08-03-2020 - 15:59

NHÀ THƠ DUY THẢO VÀ NHỮNG CÂU THƠ DÂNG TẶNG MẸ

Nhà thơ Duy Thảo là người viết rất nhiều về mẹ và người vợ của mình. Ông có hẳn một tập thơ “kính dâng mẹ, dành tặng em”, với nhiều bài thơ, câu thơ xúc động . Với ông, đó là “lối về” là “cội nguồn” của tâm hồn, của những tình cảm, ký ức sâu đậm và đẹp đẽ nhất trong cuộc đời.

Nhà thơ Duy Thảo là người viết rất nhiều về mẹ và người vợ của mình. Ông có hẳn một tập thơ “kính dâng mẹ, dành tặng em”, với nhiều bài thơ, câu thơ xúc động . Với ông, đó là “lối về” là “cội nguồn” của tâm hồn, của những tình cảm, ký ức sâu đậm và đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Những tình cảm của ông dành cho mẹ gần như trở thành nỗi niềm đau đáu. Có một tình yêu thương day trở trong ông mỗi khi nhớ về mẹ, về ngôi làng cũ, “mái nhà xưa”, “vườn xưa” cùng những tháng năm gian khổ. Những hình ảnh đó trở đi trở lại trong thơ ông như một miền thương nhớ khôn nguôi: Qua đồng làng canh hạn tháng 5/ Tuổi thơ ơi, làm sao tôi quên được/ Mưa bóng may mẹ gầy liêu xiêu bước/ Gánh rạ về mồ hôi chảy như chan… Ghánh đi vào là chợ Trổ, chợ Nhe/ Gánh lên núi là chợ Đàng, chợ Nướt/ Ghánh sang sông là chợ Choi mạn ngược/ Gánh xuôi đê là chợ Trổ, chợ Cầu (Đôi vai mẹ). Hình ảnh người mẹ nghèo, quanh năm vất vả xuôi ngược gồng gánh bao nỗi lo toan được nhắc đến nhiều trong thơ ông. Thơ Duy Thảo giản dị, chân tình, nhiều khi chỉ như những lời thủ thỉ, tâm tình, và cứ chầm chậm, nhè nhẹ mà lắng vào suy tư và cảm nhận của người đọc. Ông không làm thơ mà đang chính là viết ra nỗi nặng lòng của mình, tâm tình với mẹ, với chính lòng mình. Những câu thơ bình dị về mẹ của Duy Thảo vì thế tạo được mối đồng cảm, gần gũi ngay từ mỗi hình ảnh, câu chữ: Oi nồng, về lại vườn xưa/ Nhớ thương dáng mẹ dưới trưa nắng hè/ Đường quê rơm rạ bộn bề/ Mẹ ngồi quét thóc kịp rê gió nồm/ Mắt quầng sâu trũng hoàng hôn/ Tiếng gà xao xác sau vườn vẫn kêu” (Tìm về dáng mẹ), Đất gan gà trơ lại nỗi lo toan/ Làng năm ấy, người gầy hơn thóc lép/ Buông liềm hái mẹ mò cua, nhủi tép/ Mẹ xoay nghề hàng xáo vẹt đường quê (Đôi vai mẹ)… Những ai đã trải qua tháng năm khổ cực, lam lũ của ngày xưa, sẽ dễ dàng cảm nhận được dư vị thân thương trong cái oi nồng của ngày hạ, của rơm rạ bộn bề và dáng mẹ đón từng cơn gió nồm rê thóc trên những ngõ quê… trong  câu thơ của tác giả. Và cũng chỉ những ai đã trải qua những năm tháng ấy mới thấu hiểu, thấm thía được câu thơ rất thực, sống động  và đầy biểu cảm của Duy Thảo viết về mẹ: “Đất gan gà trơ lại nỗi lo toan” . Bao nhiêu nhọc nhằn, vất vả đọng lại trọng dáng mẹ tảo tần, chỉ có những chi tiết thơ mới diễn đạt được sâu sắc và xúc động nhất về mẹ và những yêu thương dành cho mẹ. Thơ  Duy Thảo rung động người đọc sâu xa trước hết bởi những tình cảm mạnh mẽ của người viết, sau nữa bởi sự giản dị, gần gũi trong từng hình ảnh, chi tiết nhỏ. Chính những chi tiết, hình ảnh nhỏ bé ấy nói được nhiều hơn tất thảy mọi ngôn từ.

Trong ký ức sâu đậm của những nhà thơ lớn tuổi, khi viết về người mẹ, người chị, bao giờ cũng gắn với hình ảnh làng quê, phiên chợ quê, cánh đồng làng, bờ đê, con đường nhỏ, mái tranh nghèo, khu vưỡn cũ… Đó gần như là những “hằng số” trong tất cả những câu thơ hay nhất viết về mẹ, về chị, về những người phụ nữ  trong thơ Việt. Tất thảy hình ảnh về những tháng năm gian khổ, đói nghèo lam lũ một thời đã qua gần như đọng lại hết trên đôi vai của những người phụ nữ. Sự hy sinh, sức chịu đựng gian khổ, vất vả, chịu thương, chịu khó, tảo tần, nhân hậu bao dung, yêu thương, nhẫn nại, cam chịu… Những phẩm chất làm nên hình ảnh đẹp đẽ, cao quý và yêu thương vô hạn của người mẹ, người chị trong lòng mỗi chúng ta có lẽ được hình thành và định hình từ đó. Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan (Trần Đăng Khoa), Mẹ đi gánh rạ giữa đồng/ Rạ không nặng mà nặng nhiều vì gió (Hữu Thỉnh), Chiếc đòn gánh xoắn mẹ theo thớ gió/ Sấp ngửa đi dọc lát sóng cuối mùa (Nguyễn Ngọc Phú)… Những người mẹ riêng ấy có sức đại diện cho bao nhiêu người mẹ, tình cảm riêng của nhà thơ nhưng nói hộ được tấm lòng chung của người con với mẹ. Không bao giờ vơi cạn niềm xúc động mối khi bắt gặp những câu thơ với hình ảnh thân thương của Mẹ.

Với nhà thơ Duy Thảo, trong thơ ông, hình bóng mẹ là miền nhớ thương sâu thẳm, cứ thảng thốt mỗi khi bắt gặp những điều gợi nhớ: Gặp cái tảo tần trong dáng mẹ/Chợ đông, thúng nặng đội trên đầu (Gặp lại tết xưa), Những đêm tiếng vạc kêu sương/ Những ngày chạy chợ mỏi mòn đôi vai/ Những chiều cháo tấm rau khoai/ Một mình mẹ với giêng hai tảo tần (Ngọn nến). Bốn năm rồi, dáng mẹ khuất non/Tiếng đòn gánh lại kẽo cà kẽo kẹt/ Nhói tim con đêm đông dài giá rét/ Nặng lòng con công dưỡng dục sinh thành (Đôi vai mẹ), Những câu thơ viết về mẹ chứa đựng trong đó sức nặng của tình yêu thương, thấu hiểu và nhiều day dứt. Ngoài viết về mẹ, Duy Thảo còn viết nhiều về người vợ tào khang của mình với nhiều yêu thương. Ông cũng có những câu thơ thấm đẫm nỗi đau và niềm xúc động khi nhắc đến người chị đã mất… Thơ Duy Thảo, đúng là “ghánh nặng nghĩa tình”, như nhà văn Trung Trung Đỉnh đã nhận xét. Cái gánh nặng nghĩa tình ấy, ông đã dành phần lớn cho người mẹ, người vợ - những người phụ nữ đáng trân quý.

Nguyễn Thị Nguyệt

 

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...