18-04-2022 - 09:13

NHÂN ĐỌC TẬP THƠ LƯU HƯƠNG KÝ CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tháng 3/2022 trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Thạch Quỳ "Nhân đọc tập thơ Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương" nhân dịp Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương được UNESCO tôn vinh Danh nhân văn hóa và tổ chức kỷ niệm ngày sinh trong năm 2022

nhân đọc tập thơ lưu hương ký của hồ xuân hương                            

 Từ trước tới nay chúng ta đọc thơ Hồ Xuân Hương phần nhiều là đang đọc ở mảng thơ “trào phúng dân gian đặc dị” do người đời sau sưu tầm, chép lại, rồi in ấn thành sách, không có cứ liệu văn bản cụ thể, không có nguồn gốc để có thể khẳng định chắc chắn những thơ đó là thơ của Hồ Xuân Hương.

Cụ thể, theo các tài liệu của nhà nghiên cứu như Trần Thanh Mại, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Lộc, Đào Thái Tôn… thì Hồ Xuân Hương mất vào năm 1822 nhưng mãi đến năm 1893, tức là 71 năm sau, mới có một tập thơ được nói là thơ của Hồ Xuân Hương ra đời. Tập thơ này do ông Antony Landes, giám đốc trường thông ngôn Sài Gòn thuê người sưu tầm trong dân gian rồi chép lại, tất cả có 62 bài. Tiếp sau đó, các nhà soạn sách cũng từ nguồn dân gian sưu tầm và bổ sung thêm các bài khác nữa, cũng lại in ấn thành sách và gọi chung một tên là Thơ Hồ Xuân Hương. Năm 1964 nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Thanh Mại, lần đầu tiên phát hiện được một văn bản thơ chép tay của chính tác giả Hồ Xuân Hương là tập thơ LƯU HƯƠNG KÝ với lời đề tựa của ông Tốn Phong - người bạn cùng thời, rất thân thiết của nhà thơ. Đây là văn bản thơ, là cứ liệu lịch sử đáng tin cậy nhất, có giá trị nhất, giúp chúng ta tìm hiểu gương mặt thật nhất, đích thực nhất về thơ Hồ Xuân Hương.

Để có niềm tin về tính chính xác và độ tin cậy đối với văn bản tập thơ này, chúng ta hãy đọc một vài đoạn trích trong lời giới thiệu tập thơ: “Mùa xuân năm Đinh Mão (1807), tôi đến thành Thăng Long, nhân cùng bạn là Cư Đình nói chuyện về các tài nữ xưa nay, bạn ấy nói cho tôi biết, cùng tỉnh với tôi có người phụ nữ là Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa, thực là một tài nữ. Tôi liền tìm đến hỏi thăm, mới biết cô là em gái ông lớn họ Hồ, đậu Hoàng giáp, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu. Chúng tôi mới tình cờ gặp nhau lần đầu mà đã thành ra đôi bạn thân thiết. Trong những khi uống rượu ngâm thơ, kẻ xướng người họa, tứ thơ dồi dào, nhưng vẫn tỏ ra “vui mà không buông tuồng, buồn mà không đau thương, lo phiền, khó cùng mà không bức bách, thực là do tính tình nghiêm chỉnh mà ra, cho nên khi hát lên, ngâm lên những thơ ấy thì tay muốn múa, chân muốn dậm mà không tự biết!. Từ đó, có những lúc tôi phải bôn ba vào Nam ra Bắc, không thể cùng nhau sớm hôm xướng họa. Còn Xuân Hương thì cảnh mẹ già nhà túng mà ăn ở không được yên ổn. Sang mùa xuân năm giáp tuất (1814), tôi tìm đến chỗ ở cũ của cô, hai bên vừa mừng vừa tủi, Xuân Hương liền cầm tập thơ “Lưu hương ký” đưa cho tôi xem và bảo rằng: “Đây là tất cả thơ văn trong đời tôi từ trước tới nay, nhờ anh làm cho bài tựa”. Qua lời giới thiệu tập thơ của ông Tốn Phong, chúng ta tin rằng tập thơ “Lưu hương ký” đích thị là tập thơ của Hồ Xuân Hương chứ không thể  là của một nhà thơ nào khác. Tuy nhiên, tập thơ này được viết bằng hai thứ chữ, chữ Nôm và chữ Hán. Cả phần thơ Nôm và thơ chữ Hán trong tập thơ này chưa được phổ biến một cách rộng rãi trong bạn đọc, đặc biệt là phần thơ chữ Hán thì đang rất ít người tiếp cận. Chúng tôi muốn giới thiệu một số bài thơ trong phần thơ chữ Hán đang quá ít bạn đọc biết đến của nhà thơ, nữ sĩ Hồ Xuân Hương với mục đích là để chúng ta được tiếp cận thơ Hồ Xuân Hương bằng những văn bản đích thực.

“Lưu hương ký” là tập thơ tình. Hồ Xuân Hương ghi lại những cảm xúc về tình yêu, tình bạn của nhà thơ suốt thời tuổi trẻ. Đây không phải là tập thơ tình viết về tình yêu, tình bạn chung chung mà là những mối tình cụ thể với những con người cụ thể, người thật, việc thật, có lai lịch, có chức vị, có danh tính xác định rõ ràng.

Thời trẻ tuổi, nhà thơ Hồ Xuân Hương giao lưu gặp gỡ với nhiều người, nhiều bạn, chủ yếu là những người bạn thơ đến tao đàn Cổ Nguyệt Đường do nhà thơ sáng lập ra để cùng nhau đàm đạo văn chương và làm thơ xướng họa. Về mục đích của việc thành lập tao đàn Cổ Nguyệt Đường, Hồ Xuân Hương nói rõ: Đình Nguyệt góp người chung đỉnh lại/ Trời Hoan mở mặt nước non xưa!. Nghĩa là: Tao đàn Cổ Nguyệt Đường được thành lập ra với mục đích thu góp những người tài danh lại để làm rạng rỡ thêm cho mảnh đất Hoan Châu  xưa - Xứ Nghệ ngày nay. Đúng như tuyên ngôn thành lập, hội tụ ở tao đàn Cổ Nguyệt Đường của nhà thơ Hồ Xuân Hương hầu hết là những tao nhân mặc khách, những người yêu quý văn chương và nhiệt thành say mê sáng tác. Trong số tao nhân mặc khách ấy, chúng ta thấy khá nhiều người học hành đỗ đạt, khá nhiều người đã được nhà nước bổ nhiệm làm quan giữ các chức vụ  từ Tri phủ đến Tham hiệp, tức là những ông quan đứng đầu huyện, đầu tỉnh ở các trấn lỵ. Tất cả họ đều là những người bạn thân thiết của Hồ Xuân Hương, cùng làm thơ, cùng xướng họa thơ với Hồ Xuân Hương ở tao đàn Cổ Nguyệt. Cũng từ đó, tình yêu, tình bạn của nhà thơ dần dà nẩy nở rồi theo quy luật sẽ biến chuyển thăng trầm theo năm tháng và các lần chia ly, gặp gỡ.

                      Này đoạn chung tình biết mấy (1) nhau

                      Tiễn đưa ba bước cũng nên câu

                      Trên tay khép mở tanh chiều nhạn (2)

                      Trước mắt đi về gấp bóng câu (3)

                       Nước mắt trên hoa mờ lối cũ

                      Mùi hương trong nệm suốt đêm thâu

                      Vắng nhau mới biết tình nhau lắm

                      Này đoạn chung tình biết mấy nhau…

Đây là bài thơ ghi dấu về mối tình đầu, mối tình từ thuở hoa niên, hồn nhiên trong sáng nhưng cũng rất đỗi thiết tha chân thành của Hồ Xuân Hương với một chàng trai có hiệu danh là Mai Sơn Phủ. Mai Sơn Phủ thuở ấy chỉ là một thư sinh tài tử, học hành chưa đậu đạt, chưa có chức tước danh vị gì. nhưng Hồ Xuân Hương đã yêu chàng bằng “tình yêu sét đánh”, nghĩa là tình yêu choáng ngợp ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Mai Sơn Phủ, chàng thư sinh tài tử này là một người đồng hương (sau này ta sẽ rõ), có thể là ra học hoặc ra thi cử ở Thăng Long, hai bên gặp gỡ rồi sau đó chàng từ biệt Hồ Xuân Hương để trở về Nghệ An, hoặc đi đâu đó chúng ta chưa rõ, nhưng chàng đã để lại trong lòng Hồ Xuân Hương một nỗi xao xuyến đầu đời, thương nhớ khôn nguôi. Bài thơ này Hồ Xuân Hương viết bằng chữ Nôm. Chúng tôi giới thiêu để bạn đọc bước đầu làm quen với mối tình Hồ Xuân Hương - Mai Sơn Phủ. Trong tập thơ “Lưu hương ký”, Hồ Xuân Hương viết về mối tình này chủ yếu là bằng các bài thơ chữ Hán.

Có thể nói, hình ảnh Mai Sơn Phủ trong thơ Hồ Xuân Hương cũng tương tự như hình bóng Léc-man-tốp ở trong thơ Nga vậy. Như là một vị thần ánh sáng, vị thần tình yêu, với sứ mạng khai mở những cảm xúc thăng hoa, tinh tế nhất, kỳ diệu nhất, từ tuổi hoa niên ở trong lòng các thiếu nữ!. Hồ Xuân Hương vốn là người khuôn phép, tuân thủ lễ giáo con nhà, làm thơ đăng đối, niêm luật, nhưng sau “tiếng sét” Mai Sơn Phủ, bỗng dưng nàng thơ phó mặc cho ngọn bút rung lên, bứt phá hết mọi ràng buộc của thể loại để câu thơ tuôn chảy theo nhịp đập của cảm xúc tự do ở trong trái tim mình.

Các sách giáo khoa, trong phần lý luận văn học sử đều nói rằng, đến đầu thế kỷ 20, các nhà thơ mà tiêu biểu là nhà thơ Tản Đà mới có đủ khả năng  bứt phá khỏi sự ràng buộc của thơ Đường niêm luật để mở đầu cho thời kỳ phát triển rực rỡ của thơ mới. Tuy nhiên, trước Tản Đà 100 năm, chúng ta đã gặp bài thơ Hồ Xuân Hương viết về mối tình của nhà thơ với chàng trai bạch diện thư sinh có tên là Mai Sơn Phủ.

Tập thơ “Lưu hương ký” của Hồ Xuân Hương là tập thơ ghi chép lại những tình cảm, cảm xúc của nhà thơ với với bạn bè, với các tao nhân mặc khách đến tao đàn “Cổ nguyệt đường”  đàm đạo văn chương và cùng nhau làm thơ xướng họa, nhưng phần chính nhất, chủ yếu nhất của tập thơ vẫn là những bài thơ viết về mối tình giữa Hồ Xuân Hương và Mai Sơn Phủ. Vì vậy, tiếp xúc với tập thơ này, theo lẽ tự nhiên, chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi: Mai Sơn Phủ là ai? Người tình của Nhà thơ Hồ Xuân Hương thuở đó là ai vậy?. Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu văn học như Đào Thái Tôn, Trần Thanh Mại, Nguyễn Lộc, Hoàng Xuân Hãn… đã từng lần giở hết các văn bản sử sách ghi chép tên hiệu, tiểu sử của các ông quan thời Lê, thời Nguyễn để tìm cái tên Mai Sơn Phủ nhưng tuyệt nhiên vẫn không tìm thấy!. Năm 1987, trong một tài liêu nghiên cứu, từ Paris gửi về, giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết: “ Mai Sơn Phủ có lẽ chỉ là một thư sinh tài tử, chưa có chức tước, danh hiệu gì, dan díu với Hồ Xuân Hương mật thiết trong một thời gian rồi bỏ dở cuộc tình duyên ra đi, có lẽ về Nghệ An”. Sở dĩ giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho rằng Mai Sơn Phủ người Nghệ An là bởi vì,  ông căn cứ vào bài thơ Hồ Xuân Hương viết về nỗi nhớ Mai Sơn Phủ trong đó có câu “Ngã mộng hương tình các tịch liêu”. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn căn cứ vào 2 chữ “hương tình”, tức là cái tình của những người đồng hương, mà dự đoán rằng: “Mai Sơn Phủ là người cùng làng hoặc cùng huyện, cùng tỉnh với Hồ Xuân Hương”. Do vậy mà ông khẳng định Mai Sơn Phủ là người Nghệ An!. Tuy nhiên, hai chữ “đồng hương” thì có thể có hàm nghĩa rộng hơn, chẳng hạn như người “xứ Nghệ” thì cũng có thể coi là người đồng hương với nhà thơ Hồ Xuân Hương. Rất tiếc là giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã giải thích 2 chữ “hương tình” hơi bị hẹp nghĩa, không bao hàm cả “xứ Nghệ” vào đó. Hình ảnh Mai Sơn Phủ trong thơ Hồ Xuân Hương là hình ảnh một chàng thư sinh, nhanh nhẹn, tuyệt vời thông minh, làm thơ thì “ba bước cũng nên câu”, theo sự cắt nghĩa chữ “hương tình” của giáo sư Hoàng Xuân Hãn thì Mai Sơn Phủ cũng là người “đồng hương” với nhà thơ Hồ Xuân Hương… Vậy thì, Mai Sơn Phủ, thật ra,  chàng là ai vậy?.

Sau nhiều trăn trở suy nghĩ , chúng tôi đã căn cứ vào hàm nghĩa của 3 chữ Mai Sơn Phủ làm đầu mối, rồi từ đó cố gắng lần tìm một lời giải khả dĩ mong có thể trả lời cho câu hỏi rất khó khăn này. Theo chúng tôi, Mai Sơn Phủ có nghĩa là “cây mai núi hiện đang ở trong phủ Chúa Trịnh”,  hoặc “cây mai núi, có liên quan đến phủ Chúa Trịnh”. Muốn hiểu hàm nghĩa của chữ Mai Sơn Phủ thì bắt buộc chúng ta phải giải mã 2 yếu tố đó: “Cậy mai núi” và “cây mai núi có liên quan đến phủ Chúa Trịnh”. Xét tiểu sử quan lại người xứ Nghệ thời đó làm việc trong phủ Chúa Trịnh thì chúng ta thấy chỉ có ông Nguyễn Khản là người làm quan to, giữ chức Tham Tụng dưới thời Chúa Trịnh Sâm và sau đó, giữ chức Tể Tướng, Thượng thư Bộ Lại dưới thời Chúa Trịnh Khải.

Nghiên cứu gia phả họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân, trong phần nói về Nguyễn Khản, Nguyễn Du thì ta bắt gặp các chi tiết sau đây:

- Năm 1775, Nguyễn Nghiễm, thân sinh Nguyễn Khản, Nguyễn Du qua đời, sau đó, năm 1778 mẹ Nguyễn Du cũng qua đời, mấy anh em Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ, do vậy, họ đều đến nương nhờ ở nhà người anh ruột là Nguyễn Khản.

- Năm 1784, xẩy loạn kiêu binh, kiêu binh đến phá nhà  của Nguyễn Khản ở Thăng Long, Nguyễn Khản phải rời bỏ Kinh Thành, trở về Hà Tịnh để lánh nạn. Trong hoàn cảnh đó, mấy mấy anh em Nguyễn Du đang nương náu ở nhà Nguyễn Khản cũng tan tác mỗi người mỗi phương.

Năm ấy, 1784, Nguyễn Du 19 tuổi, được một ông quan võ người họ Hà nhận làm con nuôi và đưa về ở tận trên Thái Nguyên. Sau đó, ông quan võ họ Hà qua đời, Nguyễn Du được “tập ấm” tức là được thay ông quan võ Thái Nguyên để giữ một chức quan nhỏ ở địa phương này. Theo nghiên cứu của chúng tôi thì thời gian Nguyễn Du lưu lại ở Thái Nguyên là 4 năm, từ 1784 đến 1788. Do việc Nguyễn Du lên miền núi Thái Nguyên ở, nên giả sử, lúc đó Hồ Xuân Hương có đặt cho Nguyễn Du cái biệt danh là “cây mai núi” thì cũng là chuyện rất hợp lý. Chúng tôi nghĩ vậy.

Xét các đặc điểm về nhân vật Mai Sơn Phủ được Hồ Xuân Hương thể hiện trong thơ mình (trẻ tuổi, thông minh, tài năng),  xét theo phát hiện trong nghiên cứu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn (Mai Sơn Phủ là người đồng hương xứ Nghệ với Hồ Xuân Hương), xét theo ý nghĩa của 3 chữ Mai Sơn Phủ (cây mai núi, có liên quan ít nhiều đến phủ Chúa Trịnh)… thì chúng tôi thấy rằng, Nguyễn Du thời trẻ với nhân vật Mai Sơn Phủ trong thơ Hồ Xuân Hương có rất nhiều điểm tương đồng với nhau. Để trả lời câu hỏi Mai Sơn Phủ là ai?. Người tình thời trẻ của Hồ Xuân Hương là ai? Dù rất thận trọng, chưa dám chắc chắn khẳng định nhưng chúng tôi cũng xin lưu ý bạn đọc, lưu ý các nhà nghiên cứu văn học quan tâm đến cách đặt vấn đề của chúng tôi ở trong bài báo nhỏ này: Phải chăng nhân vật Mai Sơn Phủ, người tình của nhà thơ Hồ Xuân Hương ẩn hiện trong tập thơ “Lưu hương ký”, không ai khác, mà chính là thi hào Nguyễn Du của chúng ta thời trẻ?. 

       Thạch Quỳ

. . . . .
Loading the player...