01-11-2021 - 07:40

NGƯỜI ĐI “TÌM SỢI RƠM VÀNG”

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 10/2021, chuyên mục Chân dung văn học, trân trọng giới thiệu bài viết về nhà thơ Nguyễn Văn Thanh: "Người "đi tìm sợi rơm vàng"

 

 

Người đi “tìm sợi rơm vàng”

                                                                                                  

 Tôi đến thăm ông vào một chiều thu. Làng Bình Lộc (còn gọi là làng  Vịnh Hòa) quê ông có chợ Huyện - một trung tâm thương mại từ lâu đời. Nếp nhà cũ ông còn giữ lại nguyên dạng dù đã hơn 100 năm, ẩn trong một khu vườn rộng rất nhiều hoa, ríu rít tiếng chim vườn. Đó chính là khúc “Nhạc đồng quê” (tên một tập truyện viết cho thiếu nhi của ông) được tấu lên trong trẻo, hồn nhiên lạ kỳ. Ngồi trong căn nhà nhỏ, cửa sổ mở ra khu vườn lộng gió tôi mới cảm nhận thêm cái bình yên, tinh tế nhất của thiên nhiên, của cuộc sống thường nhật, điều mà ông đã đưa được vào trong không khí các tập truyện và thơ thiếu nhi của mình…

Trước khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với một sức viết khá dồi dào và những tác phẩm ghi được dấu ấn, Nguyễn Văn Thanh có hơn 10 năm phục vụ trong quân đội và sau đó vào học Đại học kinh tế quốc dân. Tôi đã có lần hỏi ông: “Bác có những năm trong quân đội sao lại không viết mà đến bây giờ mới phát lộ”. Ông cười: “Tôi vốn yêu văn chương từ nhỏ nhưng lại rất rụt rè khi chạm ngõ “ngôi đền thiêng” này. Ở trong quân đội thỉnh thoảng tôi có viết báo tường chiến sĩ nhưng rồi lửa đạn chiến tranh cuốn đi, đến gần đây mới viết lại. Được gặp làm quen với các nhà thơ trong Hội Văn nghệ và Hội Nhà văn đã tạo cho mình niềm tin cảm hứng sáng tạo”. Nhưng tôi biết cái “mạch văn” đã ngấm trong ông như mạch nguồn nước giếng làng trong vắt mà âm ỉ. Và chính những năm tháng sau khi tốt nghiệp Đại học trở về công tác tại trường trung cấp nông nghiệp Nghệ Tĩnh đã bồi đắp cho ông một vốn sống khá sâu sắc và kỹ lưỡng để “lên men” trong những trang viết bây giờ của ông.

Tôi quen nhà thơ Nguyễn Văn Thanh thật tình cờ. Lần đó ông đến nhà tôi chơi và ông rất ngạc nhiên khi biết nhà tôi gần sát biển lại có một khuôn viên vườn rộng hơn 300 m2. Ông bảo tôi: “Nhà chú rộng thế này mà sao không chơi cây cảnh, chim cảnh”. Ông đã khơi gợi đúng sở thích của tôi, nhưng vốn là người vụng về, đểnh đoảng lại không có kiến thức về sinh vật cảnh nên đành chịu. Thế rồi từng bước ông “kéo” tôi vào niềm say mê  mới  mẻ này cũng như tôi “hút” ông vào miền thơ xanh thẳm như một chất men say ngây ngất. Sau bữa đó ông tặng tôi một cây hoa Mai chiếu thủy, loài hoa thật lạ màu trắng li ti hướng về mặt đất cội nguồn, khiêm nhường mà không kém phần đẹp đẽ, như câu thơ ông viết: “Chậu nhỏ dáng cây cũng nhỏ/ Khuất xa ở tận cuối ngày/Gợi mùi hương thơm lặng lẽ/ Gọi bàn chân ta về đây”. Tôi hỏi ông, “Trong các loài chim cảnh thì bác thích loại nào?”. Họa mi, một loài chim rất quý tộc cao sang nhưng vô cùng thân thiết với con người! Rồi ông tả cho tôi nghe về các tướng mạo của loài chim quý này: “Họa mi có đôi mắt xanh lơ, lông màu vàng thẳm cặp chân cao khỏe, mới hót hay và hay hót. Mọi người vẫn thường nhầm chim họa mi với chim Drao. Nhưng với tôi không thể nhầm được bởi cổ chim Drao có viền đen còn họa mi thì không. Giọng chim họa mi cao và trong veo không pha lẫn với bất kì tiếng chim nào khác”. Ông cũng rất am hiểu về đặc điểm tính cách của các loài vật nói chung. Trong tập truyện “Nhạc đồng quê” (được nhà xuất bản Kim Đồng mua bản quyền và đã tái bản lần thứ nhất) tôi thật sự thú vị khi đọc những đoạn ông tả thật am tường về tướng mạo, hình dáng tính cách của con chó mực với một sự quan sát am hiểu thuần thục và cao hơn là sự đồng cảm yêu mến động vật của ông: “Tướng mạo của mực rất tinh khôn, nhìn xem mũi ướt lưỡi đốm đen hai chân  sau có đến bốn cái móng chân đeo chia đều hai bên, mắt có hai  đốm vàng trên mí. Khi nằm bao giờ cũng nằm sấp để không có tiếng động nhỏ nào lọt qua đôi tai cực thính của nó”…

Chỉ hơn mười năm cầm bút đến nay ông đã xuất  bản 6 đầu sách: 2 tập thơ người lớn: “Tìm sợi rơm vàng” và “ Nửa vầng trăng” (trong đó tập thơ “Tìm sợi rơm vàng” đạt giải C của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và giải B giải thưởng văn học Nguyễn Du); 3 tập sách dành cho thiếu nhi “Mẹ cười”(thơ),Quả từ đâu ra” (thơ) và “Nhạc đồng quê” (tập truyện, giải B giải thưởng văn học Nguyễn Du); 1tập chân dung văn học,bình thơ “Biên độ của cảm xúc và liên tưởng”. Ông là người chịu khó đọc và tự học. Cái tủ sách khá độ sộ của tôi, đặc biệt là các tập báo Văn nghệ, Tạp chí Thơ tôi nhận hàng tuần, hàng tháng theo tiêu chuẩn hội viên Hội Nhà văn, ông đều xuống nhà mượn và đọc, suy ngẫm, đọc và trao đổi để tìm ra hướng sáng tạo mới của mình. Tập thơ đầu tay “Tìm sợi rơm vàng” đã “bắt mạch” rất đúng định vị con đường thơ của Nguyễn Văn Thanh, như nhà phê bình Lê Thành Nghị đã viết: “Nhà thơ Nguyễn Văn Thanh lựa chọn con đường sống ở quê hương, sâu sắc tình nghĩa vun vén chăm lo nuôi nấng và gìn giữ những kỉ niệm những kí ức riêng của mình rồi thả hồn trong những câu thơ bình dị. Cũng chảng phải để lập ngôn hay tạo lập danh tiếng gì khắc bia, tạc đá to tát gì, anh chỉ muốn bày tỏ tình cảm chân thành của mình những gì anh nhớ, anh mang ơn”. Tôi rất thích bài thơ “Tháng 5 ” bởi cách viết mới mẻ trong cảm thức ruộng  đồng: “Lại được nghe tiếng chuột chút chít trên chạn thóc/ Bầy sẻ ríu ran nơi bờ tre/ Lại ngọt ngào mùi thơm cơm gạo mới/ Mùi rơm nồng nồng trải dọc đường quê”. Ông đã thẩm thấu đến mặn mòi thịt da khi: “Thấp thoáng mùi mồ hôi áo cha hăng hắc/ Bùn lấm lem trên áo quần mẹ mặc/ Chiếc vòi hái dài ngúc ngoắc đòn tre”. Chỉ với “hoa lạc” bé nhỏ và khiêm nhường thế mà ông đã ngẫm ra bao nghĩ ngợi ân tình sâu lắng: “Hoa lạc thắp lửa đồng/ Mặt trời li ti mọc/ Quê vừa qua lũ lụt/ Ngấn phù sa ôm vòng”. Ông đã gọi tên, ông đã bồi đắp và thơ ông chính là “phù sa” tình nghĩa của miền quê chắt chiu bao thương mến. Phải thật tinh tế đồng cảm ông mới nhận ra: “Đàn cò trắng đánh thức đồng bừng dậy/ Đất lạnh tê ì ọp thở hơi người”(Nhớ Đồng). Chỉ âm thanh “ì ọp” thôi mà sống động  mà tươi mới mà thấm  đậm biết bao. Phải là người trong cuộc, người “một nắng, hai sương” lam lũ với ruộng đồng ông mới nhận ra cái bước chân lội ruộng hào hển thở sủi cả bong bóng bùn non. “Ngón chân mẹ” là một tứ thơ hay giàu tính khái quát và chân thực từ: “Mẹ đi từ châu thổ sông Hồng/ Phù sa ngập bàn chân mẹ” đến: “Con đường mẹ đi dấu chân bám vào mạch đất/ Ngón chân cái chìa ra/ Thành đất mũi Cà Mau”..

Cách đây vài năm ông rơi vào hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo, khi vợ ông một người hiền lành đôn hậu không may mắc bệnh hiểm nghèo. Ông chăm sóc vợ từng bữa ăn, giấc ngủ xoa dịu cơn đau tận xương tủy. Thời điểm đó ông đã “vịn câu thơ mà đứng dậy”(Phùng Quán) đó cũng là lúc tập thơ “Nửa vầng trăng” được hình thành. Âm điệu của tập thơ này nhiều chiêm nghiêm và không ít nỗi buồn nhưng ông đã vượt lên và chính thơ đã đồng hành với ông trong những đêm trắng trong những nỗi đau đớn tột cùng. Câu thơ của ông có lúc như nén lại với một lực lò xo quá sức: “Đè lên đôi vai mảnh mai thiếu phụ/ Nửa vầng trăng chiếc đơn/ Ngỡ cuộc đời heo hút gió mưa buồn/ Trên nửa vầng trăng đơn chiếc/ Như con cá bị ép vào nơi cạn nước/ Bỗng xuất thần nhảy vọt xuống sông sâu” (Nửa vầng trăng). Riêng mảng thơ viết cho thiếu nhi được nhà thơ dành khá nhiều tâm huyết. Nếu như thơ viết cho người lớn với nhiều chiêm nghiệm như là “kinh nghiệm sống” thì thơ viết cho thiếu nhi của ông thật hồn nhiên, trong trẻo và năng động linh hoạt. Vẫn là sự quan sát tinh tế nhưng ông đã “thổi” vào đây một sức sống mới với những phát hiện tươi mới: “Ông cóc ngồi xổm há miệng/ Chậm rãi đớp từng hạt mưa/ Lăng xăng chị gà mái mơ/ Đội mưa chạy quanh tổ mối/ Cong đuôi mèo con chạy vội/ Xù lông vẫy nước khắp nhà” (Cơn mưa đầu hè). Vẫn một đời sống nông thôn với vẻ đẹp bí  ẩn của thiên nhiên giao hòa với lòng người, vẫn một thổn thức nhưng rạo rực và con mắt của một “thi sĩ nông học” mới nhận ra điều này: “Hè đã qua gần hết/ Diều còn neo trời xanh” (Hè qua trên đồng). Diều neo hay tiếng thơ của ông neo lại với tuổi thơ. Đặc biệt rất nhiều bài thơ viết cho tuổi nhỏ, ông lấy từ hình ảnh thân thương hàng ngày và chính mình khi đã làm ông để hóa thân, để bày tỏ. Ví như một chi tiết thật thú vị trong bài thơ “Bà và cháu”: “Bà lấy vội ngọn gió/ Để dành từ tay ra/ Mồ hôi cháu trốn hết/ Cười tươi trong mắt bà”. Và thật hạnh phúc khi tập thơ “Quả từ đâu ra” của ông được nhà xuất bản Giáo dục chọn mua bản quyền 18 bài thơ in vào các tập sách giảng dạy hệ Mầm non.

Thật lạ, với một người viết thơ trải lòng và hồn nhiên như thế lại là tác giả tập lý luận phê bình với nhiều kiến giải khá sâu sắc về học thuật có sức thuyết phục khi ông cho ra mắt tập “Biên độ của cảm xúc và liên tưởng” chứng tỏ sức đọc tự học của ông khá bền bỉ. Những bài viết này bắt đầu từ những cảm  nhận của người sáng tác nên có sức hấp dẫn và in đậm dấu ấn cá nhân. Cuối năm 2020, cả Hội đồng Thơ và Ban văn học thiếu nhi đều nhất trí cao giới thiệu ông vào Hội Nhà văn Việt Nam và được chuẩn y với số phiếu tuyệt đối.

Chiều muộn, từ nhà ông ra về, tôi phóng xe trên con đường làng trải vàng rơm tươi. Mùa gặt đã qua. Lùi lại những lo toan vất vả, lùi lại những đau buồn đã trải, nhà thơ Nguyễn Văn Thanh, người suốt đời “Đi tìm sợi rơm vàng” vẫn đang miệt mài “chuốt” lại những trang bản thảo để cho ra đời những tác phẩm mới.

Hà Tĩnh, ngày 24 tháng 09 năm 2021

      Nguyễn Ngọc Phú

 

. . . . .
Loading the player...