13-03-2020 - 15:56

NHỌC NHẰN MỘT THUỞ…

Hướng tới Kỷ niệm 50 năm thành lập Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh và Đại hội Hội LHVHNT Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp theo kỳ trước, Tạp chí Hồng Lĩnh giới thiệu bài viết của Nhà văn Đức Ban: “Nhọc nhằn một thuở”.

       … Khoảng giữa năm 1958, bỏ cấp hành chính Liên khu, Hội sáng tác văn nghệ Liên khu 4 giải thể. Các hội viên Hà Tĩnh về làm việc ở Ty Văn hóa: Thanh Minh, Thái Kim Đỉnh, Trần Hậu, Nguyễn Bân, Tuấn  Hoan, Lê Hàm, Đức Duy trực tiếp phụ trách công tác văn nghệ quần chúng. Những năm 1959 - 1962, một đội ngũ sáng tác nòng cốt hình thành gồm vài chục người: Thanh Minh, Trần Lê Đệ, Trần Hậu, Vũ Hoàng, Trần Hậu Tân, Lê Xuân Dụ, Nguyễn Văn Thơi, Trần Đức, Lê Thân, Bùi Thân, Trần Thúc Cang, Hoài Anh, Tuấn Khanh, Dương Đình Liên, Hồ Đình Lưu, Xuân Huy, Lê Thị Lục, Lê Thị Thạch Thanh, Nguyễn Thị Bạch Liên, Phạm Thị Khoản, Nguyễn Thị Thanh Hà, Đặng Hanh, Phan Trọng Bằng, Trần Ngọc Anh, Phùng Duy Thế. Lê Trần Sửu, Trần Quý, Tuấn Hoan, Văn Chất, Nguyễn Văn Tiệp, Phan Lương Hảo, Đông Thụ, Lê Hàm, Đào Việt Hưng, Phạm Thắng, Ngọc Minh, Hoàng Lộc, Lệ Thúy, Tô Chiêm, Phạm Lê Khang, Sỹ Nông…Một số tập thơ: Quê hương, Non Hồng, Nước Sông La và nhiều tập kịch ngắn, tập bài hát, ca khúc, tranh ảnh được xuất bản. Đội ngũ ấy, rất cần một tổ chức. Được ông Lê Thúc Khang Trưởng Ty Văn hóa - Thông tin ủng hộ, Tổ sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh ra đời.

       Kháng chiến chống Mỹ, yêu cầu của cách mạng lớn hơn, cấp bách hơn.  Lực lượng sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh ngày càng đông đảo. Thêm nhiều cây bút mới xuất hiện: Nhật Tuấn, Hữu Lợi, Thanh Hồ, Lê Nghi, Trịnh Minh Hoài, Lê Thị Kim Thược, Đức Ban… (Văn); Quốc Anh, Lê Thị Minh Các, Nguyễn Tiệp, Lê Hoài Bảo, Lê Thanh Bình, Nguyễn Khắc Thuần, Võ Minh Châu, Hoàng Văn Hóa, Phan Duy Đồng… (Thơ); Nguyễn Thế Kỷ, Phan Lương Hảo, Nguyên Phú, Sỹ Thiện, Từ Thanh Liên… (Kịch), Nguyễn Thuyên, Nguyễn Đình Hồ (Nhạc); Hoàng Nguyên Ái, Từ Thành, Hoàng Trung, Trần Minh Châu, Lê  Anh Tuấn (Mỹ Thuật), Phan Thoan, Từ Tiện (Nhiếp ảnh)… Một số tác giả có tên tuổi trong văn đàn cả nước là giáo viên, cán bộ ở nơi khác chuyển về Hà Tĩnh: Nguyễn Lê, Nghiêm Đa Văn, Vũ Duy Thông, Trần Quốc Anh, Hà Quảng, Thanh Tùng, Lê Đức Định, Nguyễn Thế Kỷ, Lê Duy Phương, Duy Thảo, Nguyễn Công Ký…

       Liên tiếp các tác phẩm tốt ra mắt bạn đọc xa, gần: Thơ của Trần Quốc Anh, Nguyễn Lê, Nghiêm Đa Văn, Xuân Hoài, Lê Duy Phương, Hà Quảng, Vũ Duy Thông, Lê Thanh Bình. Văn xuôi của Lê Trần Sửu, Chính Tâm, nhạc của Lê Hàm, tranh của Phạm Lê Khang, Trần Minh Châu; kịch của Thế Kỷ, Trần Hậu, Phan Lương Hảo, ảnh của Phan Thoan …

       Với vốn liếng đội ngũ và tác phẩm ấy, Đại hội văn nghệ toàn tỉnh được triệu tập vào tháng giêng năm 1969 thành lập nên Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh. Đại hội đã bầu ra một Ban chấp hành Hội gồm 13 người: Phạm Hồng Cơ, Trần Thị Tú Cơ, Lê Thanh Bình, Diệu Chi, Lê Hàm, Phan Lương Hảo, Vũ Hoàng, Phạm Lê Khang, Thanh Minh, Minh Nho, Trần Huy Tảo, Trịnh Nhật, Nguyễn Thanh Tùng. Rồi đại hội lần thứ hai mở vào ngày 27 - 29 tháng 12 năm 1971 có 86 hội viên tham dự. Đại hội bầu một Ban chấp hành gồm 15 người do Thanh Minh làm Hội trưởng, Vũ Hoàng và Xuân Hoài làm Phó Hội trưởng và suy tôn ông Nguyễn Xuân Linh, Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch danh dự của Hội. Hội Văn nghệ Hà Tĩnh ra đời. 

       Năm 1971 đến 1976, phong trào sáng tác văn nghệ khá sôi nổi. Hội văn nghệ trở thành trung tâm, thành hạt nhân của mọi hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật Hà Tĩnh. Đội ngũ hội viên và tác phẩm văn học, nghệ thuật phát triển khá nhanh.

       Sau Đại hội lần thứ IV của Đảng, tháng 12/1976, để tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước, Đảng và Nhà nước chủ trương hợp nhất các tỉnh nhỏ thành tỉnh lớn và Quốc hội đã quyết nghị phê chuẩn hợp nhất Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Bấy giờ là ngày 27/12/1975. Văn nghệ Hà Tĩnh bắt đầu một bước ngoặt, một sự chững lại, kéo dài suốt những năm sau đó. Ngoài mấy người ở văn phòng Hội tay xách, nách mang ra Vinh thành cán bộ Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh: Thái Kim Đỉnh, Xuân Hoài, Chính Tâm, Quốc Anh, Đức Ban, Tùng Bách và một số ít hội viên ở các cơ quan, ban, ngành khác Nguyễn Thuyên, Lê Hàm, Phan Lương Hảo, Lê Anh Tuấn, Hà Quảng, Trần Tấn Hành, Trần Văn Chi, Hoàng Trung, Từ Tiện…còn thì ở lại Hà Tĩnh. Xa trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, xa cơ quan Hội, anh chị em ở Hà Tĩnh ít có điều kiện giao lưu, tiếp xúc, ít được tham gia các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như đi thực tế, dự trại sáng tác, tọa đàm, hội thảo …Tác phẩm thảng hoặc mới chen chân đứng được trong Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh. Một chút tự ty, một chút mặc cảm, những người làm văn nghệ ở trên đất Hà Tĩnh mặc nhiên bị bật ra ngoài bầu khí quyển văn chương Xứ Nghệ, họ xa dần Hội, xa dần chính ngòi bút của mình. Một số người hy sinh vì bom đạn Mỹ, hoặc qua đời vì bệnh tật như Dương Đình Liên, Hồ Đình Lưu, Trần Quốc Anh, Nguyễn Thanh Hồ, Trương Trọng Huy, Phan Anh Vân, Hoàng Lộc…Nhiều người bỏ bút. Những cây bút chủ chốt của văn nghệ Hà Tĩnh trước và trong chiến tranh chống Mỹ như Lê Trần Sửu, Lê Nghi, Phan Duy Đồng, Hoàng Văn Hóa, Phan Duy Túc, Trịnh Minh Hoài, Nguyễn Thị Kim Thược, Nhất Tuấn, Thanh Hồ,  Lê Thị Minh Các, Nguyễn Tiệp, Lê Hoài Bảo, Lê Thanh Bình, Hoàng Văn Hóa, Nguyên Phú, Sỹ Thiện, Từ Thanh Liên, Nguyễn Đình Hồ …thỉnh thoảng mới xuất hiện trên sách báo. Một số tác giả có tên tuổi: Thế Kỷ, Nguyễn Lê, Nghiêm Đa Văn, Vũ Duy Thông, Trần Quốc Anh, Thanh Tùng, Lê Đức Định, Lê Duy Phương thì chuyển ra Vinh, ra Hà Nội, vào miền Nam. Đội ngũ văn nghệ ở Hà Tĩnh mỏng dần, đi cùng với sự thật đáng buồn ấy là tác phẩm văn học nghệ thuật cũng mỏng đi, yếu đi.  

       Làm sao có được một sự thay đổi, một tác động mạnh mẽ nào đấy để kích thích lòng say mê văn chương, thức dậy tiềm năng sáng tạo của các cây bút, nung nóng không gian văn nghệ khu vực Hà Tĩnh mà suốt một thời gian 15 năm nhập tỉnh, dường như đã chấp nhận an bài với thân phận…Tôi nghĩ thế với một nỗi buồn váng vất mỗi lần đi trên các nẻo đường Hà Tĩnh, nơi chốn nào cũng bắt gặp dấu ấn của danh nhân, khoa bảng, cũng gợi lên không khí văn chương, nghệ thuật một thời và cứ bồi hồi nhớ thương những hội viên đã sớm về cõi khác…

       2.  Cuối năm 1991, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa VIII về chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh tái lập tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh tách ra thành Hội văn nghệ Hà Tĩnh và Hội văn nghệ Nghệ An. Nguyên tắc phân chia kinh tế (bất động sản, nguồn vốn, con người…) theo tỷ lệ 1/2, (Hà Tĩnh 1, Nghệ An 2) với Hội văn nghệ thì thật đơn giản, nhẹ nhàng, ngoài sách vở, gường tủ, bàn ghế cá nhân của ai theo người đó còn tài sản cố định Hội Nghệ An có trụ sở, Hội Hà Tĩnh được một cái xe Toyota trắng, nguyên của một vị lãnh đạo tỉnh ủy Nghệ An đã chạy trên 60 vạn cây số. Và nó, chiếc xe Toyota ấy đã chở mấy anh em người Hà Tĩnh rời Thành phố Vinh về Thị xã Hà Tĩnh, gồm: Xuân Hoài, Đức Ban, Phan Trung Hiếu, Nguyễn Thị Tâm, Phan Thái Hà, Nguyễn Lương Phán. Cùng về có các Hội viên: Võ Hồng Huy, Ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trần Tấn Hành, Hà Quảng, ở Trường Cao Đẳng Sư phạm, Phan Lương Hảo, Lê Anh Tuấn, Mạnh Chiến, Hoàng Vinh ở Sở Văn hóa -Thông tin, Minh Nho ở Báo Hà Tĩnh, Trần Văn Chi, Đài Phát thanh Truyền hình, Lê Duy Phương, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tỉnh… Quốc Anh, Đào Phương, Tùng Bách do điều kiện gia đình thì ở lại Hội văn nghệ Nghệ An. Từ ngày 1/9/1991, các bộ máy Đảng, chính quyến, đoàn thể tỉnh Hà Tĩnh đi vào hoạt động theo đơn vị riêng. BCH lâm thời Hội văn nghệ Hà Tĩnh họp bầu Xuân Hoài làm Chủ tịch, tôi làm phó Chủ tịch.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chụp ảnh chung với BCH Hội VHNT sau ngày tách tỉnh

       Bấy giờ Thị xã Hà Tĩnh rộng 30 km2 với 2 vạn dân, nhỏ bé và nghèo, thiếu đường giao thông, thiếu nước, thiếu các công trình công cộng lại phải gồng mình gánh 5.200 cán bộ công nhân viên, mỗi người đèo bòng thêm 2 - 3 người trong gia đình, vị chi 1 vạn rưỡi người từ Vinh về. Cái sự thiếu kia càng tăng lên. Hội văn nghệ nhận ngôi nhà của Công ty vật tư Nông nghiệp Thị xã làm trụ sở. Một ngôi nhà cấp bốn, cột kèo gỗ mộc, mái lợp ngói đất, tối sâm sẫm và thoảng mùi phân lân, phân đạm, nằm cạnh ngã tư đường Phan Đình Phùng giao đường Nguyễn Công Trứ, trung tâm Thị xã. Ngọn lửa văn học nghệ thuật được nhen nhóm từ ngôi nhà nhỏ, tuềnh toàng  ấy.

       …Năm thứ 6 của công cuộc đổi mới, văn học nghệ thuật khắp nơi đã và đang chuyển biến mạnh mẽ. Bộ áo quần cũ đã quá chật. Chủ trương “cởi trói” cho Văn nghệ được đón nhận hồ hởi trong giới cầm bút. Văn đàn đất nước nóng bỏng. Chỗ nào cũng bừng bừng những bảo thủ, những cấp tiến, những văn học phải đạo, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhiều tổ chức văn nghệ, nhiều tờ báo, tạp chí cho ra đời những tác phẩm theo khuynh hướng mới nhằm trả lời những câu hỏi mới, nóng bỏng của thân phận cá nhân giữa sự thật cuộc sống xô bồ, ngổn ngang. Xuân Hoài và tôi nói với nhau, dù đã qua một chặng đường dài của công cuộc đổi mới, văn học Hà Tĩnh nhìn chung vẫn đang níu giữ những giá trị cũ, những chuẩn mực cũ, vẫn theo quán tính cũ, nói những điều người ta đã biết. Anh em ta chậm đổi mới nếu muốn tránh từ bảo thủ. Người ta sẽ quên văn nghệ Hà Tĩnh nếu văn nghệ Hà Tĩnh không sớm có tiếng nói mới. Xuất bản tờ báo văn học, nghệ thuật của Hà Tĩnh trở thành quyết tâm của anh chị em văn nghệ Hà Tĩnh và của cả các văn nghệ sỹ người Hà Tĩnh ở khắp mọi miền đất nước. Chúng tôi quyết định xuất bản Tạp chí văn nghệ lấy tên Hồng Lĩnh. Hồng Lĩnh, số 1 ghi rõ: “Hồng Lĩnh là nơi gặp gỡ đầy tâm huyết với trách nhiệm công dân của văn nghệ sỹ vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Hồng Lĩnh cũng là đất thể nghiệm những sáng tạo văn học nghệ thuật vì Con Người của đội ngũ văn nghệ sỹ (…). Hồng Lĩnh mong làm được nhịp cầu nối với các vùng văn hóa trong cả nước…”. Tôi và Xuân Hoài có ý thức dùng bài vở rõ tính định hướng rằng, văn học nghệ thuật tìm ra câu hỏi mới của đời sống và nói về nó. Văn xuôi với Bút ký Nhà của Sơn Hải viết về những khó khăn ngặt nghèo của tỉnh và những gian nan của người dân sau ngày chia tỉnh. Truyện ngắn Chí Phèo tìm họ của Thái Vĩnh Linh cảnh báo sự xuống cấp của đạo đức và khả năng lây lan của nó. Những chùm thơ của Đinh Thu Hiền, Lê Kim Ngân, Thuận Vy, Hải Hà, Mai Hồng Niên… thấm đẫm nét tình nghĩa truyền thống Tình trong cành mướp hoa cau nhưng không còn chung chung mà riêng “Nguyễn Du ơi, vẫn nỗi đau trang Kiều”, mà “Khúc ví giặm, bài vè nghe não ruột”. Mảng Lý luận phê bình in Sự sáng tạo trong Thơ của Hà Quảng đến Nhìn thẳng vào sự thật trong sáng tác của Lê Đình Kỵ thì quan điểm mới về văn học nghệ thuật của Tạp chí Hồng Lĩnh khá rõ: “Theo Lênin: “Trách nhiệm đầu tiên của người nào muốn tìm ra con đường dẫn đến hạnh phúc của nhân loại  là không được tự huyễn hoặc mình, là phải dũng cảm thừa nhận không chút úp mở cái gì là thực tại. Người dẫn câu thơ của Puskin: Với tôi sự thật hèn hạ vẫn đáng quý hơn là những sự dối trá nâng cao chúng ta lên…”. Và ông dẫn lời trong một bài báo của Mác và Ăng Ghen: “Những sự diễn tả từ trước đến nay chưa bao giờ nêu cho chúng ta thấy những nhân vật dưới bộ mặt thật của họ mà chỉ nêu họ dưới cái bề ngoài chính thức công khai với đôi hia ở chân và vầng hào quang trên đầu.”  Tôi  dài dòng vì để chọn, in được tác phẩm ấy, để tìm và nói ra những lờì nói phù hợp với ý tưởng mới mẻ của chúng tôi ấy không phải chỉ trong ngày một ngày hai.

       … Hàng chục bức thư của anh em văn nghệ sỹ từ khắp nơi gửi về bày tỏ niềm vui mừng và cổ vũ động viên chúng tôi. Một Hội đồng biên tập gồm những nhà văn nhà thơ, nhà LLPB, Nhạc sỹ, Họa sỹ “gạo cội” được thành lập tên ghi ở trang 2 Tạp chí: Phạm Ngọc Cảnh, Sỹ Châu, Thái Kim Đỉnh, Lê Bá Hán, Phan Lương Hảo, Hoàng Ngọc Hiến, Vũ Ngọc Khánh, Phong Lê, Vi Phong, Hà Quảng, Chính Tâm, Xuân Thiều, Hữu Nhuận. 

       Thủa ấy, chưa có vi tính, Xí nghiệp in Hà Tĩnh chưa có máy in màu Offset, tôi và Xuân Hoài mang tập bản thảo đánh máy ra Hà Nội nhờ Họa sỹ Từ Thành vẽ bìa và ma két, nhà văn Hữu Nhuận theo dõi in. Đưa bản thảo ra Hà Nội giữa mùa đông thì đầu mùa xuân mới in xong. Và chiều ngày mồng 7 tháng 1 năm 1992, anh em cán bộ văn phòng Hội vui mừng và hồi hộp ra tận đường Nguyễn Công Trứ đón chuyến xe chở Tạp chí Hồng Lĩnh số 1 từ Hà Nội về, một trạng thái tình cảm sau này không bao giờ gặp lại.

       Tháng 2 năm 1992, Ban chấp hành Hội họp kỳ thứ 3 họp và bầu Sỹ Châu làm Phó Chủ tịch Hội và Phan Trung Hiếu làm Chánh văn phòng. Cuối năm 1992 đầu 1993, Văn phòng Hội thêm Nguyễn Xuân Hải, Võ Minh Châu, Phạm Việt Thư, Nguyễn Văn Hùng, rồi Bùi Quang Thanh, Phan Tùng Lưu, Nguyễn Ngọc Phú, Lê Duy Văn… Hàng loạt tác phẩm ra đời ghi được dấu ấn một giai đoạn văn học nghệ thuật. Đấy là một thời trẻ trung, ấm áp của cơ quan Hội nói riêng và của văn nghệ Hà Tĩnh nói chung. Cũng vào thời gian ấy, Văn phòng Hội chuyển lên Trụ sở mới, một ngôi nhà 4 tầng khang trang. Hội văn nghệ Hà Tĩnh trở thành một Hội mạnh trong khu vực Bắc miền Trung.  

       Nay nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển của văn nghệ Hà Tĩnh, đọc lại những bức thư, những dòng tên người xưa ấy, người còn, người mất, người gần, người xa mà lòng nao nao nỗi nhớ, mà đắm sâu sự quý trọng, biết ơn.

                                                                                                                                1- 2020

Đ.B

. . . . .
Loading the player...