24-12-2020 - 06:30

PHẬN KIẾP HỒNG NHAN TRONG TÂM THỨC NGUYỄN DU VÀ NGUYỄN CÔNG TRỨ

Tạp chí Hồng Lĩnh số 172 trân trọng giới thiệu bài viết của nhà LLPB Hà Quảng "Phận kiếp hồng nhan trong tâm thức của Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ"

PHẬN KIẾP HỒNG NHAN TRONG TÂM THỨC

NGUYỄN DU VÀ NGUYỄN CÔNG TRỨ

 Dưới góc nhìn văn hóa, Nguyễn Du là nhà thơ lớn của dân tộc, tuy nhiên ông còn là một võ quan nhiều mưu đồ đại nghiệp, một vị văn quan rất biết cách “chăn dân”, cũng là một nhà ngoại giao xuất chúng. Nhận xét tổng thể về Nguyễn Du, thấy rõ những tài năng đa dạng và công lao của ông, các cụ đời sau đã thể hiện rất sâu sắc qua các bài văn truy điệu, văn bia trong các dịp tưởng niệm. Một người tài kiêm văn võ, xuất chúng về cả nội chính, ngoại giao, cả “tài thao lược” lẫn “đức thanh cần”: ... Khi trưởng thành Ất bảng chen tên, tài thư  kiếm vang lừng hai vế/ Những muốn hùng binh mấy vạn rắp phen Trương Tử phục Hàn gia... Khi thủ hiến Tiên châu, khi Thần kinh lĩnh doãn, đức thanh cần thấm thía đến muôn dân/Lúc Bắc hành chánh sứ, lúc Nam khuyết á khanh tài thao lược vang lừng trong hai nước…(1). Một nhân cách, một sự nghiệp như vậy, nhưng tại sao một người cùng thời cũng tài năng sự nghiệp không kém lại là đồng hương, hạ một lời phê từng làm băn khoăn bao thế hệ Bán mình trong bấy nhiêu năm, Dễ đem chữ hiếu mà lầm được ai (2) (Vịnh Thuý Kiều), Nguyễn Công Trứ nhận xét Kiều thực ra là nhận xét bóng gió về Nguyễn Du và phần nào cả giới ca nương lúc bấy giờ.         

Từ cách nhìn đối với nàng Kiều, liên hệ đến cuộc đời, hành trạng, cũng như các sáng tác, ngôn thuật của hai vị đại quan họ Nguyễn, chúng ta thử tìm hiểu sự khác biệt về kiếp phận hồng nhan - một tầng lớp nhân vật khá phổ biến trong văn chương thời bấy giờ - trong tâm thức các ông tiêu biểu cho hai bộ phận nhà nho - văn nhân đương thời. Hai ông tiêu biểu cho hai kiểu nhà nho khá phổ biến, tuy họ cũng đều xuất thân nơi cửa Khổng sân Trình, ôm mộng phò vua giúp nước ra làm quan trong triều, nhưng không là những “chính nhân quân tử” kiểu cũ mà là những nhà nho của xã hội phong kiến thời kỳ mới, hành xử ít nhiều đều có pha màu tài tử văn nhân, nhưng  mỗi người do hoàn cảnh sống, cũng như thế nghiệp, truyền thống gia đình không giống nhau nên quan niệm nhân sinh, cách nhìn đời, trải nghiệm các kiếp người không giống nhau có khi đến trái ngược!

Trong thiên tài của Nguyễn Du, ông đã thừa hưởng được cái hào hoa của xứ Kinh Bắc nhờ ảnh hưởng của mẹ và cái hào khí của đất Hồng Lam, qua ảnh hưởng của cha, cùng là lòng yêu nghệ thuật, khiếu văn chương, do gia phong trải bao nhiêu đời truyền lại. Thân sinh, quan đại tư đồ Nguyễn Nghiễm mất năm Nguyễn Du mười tuổi, mười ba tuổi mồ côi mẹ, suốt thời niên thiếu ở với anh tại Thăng Long. Anh cả Nguyễn Du là Nguyễn Khản, một đại quan rất được chúa Trịnh Sâm sủng ái cũng là một người say mê ca xướng và am tường nghệ thuật, văn chương. Nguyễn Du có một người em là Nguyễn Ức kém ông hai tuổi, thời Lê là một quan to, thời Nguyễn được phong tước hầu. Khi chưa loạn lạc, trong dinh quan Nguyễn Ức ở Thăng Long, thường có những ca kỹ, “những người mặc áo hồng hát ca uyển chuyển” phục vụ mua vui cho các quan, có người tài sắc trở thành nàng hầu. Dấu vết đài các hoa lệ, không khí nghệ thuật cao nhã của kinh đô cùng với những tao nhân mặc khách, văn nhân, kỳ nữ thường lui tới để lại nhiều ấn tượng trong ký ức Nguyễn Du trở thành một nhân tố “sùng giai nhân” trong phong cách sống cũng như phong cách nghệ thuật của ông.  Để giải thích cái tài năng độc đáo, cái tính cách phức tạp đầy mâu thuẫn cũng như mối quan tâm sâu sắc đến giới ca nhi của Nguyễn, ta cần biết đến cái phần đời gồm những ngày tháng loạn ly chứng kiến bao cuộc thăng trầm “một phen thay đổi sơn hà, mảnh thân chiếc lá biết là về đâu”của những nữ nhi thời tao loạn thời bấy giờ mà cô gái đánh đàn ở đất Long thành là một tiêu biểu; cũng như những tháng ngày bôn ba xứ người đảm đương trọng trách đại diện cho một triều đình trên đường tuế cống tiếp cận một nền văn hóa, phong tục mới lạ với nhiều thân phận hồng nhan xót xa đọng lại trong cuộc đời nàng Tiểu Thanh phận bạc; đặc biệt một gia cảnh, dòng họ có nhiều người gần gũi giới ca nương bấy giờ...       

Nổi bật trong tâm sự Nguyễn Du là “nỗi buồn người”, là cái tâm sự u hoài đeo đẳng ông mãi, dẫu có khi làm đến bậc Á khanh. Làm quan bất đắc dĩ, chỉ là một kẻ “hành đạo ẩn dật”. Ông đã đem theo xuống mồ cái tâm sự u uất, cái nỗi buồn khó hiểu đó, mà người đời chỉ ức đoán qua câu thơ Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hà hà nhân khấp Tố Như. Nét tương cảm để Nguyễn Du tái tạo nên nhân vật Thúy Kiều cũng như các nhân vật hồng nhan khác là nỗi xót xa, nỗi buồn cho “thân phận đàn bà”, “thân phận người” trong cuộc đời đen bạc. Nguyễn Công Trứ lại xem nỗi buồn của Nguyễn Du là giả dối, muốn che lấp sự đàm tiếu của thiên hạ về việc tìm một sự yên thân ở tân triều, “phản bội” lại Nhà Lê đã từng mưa ân tưới phúc cho gia đình. Sự phê phán này Nguyễn Công Trứ  lồng ghép vào mấy câu thơ phê phán Kiều, một kiếp phận hồng nhan mang nhiều tâm sự của tác giả Truyện Kiều, cho Kiều đưa chữ “hiếu” ra trước người đời để che đi tấm lòng lang chạ, tà dâm.

Nỗi buồn của Nguyễn Du, đó là phẩm cách của một tâm hồn cao thượng, cảm thấy những nghịch lý, những nghịch cảnh tồn tại ở mọi thời, mọi nơi, như là một định mệnh không tài nào thay đổi được. Tấm lòng nhân mênh mông pha mùi thiền, mùi đạo ở ông luôn cảm thấy bất lực, đó chính là cái điều sâu kín tạo nên nỗi u hoài khôn nguôi trong đời sống và là hồn cốt trong các sáng tác của Nguyễn. Mang tâm sự u buồn đó trong bao nhiêu năm ở chốn quan trường, Nguyễn Du thường có một “tâm trạng kép”, tâm trạng bất đắc dĩ tuy không muốn nhưng vẫn phải làm tròn chức phận không thể thoái thác. Nguyễn chủ động trong tư duy nhưng có lúc thụ động trong hành động. Tâm trạng thể hiện trong câu thơ tự thán “hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên”. Tâm sự đó Nguyễn Du gửi gắm khá trọn vẹn ở Thúy Kiều: bán thân mà trong sáng, lưu lạc mà thủy chung, oan trái nhưng tình nghĩa…Phải chăng vì trạng thái nước đôi, vì cái tâm trạng kép  đó mà sau này Nguyễn Công Trứ không thôi nghi ngờ đã “phê phán ” Nguyễn Du thông qua lời nhận xét khắt khe về Thuý Kiều, nhân vật mà tác giả có nhiều ký thác như một hồng nhan tri kỷ.

Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) kém Nguyễn Du 13 tuổi (1765-1820), mất sau Nguyễn Du 40 năm, làm quan dưới các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Trong 28 năm quan trường, thăng tiến và giáng chức nhiều lần. Là một nhà quản trị giàu năng lực, một vị tướng tài, ông còn là một nhà thơ, một nghệ sĩ lớn. Ông để lại nhiều sáng tác thơ Nôm theo thể thơ đường luật và ca trù, vạch trần nhân tình thế thái, đề cao chí nam nhi, đến ca ngợi thú cầm kì thi tửu. Trên phương diện tư tưởng và tâm lý Nguyễn Công Trứ là một khối mâu thuẫn lớn! Sinh thời ông vượt qua những lề thói bảo thủ, giả dối, tỏ một thái độ “phóng dật” bất cần trong lối sống, thách thức công nhiên dư luận, nhưng ông không vượt khỏi cái quỹ đạo tư tưởng Nho giáo mà đôi khi còn tỏ ra chịu chi phối nặng nề (đạo vua - tôi, nam trọng - nữ khi). Nguyễn Công Trứ có một nhân sinh quan tuy có nhiều khía cạnh  tích cực đổi mới vượt ra khỏi những chuẩn tắc thời bấy giờ nhưng căn bản vẫn nằm trong phép xuất xử Nho gia. Hiểu được tính hai mặt này trong tính cách của Nguyễn Công Trứ là một điều cần thiết để đánh giá con người cũng như ngôn thuật của ông. Sống hành lạc phóng lãng rất gần gũi với giới ca nhi, nhưng đánh giá rất khe khắt với Thuý Kiều, một “siêu” kỳ nữ trong giới ca nương - nhân vật mang nhiều tâm sự Nguyễn Du.

So với Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ có nhiều cái khác về xuất thân cũng như hành trạng. Nguyễn Du con người hai triều đại, gia đình đại quí tộc của triều đại cũ, chịu nhiều áp lực của thời cuộc, triều Lê suy vi, nông dân Tây Sơn khởi nghĩa không hợp tác, triều Nguyễn khôi phục cơ đồ, bất đắc dĩ ra làm quan “thờ” chúa mới. Nguyễn Công Trứ  là sản phẩm của triều đại mới không có cái băn khoăn “trung thần bất sự nhị quân” như Nguyễn Du. Gia tộc Nguyễn Du là đại quí tộc, Nguyễn Công Trứ hàn nho vào đời bằng tài năng là chính, thời trẻ trải nghiệm cuộc sống bình dân, cuộc sống ca xướng thời trẻ ảnh hưởng thái độ hành lạc sau này, cách nhìn phụ nữ khác Nguyễn Du. Nguyễn Công Trứ tuy mượn Kiều để bóng gió phê phán Nguyễn Du, nhưng phần nào cũng thể hiện tâm lý, cách nhìn của ông đối với giới ca nhi và cả những thân phận hồng nhan lúc bấy giờ .

Tại sao Nguyễn Công Trứ lại có những nhận xét, đánh giá khe khắt như vậy khi ông từng là một khách chơi phóng lãng, một quan gia thăng giáng thất thường? Con người từng bất chấp tất cả mà lại không thể vượt qua được thành kiến hẹp hòi với một ca nương hay có gì ẩn khuất đằng sau?  Phải chăng trong cách nhìn của Nguyễn Công Trứ: Kiều chỉ là kỹ nữ, dẫu tài năng nhan sắc bao nhiêu cũng chỉ là một khách chơi, là cái hồng nhan mà sinh thời ông rất coi thường, ông luôn là kẻ đứng trên. Đời ông trai kép lúc trẻ, lúc tham gia trận mạc, lúc về già, khi chùa chiền, khi vãn cảnh đều có dăm ba nàng áo đỏ, áo xanh theo hầu, bảy mươi tuổi còn đèo bòng thiếp trẻ, luôn luôn mải mê với cái cảnh “hoa lê áp hải đường”...Tất cả chỉ là thú chơi, “chơi hoa cho biết mùi hoa, cầm cân cho biết cân già hay non” thế thôi. Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một bài viết cho rằng Nguyễn Công Trứ ngoài “một bản lĩnh hành động” còn là “một tay chơi cuồng phóng”, gọi ông là “tay chơi” là có cái lý của nó vì chính Nguyễn cũng tự nhận “sống để mà chơi”(3). Tân nhân, mỹ nữ, ca nương, khách hồng quần... đều là đối tượng của cái thú “phong nguyệt tình hoài”, trong cái thú này thì “trăng hoa” là mục tiêu, “xướng ca” là phương tiện, không có chỗ cho những Hiếu, Trung cao đạo. Nguyễn Công Trứ hiểu sai và đánh giá thấp Kiều cũng như giới ca nương cũng nằm trong cái quỹ đạo suy nghĩ đó. Trong toàn bộ thi tập ca trù - hát nói của ông để lại, người phụ nữ không bao giờ xuất hiện như một “đối tượng trữ tình” mà cùng với ngón đàn điệu hát chỉ xuất hiện như những “khách chơi”, biết múa hát đong đưa nhưng không có tâm trạng, như những hình nhân trong bộ sưu tập... Quan hệ giữa họ và tướng công chỉ là quan hệ “quan gia và con hát” không hơn không kém. Các nữ nhân trong thơ Nguyễn Công Trứ đa phần là ca nhi nhưng ngón cầm ca của họ khác xa với Kiều hoặc các cô Hồ, cô Cầm ở đất Thăng long và cái cách thưởng thức của Tố Như và Uy Viễn cũng với những tâm trạng khác nhau. Với Nguyễn Du các nữ nhân mà ông  thường nhắc đến như cô bạn hái sen, cô lái đò thời trẻ, cô Cầm người đẹp Long Thành, cô ca nữ ở nhà em trai, cô Hồ bạn văn chương, hoặc như cô Tiểu Thanh, cô Thuý Kiều...trước hết đó là những con người cốt cách tao nhã, gần gũi, chịu nhiều oan khuất (phong vận kỳ oan), ông gửi gắm nơi họ những tình cảm tri âm, tri kỷ xem họ là những khách đồng điệu. Nguyễn Du thương cảm và đánh giá cao Kiều cũng như nhiều khách má hồng khác, họ không là “khách chơi” như Nguyễn Công Trứ quan niệm, mà là những kẻ “liên tài, liên tình”, những kẻ “tài thì đáng trọng, tình thì nên thương”. Qua hầu hết các tác phẩm có bóng dáng các đào nương, một hạng người bị đương thời rẻ rúng, thì ông luôn xem mình là bạn, thật sự tìm thấy mình trong họ “Phong vận kỳ oan ngã tự cư – Nỗi oan lạ của người phong nhã ta tự thấy có mình trong ấy”, khóc cho những con người ấy là khóc cho những tài hoa bị vùi dập và khóc cho cả cuộc đời phong trần lận đận của chính mình!  Nói kỹ những điều này chúng tôi muốn lưu ý rằng trong đời sống cũng như trong  nghệ thuật của Nguyễn Du, nhân tố “liên tài danh sĩ – giai nhân”, “tự thấy có mình trong ấy” trầm tích nhiều sắc thái, thể hiện trong nhiều tác phẩm ở mối quan hệ với các nhân vật nữ mà Thuý Kiều “ tài hoa mà phận bạc, đài các mà truân chuyên” là một điểm nhấn quan trọng trong chuỗi nữ nhân đó, nếu bỏ qua thì những lý giải khác sẽ trở nên hời hợt. Cũng chính bởi điều này mà sự phê phán của Nguyễn Công Trứ đối với Kiều có phần vừa khe khắt lại vừa hời hợt, phê phán mà không thấu hiểu. Một điều nữa có góp phần tạo nên cái nhìn vừa thương vừa trọng của Nguyễn Du đối với các ca nương là còn bởi cái quan hệ với đằng ngoại mà trên kia đã nói:  mẹ ông xuất thân trong một gia đình ca nương tỉnh Bắc và nhiều ca nương khác có vai trò đáng kể trong gia tộc mà dấu vết hào hoa, trữ tình còn in rõ trong đời sống cũng như tâm hồn ông.

Nhận xét Kiều nhưng chính thực là nhằm vào Nguyễn Du, không hiểu Kiều, Nguyễn Công Trứ cũng không hiểu tâm trạng Nguyễn Du, nếu không nói là xa lạ. Nguyễn Công Trứ với cái nhân sinh quan “thị tài” và “đa tình” ngoài cái mộng có danh gì với núi sông”, còn ôm ấp nhiều lạc thú trong cõi nhân sinh. Ông thuộc thế hệ hãnh tiến trong triều Nguyễn hăng hái xốc tới không có cái mặc cảm đại quý tộc trước “một phen thay đổi sơn hà” của Nguyễn Du. Nguyễn Công Trứ về quê thì cười cợt “thuyền quyên ứ hự, anh hùng biết chăng”, không có cái bâng khuâng khi nhớ  đến khúc sông ngày xưa “thuyền cha ta cờ xí rợp trời” như Nguyễn Du. Ghé Thăng Long, Nguyễn Công Trứ ngoài công vụ, tìm cái thú giang hồ “phong nguyệt kho vô tận”, còn Nguyễn Du thì day dứt, bẽ bàng “thành mới trăng xưa bóng lững lờ”. Nguyễn Công Trứ thấy khinh cái cảnh quan lại tham những đục khoét nhưng tôn sùng vua, nhận bổng lộc vua ban một cách ngưỡng vọng, ông không trải cái cảnh cha, anh, bạn hữu bị lâm nạn, bị bức tử, bởi gian thần để nhận lộc vua ban mà thầm đau xót và lo lắng như Nguyễn Du. Nguyễn Công Trứ thấy mình cải tạo được cuộc sống dân nghèo, còn Nguyễn Du đi khắp gầm trời kể cả sang Trung Hoa - nơi lý tưởng trong cách nhìn nho gia thời bấy giờ, cũng thấy đầy rẩy bất công, tàn bạo. Ông luôn cảm thấy bế tắc khó làm thay đổi cuộc đời . Việc ra làm quan của Nguyễn Du dưới triều Nguyễn là tình cảnh bất đắc dĩ, là bất khả kháng để bảo vệ mình và gia tộc chứ không phải vì mộng công hầu hoặc mưu tài lợi như thói thường. Hai nhân sinh quan, hai triết lý nghiệm sinh khác nhau nên không đồng cảm. Hai ông tiêu biểu cho hai kiểu nhà nho khá phổ biến đương thời, họ cũng đều theo phương châm nhà nho hành đạo, làm quan trong triều, nhưng không còn là những “chính nhân quân tử” kiểu cũ mà là những nhà nho hành xử  ít nhiều đều có pha màu “tài tử văn nhân”,  nhưng  một người  hành xử theo đạo lí vị tha  truyền hống, người kia hành xử kiểu tài tử  mang màu sắc vị ngã của đời sống thị dân xã hội Việt Nam thời bấy giờ .

Nhìn chung, ta thấy hai ông đều có nhiều quan hệ với giới ca nương nhưng hoàn cảnh sống, hành trạng khác nhau, tiếp cận đối tượng các ca nương cung bậc, đẳng cấp không giống nhau đưa đến cái nhìn cũng khác nhau về thân phận lớp người này. Nguyễn Công Trứ vui đời, chê Kiều, xem thường giới ca nhi lẫn các kiếp phận hồng nhan bấy giờ. Nguyễn Du đau đời, thương Kiều, thông cảm với giới đào nương nói riêng và kiếp phận hồng nhan ( phụ nữ) nói chung. Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung, đó là tấm lòng nhân nghĩa lớn của Nguyễn đối với bao phận người mong manh trong cuộc sống đương thời, mà Thuý Kiều cũng như bao cô gái khác trong thơ văn ông là những kiếp phận tiêu biểu. Riêng trong góc nhìn này ta mới thấy sự khác biệt hai người, một nhà nhân đạo lớn và một tài tử ngạo đời, trách “ông xanh”, muốn đứng trong cuộc đời giao du với khách má hồng để mà “chơi”.

Chúng ta với nhãn quan hiện đại thấy rõ sự khác biệt ở hai ông, suy cho cùng vẫn không ra ngoài cái ngưỡng triết lý dân gian “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”. Nguyễn Công Trứ tuy có tài kinh bang tế thế nhưng là một vị quan gia đánh giá Kiều cực đoan cũng như ông vua Tự Đức xét đoán Từ Hải. Cụ Thượng Trứ sẽ chẳng bao giờ thông cảm với tâm trạng Nguyễn Du qua Thúy Kiều và những người cùng giới, cũng như hoàng đế Tự Đức chẳng thể nào hiểu được ước mơ của Nguyễn Du qua Từ Hải, cả hai đều ở phía “ngược sáng”. Chỉ có nhà thơ, người của những nỗi đau thân phận, mới xem Kiều là tri âm, thương cảm cho bao kiếp hồng nhan phận bạc, xem Từ Hải là giấc mộng để sảng khoái tự hào. Và chính nỗi cộng cảm nhân sinh lớn lao đó đã khiến  Nguyễn Du hơn thế kỷ sau trở thành một điểm sáng trong bầu trời văn hoá nhân loại mặc dầu đương thời không khoả lấp được nỗi nghi ngờ ở một số người, trong đó Nguyễn Công Trứ là một./.

               Hà Quảng                                                                 

_____________

(1). Đào Tử Minh - Văn truy điệu Nguyễn Du  - Hội Tri Tân, ngày 10/8 Giáp thân 1944.

(2). Có bản chép: Đố đem chữ Hiếu mà lầm được ai?

(3). Hoàng Phủ Ngọc Tường-Tay chơi - http://chutluulai.net/forums/showthread.php?p=32161.

. . . . .
Loading the player...