”

Các cặp từ vựng biểu hiện tình cảm khác cũng có tần suất đáng lưu tâm. Ta hãy xem Nguyễn Du đặt những nhân vật của ông vào trong bối cảnh “ân”/ “oán” ra sao? Những từ thể hiện trạng thái cảm xúc tích cực gần nghĩa với “ân” xin được liệt kê trong phân tích này gồm “ân” “nghĩa”, “thương”, “yêu”; Nhóm từ thể hiện trạng thái cảm xúc tiêu cực có tính đối lập với “ân” gồm “oán”, “giận”, “thù”, “ghét”.

Bảng 2: So sánh tần suất sử dụng của hai nhóm từ “ân” với “oán”

Ân

Oán

Ân

25

Oán

8

Nghĩa

23

Giận

5

Thương

57

Thù

4

Yêu

11

Ghét

3

Tổng nhóm

116

Tổng nhóm

20

Trong Truyện Kiều, từ “ân” được dùng tới 25 lần, trong khi “oán’ chỉ xuất hiện 8 lần. Đặc biệt, từ “thương” được tác giả sử dụng nhiều hơn “giận” gấp 11,4 lần. Nếu so sánh chéo giữa “thương” và “ghét” thì tỷ lệ này còn cao hơn. Phân tích này có tính tới một số khả năng dùng từ đồng nghĩa khác, ví dụ cùng với “oán” còn có “thù”, “hận”, nhưng điều thú vị là những từ đồng nghĩa này còn xuất hiện ít hơn rất nhiều. Chẳng hạn “thù” xuất hiện 4 lần, còn “hận” thì không được tác giả sử dụng lần nào.

Như vậy, số lượng nhóm từ “ân, nghĩa, thương, yêu” được dùng tới 116 lần, cao hơn đáng kể so với nhóm từ “oán, giận, thù, ghét” được dùng có 20 lần trong cả 3254 câu trong Truyện Kiều. Hóa ra, Nguyễn Du dựa trên một cốt chuyện oan khuất đau khổ của một cô gái trong xã hội đời Minh, nhưng không bi lụy chìm sâu trong oán hận mà phần chính lại dành cho ân nghĩa thương yêu. Tâm vị tha, đại lượng của tác giả càng được khẳng định rõ rệt hơn khi nhìn vào chệnh lệch rất xa giữa số lượng của hai nhóm từ “ân”/ “oán” này. Có nhận xét cho rằng: “thơ Nguyễn Du... vừa dạt dào yêu thương, vừa bừng bừng căm giận”[v]. Nhưng nếu chỉ nói như vậy thì có thể vô tình xóa nhòa mất tầm cỡ lòng vị tha cao cả của Đại thi hào. Phải chăng Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều với một tâm thế vượt lên trên những cảm xúc bản nhiên mang tính đối đãi trong xã hội con người, phải chăng đây là tâm thế của một bậc trí tuệ giác ngộ?

1.3. Tần suất “tâm” với “tài”

Ngoài nội tâm cảm xúc thì nội tâm tư duy của Nguyễn Du thể hiện ra sao trong Truyện Kiều? Một luận cứ nổi bật của Nguyễn Du trong câu thơ có tính khái luận rằng: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (3252). Với vị thế thiêng liêng của chữ “tâm” trong tất cả những đức tính cần có của đời người nhưng chỉ được Nguyễn Du sử dụng có 19 lần. Trái lại, chữ “tài” được tác giả sử dụng 35 lần gồm 2 nghĩa chính là “tài năng” và “tiền tài”, trong đó “tài” mang nghĩa “tiền tài” được dùng 01 lần (Câu 310). Cần chú ý rằng, trong suốt 3254 câu thơ, tác giả sử dụng chữ “tài” khá nhiều ở đoạn đầu và rất đậm đặc trong đoạn cuối. Tương tự như vậy, kết quả thống kê cho thấy những từ vựng có tính “triết học” hoặc “tâm linh’ được Nguyễn Du dùng với tần suất rất lớn trong phần giới thiệu và phần kết luận, nhưng rất ít ở các phần miêu tả sự kiện ở phần thân bài.

Chúng ta đều biết rằng tác giả xuất thân từ gia đình dòng dõi với nền tảng Nho học. Hơn nữa, Nguyễn Du còn thấm đẫm những trí tuệ cao thâm của Phật học. Vậy, Nguyễn Du nói về những cảm nhận nội tâm có gì khác biệt với những tư duy suy nghĩ của bộ óc? Thống kê sau lựa chọn nhóm từ gồm “tâm, tình, lòng, dạ” để đối chiếu với nhóm từ “tài, trí, nghĩ, suy” với kết quả như sau:

Bảng 3: So sánh tần suất sử dụng của hai nhóm từ “tâm” với “tài”

Tâm

Tài

Tâm

19

Tài

34

Tình

127

Trí

4

Lòng

173

Nghĩ

51

Dạ

10

Suy (nghĩ)

7

Tổng nhóm

329

Tổng nhóm

96

Nhóm từ diễn tả hoạt động “nội tâm” được Nguyễn Du sử dụng có tần suất vượt trội rất xa so với nhóm từ diễn tả các hoạt động của “trí óc”. Nội tâm được gắn với “đạo” và “đức”; còn hoạt động trí óc thì gắn với “tài năng”, “thông minh”, “khôn ngoan”. “Tài trí” được Nguyễn Du nhắc tới bằng một câu thơ mang tính khái quát cao độ: “Có tài mà cậy chi tài (3247)/ Chữ tài liền với chữ tai một vần (3248). Quan điểm nhận thức này của Nguyễn Du bộc lộ sự thống nhất trong cả nội dung câu chữ và tần suất sử dụng ngôn từ liên quan, thể hiện khá rõ qua tổng tần suất sử dụng nhóm từ “tâm” là 329 lần, so với nhóm từ “tài” có 96 lần (Xem Bảng 3). 

Dường như thông điệp về chữ “tài” của Đại thi hào còn nguyên giá trị cho chúng ta ngày nay, tại Thế kỷ 21 này khi các mối đe dọa về: Chiến tranh, Dịch bệnh, Xung đột sắc tộc văn hóa không giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên ở cả tầm toàn cầu và khu vực. Hơn nữa, ô nhiễm và tổn hại do Biến đổi khí hậu toàn cầu không còn là nguy cơ mà ngày càng biểu hiện tác động trực diện, đáng sợ. Nhân loại (luôn tự tung hô là loài thông minh nhất của hành tinh này) có thực sự gặt hái được hạnh phúc từ những “trí tuệ khôn ngoan” của chính mình hay không? Khi loài người là loài động vật duy nhất có hành động phá hủy nơi sống và nguồn sống của chính họ, điều mà không có loài động vật nào khác có hành vi như vậy? Có lẽ sự thiên vị về “tài” đến mức che mờ “tâm” đã dẫn đến thực trạng ngày nay của nhân loại chăng?

1.4. Tần suất một số từ có nội hàm đối lập khác

Kết quả phân tích số lượng các từ chỉ cảm xúc có tính đối lập trong 22.778 từ đơn của Truyện Kiều cho thấy tần suất sử dụng những từ chỉ cảm xúc mang tính tiêu cực (negative) luôn thấp hơn, trong trường hợp cá biệt thấp hơn rất nhiều tần suất sử dụng các từ có tính tích cực (positive).

Bảng 4: So sánh tần suất sử dụng của một số cặp từ có tính đối lập

Tích cực (Positive)

Tiêu cực (Negative )

Trời

92

Đất

23

Khôn

16

Dại

5

Dài

22

Ngắn

7

Đầy

26

Vơi

5

Trong

105

Ngoài

43

Xa

80

Gần

37

Được

48

Mất

9

Nhớ

31

Quên

3

Tần suất từ “trời” xuất hiện là 92 lần, cao hơn rất nhiều so với từ “đất”, chỉ có 23 lần. Các cặp từ đối lập khác cũng có tình trạng tương tự, như từ “khôn”/ “dại”... “nhớ”/ “quên”. Đặc biệt từ “trong” được dùng tới 105 lần so với từ “ngoài” chỉ được dùng có 43 lần; “được” xuất hiện 48 lần và “mất” chỉ có 9 lần. (Trong nội dung phân tích này, xin không đề cập đến khía cạnh “tốt”/ “xấu” hoặc “đúng”/ “sai” giữa hai nhóm từ vựng nêu trên khi tạm gọi là nhóm “tiêu cực”/ “tích cực”). Minh chứng thống kê này góp phần cho thấy tâm “hướng nội” của tác giả là sự thống nhất, xuyên suốt từ nội dung đến hình thức thể hiện trong Truyện Kiều. 

 

2. Biến động nhận thức và tần suất một số từ vựng theo chuỗi thời gian

2.1. Phương pháp và kết quả tính toán tần suất từ vựng theo chuỗi thời gian

Phần phân tích này sử dụng công cụ thống kê về tần suất xuất hiện của một số từ vựng cụ thể trên đơn vị số dòng thơ, nhằm xác định quy luật biến động tâm lý của tác giả trong suốt quá trình sáng tác tác phẩm, tương đương với diễn biến câu chuyện theo chuỗi thời gian. Các từ khóa được tính toán tần suất bao gồm: nghe, nói, trông, thấy, nghĩ, suy, biết, hiểu, tường[vi], định, tuệ, thiện, tâm, nội, ngoại, trong, ngoài... Sau khi sàng lọc, các từ còn lại có tần suất đáng kể và có nghĩa gắn liền với sự nhận thức gồm: “nghe”, “nói”, “trông”, “thấy”, “nghĩ”, “suy”, “biết”.

Phân tích theo chuỗi thời gian liên quan tới việc phân đoạn Truyện Kiều. Tổng quan một số công trình phân tích Truyện Kiều cho thấy các nhà nghiên cứu có nhiều khác biệt khi xác định tiêu chí phân chia và số lượng phân đoạn tác phẩm này. Trang “Sách vui” chia Truyện Kiều thành 4 phần (https://sachvui.com/ebook/truyen-kieu -nguyen-du.939.html). Một số nhà phân tích chia Truyện Kiều thành 13 đoạn (https://tienvnguyen.net/a354/truyen-kieu-nguyen-du-1766-1820-truyen-tho-luc-bat-3254 -cau). Trang wikipedia chia Truyện Kiều thành 14 đoạn (vi.wikipedia. org). Xin nêu sơ lược mà không đi sâu phân tích về tiêu chí và mục tiêu của những cách phân loại trên đây.

Riêng trong bài viết này, để phục vụ mục tiêu phân tích diễn biến tâm lý và quá trình nhận thức mà tác giả thể hiện qua 3254 câu trong Truyện Kiều, chúng tôi xin đề xuất chia Truyện Kiều thành 4 phần với 15 đoạn với lý do như sau:

Bảng 5: Bốn phần và 15 đoạn của Truyện Kiều

Phân Đoạn

(Theo quá trình nhận thức)

Phân tiểu đoạn

(Theo tình tiết diễn biến)

Từ câu

Đến câu

Số câu

Phần 1

1. Kiều và gia đình

1

38

38

2. Kiều thăm mộ Đạm Tiên

39

244

206

3. Kiều gặp Kim Trọng

245

572

328

Phần 2

4. Kiều bán mình chuộc Cha

573

804

232

5. Kiều rơi vào tay Tú Bà & Mã Giám Sinh, lầu xanh 1

805

1056

252

6. Kiều mắc lừa Sở Khanh

1057

1274

218

7. Kiều gặp Thúc Sinh

1275

1526

252

8. Kiều bị Hoạn Thư/ Ưng Khuyển bắt cóc tráo thây, đốt nhà

1527

1704

178

9. Kiều gặp Hoạn Thư - bị tra tấn tinh thần

1705

2032

328

Phần 3

10. Kiều gặp sư Giác Duyên, gặp Bạc Hạnh/Bạc Bà, lầu xanh 2

2033

2164

132

11. Kiều gặp Từ Hải

2165

2288

124

12. Kiều trả Ân Oán

2289

2418

130

13. Kiều khuyên Từ Hải mắc theo mưu Hồ Tôn Hiến, Kiều tự vẫn

2419

2738

320

Phần 4

14. Kim Trọng đi tìm Kiều

2739

2972

234

15. Kiều - Kim Trọng đoàn tụ

2973

3254

282

Tổng

 

1

3254

3254

 

Nhìn một cách khái quát thì Truyện Kiều có thể được chia làm 3 giai đoạn cảm xúc chính, gồm có: Giai đoạn 1: Từ mở đầu giới thiệu về gia đình Kiều cho đến khi Kiều gặp Kim Trọng. Giả định cảm xúc của phần này chủ yếu là nhận thức ngây thơ, trong sáng (trừ 6 câu khái luận đầu tiên). Giai đoạn 2 từ khi gia đình Kiều bị vu oan, Kiều phải bán mình chuộc cha cho đến khi tự vẫn và được sư Giác Duyên cứu sống. Giả định cảm xúc của phần này chủ yếu là đau khổ đắng cay bởi đây thời kỳ Kiều va chạm với bão tố cuộc đời. Giai đoạn 3 từ lúc Kim Trọng biết Kiều còn sống và đi tìm cho đến khi đoàn tụ. Giả định cảm xúc của phần này chủ yếu là những nhận thức và triết lý của thời kỳ tái ngộ, yên ổn.

Tuy nhiên, trong Giai đoạn 2, Kiều có sự thay đổi nhận thức đáng lưu ý tại thời điểm Kiều gặp sư Giác Duyên. Căn cứ vào tiêu chí này, có thể chia tiếp giai đoạn 2 làm hai phần, do đó cả truyện được chia thành 4 phần lớn. Vì tính toán này lấy 40[vii] câu thành một đơn vị để tính tần suất, cho nên số lượng câu thơ trong 4 phần nêu trên chuyển thành số chẵn, là bội của 40 (trừ đoạn cuối). Qua tính toán, ta có kết quả như sau:

Bảng 6: Tần suất xuất hiện của các từ khóa theo chuỗi thời gian

Dòng thứ

Số lượng dòng

“nghe”

“nói”

“trông”

“thấy”

“nghĩ”

“suy”

“biết”

1 – 600 (Phần 1)

600

13

4

15

18

7

1

17

Tần suất, %

2.17

0.67

2.50

3.00

1.17

0.17

2.83

601- 2040 (Phần 2)

1440

26

32

29

29

28

6

46

Tần suất, %

1.81

2.22

2.01

2.01

1.94

0.42

3.19

2041- 2720

(Phần 3)

680

17

14

10

14

8

0

26

Tần suất, %

2.50

2.06

1.47

2.06

1.18

0.00

3.82

2721 –3254

(Phần 4)

534

16

11

7

12

8

0

20

Tần suất, %

3.00

2.06

1.31

2.25

1.50

0.00

3.75

 

Nhìn vào Bảng 6, Các từ “biết” và “thấy” thể hiện tần suất lớn nhất, ngày càng tăng không ngừng so với những từ: trông, nghe, nói, nghĩ, suy. Trong tiến trình nhận thức, có thể đã “nghĩ”, “suy” mà chưa “biết”; đồng thời đã “trông” và “nghe” nhưng chưa “thấy”. Vì vậy, mối liên hệ giữa các diễn biến tần suất của những cặp từ vựng liên quan có thể bộc lộ chiều sâu sự biến chuyển nhận thức của tác giả trong quá trình sáng tác của ông. Sau đây, ta hãy xem biểu đồ diễn biễn này thể hiện qua tần suất một số từ khóa theo chuỗi thời gian của câu chuyện.

2.2. Diễn biến nhận thức bộc lộ qua tần suất “nghe” và “nói”

Qua 4 giai đoạn, tần suất giữa “nghe” và “nói” biến động theo hai xu thế. Biểu đồ cho thấy, trong giai đoạn 1, tần suất “nói” tăng vọt từ rất thấp lên khá cao, trong khi tần suất “nghe” giảm sút và có đi ngược chiều với “nói”. Ba giai đoạn sau, xu thế “nói” giảm chút ít nhưng “nghe” tăng lên đáng kể.

Không lẽ tác giả vô tình sử dụng tần suất các từ vựng như vậy hay đó là thông điệp tư tưởng được bộc lộ qua con số thống kê rằng giai đoạn đầu đời, người ta học nói, và có thể vì ngây thơ nên cũng ít nghe. Nhưng va chạm cuộc đời càng nhiều, con người ta cần ít nói đi và phải ngày càng tăng cường lắng nghe hơn (Xem Hình 1).

Toàn bộ câu chuyện cũng phản ánh đặc điểm tương tự. Ban đầu thì sự “nói” mang tính phổ biến cho việc giao tiếp thông tin. Ở cấp độ cao hơn, những va đập trong cuộc sống là những thông tin tác động trực diện, vượt lên trên cả chức năng “nói” mà buộc người ta phải cố gắng lắng nghe hay nghe ngóng nhiều hơn. Ngoài khía cạnh thông tin, “nói” còn là sự lộ diện, “nghe” là ẩn mình cảnh giác.

Hình 1: Diễn biến nhận thức biểu hiện qua tần suất “nghe” và “nói”

Tần suất của “nói” và “nghe” trong bốn giai đoạn của Truyện Kiều vô hình trung cho thấy một bối cảnh tổng thể của môi trường sống gian truân, buộc người ta ngày càng thu mình cảnh giác trước bao nguy hiểm từ xã hội. Ảnh hưởng vô hình từ chiều sâu của tần suất thông tin như vậy liệu có phải là một kênh tác động đến cảm xúc và tâm hồn người đọc hay không?

2.3. Diễn biến nhận thức bộc lộ qua tần suất “trông” và “thấy”

“Trông” được xem như hoạt động của mắt, còn “thấy” được xem như hoạt động của sự nhận thức. Như vậy, “trông” là quá trình tiếp cận thông tin và “thấy” là tình trạng xử lý được thông tin, và còn được hiểu là kết quả của quá trình nhận thức. Như trong tác phẩm Hoàng Tử Bé, tác giả Antoine de Saint-Exupéry từng viết: “Điều quan trọng thì mắt không nhìn thấy được, mà phải nhìn bằng tim”. Có lẽ “trông” là nhìn bằng mắt, còn “thấy” thì nhìn bằng tim chăng?

Hình 2: Diễn biến nhận thức biểu hiện qua tần suất “trông” và “thấy”

Số liệu thống kê cho biết trong suốt 4 giai đoạn lớn của Truyện Kiều, tần suất của “trông” luôn giảm dần, trong khi tần suất của ‘thấy” giảm mạnh trong giai đoạn đầu và dần dần tăng lên trong cả 3 giai đoạn sau. Tình huống này không gắn với quá trình nhận thức của bất cứ một nhân vật riêng rẽ nào, nhưng nó biểu hiện một sự liên hệ nhất định đến diễn biến tâm lý và nhận thức của tác giả, khi vô tình hay cố ý sử dụng các từ với tần suất biến động như vậy (Xem Hình 2). Phải chăng mắt là giác quan hữu ích để tìm kiếm thông tin, nhưng vai trò của nó giảm dần theo quá trình nhận thức từ giản đơn đến phức tạp, để rồi cái “thấy” phải dần dần thay thế cái “trông” để có thể hiểu được những sự vật phức tạp, sâu sắc hơn.

2.3. Diễn biến nhận thức bộc lộ qua tần suất “nghĩ”, “suy” và “biết”

Với các từ “nghĩ”, ‘suy” và “biết”, số liệu thống kê cũng cho thấy kết quả thú vị và khá thách thức cho nỗ lực lý giải cho sự biến động này. Nhìn vào Hình 3, có thể thấy được tần suất của “suy” (với nghĩa là “suy nghĩ”, “suy luận”) rất thấp trong hai giai đoạn đầu và không còn xuất hiện trong hai giai đoạn sau. Tần suất của “nghĩ” là khá thấp và thay đổi bất thường suốt cả bốn giai đoạn. Riêng tần suất của “biết” khá cao và có xu hướng tăng lên không ngừng trong suốt cả chuỗi thời gian. Như vậy, ở đây, sự “biết” không những không chịu sự chi phối của “nghĩ” và “suy”, mà bộc lộ xu hướng tích cực, độc lập so với “nghĩ, suy” (Xem Hình 3).

Hình 3: Diễn biến nhận thức biểu hiện qua tần suất “nghĩ”, ‘suy” và “biết”

Phải chăng việc “suy, nghĩ” trong đời người chỉ đơn thuần là một hoạt động mà đôi khi là thụ động, nhất thời. Khi chịu một tác động từ bên ngoài, con người buộc phải nghĩ, suy... để ứng phó, còn khi không thì có thể trở lại an nhàn. “Nghĩ” có thể phát sinh bởi tác động nhất thời trong thời điểm: “Hồ công đến lúc rạng ngày nhớ ra/ Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên nhắm xuống người ta trông vào (2590 -2592). Trái lại, “nghĩ” cũng có thể có tính tổng quát cho một giai đoạn thời gian, nhưng không nhất thiết “nghĩ” là một hoạt động liên tục kéo dài: “Nghĩ mình mặt nước cánh bèo/ Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân” (2475-2476).    

Trong khi “biết” không chỉ là một quá trình nhận thức mà còn thể hiện kết quả của sự nhận thức, nó thể hiện sự liên tục, ổn định, mang tính kế thừa có hệ thống. Hầu hết từ “biết” trong Truyện Kiều được thể hiện mốc nhận thức nhất định trong diễn biến của câu chuyện. Khi Kiều bị gán ép lấy người Thổ Quan: “Đã không biết sống là vui/ Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương” (2613-2614), hoặc: “Hại một người cứu muôn người/ Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng (2685-2686).

Từ số liệu thống kê tần suất sử dụng từ “biết”, “suy”, “nghĩ” trong suốt 4 phần và 15 tiểu đoạn của Truyện Kiều, có thể thấy được thông điệp nổi trội mà Nguyễn Du muốn gửi gắm người đọc chính là sự “biết”. Trải qua biết bao biến cố, tình tiết sợ hãi đau khổ thì cái “biết” vẫn nổi lên như kết quả của bài thi cuộc đời. Điều thú vị là sự “biết” chân thật gắn liền với “tâm” chứ không gắn liền với “tài, trí, suy nghĩ”. Minh chứng này bộc lộ sự thống nhất với nhận thức “chữ tâm” bằng ba “chữ tài” của Nguyên Du mà nội dung Mục 1.3 đã phân tích. Phải chăng, tác giả đã chỉ ra rằng “tâm biết” có thể đem lại sự hiểu biết có phần vượt trội với “óc nghĩ suy”?

Vốn sự “biết” con người thu nhận được không chỉ từ nguồn vui sướng, hạnh phúc, mà còn phần lớn từ những kinh nghiệm cay đắng, đau khổ. Vậy thì “nghĩ” có biến động tăng giảm thất thường, trong khi “biết” luôn tăng lên trong suốt 3254 câu của Truyện Kiều cũng là một quy luật thú vị về sự thống nhất giữa cái “vỏ ngôn ngữ” và nội dung diễn biến nhận thức. Điều sâu sắc ấy phải chăng cũng là một thông điệp nữa mà Nguyễn Du gửi gắm qua Truyện Kiều.

Minh chứng định lượng về tần suất sử dụng từ vựng của Nguyễn Du (như một số ví dụ nêu trên) đã bộc lộ một số đặc điểm có tính quy luật. Quy luật này có lẽ  không do tư duy hoạch định, phân bổ dàn xếp tạo ra, mà do trí huệ thiện xảo vượt lên trên cõi người của Nguyễn Du dẫn đến kết quả như tự nhiên phải là như vậy. Chắc hẳn khi cất bút viết “Trăm năm...” cho đến “...trống canh”, Nguyễn Du không hoạch định hoặc tiên lượng mình sẽ dùng những từ ngữ nào, số lượng bao nhiêu cho những tình tiết gì. Sự vĩ đại của tác phẩm hẳn phải hàm chứa trong đó sự chân thực, độc lập, lìa bỏ mọi sự tô vẽ nhào nặn, như Khổng Tử từng nói rằng: “thuật nhi bất tác”[viii] (viết mà không bịa ra điều gì cả).

Tuy thấm đẫm tình người, tâm lý từng nhân vật mà Nguyễn Du không chìm đắm trong đó. Sự nhân hậu và tầm tư tưởng cao thượng vẫn vượt trên sự thù ghét oán hận, mà luôn hướng tới những điều cao quý, hay đó cũng là quy luật tất yếu với con người: nên quay về nhân hậu và thiện lương. Chỉ có thể như thế thì hơn 200 năm nay và có thể mãi về sau, Truyện Kiều mới là một tác phẩm “đọc mà không bao giờ cùng”, không bao giờ hết những chiều kích vĩ đại, sâu sắc và thiêng liêng trong đó; một tác phẩm, chứa đựng cả tiếng nói và hồn cốt của dân tộc Việt. Truyện Kiều chính là văn bản xác lập vị thế cho tiếng Việt với vai trò QUỐC NGỮ ở giác độ toàn cầu, và là một cột mốc vĩ đại bảo vệ vững bền tiếng nói, nền văn hóa cùng giang sơn đất nước Việt Nam.

Kết luận

Việc sử dụng công cụ thống kê phân tích vào nghiên cứu văn học/ ngôn ngữ là một cách làm không mới tại nhiều nước trên thế giới, giúp đưa ra những minh chứng định lượng hữu ích cho các nhận định cảm tính. Bài viết này nhằm thí điểm giới thiệu công cụ thống kê vào lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ, văn học với mong muốn nhận được sự ủng hộ để đưa việc áp dụng này trở thành phổ biến hơn tại Việt Nam. Vì mới áp dụng một vài phân tích hết sức sơ lược ban đầu gồm phân tích tổng tần suất và phân tích tần suất theo chuỗi thời gian, đồng thời nhóm tác giả thiếu nền tảng sâu về chuyên ngành ngôn ngữ, do đó bài viết không tránh khỏi nhiều hạn chế và nhầm lẫn trước một khối lượng ngôn từ đồ sộ với nội dung ngữ nghĩa sâu rộng như Truyện Kiều.

Dẫu ngôn ngữ là thứ công cụ chuyển tải khá hạn chế của với tư tưởng, nhưng trong cõi nhân sinh, hiện chưa có công cụ chuyển tải nào hữu ích hơn. Dẫu văn chương có “ý tại ngôn ngoại” nhưng văn chương cũng khó có sự tách biệt quá xa với hình thức biểu hiện của nó là câu chữ. Vậy nên, phân tích này căn cứ vào cái vỏ ngôn ngữ để phân tích. Công cụ thống kê chỉ đưa ra được con số khô khan về số lượng và tần suất đối với một số từ khóa được chọn phân tích. Với con số này, có thể có vô vàn cảm nhận và cách giải thích khác nhau. Chủ quan của chúng tôi chỉ có thể đưa ra những lập luận (có lẽ là khá phiến diện) nhằm nêu ra một cách tiếp cận mới có thể áp dụng trong phân tích văn học với mong muốn được các nhà nghiên cứu quan tâm. Chúng tôi mong nhận được những góp ý mang tính xây dựng, bổ sung cả về kiến thức và phương pháp luận. Nếu cách tiếp cận này được phát triển và hoàn thiện thêm, có thể hình thành một công cụ nghiên cứu đáng tin cậy cho ngôn ngữ và văn học từ giác độ định lượng và có thể được vận dụng hữu ích cho các chương trình đào tạo ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ.

Việc phân tích trong bài đã chú trọng tới những từ đồng âm khác nghĩa, những từ gần nghĩa, từ đa nghĩa. Tuy nhiên, chúng tôi chưa đủ điều kiện để phân tích đến các giác độ như: ý tại ngôn ngoại, cụm từ phản nghĩa/ trái nghĩa, từ địa phương, từ có điển tích... Những hạn chế này cũng là cơ hội mở ra đề xuất cho những nghiên cứu rộng và sâu hơn về Truyện Kiều trên cả cách tiếp cận định tính và định lượng với sự tham dự của các học giả khác, đặc biệt là các nhà Kiều học và Ngôn ngữ học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. TRUYỆN KIỀU, Nxb. Trẻ, 2015 (Ấn bản kỷ niệm 250 năm năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du.
  2. Tuổi Kiều: http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c284/n11935/Luc-gap-Kim-Trong-Thuy-Kieu-bao-nhieu-tuoi.html
  3. https://phatgiao.org.vn/thuyet-nhan-qua-nghiep-bao-cua-dao-phat-trong-truyen-kieu-d37883.html
  4. http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Triet-hoc-Viet-Nam/Quan-niem-cua-Nguyen-Du-ve-con-nguoi-va-than-phan-con-nguoi-444.html
  5. https://www.goethe.de/resources/files/pdf187/tt-c-chng-ta-v-c-nng-kiu-na-u-sng-chung-mt-ci-bi-phng-vn-vi-vin-trng1.pdf
  6. https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=76D459

 

Chú Thích

 

[i]      https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/bai-dien-thuyet-bang-quoc-van-cua-pham-quynh.html

[ii]     Câu chữ và số dòng ghi chú trong bài viết này căn cứ vào bản TRUYỆN KIỀU, Nxb. Trẻ 2015 (Ấn bản kỷ niệm 250 năm năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du.

[iii]    Toàn bộ số liệu, bảng biểu và đồ thị có trong bài viết được nhóm tác giả thực hiện.

[iv]    “thú” được tác giả dùng với 3 nghĩa chính: (a) vui thú: 1593, 2173, 2696; (b) thú tội: 1139,1539; (c) hôn thú: 1334.

[v]     https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Du

[vi]    “tường” được tác giả dùng với 2 nghĩa chính: (a) bức tường: 38, 240,267, 284, 289, 293, 302, 304, 319, 367, 378, 309, 666, 866, 1085, 1093, 1308, 1355, 1672, 2027, 2751, 2771 (22 lần); (b) hiểu: 199, 644, 1454, 1691, 1998, 2041, 2506, 2912, 2927 (9 lần)

[vii]    Lý do chọn 40 câu làm một đơn vị bởi vì con số này không quá lớn hoặc quá nhỏ so với số lượng câu thơ trong từng đoạn, đồng thời 40 là ước số tương đối chẵn cho số lượng các câu thơ của mỗi phần.

[viii]   vuontriethoc.blogspot.com/2013/12/luan-ngu-khong-tu-7-thuat-nhi.html

 

TS. Bùi Đại Dũng

 

. . . . .
Loading the player...