14-03-2020 - 08:13

Phác thảo bức tranh thơ Hà Tĩnh

Tôi thường băn khoăn: Vì sao Hà Tĩnh nhiều người làm thơ và lắm thi sĩ tài hoa đến thế? Phải vì Hà Tĩnh tuy núi không cao sông không dài nhưng phong cảnh hữu tình, hay còn vì một lý do khác?.

       Tôi thường băn khoăn: Vì sao Hà Tĩnh nhiều người làm thơ và lắm thi sĩ tài hoa đến thế? Phải vì Hà Tĩnh tuy núi không cao sông không dài nhưng phong cảnh hữu tình, hay còn vì một lý do khác?

       Trong thời kỳ Thơ mới (1932 – 1945), Hà Tĩnh đóng góp bốn thi nhân, trong đó hai (Xuân Diệu và Huy Cận) được xếp vào hàng “Tứ bất tử”, Thái Can là một trong những thi nhân mở đầu và Quỳnh Dao là một trong những tác giả trong giai đoạn kết thúc Trào lưu thơ mới.

       Thái Can sinh 22 tháng 10 năm 1910 tại xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉmh Hà Tĩnh. Năm 1934, ông  cho in tập thơ Những nét đan thanh, do Ngân Sơn tùng thư ở Huế xuất bản. Tập thơ này về sau, được ông bổ sung, tự mình đề tựa rồi cho tái bản năm 1938. Năm 1995, Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho tái bản với tên mới Thơ Thái Can. Theo Hoài Thanh và Hoài Chân: Thơ Thái Can nhạc điệu không có nhiều lối và cũng chỉ nằm trong khuôn khổ thơ thất ngôn, nhưng trong những câu thơ hay bao giờ cũng thấm thía. Ông để lại cho hậu thế một số bài hay, neo được vào trí nhớ người đọc: Cảnh đó người đâu?, Anh biết em đi… (“Thi nhân Việt Nam”, 1942). Ngày 22 tháng 04 năm 1998, ông qua đời tại California, Hoa Kỳ.

       Nhà thơ Xuân Diệu tên đầy đủ là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha là ông Ngô Xuân Thọ và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp. Ông  là một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam, nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”. Những bài thơ được yêu thích nhất của Xuân Diệu là thơ tình làm trong khoảng 1936 – 1944, thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Nhờ đó, ông được mệnh danh là "ông hoàng thơ tình". Trong “Thi nhân Việt Nam” Hoài Thanh -  Hoài Chân nhận xét thơ ông với những lời có cánh sau đây:  Ngày một ngày hai cơ hồ ta không còn để ý đến những lối dùng chữ đặt câu quá Tây của Xuân Diệu, ta quên cả những ý tứ người đã mượn trong thơ Pháp. Cái dáng dấp yêu kiều, cái cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam, đã quyến rũ ta…Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới - nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê. Nhà thơ Huy Cận, một người bạn vong niên của ông nhận xét: Hai tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” được giới văn học xem như là hai kiệt tác của ông ca ngợi tình yêu và qua các chủ đề của tình yêu là ca ngợi sự sống, niềm vui và đam mê sống. Và ca ngợi tình yêu thì làm sao mà không ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân, ca ngợi thiên nhiên là tổ ấm và cái nôi của tình yêu. Và Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến đau đớn nỗi thời gian trôi chảy, sự mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu, tất cả đã được diễn tả bằng những câu thơ xúc động, có khi đậm đà triết lý nhân sinh. Ông qua đời năm 1985 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996).

       Nhà thơ Huy Cận tên khai sinh là Cù Huy Cận sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 (có tài liệu ghi 22.1.1921) trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân dưới chân núi Mồng Gà, bên bờ sông Ngàn Sâu  ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn sau đó thuộc Đức Thọ (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới. Ông là bạn tâm giao của Xuân Diệu, một nhà thơ nổi tiếng khác của Việt Nam. Huy Cận có thơ đăng báo từ 1936, cho in tập thơ đầu “Lửa thiêng” năm 1940 và trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của phong trào Thơ mới lúc bấy giờ. Bao trùm “Lửa thiêng” là một nỗi buồn mênh mang da diết. Thiên nhiên trong tập thơ thường bao la, hiu quạnh, đẹp nhưng thường buồn. Nỗi buồn đó dường như vô cớ, siêu hình nhưng xét đến cùng, chủ yếu là buồn thương về cuộc đời, kiếp người, về quê hương đất nước. Hồn thơ "ảo não", bơ vơ đó vẫn cố tìm được sự hài hòa và mạch sống âm thầm trong tạo vật và cuộc đời. Trong “Kinh cầu tự” (1942, văn xuôi triết lý) và “Vũ trụ ca” (thơ đăng báo 1940 – 1942), Huy Cận đã tìm đến ca ngợi niềm vui, sự sống trong vũ trụ vô biên song vẫn chưa thoát khỏi bế tắc. Sau tháng 8 năm 1945, ông trình làng hơn mười tập thơ khác, và một vài trong chúng để lại dấu ấn: “Trời mỗi ngày mỗi sáng” (1958), “Hai bàn tay em” (thơ thiếu nhi, 1967). Huy Cận đã được Nhà nước phong tặng  về văn học nghệ thuật Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I - năm 1996).Tháng 6 năm 2001, ông được bầu là Viện sĩ Viện hàn lâm Thơ Thế giới. Ông mất ngày 19.2,2005 tại Hà Nội và được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao vàng (23.12.2005).

       Nhà thơ Quỳnh Dao (1918 - 1947), tên thật Đinh Nho Diệm, quê ở làng Gôi Mỹ, nay là xã Sơn Hòa huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông có thơ đăng báo từ năm 16 tuổi. Quỳnh Dao sáng tác không nhiều; cả cuộc đời ngắn ngủi chỉ cho in một tập thơ “Tơ trăng” (1939). Thơ ông về sau ít người biết tới vì không có nhiều bài xuất sắc, nhưng giọng thơ dịu dàng, tình tứ trong tập "Tơ trăng" cũng được nhiều nhà phê bình ghi nhận. Hoài Thanh và Hoài Chân trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”  có ca ngợi đoạn thơ sau trong bài Bài thơ Huế như những câu thơ hay nhất về xứ Thần Kinh: Cầu trắng phau phau màu ánh sáng/ Mây xanh lánh lánh cánh chim chiều/ Một hàng tôn nữ cười trong nón/ Sông mở lòng ra đón bóng yêu... Ngoài ra còn tìm thấy trong di cảo tập truyện thơ ngắn "Dưới cầu Giang Tô" gồm hơn 300 câu thơ lục bát, viết khoảng 1942. Sự đóng góp đáng kể của ông là làm báo văn nghệ. Từ năm hai mươi tuổi, ông là một cộng tác viên thường xuyên tích cực của tuần báo Tiểu thuyết thứ Năm. Từ năm 1940, ông chủ trương tờ Đông Tây tục bản, vừa là chủ nhiệm vừa là chủ bút. Tạp chí có tư tưởng cách tân tiến bộ, được các văn nghệ sĩ nổi tiếng đương thời ủng hộ và hợp tác: Nguyễn Bính, Tô Hoài, Anh Thơ, Mộng Tuyết… Nữ sĩ Mộng Tuyết có bài thơ cảm tạ Quỳnh Dao đề ngày 15-7-1939 sau khi nhận được tập thơ Tơ trăng do tác giả gửi tặng: Văn chương mây nước tao phùng/ Tơ trăng rung sợi tơ lòng bâng khuâng/ Mây bay nước chảy không ngừng/ Tiếng tơ trăng vướng lưng chừng nước mây. Ấy cũng là “lời bình” tập "Tơ trăng".

       Sau cách mạng Tháng Tám, số lượng người sáng tác thi ca ở Hà Tĩnh đông đảo nhưng những tác phẩm, những cây bút hy vọng trụ được cùng thời gian không nhiều. Nổi trội hơn cả là nhà thơ Chính Hữu. Nhà thơ Chính Hữu tên thật là Trần Đình Đắc, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1926 tại Thành phố Vinh (Nghệ An) nguyên quán huyện Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh. Ông từng đảm trách Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Ông làm thơ từ năm 1947 và hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh. Tập thơ “Đầu súng trăng treo” (1966) - tác phẩm chính của ông. Chính Hữu công bố sáng tác không nhiều, nhưng luôn gây được ấn tượng mạnh nhờ cách viết cô đúc với những hình tượng đẹp, kỳ vĩ khắc vào thời gian: Đầu súng trăng treo, Ngọn đèn đứng gác… Những bài thơ của ông thường ngắn gọn, kết cấu chặt chẽ với những hình ảnh độc đáo, gây được ấn tượng mạnh: Chúng đem bom nghìn cân/ dội lên trang giấy/ mỏng như một ánh trăng ngần/ hiền như lá mọc mùa xuân// Ôi từng trang giấy/ trong lòng anh đập khẽ  đêm nay/ như bàn tay vẫy/ như một bàn tay ròng ròng máu chảy…Thi thoảng có những bài thơ tình với cấu tứ mới mẻ, sinh động: Em có bao giờ nửa đêm thức dậy/ nghe ngọn gió phương này thổi sang phương ấy/ đó chính hồn anh đang thở đêm đêm/ đi giữa đất trời đến hát ru em. Chính Hữu  được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật (đợt II,năm 2000). Ông mất ngày 27 tháng 11 năm 2007 tại Hà Nội. Một nhà thơ khác cũng có dấu ấn riêng trong thơ ca chống Mỹ là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Ông sinh ngày 20.7.1934 tại Thành phố Hà Tĩnh. Với các thi phẩm sáng giá: “Lý ngựa ô ở hai vùng đất”, “Sư đoàn”… Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007). Ngày 21. 10. 2014, ông rời bỏ cõi trần tục về thế giới cực lạc vĩnh hằng

       Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, Hà Tĩnh có nhiều bài thơ được độc giả yêu thích, ghi nhớ: “Chiến thắng trời quê” của Duy Thảo (Mười hai chiếc thấy chưa quân cướp Mỹ/ đất quê ta mới phun lửa trận đầu/ Mười hai chiếc thấy chưa quân cướp Mỹ/ đụng vào đây còn nhiều vố thua đau), “Những ngôi sao” của Xuân Hoài (Sao trên trời có những lúc lửa tắt/ Nhưng những ngôi sao Việt Nam đi đánh giặc/ vẫn hành quân sáng rực bốn phương trời/ những ngôi sao dừng lại vẫn ngời ngời), “Trăng làng” của Hà Quảng (Thửa ruộng bên này người gặp gấp/ lưỡi hái lùa trăng lên ống tay/…/ Gà gáy trăng theo về tận ngõ/ Áo đẫm mồ hôi trăng mặc đầy), “Trận địa bên cầu”của Trần Quốc Anh* (Cầu qua kênh gập ghềnh đôi ván ghép/ em đi về soi trộm bóng dòng xanh). Nổi trội hơn cả là bài thơ “Mẹ” của Nguyễn Lê với cấu tứ độc đáo và xúc động lòng người: Trưa về đến bên đồi/ gọi con như mọi bận/ không nghe con trả lời/ thì mẹ ơi đừng giận// Cuốn vở bài toán đố/ con làm còn dở dang/ bỏ quên bên cửa sổ/ đừng trách con không ngoan// Sân nhà đầy lá rụng/ mẹ đừng trách con lười/ thấy áo con đẫm máu/ đừng, đừng khóc mẹ ơi/ Quân thù nhằm thẳng con/ mà bắn vào tim mẹ/ đừng khóc con mẹ nhé/ khóc sao hả căm hờn.

       Thế hệ  xuất hiện sau Thống nhất đất nước, người ở quê nhà (Nguyễn Ngọc Phú, Bùi Quang Thanh, Phan Trung Hiếu, Phan Trọng Tảo, Đặng Quốc Vinh, Võ Hồng Hải, Lê Văn Vỵ, Nguyễn Ngọc Vượng, Phan Tùng Lưu, Thái Vĩnh Linh, Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Thị Hạnh Loan, Trần Nam Phong,…); người xa quê (Đinh Phạm Thái, Lê Thành Nghị, Dương Kỳ Anh, Phan Cung Việt, Lê Quốc Hán, Tùng Bách, Nguyễn Công Bình, Nguyễn Trường Thọ,…) nhưng luôn hướng về mảnh đất Hà Tĩnh thân yêu, đang noi gương các tiền nhân miệt mài sáng tác, góp chút sức mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Ngược ngàn - Ảnh: Minh Lý

       Một đặc điểm cần nhấn mạnh là trong xu hướng đổi mới thi ca hiện nay, thơ ca đương đại Hà Tĩnh vẫn tiếp nối được truyền thống của cha ông về những sáng tác theo thể thơ lục bát. Ngoài những cây bút đã điểm ở trên, xin kể thêm: Thái Kim Đỉnh với “Sông Lam tháng ba” (Giữa mùa nước sóc tháng Ba/ bọt bèo thì nổi phù sa thì chìm), Nguyễn Công Ký với “Về Giang Đình” (Hai trăm năm những khóc cười/ Đau xưa đã cất thành lời nước non),Yến Thanh với “Lục bát Tiên Điền” (Bão xô nghiêng mảnh ruộng gầy/ Nắng hun đến cái diệp cày cũng cong), Quỳnh Như với “Kỳ Anh” (Mây như khăn vấn đỉnh đèo/ Sông như dây buộc cái nghèo mãi xanh)…

       Dù đã có rất nhiều cố gắng, nhưng thế hệ hôm nay còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới tiếp nối được nền thi ca của tỉnh nhà mà các bậc tiền nhân đã để lại.

Lê Quốc Hán

 

. . . . .
Loading the player...