04-06-2021 - 14:45

Mỹ thuật trong văn minh đô thị

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 5/2021 trân trọng giới thiệu bài viết "Mỹ thuật trong văn minh đô thị" của họa sĩ Lê Anh Tuấn

 

mỹ thuật trong văn minh đô thị    

   

       Mỹ thuật là một nhu cầu khi nền kinh tế xã hội ngày càng tăng trưởng. Mỹ thuật không chỉ tự thân làm đẹp cuộc đời mà mỹ thuật còn là mặt trận, các nhà điêu khắc, các họa sỹ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Văn minh đô thị bộc lộ rõ thông qua vai trò mỹ thuật, nó vừa là hiện tượng, vừa là bản chất của giá trị thẩm mỹ ở bất kỳ một đô thị nào. Đất nước ta trong thời kỳ đổi mới và mở cửa, đô thị ào ạt mọc lên để kịp với sự phát triển xã hội. Trên đà phát triển nhanh, mạnh, đô thị không thể thoát khỏi những hạn chế tất yếu của nó về giá trị khoa học và giá trị thẩm mỹ. Vì vậy để hạn chế những yếu kém, người ta đã và đang ra sức tìm cách đưa văn minh vào đô thị. Những ngành khoa học đủ sức đảm nhiệm công việc này phải là kiến trúc và mỹ thuật. Mối quan hệ giữa hai lĩnh vực trên càng chặt chẽ bao nhiêu thì hiệu quả ra đời các đô thị càng có sức thuyết phục bấy nhiêu. Khi làm quy hoạch đô thị, không phải chỉ có ngành xây dựng đảm nhận là đủ... Vai trò mỹ thuật không phải là tất cả, nhưng nó là rất nhiều. Mỹ thuật có quy hoạch tượng đài và tranh hoành tráng trong đô thị, quy hoạch khu di tích, cụm di tích trong mối tổng hòa của quy hoạch đô thị, có vậy khi ra đời một đô thị mới gây được ấn tượng đẹp với quảng đại quần chúng. Từ lâu mối quan hệ giữa quy hoạch xây dựng đô thị với mỹ thuật mới chỉ dạng hình thức, người ta chỉ làm cho qua chuyện. Đô thị hầu như chỉ thuộc về kiến trúc, giao thông, điện nước, còn mỹ thuật khi nào dư dật mới tính đến, bởi vậy mới có chuyện tượng đài công viên, tranh hoành tráng, cãi lộn với kiến trúc. Mẩu chuyện nhỏ về tường dài công nông của nhà điêu khắc Mu Khi - Na (họa sỹ Liên - Xô cũ) thì rõ. Khi ở hội chợ Pari (1936) khối tượng thật hùng vĩ, hấp dẫn, tháp Ép - phen, nhà cao tầng các cung điện không làm lụ mờ mà chỉ tôn cụm tượng lên tột đỉnh. Nhưng khi người ta đưa chúng về đặt Mạc - Tư - Khoa thì bỗng hết tác dụng thẩm mỹ, nó chìm nghỉm đâu đó, các nhà điêu khắc không tìm đâu ra chỗ đặt khối tượng khổng lồ này. Chuyện cho hay mối quan hệ máu thịt giữa kiến trúc và điêu khắc, giữa tổng thể và chi tiết, giữa thời gian và không gian. Vẻ đẹp đô thị không thể thiếu mối quan hệ tất yếu giữa các loại hình tham gia. Trở về với đô thị của chúng ta hiện nay điều trước tiên là tính trật tự của nó còn rất hạn chế, dẫn đến sự khập khễnh về nhiều mặt, cái cao thì chưa tới mà dài cũng chưa đủ, quần thể kiến trúc tiêu biểu cho đô thị còn mờ nhạt, mỹ quan toàn cục bị vằm nát, rối rắm, chắp vá. Văn minh đô thị chỉ còn biết kế đến ít tòa nhà cao tầng, nhưng vóc dáng và ngôn ngữ, tạo dựng lên chúng bị lai căng, bỏ rơi mất bản sắc dân tộc. Chúng ta tiếp cận văn minh đô thị thế giới để làm cái văn minh đô thị cho mình, giống mình, phù hợp với bản chất người Việt. Nếu mọi giá trị sáng tạo đều bắt đầu hình thành từ ngọn nguồn trong lành thì kết quả là điều tất yếu. Văn minh đô thị theo chúng tôi trước hết phải khai thác, chắt lọc cái tinh hoa của dân tộc qua mấy ngàn năm dựng nước, trật tự của kinh đô Thăng Long xưa được thiết lập ngay từ định chế của nhà nước: Quan nào áo nấy, tía xanh vàng tím phụ thuộc chức dịch đương nhiệm, rồi nhà cũng vậy, xe pháo, ngựa nghẽo, binh khí, kèn trống thảy đều phụ thuộc vào tước phẩm triều đình. Cấu trúc đô thị đương đại chúng ta không thể sử dụng được gì trong những định chế của phong kiến, nhưng ở khía cạnh khai thác: “Hà Nội ba mươi sáu phố phường...”. Với đặc thù nghề nghiệp như cha ông xưa, thiết nghĩ cũng có nhiều điều thú vị, cần được lưu tâm đến. Như một bản giao hưởng, đô thị cần phải có chỉ huy tài ba, người chỉ huy quyết định bản giao hưởng đó hay hoặc dở. Trong đô thị của chúng ta thiếu hẳn yếu tố trên, vì vậy nó xô bồ hỗn độn, chắp vá, mạnh ai nấy làm, có quyền, có tiền là xong hết, không ít những ngôi nhà cao mà không thoát được sự kệch cỡm, các nhà thiết kế không ít người phải chiều khách (mà người ta gọi là thượng đế) cho được việc. Vai trò mỹ thuật trong đô thị hiện nay cũng chưa thể thoát khỏi tình hình chung nói trên. Vì vậy ai vẽ gì, viết gì, to, nhỏ, xanh hay đỏ, thảy đều do sở thích của khách, do đồng tiền mà khách bỏ ra, đô thị nào cũng mang trên mình cái ồn ã, chen lấn về mỹ thuật, dẫu có ít nhiều khác nhau. Trong cái chung, đô thị Hà Tĩnh có nét đặc thù riêng. Là một vùng địa lý khắc nghiệt, nền kinh tế còn thấp, việc ra đời một đô thị không tránh khỏi những hạn chế tất yếu. Những năm trước, kiến trúc, mỹ thuật đô thị tỉnh nhà chứa trên mình nhiều nguồn tầm thường đổ vào như Nam Hà, Huế vv... Khi ta nhận ra sự yếu kém của nó thì cũng phải mất vài thập kỷ. Mấy năm gần đây đô thị Hà Tĩnh được dựng lên nhằm đáp ứng nhịp độ phát triển xã hội. Nhưng nhìn chung các đô thị của ta vẫn đang rơi vào tình trạng chắp vá, xô bồ, nguyên nhân vẫn chỉ là chưa tập hợp được các loại hình nghệ thuật tham gia. Ta vẫn nằm trong tình trạng vừa học, vừa làm, cái phương thức mà ở cuối thế kỷ 20 này không còn phù hợp nữa. Đô thị của ta nhỏ, nhưng nhỏ không phải là kém cỏi, xấu xí. Nhớ lại thị xã Hà Tĩnh ngày mới hòa bình (1960-1964) kinh tế còn nghèo, quy mô chưa bằng một phần ba bây giờ, nhưng nó rất có duyên, suốt trục đường là ngô đồng xanh thẳm, cái trật tự đô thị lúc bấy giờ lại tôn lên, làm đẹp thêm duyên sắc đô thị. Cái thời đó, tháng khiến ta nghĩ đến những vùng vạt cư dân tồn tại với nhau trên cơ sở đồng nghề đồng nghiệp. Trật tự này làm chúng tôi nhớ tới kinh thành Thăng Long xưa với những phường nghề, phố nghề... Đô thị Hà Tĩnh hiện nay, chưa thể một sớm, một chiều trở thành văn minh được, trong thực trạng “vừa rạp, vừa đẻ” thì văn minh, thông qua những loại hình kiến trúc, mỹ thuật còn vấp phải rất nhiều khó khăn. Đô thị quy mô to, nhỏ, phụ thuộc vào kinh phí đầu tư nhưng dù nhiều ít, cái cốt lõi phải đặt ra trước hết là quần thể kiến trúc - mỹ thuật phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng, đó là nhà hát, công viên, khuôn viên, chợ và cung văn hóa thể thao... Ở tỉnh ta yếu tố then chốt này lại đặt ra sau cùng, đô thị phải có điểm tụ, như bức tranh cái để người xem nhìn vào phải là ở đâu và người họa sĩ định nói cái gì truyền thụ cái gì, có vậy bức tranh mới có sức hấp dẫn... Con người ta thói quen là một điều đáng sợ nhất, nó trộn lẫn giữa ý thức tầm thường và bản năng. Cứ xem cái Tháp Rùa ở thủ đô Hà Nội thì rõ: Ý nghĩa và sự ra đời của nó không có gì để bàn, giá trị nghệ thuật chẳng chứng tỏ cái gì, đại diện cho ai, vậy mà bỗng trở thành biểu tượng của thủ đô (sâu sắc và đậm nét đôi khi còn hơn cả Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột). Sự công nhận ấy của con người âu cũng chỉ do thói quen mà ra. Sao những danh sỹ Thăng Long không để nguyên đó, một thảm cỏ xanh, hay đặt lên đó một pho tượng vua Lê Thái Tổ hoàn gươm thì ý nghĩa của nó đâu chỉ có vậy... Đô thị Hà Tĩnh vài nơi cũng xuất hiện vẻ chơi trội, gây ấn tượng lạ: Đó là con đại bàng trên nhà cao tầng trên trục đường 1A gần Cầu Phủ, là tượng đức bà Maria ở thị xã Hồng Lĩnh, đứng sừng sững trên nhà hai tầng, những vẻ ấy khách thập phương Nam ra, Bắc vào dễ nhớ, còn giá trị thẩm mỹ trong đô thị thì thật tai hại, lâu rồi, biết đâu nó trở thành “biểu tượng” cũng nên... Tham gia vào cái xô bồ của độ thị Hà Tĩnh hiện nay, phải ghi nhận một hiện tượng: đó là tranh và biển quảng cáo; đây là một cuộc ẩu đả nhau về to, nhỏ, về xanh, đỏ, vàng tím ai có tiền là thỏa thích bội vẽ, không theo một luật lệ nào. Tất nhiên thời của quảng cáo, không thể ép người ta phải thế này thế nọ, nhưng nếu thuận theo một ước định chung thì sẽ làm đô thị văn minh hơn trên cơ sở: người đẹp - ta đẹp. Một đô thị đẹp, phải ghi nhận đến yếu tố con người: ăn mặc, đi đứng, nói năng. Người Pháp khi ra khỏi nhà ai cũng mặc đẹp và sang trọng, vì vậy Pari của họ đã đẹp càng thêm đẹp. Đô thị chúng ta về mặt này còn hạn chế, ăn mặc tùy tiện, thậm chí kệch cỡm, chẳng biết mình đẹp hay xấu, chúng ta chưa làm được điều: mình vì mọi người, mọi người vì mình. Những năm gần đây đô thị ở Hà Tĩnh có nhiều biến đổi, đã xuất hiện ít ngôi nhà tao nhã, vẻ đẹp ở nội và ngoại thất mang tính thẩm mỹ, song không ít nhà ở, nhà công sở muốn tạo cho mình cái khác người, bởi vậy hiệu quả thẩm mỹ kém, bộc lộ cái “Trưởng giả tầm thường”. Công viên, khuôn viên và những nơi hội tụ đông người hầu như còn bỏ trống; nó cần có cụm tượng đài, tranh hoành tráng và mặt bằng tổng thể mang tính thẩm mỹ cao mới kịp đáp ứng nhu cầu của quảng đại quần chúng, nhất là thế hệ trẻ thanh thiếu niên. Chúng ta phải có ngay quy hoạch tượng đài cho những điểm tụ hội, điểm lịch sử quan trọng ghi nhận chiến tích anh hùng của quân và dân Hà Tĩnh, có vậy mới nhắc nhở, giáo dục được thế hệ con em chúng ta ngày nay và mai sau. Trong các đô thị cần được thể chế hóa những loại hình nghệ thuật tham gia, cần đưa kiến trúc, mỹ thuật không những chỉ cho tổng thể đô thị mà ngay chi tiết cụ thể từng phần cũng phải quan tâm đến. Văn minh đô thị là quá trình giao lưu, hòa nhập, nhưng dù thế nào đi nữa bản sắc dân tộc vẫn phải được đặt lên hàng đầu, có bản sắc dân tộc thì văn minh đô thị mới đích thực có giá trị./.

Lê Anh Tuấn

 

. . . . .
Loading the player...